Akhar thrah – chữ Chăm truyền thống là một trong những di sản văn hóa (warih) quý giá quý giá nhất mà tổ tiên Chăm để lại. Chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm cùng nhau bảo tồn nó như gìn giữ linh hồn của chính mình. Mất nó là mất cả một phần sự sống dân tộc. Số phận Akhar thrah tưởng như mai một theo dòng lịch sử thăng trầm của dân tộc Chăm vậy mà nó vẫn tồn tại đến ngày hôm nay. Bởi vì, nó có một chất đề kháng mãnh liệt, có một sức sống phi thường. Đó là niềm tự hào chung của dân tộc Chăm.
Tuy nhiên, Akhar thrah – bi đát thay! – hôm nay mỗi cá nhân hay mỗi địa phương viết mỗi khác. Nguyên do từ đâu? Hỏi có nghĩa là trả lời. Akhar thrah đã bị phủ mờ bởi lớp bụi dầy cộm của lịch sử hàng mấy trăm năm nay. Muốn hồi sinh nó, ai làm công việc này cho chúng ta? Câu trả lời dứt khoát và rõ ràng là người Chăm, cộng đồng Chăm chứ không ai khác.
Ngày nay, tổ chức có đầy đủ tư cách pháp nhân duy nhất để phục hồi chữ Chăm là Ban biên soạn sách chữ Chăm đặt trụ sở tại tỉnh Ninh Thuận, nơi người Chăm cư trú đông đảo nhất cả nước. Trong cuốn Tagalau I, ông Nguyễn Văn Tỷ nguyên trưởng Ban biên soạn có trình bày khái quát về sự hình thành và hoạt động của Ban biên soạn sách chữ Chăm từ năm 1978 đến năm 2000. Chúng ta thấy đó là một cố gắng vượt bậc của tập thể thành viên trong Ban biên soạn. Một thành tích đáng trân trọng. Nhưng nó đã đáp ứng được yêu cầu học tập của các em học sinh chưa? Có thỏa mãn được lòng mong muốn của phụ huynh các em chưa? (Câu trả lời xin dành cho Ban biên soạn).
Chúng ta thường tự hào: nếu đem so sánh tỷ lệ học sinh, sinh viên với dân số của mỗi dân tộc trong đại gia đình Việt Nam thì tỷ lệ học sinh, sinh viên Chăm khá cao. Mặc dù, dân tộc Chăm đa số có cuộc sống rất khó khăn. Còn nếu hỏi tỷ lệ học sinh, sinh viên Chăm biết đọc, biết viết Akhar thrah là bao nhiêu? Cao hay thấp? Có xứng đáng cho chúng ta hãnh diện không? Điều này chúng ta đều biết cả. Thế thì tại sao? Có nhiều lý do để biện bạch:
Nào là khi học hết cấp I học sinh không có điều kiện, không có tài liệu… để tham khảo, để học thêm, đọc thêm. Rồi khi lên bậc trung học hay đại học thời gian mấy năm trời chữ thầy trả lại cho thầy. Nào là học chữ Chăm nhiều cho lắm cũng không kiếm được công ăn việc làm, nào là chén cơm manh áo nó đè lên cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn bởi cơ chế thị trường không còn thời giờ đâu tìm học Akhar thrah…
Một dân tộc muốn tồn tại và phát triển thì dân tộc đó phải biết giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết, phải biết bảo tồn văn hóa, văn học đặc thù của tổ tiên để lại. Trái với quy luật nó sẽ bị diệt vong. Dân tộc Chăm chúng ta có một nền văn minh – văn hóa phồn vinh cả thế giới đều trân trọng. Tại sao chúng ta không quý trọng? Tạo hóa ban cho chúng ta sự sống bình đẳng để phát triển cùng với các dân tộc anh em. Đó là lý do, động lực duy nhất thúc đẩy chúng ta phải học, phải biết Akhar thrah. Và đó cũng là chủ trương của Nhà Nước.
