CHIA BUỒN
Nhạc sĩ Đàng Năng Quạ – thường được gọi là thầy Quạ -, Hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, sinh ngày 23.09.1932 tại làng Chăm Hamu Crauk, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; cư trú tại làng Chăm Hamu Tanran – Hữu Đức, xã Phước Hữu; đã từ trần vào lúc 14 giờ ngày 28.10.2007, hưởng thọ 75 tuổi.
Website inrasara.com, bà con Chăm, bạn văn nghệ và học trò cũ của thầy vô cùng thương tiếc và xin gởi lời chia buồn đến gia đình thầy. Cầu mong linh hồn thầy sớm về với tổ tiên.
*
Để ghi nhận đóng góp của thầy vào văn học – nghệ thuật và ngôn ngữ Chăm, bạn bè và học trò thầy dự định tổ chức Đêm nhạc Đàng Năng Quạ, đồng lúc phát hành tuyển tập ca khúc của thầy: BHUM ADEI. Tiếc rằng vì lí do khách quan, cả đêm nhạc lẫn tập ca khúc đã chịu dang dở.
Tôi xin đăng lại nguyên văn bài BẠT cho tập ca khúc đó, như là một biểu hiện nhỏ để tạ ơn thầy: Nhạc sĩ Đàng Năng Quạ.
*
Inrasara
CẢM NHẬN BHUM ADEI CỦA ĐÀNG NĂNG QUẠ
Trong nỗi ngây thơ của tuổi trẻ, thế hệ lứa chúng tôi có bốn thần tượng. Bốn thần tượng với tính cách người khá dị biệt: nếu một Thành Phú Bá đầm tính mà chân chất, một Nguyễn Văn Tỷ trực tính mà thông minh hay một Lưu Quang Sang sắc sảo và uyển chuyển thì, chúng tôi cũng có một Đàng Năng Quạ đặc Chăm mà vẫn tràn đầy nghệ sĩ tính. Lạ! Bốn cái dị biệt ấy gặp nhau ở một điểm: tất cả đều ưu tư cho sự khôn lớn của thế hệ trẻ và, cho lợi ích của cộng đồng. Chính nó làm nên điều trân quý ở các ông – những thần tượng một thời của chúng tôi. Chính nó làm cho khả năng và đóng góp của các ông đáng cho xã hội Chăm hôm nay và mai sau trân trọng.
Sưu tập, in và phát hành Bhum adei của Đàng Năng Quạ hôm nay, như là một trong những thái độ ghi nhận sự trân quý ấy của thế hệ đi sau, lứa học trò của các ông dành cho thần tượng của mình. Chắc chắn sẽ có vài sai sót khả dĩ, vài thiếu khuyết đây đó trong sưu tập, tổ chức hay diễn xuất; nhưng chỉ tấm lòng mà thế hệ kế cận dành trọn cho ông thôi, cũng đã đặt được dấu ấn đậm nét như là quà tặng đặc biệt của cộng đồng dành cho một tài năng đồng thời là một thách thức cho các thế hệ kế tiếp nữa!
Đề tài sáng tác của Đàng Năng Quạ không thể nói là phong phú, âu cũng là định mệnh cộng đồng quy định. Chính định mệnh ấy đã đóng khung sinh mệnh nghệ thuật ông, phong cách sáng tác của ông. Tình yêu Chăm – Bini bị chia cách, tấm lòng dành cho quê hương và, nhất là tình đoàn kết cộng đồng luôn trở đi trở lại trong các ca khúc chưa có gì là nhiều của ông. Nhưng ngần ấy đề tài được ông phổ vào các giai điệu êm dịu và nhẹ nhàng, cũng đủ chinh phục trái tim của bao lứa tuổi, vài thế hệ. Họ đến với ông, yêu nhạc ông, thuộc lòng và truyền khẩu các ca khúc của ông. 40 năm qua!
Điều nữa cần ghi nhận: Đàng Năng Quạ chỉ sáng tác bằng tiếng Chăm, thứ tiếng Chăm mộc mạc, chân chất nhưng không kém phần sang trọng, rất gần gũi với quần chúng. Giai điệu nhẹ nhàng ấy, ca từ giản dị ấy luôn được thể hiện bằng giọng hát mượt mà ngân vang trên các sân khấu miền quê hãy còn khá yên ắng những năm sáu mươi, đã có một sức quyến rũ và cuốn hút không cùng. Chúng đồng hành với cộng đồng Chăm bao tháng năm qua.
Hôm nay, bằng tình cảm vô tư và thiêng liêng, cộng đồng ấy lại muốn dành cho ông một cử chỉ chân tình hơn nữa: Tập nhạc BHUM ADEI của Đàng Năng Quạ và, Đêm nhạc Đàng Năng Quạ như một quà tặng đầu tiên mà họ dành cho một tài năng. Đầu tiên, nên nó vô cùng quý.
Sài Gòn, mùa hè 1999.
*
Đàng Năng Quạ – Các ca khúc chính:
1. Dhar phwơr amaik
2. Palei dahlak
3. Dauk baik adei
4. Bhum adei
5. Kerei jalan
6. Khik sa jalan
7. Krưh caur jwa
8. Gul ppataum
9. Hadah tabbang
10. Khik nưm krung
11. Thrap gap
12. Pan bbut di tangin
13. Hadơr hai
14. Mưrat bac
…………