Cách đây hơn hai thế kỉ, người Chăm vùng Phan Rang, Phan Rí đã làm nhiều cuộc thiên di lớn vào Nam, ngược lên miền Tây…
Nó xảy ra bởi lịch sử, và đã thuộc về lịch sử. Nửa cuối thể kỉ thế XX, chúng ta lại đã có cuộc di cư mới, với những lí do, mục đích khác. Nó ít rầm rộ hơn, khó nắm bắt hơn, nên hầu như rất ít ai để ý. Đây là vấn đề (hay đề tài) mới và không thể nói là không lớn, chưa được đề cập chứ đừng nói mổ xẻ thấu đáo. Bài viết này chỉ dựa trên số liệu thống kê không chính thức (nên chưa được chính xác), và chỉ muốn tự xem như một gợi ý bước đầu.
Người Chăm ở Sài Gòn.
Theo Nguyễn Văn Luận(1), khoảng đầu thế kỉ XX, người Chăm ở Sài Gòn “không có bao nhiêu và thường bị lẫn với người Mã Lai hay Chà Và”. Chỉ sau thế chiến thứ hai, thời cuộc biến động đã buộc họ rời bỏ làng mạc để lên phố thị sống trong các xóm bùn lầy, chật hẹp bên bờ rạch hay trên những bãi sình san lấp dang dở. Vài gia đình, may mắn hơn, tìm được một số lô đất ở các khu vực nằm gần trung tâm thành phố. Rồi sau vài cuộc hỏa hoạn, đa số cũng dời nhà đi nơi khác. Họ là những người đi kiếm việc làm, và cố tâm lập nghiệp tại Sài Gòn. Trong số đó không ít gia đình đã có công ăn việc làm chắc chắn, nhà cửa khang trang. Chính thế hệ tiên phong này đã là cơ sở vững chắc cho các thế hệ nối tiếp sau đó từ An Giang… về làm ăn sinh sống tại mảnh đất một thời được ví là “Hòn ngọc Viễn Đông” này.
Nhưng đó là tình hình những người Chăm miền Tây Nam bộ – đa số theo Hồi giáo. Tâm thế người Chăm miền Trung vào Sài Gòn thì khác hẳn.
Bốn thế hệ Chăm Phan Rang-Phan Rí di cư.
Chúng ta tạm lấy mốc 1975 làm lát cắt để phân các thế hệ Chăm Panduranga đến làm ăn sinh sống tại đất Sài Gòn.
Thế hệ đầu tiên thuộc các thành phần đến trước đó, hai hay ba thập niên. Đó là các công nhân viên chức chế độ cũ, khoảng trên mươi gia đình. Bên cạnh đó là các lứa sinh viên học tập và lưu trú tại Sài Gòn. Sau khi đất nước thống nhất, một số di tản ra nước ngoài, một số trở về quê cũ, chỉ độ trên dưới mươi gia đình ở lại. Vài gia đình Chăm nằm lọt thỏm giữa thành phố Hồ Chí Minh mênh mông nên họ thường có khuynh hướng quay trở về cố hương.
Thế hệ thứ hai (từ 1975 – 1985) là các công nhân viên chế độ mới, gồm chủ yếu lớp sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học được ưu tiên lưu lại trường phụ giảng hay học lên cao hơn, sinh viên Đại học hay Cao đẳng được tuyển vào cơ quan Nhà nước. Lực lượng này bổ sung vào thế hệ thứ nhất tạo thành một cộng đồng (hương) Chăm Phan Rang – Phan Rí khoảng mười lăm căn hộ rải rác khắp Thành phố Hồ Chí Minh, sinh hoạt cộng đồng tương đối chặt chẽ bằng sợi dây máu thịt vô hình. Thế hệ này, chúng ta có ba tiến sĩ và một vị làm việc cho Cơ quan cấp Trung Ương. Cuộc sống của họ nhìn chung khá ổn định.
Thế hệ thứ ba, thế hệ tiếp theo thuộc một lực lượng lao động mới nối dài vào danh sách trên, có mặt khoảng thời gian từ1985 đến 2000, khi đất nước mở cửa. Đa dạng hơn ở thành phần, phức tạp hơn ở nghề nghiệp và sinh hoạt. Có thể kể lực lượng công nhân viên mới, các sinh viên tốt nghiệp ở lại đất Sài Gòn, một số gia đình phiêu lưu vào Nam tìm cơ hội, và cả lứa nông dân đầu tiên bỏ ruộng vườn tìm nghề mới nữa. Trong thế hệ này, bên cạnh các thành phần có việc làm ổn định khoảng 20-25 gia đình, không thể không tính đến một bộ phận khá lớn Chăm Ninh Thuận vào miền Tây bán thuốc rễ cây dân tộc tạm trú tại “Khu phố Chàm” đường Hùng Vương, quận Năm. Họ lưu trú ngắn hay dài hạn tùy thuộc vào việc buôn may bán đắt hay không của họ. Nhưng cái chung nhất của thế hệ này là họ không còn nhận một ưu tiên từ phía Nhà nước nữa. Họ tự bươn chải, tự kiếm cơ hội và nhất là tự chọn lựa và trách nhiệm về chọn lựa của mình.
Không thể thống kê chính xác số lượng Chăm Panduranga thuộc thế hệ thứ ba. Không chỉ ở phức tạp của thành phần mà nhất là ở sự chuyển động liên tục của đi – về, sự chưa an cư của họ. Họ chưa tạo lập được một cộng đồng ổn định, tản mác cả ở nơi ăn chốn trọ, sinh hoạt riêng tư lẫn tinh thần tìm đến nhau. Nhưng dẫu sao từ cuộc chuyển di này, Chăm cũng đã có vài khuôn mặt nổi lên trong đó có nhà kinh doanh, nhà văn, bác sĩ, kĩ sư…
Thế hệ thứ tư là một dòng người khá lớn đang đổ xô vào thành phố tìm cơ hội khả dĩ cho cuộc sống còn quá khó khăn của mình nơi quê cha đất tổ. Lực lượng này đang hình thành, chưa có một báo hiệu sẽ chấm dứt. Và tôi nghĩ, cũng không nên chấm dứt. Số lượng sơ khởi có thể lên tới một ngàn rưỡi đến hai ngàn người (năm 2005), sống tản mác khắp các khu lao động thành phố. Riêng khu vực Nhà trọ ở Phường 18 quận Tân Bình nơi có Công ti Chăm đặt cơ sở, con số có lúc lên tới một trăm rưỡi người. Đa số họ độc thân. Họ đến tìm việc làm: thợ may, thợ sửa máy, thợ điện, phụ hồ …, chắt bóp đồng lương gởi về giúp đỡ gia đình. Thành phần không khác mấy thế hệ thứ ba, nhưng đa phần họ ý thức hơn, quyết tâm và đặt nhiều niềm tin vào ngày mai tươi sáng hơn. Môi trường nông thôn bị phá vỡ kéo theo sau nó không biết bao nhiêu đổ vỡ khác.
Người thì tăng mà ruộng đất thì teo
Trời làm nắng trưa, trời làm mưa chiều
Nắng với mưa khi thừa khi thiếu …
(Inrasara, Tháp nắng, 1996)
Ruộng đất ngày càng teo tóp: đất chật người đông, nghề nông không còn một hứa hẹn gì ở tương lai; xã hội mới đã có một cái nhìn thóang hơn: để cho con em đi xa; chế độ mẫu hệ không còn bó buộc đứa con của mình chịu phận ru rú xó nhà nữa. Đất Sài Gòn hoa lệ với những vẫy gọi và hứa hẹn tốt đẹp.
Vài nhận xét và gợi mở về thế hệ sau cùng.
1. Cơ hội, cái nhìn và ước mơ.
Sài Gòn hấp dẫn và mở ra trước mắt chúng ta muôn vàn cơ hội: về kinh tế – xã hội, văn học – nghệ thuật, thể thao…; tiền tài và danh vọng; chúng ta có thừa đất để thi thố tài năng, đủ đầy chân trời để bay, để tung cánh. Miễn là chúng ta có cái nhìn sâu rộng, dám bay và, biết bay.
Hắn nghĩ sẽ bay cao, rất cao
Khi chế độ mở toang cửa rộng
Hắn sẽ chẳng bao giờ lết tới đâu
Bởi đã không tự vũ trang đôi cánh!
(Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng, 1997)
Tại sao mãi hôm nay chúng ta vẫn chưa có một phóng viên báo chí có tầm là chuyện không phải quá khó, trong lúc bác sĩ, giáo viên ta thì có thừa? Hoặc một nhà khoa học có thể làm mở mặt mở mày Chăm, trong khi ta không thể nói là thiếu người làm “nghiên cứu”? Chúng ta chưa có lí tưởng (thần tượng) để hướng tới hay cái nhìn ao làng chật hẹp cố hữu quy định nhãn quan chúng ta? Có được địa vị con con, một mảnh bằng tàm tạm không phải để về quê ra oai với bà con mà “đối đáp người ngoài”. Trong lúc ta đang cần tài năng, tài năng không phải chỉ để hơn Chăm mà còn phải vươn tới tầm quốc gia, thế giới nữa!
2. Trang bị kiến thức.
Không còn trông chờ vào sự ưu tiên từ Nhà nước như thế hệ thứ hai nữa, các thế hệ Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh hôm nay chỉ có thể tin vào trí và lực mình, giữa số đông xa lạ và bạt ngàn cơ hội. Cá nhân có thể sẽ nổi lên như một ngôi sao sáng đồng thời tiềm ẩn nguy cơ rơi xuống tận hố sâu tuyệt vọng vẫn cứ mở toang hóac dưới chân. Không có ai cho bạn nhờ vả, nếu muốn được một chỗ làm có thu nhập khấm khá, bạn phải cạnh tranh sòng phẳng và phải chịu qua thử thách khắc nghiệt như mọi người; đôi khi còn hơn mọi người: bạn không nhất thế nhì thân ở nơi đất lạ. Nếu muốn viết văn làm thơ, bạn phải chuẩn bị sức mạnh cả tinh thần lẫn trí tuệ để sẵn sàng đọ sức với số đông xa lạ. Đừng mong có một tẻo teo châm chế nơi đây, bằng không bạn sẽ chìm nghỉm, để rồi trở về quê nắm đuôi cày!
3. Chuẩn bị tinh thần.
Thay đổi xảy ra quá nhanh, gần như vượt thóat khỏi tưởng tượng hay tầm với đến nỗi chúng ta như bị đột ngột đẩy vào một hành trình xa lạ, bất trắc. Đến hôm nay, thực sự chúng ta chưa trang bị đầy đủ tinh thần để chịu thử thách đó. Đi vào Thành phố Hồ Chí Minh tự phát và chủ yếu trông vào may rủi.
Em không có dây chuyền – không có quần jean
Mang linh hồn ruộng đồng em lạc vào phố lạ
Em giặt giũ trong căn gác lạ
Em thợ phụ trong xưởng may lạ
Mang linh hồn ngọn đồi em rụng vào đêm lạ
Mẹ ơi!
(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
Từ đó nguy cơ thất bại là rất lớn. Ngay cả khi thành công, cám dỗ vật chất cũng dễ lôi kéo chúng ta sa vào lối sống tiêu cực tai hại. Đã có vài hiện tượng một, hai cô gái Chăm quê mùa đứng quán bia vài năm qua, ai biết điều gì sẽ xảy ra với họ. Hậu quả nguy hại khác rất dễ xẩy tới là chúng ta mang lối sống mới tiếp nhận chưa được tiêu hóa từ vùng đất lạ, văn hóa lạ nhập địa phương, từ đó mâu thuẫn, va chạm xảy ra là tất yếu.
4. Văn hóa dân tộc.
Nhưng có phải vì thế mà chúng ta sợ hãi, lui bước? Không.
Nàng vẫn đi về mênh mông hướng phố
Vẫy anh em đang mắt nhìn mở cửa
Vẫy người yêu đã vợ con đủ đầy
Vẫy bà con mãi liêu xiêu bão lũ
Hình như hồn buồn nàng hé nắng
Sẵn sàng mọc trái cây ban mai!
(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
Toàn cầu hóa là xu thế chung của thời đại, không thể cưỡng. Nó là một trận bão tới bất ngờ, quyết liệt và ngày càng mạnh bạo khó lường. Từ chối nó, chúng ta sẽ lạc hậu; không hiểu nó, chúng ta sẽ bị nó cuốn trôi đi lúc nào không hay. Trang bị văn hóa dân tộc, tinh thần dân tộc lành mạnh như là một nền tảng thiết yếu để hòa mà không tan vào nó. Tôi muốn nói đến niềm kiêu hãnh dân tộc, đây là tố chất đầu tiên. Bởi không ít người khi lên cao đã từ chối mình là Chăm rồi. Và hãy nghĩ đến tinh thần nhân bản được biểu hiện trong các tuyệt tác dân tộc: Glơng Anak, Pauh Catwai, Muk Thruh Palei… Rồi còn bao nhiêu nhiêu bản sắc Chăm khác nữa cần trang bị: tình yêu quê hương vượt qua những dị biệt tôn giáo, quan niệm sống, tinh thần cục bộ vùng miền… Đó là cái quyết định để chúng ta mãi là chúng ta, trước bao nhiêu thách thức vừa xa lạ vừa quen thuộc mà mỗi đứa con Chăm phải đối mặt trong cuộc sống cam go nhưng đầy vinh quang này.
Sài Gòn, 2004.
______________
(1) Người Chàm Hồi giáo miền Tây Nam phần Việt Nam, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên xuất bản, 1974, tr. 40 – 42.