Trở lại vấn đề, mặc dù được Nhà Nước trao trọng trách phổ cập và phát triển ngôn ngữ, chữ viết Chăm, nhưng không phải vì thế mà chúng ta đùn đẩy mọi vấn đề liên quan cho Ban biên soạn. Trực tiếp hay gián tiếp, chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm khuyến khích con em chúng ta, khuyến khích mọi người hăng hái học Akhar thrah, tích cực tham gia vào việc phổ biến và phát triển văn hóa, văn học Chăm. Tham gia ở đây không có nghĩa là giẫm đạp vào việc làm của Ban biên soạn. Mặc dù trên nguyên tắc, chúng ta có quyền góp ý xây dựng về bộ môn này. Nói cụ thể hơn, chúng ta hãy đoàn kết chặt chẽ, gạt bỏ những lợi ích cỏn con cá nhân, những nghi kỵ không đáng có, cùng nhau tìm một biện pháp tối ưu để phổ biến và phát triển văn hóa, văn học Chăm đi vào lòng đại chúng một cách trực tiếp mà không trái với chủ trương, đường lối của Nhà nước, của Chính phủ. Hướng đi đó, nói nôm na là một sân chơi nghiệp dư cho tất cả mọi người. Hay nói trang trọng hơn là một tập san cho mọi giới cùng tham gia, không phân biệt đối xử với tất cả mọi dân tộc Việt Nam. Nhằm trao đổi lẫn nhau những gì cần học hỏi để ngày càng tiến bộ hơn.
Trước năm 1975 chúng ta có tập san Ước vọng và tập san Panrang. Nhưng tiếc thay! Nó mới ra mắt độc giả được 6 – 7 kỳ thì chết yểu.
Ngày nay, nhờ sự giúp đỡ của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, nhờ sự đóng góp nhiệt tình của các bạn nhà văn cùng độc giả cả nước cộng với nỗ lực của một vài cá nhân trong đồng tộc vì yêu tha thiết văn chương chữ nghĩa, vượt qua mọi khó khăn kể cả về mặt tài chính, Tagalau mới được ra đời tập đầu tiên vào mùa Katê năm 2000 và tập tiếp theo vào mùa Ramưwan 2001. Nó là đứa con tinh thần, đứa con văn hóa duy nhất của dân tộc Chăm chúng ta hiện nay trên đất nước Việt Nam này.
Đáng lẽ, chúng ta phải cùng nhau hớn hở đón nhận nó như một đứa con cưng của dân tộc mới phải. Vậy mà có một số ít phần tử vô lương tâm, vô trách nhiệm xem nó như một đứa bé dị dạng.
Vạn sự khởi đầu nan, vì mới tập tửng bước đi nên Tagalau chắc không tránh khỏi sơ sót và khiếm khuyết. Nếu thật sự vì sự sơ sót không đáng có ấy mà có dư luận cho rằng: nó là tờ quảng cáo không hơn không kém, làm ăn tùy tiện (ý nói không có Ban biên tập) nhằm phục vụ cá nhân để phô trương thanh thế… mà không sẵn lòng xắn tay áo vào cuộc để săn sóc nó, bảo dưỡng nó. Thậm chí, có những kẻ vô ý thức, vô trách nhiệm trước quyền lợi thực tế của dân tộc ném đá giấu tay, thọc gậy bánh xe, phao tin đồn nhảm nhí, cố ý trù yếm cho nó chết yểu. Quả là một suy nghĩ, một hành động thiếu suy nghĩ! Không còn gì đau lòng hơn!
Trong cuộc sống con người, ai cũng có quyền suy nghĩ theo cách suy nghĩ riêng của mình. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, sự thật luôn luôn là sự thật. Về lợi ích chung của văn hóa dân tộc về lâu về dài, tại sao chúng ta không nhìn thẳng vào sự thật rõ như ban ngày qua hai số Tagalau đã ra? Tại sao chúng ta không chịu xích lại gần nhau, thẳng thắn nói lên sự thật để giải tỏa những nghi kỵ. Đừng vì hiểu lầm không đáng có mà làm mất đi sự hiểu biết lẫn nhau trong cộng đồng dân tộc, mất tình đoàn kết gắn bó anh em. Dân tộc chúng ta vừa ít người lại vừa rất nghèo khổ. Số người học thức chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số đều tay lấm chân bùn, đầu tắt mặt tối quanh năm. Con trâu đi trước, cái cày đi sau. Một dân tộc trầm lặng luôn luôn hiền hòa và hiếu thuận, luôn luôn âm thầm chịu đựng mọi đau khổ, đắng cay! Tại sao chúng ta không thấm thía hoàn cảnh của dân tộc mà thương yêu, đùm bọc lẫn nhau?
