Thư cho bạn trẻ 09. Thói hư tật xấu của người Việt

Sài Gòn, tháng 09.2005
Bạn trẻ thân mến!
Bạn bảo rằng với xã hội Chăm lúc này, không nên nêu các tật xấu của mình ra, khéo người ngoài cười cho. Thế hệ trẻ Chăm sẽ hết kiêu hãnh về mình, từ đó mặc cảm và không dám nhận mình là Chăm, như nhà thơ thường nói. Nhà thơ không thấy dư luận Chăm phản đối ông Nguyễn Văn Tỷ sao?
Đúng lắm, dù tôi chưa đồng ý hẳn với bạn. Chuyện nêu khuyết tật dân tộc tùy theo góc độ mà người ta nhìn nhận khác nhau. Nhưng với tâm hồn khỏe mạnh và sẵn sàng học hỏi thì nó rất cần thiết. Dẫu sao, để chiều ý bạn, tôi có cách của mình. Tôi sẽ khởi từ xã hội “khác”.

Từ năm 2005, báo Thể thao – Văn hóa (báo của Thông tấn xã Việt Nam), mỗi số thứ Bảy (sau đó chuyển sang thứ Ba) liên tục đăng các bài sưu tầm – biên soạn của nhà phê bình Vương Trí Nhàn về thói hư tật xấu của người Việt, do các nhà hoạt động văn hóa Việt Nam nổi tiếng và đầy uy tín nhận định. Xuất phát từ thực tế cuộc sống, các ý kiến thẳng thắn không e dè, đã giúp cho người Việt hôm nay nhìn lại mình. Từ đó, họ có cơ sở suy nghĩ, điều chỉnh và sửa sai.
Nhận thấy chúng có ích thiết thực cho xã hội Chăm, tôi mạo muội trích dẫn hai nhận định, báo ra ngày thứ Bảy, 18.02.2006, với chú thích cần thiết, cho các bạn đọc Chăm đối sánh. Nêu thẳng “thói hư tật xấu” của Chăm thì cụ thể hơn, nhưng để tránh cho mình rơi vào vòng xoáy bị soi mói như ông Nguyễn văn Tỷ mắc phải về bài “Thực trạng xã hội Chăm…” đăng trong Tagalau 4 nên, đành phải gián tiếp vậy!

Nhà văn Hoàng Đạo
SỢ TỰ DO, CAM CHỊU BẤT CÔNG
(Bùn lầy nước đọng, 1939)

Tục vị thứ hóa ra tục sùng bái ngôi thứ trong làng một cách u ám đê hèn, và thay vào óc kính thượng là một đầu óc nô lệ đáng khinh.
Tự do cá nhân và hết thảy các tự do ở bên ta và nhất là ở nơi thôn quê chỉ là một câu chuyện hoang đường. Cũng vì thiếu tự do – nếu ta không kể sự tự do phục tùng và tự do uống rượu – nên tình cảnh dân quê về phương diện tinh thần mới có vẻ điêu linh tàn tạ. Cũng vì thiếu tự do nên người ta đối với những công cuộc cải cách mới lạ thường có cái tâm lí ngờ vực. Sức phản động dìm dập dân quê vào nơi ngu tối, tạo cho họ cái tính nô lệ, cái căn tính chịu đựng trước những sự tàn ngược ức hiếp.

Đào Duy Anh
THÙ GHÉT MỌI SỰ THAY ĐỔI
(Việt Nam văn hóa sử đại cương, 1950)
Chúng ta không có những nhà tư tưởng xây dựng được những công trình huy hoàng phong phú. Chúng ta chỉ cốt sống lấy được, và trong địa hạt tư tưởng nghệ thuật, chỉ nghĩ đến cái gì có thể giúp cho mình thích ứng với hoàn cảnh, để theo đuổi một cuộc sống tầm thường kín đáo mà thôi. Bởi thế nếu thỉnh thoảng có một người nào có khí độ phóng khoáng, không chịu ép mình làm nô lệ thánh hiền mà vượt ra ngoài vòng lề lối – mới vượt ra ngoài chứ chưa chắc đã xây dựng được cái gì mới – thì xã hội đã xem là quái vật mà không dung. Hoặc giả khi có nhà nghệ thuật thực hiện được một cái gì to lớn phi thường thì ta luôn có ý đè bẹp nó xuống ở trong bóng tối mò. Những thái độ và quan niệm xuất kỳ ấy thường bị cái tính thực dụng của dân tộc kìm hãm hay bài xích ngay.

*
Hàng mấy trăm ý kiến thẳng thừng như thế được nêu ra trong suốt hai năm, gây phản ứng đối nghịch trong dư luận xã hội Việt. Nhưng ông vẫn đứng vững, vì ông có cả lớp độc giả trẻ sau lưng ủng hộ mình. Ông nói: “Hiểu rõ nguồn gốc dân tộc, sự hình thành của dân tộc mình là một trong những cách để nhận chân lại mình”. Vài tháng qua, ông tiến hành tổng kết thói hư tật xấu đó, rồi đưa ra nhận định riêng của ông. Thử đọc vài ý chính của bài phỏng vấn mới nhất: Vietnamnet, 20.10.2007.

“Tôi nhớ, trong một bài báo gần đây, ông Trần Ngọc Thêm (Tiến sĩ Khoa học, Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hoá) có nói: Đặc điểm tính cách, người Tây là duy lý, người Tàu là duy ý chí còn người Việt là duy tình. Chữ tình, nói theo chữ của ông Thêm, là lối sống giàu tình cảm, trọng tình nghĩa của người Việt. Nhiều người cũng nghĩ như ông Thêm. Phần tôi, tôi cho rằng chỉ nên nói đặc điểm người Việt là tính tự phát rất lớn, thường là những cơn xúc cảm bùng lên, song không trải qua những suy ngẫm nên sẽ qua đi nhanh.
Tôi không coi duy tình là một niềm tự hào. Trái lại, ta phải tính để vượt lên một trình độ sống khác.
Cả sự kém duy lý (vận dụng đến cùng trí tuệ) và kém duy ý chí (sự thôi thúc của tham vọng) đều góp phần kìm hãm sự phát triển của chúng ta. Kém lý trí dẫn đến nông nổi, cạn nghĩ. Kém ý chí dẫn đến ngắn hơi, ăn xổi. Cái gọi là duy tình rút lại là đồng nghĩa với bột phát, tùy tiện, lúc thế này lúc thế khác, và thường không dẫn đến sự sáng suốt cùng những quyết sách hợp lý, nhất là trong xã hội hiện đại.
Dân tộc Việt là một khối tự phát khổng lồ. Người Việt ít đặt vấn đề dụng công nghiên cứu cái gì cho sâu, cho kỹ. Chúng ta tự cho phép sống theo thói quen, nếu như có nói đến các lý thuyết… Nếp tư duy hời hợt lan rộng.
Người Việt lanh, khôn, nhưng thiếu chắc chắn…
Người Việt Nam thường rất sợ sống một mình. Việc ít đọc sách, ít nghiên cứu cũng là một biểu hiện. Điều này thể hiện tính bầy đàn cao. Muốn có trí tuệ thì phải dám đơn độc”.

* Chú thích:
1. Về ngôn từ: Hoàng Đạo – một nhà văn cấp tiến, dùng từ rất nặng nề: “u ám đê hèn, nô lệ đáng khinh, sức phản động dìm dập”. Đào Duy Anh có tiếng là nhà văn hóa nhân hậu vẫn có từ khá gay gắt: “cuộc sống tầm thường”, “quái vật không dung”. Còn nhà văn người Trung Quốc Bá Dương còn kêu đích danh văn hóa Trung hoa là “thứ văn hóa hũ tương” nữa! So sánh với ba vị trên, ta dễ dàng nhận thấy Nguyễn Văn Tỷ khi phê bình tật xấu của Chăm trong Tagalau 4, dùng ngôn ngữ còn nhẹ hơn rất nhiều.

2. Nội dung: Phê bình là phải chỉ ra sự thật, nói trắng ra tật xấu của dân mình. Còn nhân nhượng với tật xấu, thì mấy ai chịu sửa? Tại sao trách người phê bình chứ! Nhân danh tinh thần dân tộc để phê phán kẻ phê bình, là rất cổ hủ! Hoàng Đạo nói về người Việt: “tự do phục tùng và tự do uống rượu”, sao mà giống Chăm mình thế nhỉ?
“Tục sùng bái ngôi thứ”, “đầu óc nô lệ” vào chức tước, học vị học hàm cũng rất đáng xem xét. Hoàng Đạo nói thế. Chính ý này, Đào Duy Anh triển khai thêm: Người Việt chỉ “sùng bái ngôi thứ”, “nô lệ” vào chức tước, học vị học hàm, vào chữ nghĩa thánh hiền nên rất ghét kẻ sáng tạo. Ai có tinh thần sáng tạo thì bị “kìm hãm hay bài xích ngay”. Bạn thấy Chăm mình có khác không?
Không ít người của ta “nô lệ” vào thầy, mù quáng tin theo thầy, dù ông thầy phán trật lất! Học, trước hết là nghe theo thầy, sau đó biết tự suy nghĩ độc lâp, rồi mở rộng suy nghĩ của mình. Chỉ như thế, ông thầy mình mới hãnh diện về học trò. Chứ nghe theo đầy nô lệ thì chỉ làm hại thầy mà thôi! Và ông thầy đó cũng quay lại khinh thường mình.
Họ hàng bà con, anh chị em thường nghe theo nhau. Nếu có kẻ giận ai thì cái giận lây lan đến cả họ hàng. Ông anh mình ghét ai, mình cũng ghét theo, chú mình nghiêng theo phe nào thì mình cũng làm vậy. Gặp chuyện bỏ phiếu bầu bán chức vị nào đó thì không nói, đàng này người ta đang nói về chuyên môn mà ta cũng cứ vậy mà mù quáng theo. Tội vậy đó! Điều này nói lên “đầu óc nô lệ”, kém lí trí, ít chịu suy tư của người mình, như Hoàng Đạo nói.

3. Báo Thể thao-Văn hóa ngày 17.03.2007, trích ý kiến của Trần Trọng Kim:
“Người Việt Nam có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường nhút nhát hay khiếp sợ… Tâm địa nông nổi hay làm liều, không kiên nhẫn hay khoe khoang và ưa trang hoàng bề ngoài, hiếu danh, thích chơi bời, mê cờ bạc… kiêu ngạo và hay nói khoác….

Đến lúc này, đã có cả trăm danh nhân văn hóa Việt Nam “vô cớ tố cáo” dân tộc Việt như vậy đó. Họ là nhà ái quốc Phan Bội Châu, nhà văn Hoàng Đạo, học giả Đào Duy Anh, Nguyễn Bá Học, Trần Trọng Kim, giáo sư-nhà sử học Trần Quốc Vượng, nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo,… toàn nhà văn hóa đầu ngành suốt thế kỉ XX! Họ có điên không, khi “kết án” dân tộc mình? Và độc giả Việt Nam ngu hết sao lại bỏ tiền ra mua đọc nó?

2 thoughts on “Thư cho bạn trẻ 09. Thói hư tật xấu của người Việt

  1. Thật ra, trong bất cứ xã hội nào, bao giờ cũng song hành những điều tốt, xấu. Vì nếu chỉ toàn điều tốt, thì đó không còn là xã hội loài người. Chúng ta sống để luôn hy vọng sẽ trở nên tốt hơn, và thiên chức của những người làm văn hoá chân chính là dẫn dắt , chỉ lối, khai mở cho dân tộc mình . Nhưng lời chê bao giờ cũng khó nghe hơn tiếng khen.Chê hay , chê đúng là cả một nghệ thuật ( để không bị người khác phiền lòng )….

  2. Thưa các anh,

    Tôi nghĩ là nhận ra các đặc điểm xấu của người Việt đã là cần thiết và đáng quí, nhưng tôi thấy phải đánh giá đầy đủ và nghiêm túc về quá trình hình thành các đặc điểm ấy, từ đó mới có cái nhìn công bằng về những điểm xấu tốt được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *