Bùi Khánh Thế: Văn học dân gian Chăm…

VĂN HỌC DÂN GIAN CHĂM LÀ LĨNH VỰC LÝ TƯỞNG
CỦA SỰ TIẾP XÚC VĂN HÓA, TIẾP XÚC NGÔN NGỮ.

1. Trong kho tàng văn hóa dân gian (folklore) của một dân tộc văn học dân gian, hay còn gọi là văn học truyền miệng (oral folklore) có một vị trí đặc biệt. Một mặt nó luôn gắn bó với các bộ phận văn hóa dân gian khác như dân ca, dân nhạc, dân vũ …., mặc khác nó lại có mối liên hệ với văn học viết của dân tộc đó. Bàn về lĩnh vực này, các nhà nghiên cứu văn học dân gian viết: “Văn học dân gian chia làm hai bộ phận lớn: truyện và thơ ca. Truyện gồm có thần thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười. Thơ ca gồm tục ngữ, ca dao và dân ca”. (trích Bài giới thiệu Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Văn học dân gian, NXB Văn học, Hà Nội, 1972). Được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, các sản phẩm của văn học dân gian được chắt lọc dần dần để ngày càng uyển chuyển, linh động, giản dị và điển hình hơn về mặt hình ảnh và phong cách nghệ thuật để có thể phản ánh tốt nhất cuộc sống đa dạng của cộng đồng. Có thể xem đây là đặc điểm hàng đầu của văn học dân gian. (VHDG)
Một đặc điểm khác của VHDG là nó mang giá trị tích hợp rất cao. Đặc điểm này một mặt là hệ quả của đặc điểm trên, mặt khác là kết quả của quá trình tiếp xúc ngôn ngữ, tiếp xúc văn hóa giữa các dân tộc, nhất là đối với một quốc gia đa dân tộc như nước ta. Đặc điểm tích hợp của VHDG còn được thể hiện ở chỗ nó vừa có ảnh hưởng đến văn học bác học, vừa chịu ảnh hưởng từ văn học bác học của dân tộc. Các nhà nghiên cứu văn hóa luôn luôn xem VHDG là “bộ phận quan trọng của văn học dân tộc”, là mạch truyền thống của một nền văn học dân tộc. Không ít tác phẩm văn học truyện nôm khuyết danh Việt Nam vì một lí do nào đó mà tác giả là một nhà nho ẩn danh. Một số akyet, ariya cũng thuộc loại này.

2. Chúng ta đều biết, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa ngữ, với 54 dân tộc anh em, trong đó có tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, được sử dụng như công cụ giao tiếp giữa các dân tộc trong toàn cộng đồng nhân dân Việt Nam. Cùng với tiếng Việt, ngôn ngữ của mỗi dân tộc được sử dụng trong nội bộ dân tộc hay trong vùng cư trú của mình, tùy điều kiện, nhu cầu hay nguyện vọng của từng dân tộc. Thực tế cho thấy phạm vi hành chức của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, văn học ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Tình hình đó là do tác động tích cực của chính sách ngôn ngữ và văn hóa của nhà nước ta, đồng thời cũng do chính bản thân các dân tộc thiểu số anh em ngày càng có ý thức sâu sắc hơn việc bảo tồn và phát huy di sản văn học, văn hóa của dân tộc mình.
3. Trong cộng đồng nhân dân Việt Nam hiện nay sự tiếp xúc giữa Việt – Chăm có vị trí đặc biệt. Trước hết đó là sự tiếp xúc giữa hai Vương quốc cổ đại có lãnh thổ nối liền nhau – Vương quốc Đại Việt và Vương quốc Champa. Vào thời bây giờ mỗi bên tiếp thu chủ yếu ảnh hưởng của một nền văn hóa lớn ở Phương Đông. Đại Việt cũng như các nhà nước tiền thân từ văn hóa Hán và Champa từ văn hóa Ấn (G. Coedes, 1962). Sau nhiều biến cố lịch sử, ngày nay khi Đại Việt và Champa xưa kia, cùng với các tộc người thiểu số khác, hợp thành cộng đồng nhân dân Việt Nam, thì mỗi bên đã và đang đóng góp vào tài sản văn hóa và ngôn ngữ chung cả những giá trị cổ truyền lẫn những nỗ lực phát triển hiện tại của mình.

Trong nền văn hóa Việt Nam hiện đại có những chứng tích rõ rệt của sự tiếp biến văn hóa và ngôn ngữ giữa Chăm – Việt. “Riêng về mặt văn học dân gian, cố Gs Võ Quang Nhơn nhận xét, truyện Dạ thoa (những Dạ Xoa < Yaksana?) có thể là chứng tích cổ nhất mà người Chăm đã đóng góp vào thư tịch cổ Việt Nam từ thế kỷ XV qua bàn tay biên soạn của các trí thức thời Lê. Câu truyện đấu tranh quyết liệt của nhân vật anh hùng Rama với tướng khỉ Hamunan trong thiên anh hùng ca Ramayana của Ấn Độ… được nhân dân Việt Nam ưa thích, tiếp thu một bộ phận nào đó (và dĩ nhiên đã qua sự nhào nặn của các nghệ nhân Champa). (1) Một lần nữa nó lại được các trí thức Đại Việt tiếp thu, biên soạn lại thành truyền thuyết lịch sử, theo xu hướng lịch sử hóa nền văn học dân gian để xây dựng lịch sử và văn hóa dân tộc”.
Trong kho tàng văn học dân gian Việt cũng như Chăm có những tác phẩm mà rõ ràng là cả hai đều bắt nguồn từ một cội rễ chung. Chẳng hạn đó là Truyện Tấm Cám (Việt Nam) và Dalikal ka M’kam –M’hlơk (Chăm). Những chi tiết khác biệt khi so sánh hai chuyện này với nhau cho thấy cái cách mà mỗi dân tộc tiếp biến bản gốc câu chuyện chung này. Tuy nhiên nội dung triết lý, đạo đức nhân sinh mà mỗi tác phẩm dẫn dắt người đọc hướng đến lại rất thống nhất với nhau. Đó là “ ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” (Việt) và “Ưn di janưk tok siam, ưn di rajam plwai thrauw liwik”. (Chăm)
Trong kho tàng văn học dân gian Chăm cũng như Việt đều có một lượng truyện ngụ ngôn rất phong phú. Truyện ngụ ngôn của dân tộc nào cũng gắn với những điều răn dạy đối nhân xử thế và góp phần giải thích các sự kiện, hiện tượng thiên nhiên hoặc xã hội trong môi trường và bối cảnh lịch sử riêng của mình. Về mặt này văn học dân gian Việt và Chăm cung cấp cho ta những truyện ngụ ngôn vừa giống nhau lại vừa khác nhau. Nếu sự khác nhau chỉ rõ các nét riêng của môi trường tự nhiên, bối cảnh sinh hoạt cụ thể của từng khu vực sinh sống, thì những đặc điểm giống nhau lại cho ta thấy ảnh hưởng qua lại trong quá trình tiếp xúc. Nhân vật thơ trong các truyện ngụ ngôn Viêt và Chăm là sự minh chứng về điều này. Trong một số truyện điển hình như Mưu con thỏ (Việt) và Con thỏ và bà lão nông dân (Chăm), thỏ bao giờ cũng thể hiện tính cách khôn lanh, nhiều mưu mẹo, láu hỉnh, mưu trí, nhiều khi thắng cả con người.
Giải thích cho các hiện tượng trong giới tự nhiên, người Việt có câu truyện Quạ và Công, người Chăm có Dalikal ka Ak. Con vật có da với màu sắc đẹp trong Dalikal ka Ak là con Dông (Ajah), còn trong truyện ngụ ngôn Việt thì Công là con vật có bộ lông đẹp. Trong truyện này thì màu đen lông Quạ là do nó tham ăn, vội bay đi chén thịt trâu chết, nên chủ động bảo Công bôi bừa màu đen cho chóng xong việc, còn trong Dalikal ka Ak màu đen lông Quạ là do con Dông nghe tiếng sấm rền, giật mình đánh đổ mực vẽ đen lên mình Quạ. Điều này vừa nói về lông Quạ đen vừa nhằm giải thích vì sao nó luôn luôn săn đuổi Dông loài bò sát phổ biến ở đất cát Ninh Thuận, Bình Thuận để ăn thịt.

4. Về mặt ngôn ngữ, qua nhiều thế kỷ tiếp xúc ngày càng chặt chẽ với nhau hai thứ tiếng Việt – Chăm vừa tác động nhau vừa chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Tiếng Chăm hẳn đã góp phần quan trọng trong việc hình thành phương ngữ Việt miền Trung, cũng như bổ sung không nhỏ vốn từ vựng Nam Đảo vào tiếng Việt – các yếu tố tương ứng Việt – Chăm có một tỷ lệ đáng kể trong lớp từ vựng sinh hoạt thường ngày và cả trong vốn từ vựng cơ bản của mỗi thứ tiếng (theo số liệu điều tra điền dã Việt – Xô năm 1979, tỷ lệ đó là 20% trong số 200 từ cơ bản). Dưới đây là một số dẫn chứng.
Tiếng Chăm Tiếng Việt hình thái phục nguyên Tiếng Việt hiện nay
pauk p k bóc
tap tăp đắp
grum / kgum kr m sấm
klaik kl k (cái) trách (phu)
bblauw k/pl ló
nhjol~nhjwơl je (ph.n)= nhẹ
pơh b h~ mb h mở
tuh toh~ ktoh đổ
grauh krua (h) sủa
diep ~ diew ndep ~ dep nếp

(nguồn Sonolovskaja 1978)

Ngoài lớp từ cơ bản, còn có một lớp từ mới du nhập mà ta có thể xác định rõ hướng du nhập là từ Chăm vào Việt hay từ Việt sang Chăm. Trong tiếng Việt miền Trung có hàng loạt từ Chăm như cái vồ (gai bo), cái chiết (ciet), cái giạ (jak), đồ gọ (kako), cái chà tay (catei), cái chà gạt (jagak), láng (bblang) cỏ v.v… Đây là những từ chỉ đồ dùng hoặc sự vật tồn tại ở vùng cư trú xen kẽ Chăm – Việt, đi vào tiếng Việt, làm phong phú cho vốn từ vựng chung toàn dân.
Mặt khác, những từ ngữ Việt đi vào Ariya Chăm cũng hết sức đa dạng. Tác dụng biểu hiện của bộ phận từ ngữ này không chỉ làm phong phú cho vốn từ vựng Chăm, mà về mặt nghệ thuật nó còn giúp cho sự gieo vần thêm dễ dàng, câu thơ trở nên mềm mại, uyển chuyển.
– Kuw ciip đwa mưluw gơp gan ra klau
Ta chịu nhục làng xóm chê cười
– Mưdơh mai ginik cauk ruw di tian
Thức giấc, em nghẹn ngào rầu rĩ trong lòng
– Đam cuh kanai biak đang
Đám thiêu em thật xứng đáng
– Tabur xanưng twei đơy
Nhận định theo thói đời
– Urang jang kan khing nhơ
Thật khó mà nhờ cậy người
Sử dụng từ ngữ Việt với các mục đích biểu hiện và mục đích nghệ thuật là hiện tượng phổ biến không chỉ trong ariya, mà cả trong panwơc yaw (tục ngữ), panwơc pađit ( ca dao). Sự giao thoa ngôn ngữ Chăm – Việt còn được biểu hiện cả trong ngữ âm lẫn ngữ pháp. Thổ ngữ Việt ở vùng Duồng (Bắc Bình – Bình Thuận) có âm cuối tắc thanh hầu ở một số từ tương ứng với âm cuối tắc ở các thổ ngữ và phương ngữ khác. Ví dụ: lắc léo [lă l w], cắc bạc [kă bak]. Quá trình rụng âm tiết không trọng âm ở vị trí đầu từ đa tiết (lang likuk) diễn ra khá nhanh dẫn đến trạng thái đơn tiết hóa một bộ phận từ vựng quan trọng và làm xuất hiện hệ thống thanh điệu. Không phải ngẫu nhiên mà giới nghiên cứu ngôn ngữ Đông Nam Á cho rằng tiếng Việt và tiếng Chăm, mỗi bên đại diện cho một ngữ tộc – Việt thuộc ngữ tộc Nam Á, Chăm thuộc ngữ tộc Nam Đảo – cùng phát triển hướng về tiểu loại hình ngôn ngữ đơn lập triệt để (Edmondson j., Gregerson k., Solnsev V.M.). Đây là hai thứ tiếng tiêu biểu cho quá trình tích hợp và quy tụ ngôn ngữ trong tập hợp ngôn ngữ ở Việt Nam.

5. Lời kết. Đã có không ít công trình nghiên cứu viết về tiến trình tiếp xúc ngôn ngữ và văn hóa ở Việt Nam. Nhờ chủ nhân các nền văn hóa ở Việt Nam biết chọn lọc và tiếp biến các yếu tố ngôn ngữ khác, thuộc nội bộ các cộng đồng dân tộc trong nước cũng như du nhập từ bên ngoài nên họ vừa làm phong phú vừa giữ được bản sắc văn hóa và ngôn ngữ của mình. Quá trình này được thực hiện trên nền tảng của văn hóa và ngôn ngữ bản địa. Trong xu hướng chung đó trường hợp tiếp xúc văn hóa Việt – Chăm có thể xem là tiêu biểu. Ở giai đoạn khởi đầu, văn hóa và ngôn ngữ Chăm làm đậm hơn màu sắc văn hóa cổ điển Ấn trong văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, đối ứng lại văn hóa và ngôn ngữ Việt góp thêm các ảnh hưởng văn hóa Hán vào văn hóa ngôn ngữ Chăm.
Trong hiện tại sự tiếp xúc Chăm – Việt còn làm rõ một xu hướng thực tế nữa là khi hợp nhất vào một thực thể văn hóa chung Việt Nam hiện đại, ngôn ngữ và văn hóa của mỗi dân tộc hoàn toàn có thể tiếp tục phát triển và hoàn thiện theo con đường thích hợp của dân tộc mình mặc dù tất cả đều quy tụ về một hướng: làm hình thành một phức thể văn hóa và một tập hợp (cộng đồng) ngôn ngữ Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Thật vậy, chỉ mấy thập niên sau chiến tranh vốn văn hóa và ngôn ngữ Chăm được sưu tầm, khảo cứu và giới thiệu rộng rãi trong và ngoài nước chưa kể các loại hình nghệ thuật như nhạc, vũ, nghề thủ công truyền thống…, riêng lĩnh vực văn học Chăm cũng đã được những thành tựu có ý nghĩa lớn. Chẳng hạn đã có tác giả Chăm (Phú Trạm – Inrasara) không chỉ sáng tác mà còn tiến hành sưu tầm, khảo cứu, trân trọng giới thiệu vốn cổ dân tộc mình. Bộ sách Văn học Chăm gồm ba tập với hàng ngàn trang của tác giả này là công trình đầy đủ và có hệ thống về di sản văn học của dân tộc này mà trước đó chưa từng có.
Dành nhiều tinh lực để thực hiện các công trình sưu tầm và nghiên cứu, Inrasara xuất phát từ một tâm tình đầy trách nhiệm như trong Trường ca “Quê Hương” tác giả này viết:

Năm mươi tư đứa con
năm mươi tư khuôn mặt
năm mươi tư nỗi đời
Như năm ngón tay trên bàn tay có ngón ngắn ngón dài
Ngón chỉ đường đi, ngón thì đeo nhẫn
Ngón bắn bi, ngón gẩy đàn, ngón chuyên làm dáng
Năm ngón thu vào tạo sức mạnh nắm tay

Đã cách đất xa sông, từng chia nát lòng người
Đã khóc, đã cười, từng biệt li, từng khốn khổ
Ta đã vay hơi thở, nước mắt, mồ hôi nhau suốt dặm dài quá khứ
Nay xin góp về đắp tạo dáng quê chung

Ta đi suốt bề dọc, chiều ngang đất nước
Góp tượng nhà mồ, góp sử thi khan
Vào Mĩ Sơn góp trăm ngọn tháp Chàm
Ta góp trống đồng, góp thơ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi
Góp ngàn dòng ca dao, vạn câu tục ngữ
Góp niềm kiêu hãnh chung, góp cả nỗi đau riêng.

Hồn giàu sang
Ta mở tới muôn miền

Tâm tình đó cũng tiêu biểu cho tâm tình của các nhà văn hóa, hay nói rộng hơn, của mỗi người trong cộng đồng nhân dân đa dân tộc Việt nam.

4.4 Cũng có thể xem đây là những tình cảm rất đúng với tình hình thực tế của xã hội Việt Nam và đồng thời cũng phù hợp với quy luật phát triển trong quá trình tiếp xúc giữa ngôn ngữ và văn hóa Việt với tư cách là dân tộc đa số với các dân tộc thiểu số khác trong cộng đồng ta có thể thấy tình hình tiếp xúc, giao thoa (interference) và tích hợp (integration) ngôn ngữ và văn hóa cũng diễn ra tương tự như quan hệ tiếp xúc Việt – Chăm.
Hầu hết các chuyện thơ, trường ca, sử thi của các dân tộc thiệu số ngày nay đã được phiên dịch, giới thiệu rộng rãi và nổi tiếng như bộ phận hữu cơ của di sản văn hóa Việt Nam về cơ bản đều là những tác phẩm được ghi chép từ hình thức truyền miệng*. Trong khá nhiều tác phẩm folklore Việt Nam hiện nay người ta không dễ gì có thể phân tích rạch ròi đâu là phần đóng góp của dân tộc đa số, đâu là phần tích hợp được từ dân tộc thiểu số này hay dân tộc thiểu số khác. Điều đó không có gì là khó hiểu. Bởi vì sự tiếp xúc, theo quy luật sẽ dẫn đến quá trình mô phỏng nhau (imitation), giao thoa nhau (interference) và cuối cùng là hình thành một trạng thái tích hợp nào đó. Giao thoa có thể làm biến đổi ít nhiều các thành viên tiếp xúc nhau, song cuối cùng với xu hướng tư tưởng và tình cảm đúng, một hình thái quy tụ thích hợp, tối ưu ắt sẽ được hình thành tạo nên sức mạnh cho cả tập hợp ngôn ngữ, cả phức thể văn hóa. Và chính nhờ thế mà bức tranh ngôn ngữ và văn hóa các quốc gia đa dân tộc như Việt Nam cũng như hầu hết các nước Đông Nam Á khác luôn luôn có được tính đa dạng, phong phú và đồng thời vẫn giữ được tính thống nhất, tính bản địa của mỗi quốc gia. Không còn nghi ngờ gì nữa chính quá trình tích hợp các giá trị văn hóa, trong đó bao gồm những yếu tố ngôn ngữ đã góp phần tạo nên sức mạnh đó.

Ghi chú
1. Ở đây tác giả muốn nói đến Pram Dit – Pram Lak, tác phẩm văn học dân gian Chăm, phản chiếu bản anh hùng ca Ấn Độ Ramayana.

Tài liệu tham khảo
1. Aymonier E. 1890 – Légendes historiques des Chams, Exc. Et Rec. No 32.
2. Abdul Rapman Al – Ahmadi 1988 – Champa in Malay Literature, “Proceedings of the Seminar on Champa” Danmark
3. Bui Khanh The 1990 – The comparative study of literature of Southesat Asia apromising approach and field of study (Problems and Prospects), Social Sciences Review, Vol.2 (No.3 -1/1990)
4. Bui Khanh The 1996 – Problems of Language Contact in Vietnam (The Mmain Features of Language Change in Vietnam) “Proceeding of the IV Internationnal Symposium on Languages and Linguistics), Bangkok.
5. Chambert- Loir H. 1988 – On the Historical and Literary Relation Between Champa and Malay World, “Proceeding of the Seminar on Champa”, Danmark.
6. Coedès G., 1948. Les langues de l’ Indochine. Paris, 1949.
7. Inrasara, 1994. Văn học Chăm I – Khái luận, Văn tuyển, NXB Văn hóa dân tộc, HN.
8. Inrasara, 1995. Văn học dân gian Chăm. Tục ngữ – thành ngữ – câu đố, NXB Văn hóa dân tộc.
9. Inrasara, 1996. Văn học Chăm II – Trường ca, NXB Văn hóa dân tộc, HN.
10. Inrasara, 1996. Tháp nắng – Thơ. NXB Thanh niên.
11. Sokolovskaja N.K., 1978. Ngữ liệu góp vào từ điển so sánh từ nguyên các ngôn ngữ Việt – Mường, trong cuốn “Nghiên cứu về âm vị học và ngữ pháp học các ngôn ngữ phương Đông” (bằng tiếng Nga). Moskva.

*
Tagalau 03.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *