Inrasara: may mắn luôn có mặt kịp thời

Văn Bẩy thực hiện

– Khi nhận tin mình được giải thưởng ASEAN năm 2005, cảm giác của anh [ngay lúc đó] như thế nào?
Inrasara: Vui và ngạc nhiên. Ngạc nhiên, không phải bởi mình là nhà thơ dân tộc thiểu số đầu tiên mà bởi tôi còn quá trẻ, tuổi đời và nhất là: tuổi viết (chỉ từ năm 1996, thơ tôi mới in và đăng báo, nghĩa là sau rất nhiều nhà thơ được kêu là trẻ hiện nay); trong khi các nhà văn Việt Nam nhận giải trước đó đã quá hay xấp xỉ 60.

– Anh nghĩ gì khi giải thưởng được trao cho anh năm này, mà không phải là những tác giả khác?
Inrasara: Tôi nghĩ: mình may mắn! Bởi giải thưởng nào bất kì có thể chỉ là cái mốc ghi nhận một nỗ lực, phần nào đó: tài năng bên cạnh không thể không kể đến một xuất hiện đúng lúc và cả yếu tố may mắn nữa. Với tôi, may mắn luôn có mặt kịp thời để dự phần.
Tôi nghĩ đó là phần thưởng dành cho tình yêu và nỗ lực chung của thế hệ chúng tôi đối với văn chương chữ nghĩa – thế hệ xuất hiện trong giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập. Đó cũng là một ghi nhận đóng góp của sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số vào nền văn học đa dân tộc Việt Nam hôm nay, một đóng góp rất đáng kể. Gần hơn, là đứa con Chăm, giải thưởng mang tầm khu vực này dành cho nhà văn đầu tiên của Chăm là hãnh diện chung, nó như chất kích thích thôi thúc các bạn viết trẻ là người Chăm tự tin xuất hiện và nhập cuộc.

– Anh chuẩn bị những gì trước khi lên đường nhận giải? Tại sao phải chuẩn bị như thế? Anh sẽ đi với ai & trong bao nhiêu ngày?
Inrasara: Tiếng Anh, có lẽ. Để lưu loát hơn trong ứng xử. Và.. . thơ – song ngữ (cũng có bài tam ngữ), đương nhiên. Tôi có cháu lớn đang thực tập tại Thái Lan, cháu sẽ về Việt Nam cuối tháng 9. Có lẽ cháu ở thêm để cùng về với Hani. Năm ngoái, tôi có hẹn nói chuyện với vài Đại học Thái Lan, lúc đó có quá nhiều việc dồn tới nên không qua được. Có lẽ nhân dịp này trả nợ luôn. Dĩ nhiên, nếu không gì trở ngại.

– Chắc chắn, anh sẽ phải tiếp xúc với các tác giả và độc giả, cũng như báo chí… tại Thái Lan, anh sẽ trình bày những vấn đề gì? Tại sao anh lại chọn vấn đề đó?
Inrasara: Tôi sẽ nói về thơ Việt hiện đại, nhất là thơ trẻ đương đại; về sự cần thiết hiểu biết lẫn nhau giữa nền văn học khu vực, qua dịch thuật hay trao đổi sách,… Tại sao ư? Bởi chúng là vấn đề nóng và cần thiết. Mãi hôm nay, chúng ta vẫn còn chưa hiểu gì nhiều về nền văn học cổ điển hay hiện đại của nhau. Lạ!

– Nếu gặp các câu hỏi kiểu thế này:
+ Thơ trẻ Việt Nam hiện nay thế nào, gồm những ai? Anh sẽ trả lời?
+ Âm nhạc Chăm hiện nay thế nào, những vấn đề gì cần quan tâm
?
Inrasara: Tôi nói thơ trẻ Việt Nam hôm nay đang khủng hoảng, một khủng hoảng cần được nhìn nhận như tín hiệu tốt lành. Tôi nói thơ trẻ Việt hôm nay sẵn sàng tràn bờ, mở ra 3 dòng mới, lạ. Chúng chảy băng băng về đại dương thơ ca nhân loại mà không tự làm mất mình. Trong đó có vài khuôn mặt rất đáng nể. Không giả vờ khiêm tốn đâu: tôi đã học ở họ rất nhiều! Đây có lẽ là đề tài rất hấp dẫn tôi.
Về âm nhạc, có thể nói dài hơn:
Về thể loại, nó gồm có Dân ca (Kadha paran adauh); Ngâm thơ (Hari ariya); Hát đuổi tà (Tiap bhut) và Hát lễ (Adauh mưdwơn),…. Rồi hơn 70 điệu trống nữa! Nội dung thường là những khúc hát giao duyên, trữ tình. . .đối với dân ca. Là những lời kể về lịch sử dựng nước-giữ nước, giai thoại truyền thuyết về các vua. . .đối với ngâm thơ. Còn hát lễ và đuổi tà, nó có tính bí truyền và vi tế, tôi xin một dịp khác để nói vậy.
Về nhạc cụ thì có kèn Xaranai, trống đôi Ginơng và trống một mặt Baranưng. Trong lễ Rija kéo dài suốt 3-7 ngày đêm, 72 điệu trống Rija vẫn luôn là sức mạnh của tâm lí, ý thức Chăm.
Về cách phổ biến và trình diễn: đây là vướng mắc lớn nhất của âm nhạc và của cả người Chăm, bởi nó không phát triển kịp tiến hóa của lịch sử. Hiện nay, các làn điệu truyền thống vẫn còn bảo tồn bằng khả năng truyền miệng và dù đã có vài nỗ lực ký âm nhưng vẫn chưa thành một hệ thống khái quát và chi tiết. Hát lễ vẫn có thể do thầy (Gru) dạy trực tiếp cho trò (Xeh), còn những cái khác thì đâu có thể truyền miệng mãi được.
Tất nhiên là có được một đội ngũ nghiên cứu đủ sức thiết lập một hệ thống xuyên suốt và khoa học; bởi nó xứng đáng được như thế. Chúng tôi rất cần những tấm lòng như Chế Lan Viên trong thơ, Đàng Năng Thọ, Mai Anh Dũng trong hội hoạ, Amư Nhân trong nhạc. . . ; và hơn nữa, chúng tôi cần sức lan toả của họ, để có nhiều người tìm đến văn hoá và âm nhạc Chăm; bởi suy cho cùng, tất cả vẫn còn đang để ngỏ.

– Nhiều người nhận định giải Asean trong nhiều năm qua được trao cho Việt Nam là ở tính cách hữu nghị, chỉ riêng năm này là bắt đầu trao đúng tác giả. Anh nghĩ sao về nhận định này?
Inrasara: Đó là “nhiều người” nói, chứ không phải tôi. Tôi không nghĩ gì về vấn đề này cả đâu! Giải thưởng Nobel lớn là thế mà còn bao lời qua tiếng lại nữa là!

– Sau khi nhận giải thưởng, kế hoạch của anh là gì?
Inrasara: Vẫn cứ làm việc như bình thường thôi mà. Sau mỗi tác phẩm luôn luôn là khởi đầu; và sau mỗi giải thưởng luôn là một khởi đầu lại. Mãi mãi khởi đầu lại.

*
VietnamNet, 08.2005.

One thought on “Inrasara: may mắn luôn có mặt kịp thời

  1. Nếu có một ngày nghe tin Sara nhận giải Nobel văn chương,có lẽ tôi là người đầu tiên không ngạc nhiên, vì anh xứng đáng như thế …
    Chúc Sara luôn khoẻ, viết nhiều hơn nữa.Sức lan toả của anh rất mạnh chính là nhờ tình yêu quê hương sâu thẳm và một khả năng thiên tài về ngôn ngữ sẽ còn làm rất nhiều người phải nghiêng mình thán phục…
    Sara không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Chăm, mà còn của toàn dân Việt 54 anh em …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *