INRASARA KHAI HOANG TRÊN TỪNG TRANG VIẾT
1. Năm 1998, trong Hội nghị văn học Tây Nguyên do Hội Nhà Văn tổ chức tại Buôn Ma Thuột, chỉ vì mẩu đối thoại vỡ ra từ một câu hỏi trái khoáy, tôi đã tò mò đi theo anh. Câu hỏi ấy có lẽ đã khiến anh khó chịu nên sau đó, trong tiểu luận Đi tìm chân dung văn học Chăm, anh đã có giọng điệu khá gay gắt: Có một nhà văn hỏi tôi anh khai thác được gì ở văn hóa Chăm. Hỏi, làm như văn hóa Chăm là một xác trâu cho diều hâu tôi sà đến rỉa rúc, trục lợi. Tôi nói tôi không khai thác mà ngụp lặn và lớn dậy từ giữa lòng nền văn hóa ấy để sáng tạo cái mới.
Tôi tin Inrasara. Cả quãng đời tuổi trẻ của anh cho đến nay đã minh chứng hiển nhiên cho sự ngụp lặn và lớn dậy mạnh mẽ, độc đáo này. Chẳng đợi được đào tạo gì về kĩ năng tầm nguyên di sản văn hóa, suốt 6 năm trung học cậu thiếu niên Phú Trạm từng lang thang các làng Chăm khắp vùng Ninh Thuận: tự học chữ Chăm, mày mò cổ tự, thâm nhập nhặt nhạnh từng mẩu văn học cổ điển Chăm rơi vãi đang dần bị bụi thời gian vùi lấp. Nhấp nhổm ngồi không yên ghế đại học, chưa hết nửa chương trình sư phạm chàng đã bỏ giảng đường mà đi. Đọc sách, làm thơ, cày ruộng, sấp ngửa với đủ thứ nghề mưu sinh, lạc vào Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á của trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn Tp.Hồ Chí Minh vài năm lại thoát ra, thành một Inrasara – tự do, lần lượt được trao nhiều giải thưởng về thơ và công trình nghiên cứu, vào Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, thành viên Hội đồng Văn học dân tộc của Hội Nhà văn Việt Nam v.v…
Tương tự trường hợp giáo sư Trần Quốc Vượng hay nhà Chăm học Trần Kì Phương chẳng mảnh bằng nào vẫn mặc nhiên là Thầy của nhiều trí thức trang bị đầy mình bằng cấp, Inrasara bây giờ là nhân chứng đáng tin cậy không chỉ trong phạm vi quốc gia về ngôn ngữ và văn hóa Chăm. Không những thế, hiển hiện dần tầm vóc của một nhà thơ lớn, lại manh nha là cây bút phê bình đầy nội lực và cá tính, Inrasara đang nỗ lực đưa thơ thoát khỏi những lối cũ nhợt nhạt sáo mòn.
2. Để sáng tạo cái mới, Inrasara miệt mài lao vào kho tàng tri thức Đông Tây kim cổ, nghiền ngẫm hướng đi cho cái Tôi giữa cộng đồng dân tộc và nhân loại, rồi không ngần ngại so sánh, mổ xẻ, khai hoang trên từng trang viết kín chữ của bạn, của mình.
Tháp nắng, tập thơ đầu in năm 1996 vừa trình làng lập tức làm bạn thơ sửng sốt, trong đó có trường ca “Quê hương” được Trúc Thông đánh giá là “một trong số trường ca hay nhất của thơ Việt hiện đại”. Chân dung Inrasara cũng từ đây đậm nét thi đàn:
Tôi sinh ra
níu
trần cánh tay cha / sờn lưng áo mẹ
gầy còng
tôi níu bóng tháp
luống tuổi
tôi níu vào cái không thể níu
lớn lên.
(Hành hương em, “Tôi, chẳng có gì trầm trọng lắm”)
Suốt Tháp nắng cho đến hết tập Sinh nhật cây xương rồng (1997), dù Inrasara vẫn cựa mình cho câu chữ tươi mới thêm, nhưng tình ý vẫn chưa thoát nỗi buồn thân phận:
Ra đi từ nỗi khát của đống rơm hoang
từ nỗi trâu già nhớ đất xâm canh…
Ra đi từ cõi mộng xanh
rồi tha phương ngút mắt tha phương
rồi thiểu số giữa lòng thiểu số!
(Sinh nhật cây xương rồng, “Những bước chân xa”)
Nỗi buồn đẹp sâu xa, không bi lụy nhưng ám ảnh. Tới Hành hương em (1999) nhà thơ chợt ngộ “khóc ngàn lần cũng không trôi hết cụm đau qua”, vì:
Em lại trách anh mãi triết lí xa trong khi mắt mẹ buồn gần
Gót chân gái quê lấm lem mà tứ thơ anh cứ là sang trọng (Hành hương em, “Xa – gần”)
Anh trăn trở tìm tì vết của chính mình qua việc soi lật từng điểm tương đồng dị biệt với những nhà thơ dân tộc thiểu số tên tuổi cùng thời. Anh phát hiện những ước lệ cũ kĩ trong chất liệu đề tài thơ Mai Liễu, đầy dẫy từ ngữ đáng xếp vào góc bảo tàng trong thơ Lương Định. Anh gặp sự dễ dãi đôi khi trong bản năng thi sĩ quý giá của Lò Ngân Sủn. Rồi từ đó, tự giễu cợt nhược điểm tương tự vướng víu ít nhiều trong thơ của chính mình để cương quyết cắt đứt một lần cho tất cả.
Anh đặt câu hỏi: “Ai trong chúng ta vượt qua mô đất phức cảm tự ti-tự tôn dân tộc, mặc cảm tỉnh lẻ, nhà quê hay sắc tộc?… Dám từ chối các đặc ân, ưu ái, đãi ngộ ngoài nghệ thuật, từ chối dựa hơi vào mọi loại chức danh chức vị. Để đừng phải ngủ quên trên đám mây hư vinh xôm xốp chưa cân xứng với thực tài…” Sự tự tin trên nền tảng tri thức sâu rộng đủ cho anh vạch trần những mơn trớn dịu nọt, không ngại mất lòng, không sợ đụng chạm điều vốn dĩ được coi là tế nhị một cách quyết liệt, dứt khoát: “Lối viết ngây ngô ngọng nghịu của các tác giả dân tộc thiểu số trong thời gian qua được cả người sáng tác lẫn giới phê bình nâng niu như đậm đà bản sắc dân tộc chỉ là một ngộ nhận đáng buồn. Chúng ta sáng tác bằng tiếng Việt không phải để người Kinh thỉnh thoảng ghé mắt tò mò nhìn, mà phải như một tác giả ngang bằng – sòng phẳng và sạch sẽ.” (Văn hóa – Xã hội Chăm, Nghiên cứu & đối thoại, 2003)
Nói được, làm được. Với Lễ tẩy trần tháng Tư, Inrasara đã chín đầy, chữ nghĩa giàu có tuôn đổ dễ dàng tự nhiên như suối nguồn. Trong trẻo và minh triết. Hấp dẫn vì phía ẩn khuất của bề sâu tư tưởng, gợi nhớ R.Tagore, nhưng thật hiện đại mới mẻ:
Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này nhúm chữ cái La tinh A B C
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng
(“Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”)
3. Inrasara vài lần đổi chỗ ở giữa Sài Gòn. Căn nhà nào cũng giống nhau ở chỗ một phần bề bộn thổ cẩm Chăm – giang sơn của vợ anh, phần còn lại đơn sơ yên tĩnh là góc anh ngồi làm việc với máy tính và sách vở. Hôm tôi ghé thăm, anh vừa giảng về văn minh Chăm cho một học giả nước ngoài – người gợi ý mời anh sang Thái Lan dạy một cua ngắn cho Trường đại học. Thật bất ngờ vì vợ anh – Bàn tay vàng của nghề dệt thổ cẩm Thuận Thị Trụ – Trà Ma Hani lại vừa đoạt giải thơ của Nhà xuất bản Kim Đồng. Trong tổ ấm tương đắc này, anh hào hứng làm việc. Làm thơ, nghiên cứu, viết tiểu thuyết, lí luận phê bình, đâu là nghề tay phải của Inrasara? Có lẽ chẳng cần tách bạch. Vì trong lĩnh vực nào, anh tự khai phá tìm lối đi cho mình giữa mịt mù cây cỏ.
*
Báo Tiền phong, 17.9.2003.