INRASARA: ‘SAU MỖI TÁC PHẨM LUÔN LUÔN LÀ KHỞI ĐẦU’
Từ Nữ Triệu Vương thực hiện
Nhà thơ, nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá Chăm Inrasara sớm có nhiều thành công với Tháp nắng (1996); Sinh nhật cây xương rồng (1997); Hành hương em (1999); Lễ tẩy trần tháng Tư (2002)… và nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.
Dưới đây, thi sĩ của điệu múa Apsara và những tháp Chàm uy nghi có cuộc đối thoại với eVăn xung quanh thơ trẻ và giải thưởng văn học ASEAN.
*
– Tháng 10 này, anh sẽ sang Bangkok (Thái Lan) nhận giải thưởng văn học khu vực Đông Nam Á cho tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư. Cảm giác của anh thế nào khi biết mình là nhà thơ dân tộc thiểu số đầu tiên của Việt Nam được trao giải?
Inrasara: Tôi nghĩ đó là phần thưởng dành cho tình yêu và nỗ lực chung của thế hệ chúng tôi đối với văn chương chữ nghĩa – thế hệ xuất hiện trong giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập, nhưng cá nhân mình được may mắn hơn. Đó cũng là một ghi nhận sự đóng góp của các nhà văn dân tộc thiểu số vào nền văn học đa dân tộc Việt Nam hôm nay, một đóng góp rất đáng kể. Gần hơn, giải thưởng mang tầm khu vực dành cho nhà văn đầu tiên của dân tộc Chăm là hãnh diện chung. Nó như chất kích thích thôi thúc các bạn viết trẻ người Chăm tự tin xuất hiện và nhập cuộc.
Cảm giác ư? Vui, nhưng tôi tiếp nhận tin không vồn vã lắm! Đơn giản thôi: quá tứ thập rồi mà! Rồi khi báo chí đưa tin (lại có vài chi tiết sai như: người dịch Lễ tẩy trần tháng Tư chẳng hạn, hay: Từ điển là công trình chung chứ riêng gì Sara đâu! Vậy mà vài nhà báo đã bỏ dấu ngoặc đi!). Phiền là vậy.
Riêng cá nhân mình, sau mỗi tác phẩm luôn luôn là khởi đầu; và sau mỗi giải thưởng luôn là một khởi đầu lại. Mãi mãi khởi đầu lại.
– Lễ tẩy trần tháng Tư được viết bằng tiếng Chăm và tiếng Việt. Người Chăm đón nhận tập thơ của anh ra sao trước và sau sự kiện giải thưởng ASEAN?
Inrasara: Sáu năm trước, khi tập thơ đầu tay Tháp nắng của tôi được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, rất ít người Chăm biết mà chúc mừng. Tôi nghĩ họ chưa nhập cuộc vào dòng chảy của sáng tác văn chương tiếng Việt hôm nay, nên anh em khá hờ hững với một “biến cố” như thế, mặc dù đó là tập thơ được anh em đồng tộc đọc nhiều hơn cả. Ngược lại, với Lễ tẩy trần tháng Tư, dù tập thơ ít được anh em Chăm tiếp nhận, nhưng giải thưởng Hội Nhà văn 2003 dành cho nó lại được bà con đón nhận nồng nhiệt, nhất là khi nghe tin nó đoạt Giải ASEAN: Lời chúc mừng bay về tới tấp! Điều đáng tiếc là các sáng tác tiếng Chăm của tôi chỉ mới phổ biến rải rác. Tôi cứ mãi dành thời giờ và tiền bạc cho văn học cổ điển của dân tộc. Hi vọng sẽ sớm đáp ứng kịp thời sự mong đợi của bà con.
– Có nhiều ý kiến cho rằng, Lễ tẩy trần tháng Tư là đại diện cho sự nghiệp Inrasara, nhưng tôi thiết nghĩ, văn chương thơ phú là công việc của cả đời. Anh nghĩ sao?
Inrasara: Vâng! Vài bạn thơ tôi đã nghĩ thế. Nhà thơ Trúc Thông trong báo Thơ thì viết rằng: “Với Lễ tẩy trần tháng Tư, Inrasara đã đạt tới niềm khoái cảm tự do đầy bình tĩnh của một thi sĩ. Từ Tháp nắng, bằng 6 năm trần mình trong lao động thi ca, nhà thơ này đã vững đứng trên một đỉnh cao mới của chính anh”.
Nhưng, thế nào là “đại diện”? Cuộc văn chương ai dám nói trước? Có người ra tập đầu có ít tiếng vang rồi, nghỉ. Có nhà văn tiến từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, luôn tạo bất ngờ mới. Tôi thích từ “sự phát triển tinh thần” Sullivan dùng khi viết về Beethoven hơn. Dostoievski trong văn chương, cũng vậy. Thích là thế, nhưng ai biết đâu cái sự thơ! Điều quan trọng là: cố gắng làm việc một cách chuyên nghiệp, hãy vứt bỏ sợ hãi hay mặc cảm đi. Tất cả sẽ đến sau đó.
– Tập thơ của anh khá kén chọn độc giả, vì nếu muốn tiếp cận trọn vẹn tác phẩm, người đọc phải thật sự hiểu biết văn hoá Chăm. Anh có ý định hướng lòng mình xa hơn chiếc nôi đã nâng đỡ tiếng thơ anh?
Inrasara: Tôi không nghĩ vậy. Chắc gì chúng ta đã “phải thật sự hiểu biết” văn hóa phương Tây, nhưng chúng ta cứ đọc Bonnefoy, Frost… đấy thôi.
Con người luôn chịu tác động bởi hoàn cảnh: môi trường tự nhiên, gia đình và xã hội, nền giáo dục, tiếng nói, các cuốn sách đã đọc… Chúng như thứ lực lượng vừa hữu hình vừa vô hình khuôn định suy nghĩ ta, khó lòng trốn thoát. Đó là thứ “tập khí” mà nhà thơ, khi sáng tác, phải chịu tác động. Hơn thế, anh/chị ta còn phải chịu sự chi phối của ngôn ngữ anh/chị ta sử dụng nữa. Thế nhưng, theo tôi, nhà văn khi sáng tác luôn hướng tới một đối tượng người đọc giả định, đối tượng này không giới hạn trong không gian địa lí hay văn hóa nào. Do đó, nhà văn ngay từ khởi điểm công cuộc viết, hắn phải hướng ra ngoài, một “ngoài đó” rất mù mờ và bất định.
– Anh quan niệm thế nào về nghề viết?
Inrasara: Viết không là một nghề. Còn nếu muốn gọi là nghề thì nó hẳn là nghề rất “đặc biệt”. Với tôi, tôi viết vì: Yêu. Suy tư, Buồn/Vui và Yêu. Yêu nhiều thứ và nhất là yêu chữ. Vậy thôi.
Tôi còn buồn là tôi còn sống
tôi còn viết là tôi còn yêu
tôi hết yêu là tôi đã chết.
– Khi đánh giá về thơ đương đại, dư luận thường có hai xu hướng: “Khen thì hết lời mà chê thì hết lối”. Anh nghĩ sao?
Inrasara: Có lẽ vậy thật. Dana Gioia trong tiểu mục: “Nhà thơ làm thế nào để được biết đến”, đã có đề nghị: “Nhà thơ cần viết nhiều về thơ hơn, vô tư hơn và công hiệu hơn”. Bởi thơ hiện đại hãy còn xa lạ với người đọc. Đã lâu lắm rồi, các trào lưu thơ thế giới chưa được giảng dạy trong các trường đại học. Nhà thơ sáng tác theo khuynh hướng mới, cần thuyết lí về hệ thẩm mỹ của mình, dĩ nhiên, bằng ngôn từ giản đơn có thể. Ở các báo chuyên lẫn không chuyên. Và, khi viết về thơ của người cùng thời, nhà thơ cần viết với tinh thần trong sáng, vô tư. Không bài xích kẻ không cùng quan điểm sáng tạo, không phủ định sạnh trơn các sáng tác mình chưa hiểu; sẵn sàng ca ngợi và biết ca ngợi các bài thơ hoặc thi phẩm độc đáo. Công hiệu, tại sao? Bởi đã không ít kẻ ủng hộ cái mới, nhưng do ở cách thẩm định và diễn đạt, các lời lẽ đề cao thành phản tác dụng: người đọc càng dị ứng với cái mới hơn!
– Theo anh, thơ sẽ đi về đâu?
Inrasara: Thơ không đi đến đâu cả, nhưng nó cứ đi, đi về nơi nó tưởng nó sẽ đến. Nhưng dẫu có đi tới đâu, nó cũng phải trở về, trở về nơi nó xuất phát: con người, trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ. Lang thang đi tìm hình dạng ngôi nhà thích hợp cho con người cư trú là bổn phận của thơ. Mọi nơi, mọi thời, Đông hay Tây, kim hay cổ. Khác điều, tốc độ cuộc sống hôm nay đi nhanh hơn, nên hình dạng thơ thay đổi nhanh hơn. Cứ mỗi 5-7 năm làm ta giật mình. Mặc ta nhăn mày hay hãi sợ, thơ cứ phải thay đổi, nếu nó không muốn… bệnh! Cùng thế giới, xã hội Việt Nam đang đổi thay. Cùng với thơ thế giới, thơ Việt cũng đang chuyển động. Nó dũng mãnh (hay ẻo lả) đi về hướng nó cần đến: sự dịch chuyển không ngưng, không nghỉ.
*
eVan.vnexpress.net, 27.8.2005.