Trong văn học dân gian Chăm có câu tục ngữ:
Ralo kayuw pajum jiơng glai,
Ralo gai ngap jiơng paga.
Nhiều cây mới tạo thành rừng,
Nhiều cây gom lại làm thành rào ngăn.
Chúng ta thử hình dung, nếu một căn nhà không có hàng rào để bảo vệ thì căn nhà ấy dễ bị người ta phá phách dù cố ý hay vô tình, dễ bị trâu bò dẫm đạp ngã đổ dễ dàng như thế nào. Chắc có người cười ngạo mà nói rằng: đó là triết lý rẻ tiền, hạ cấp, một đứa bé chăn trâu còn biết, hà tất phải nói ra. Đúng vậy, chỉ biết không chưa phải là đủ, biết mà phải hành động đúng theo điều mình biết mới xứng đáng.
Trong nền văn học Champa, ở bài trường thi thế sự Glơng Anak có câu:
Gram xarawan dwis di hagait blauh o thah?
Bbai tabuh di grơp nưrah, tagrang kađaung pak halei?
Vận mệnh dân tộc tội tình gì không sáng sủa?
Đã cầu khấn khắp nơi vì đâu vẫn còn vướng víu?
Vì đâu? Tội tình gì? Mà dân tộc Chăm cất đầu lên không nổi? Một câu hỏi chính chúng ta tự trả lời và hành động. Đó là một nét độc đáo, uyên thâm của một thi nhân thiên tài của dân tộc.
Câu hỏi đó đã được tiên sinh Pauh Catwai trả lời rõ ràng và dứt khoát:
O thei ngap di drei o hai,
Tamuh di hatai drei ngap di drei.
Không ai hại mình cả,
Tự tâm mình hại lẫn nhau.
Ông Pauh Catwai trả lời hoàn toàn đúng, một câu trả lời như đinh đóng cột. Không có thần linh hay đấng tạo hóa nào hại mình như chúng ta hằng suy nghĩ cả, chúng ta tự xâu xé lẫn nhau. Bởi vậy, trong bài trường thi trữ tình Bini – Cam, hoàng thân Chăm vừa buồn bã vừa than thở não ruột:
Dom thun Cam thaung Bini talah
Limưn kanai dơng sa gah,
Athaih kuw sa gah, Ia tanưh lin tapin.
Bao năm Chăm với Bàni chia rẽ,
Voi nàng một bên, ngựa ta một ngả,
Đất nước chiến tranh triền miên.
Đó là bài học lịch sử, chúng ta hãy thuộc lòng.
Cỗ xe tiến hóa của nhân loại luôn luôn tiến lên phía trước, không bao giờ dừng lại dù chỉ một giây, một phút, tốc độ của nó gia tăng từng giờ từng ngày một cách chóng mặt. Dân tộc nào không tuân theo quy luật của nó, sẽ bị nghiền nát thê thảm. Hay nói cách khác sẽ bị thoái hóa, tụt hậu, nghèo nàn, đói rách… Dường như đã mấy tkỷ qua, dân tộc Chăm vì thời thế đã chựng lại, nay muốn tiếp tục nối bước với dân tộc anh em phát triển, dù đi chậm hay đi sau cùng chúng ta không thể mỗi người mỗi hướng cứ đứng nhìn mãi hành trình cỗ xe tiến hóa một cách ngây ngô, vô thức mà không làm gì cả.
Liệu có ích lợi gì? Nếu chúng ta cứ ôm nhau rên rỉ mãi.
Ít ra trong cuộc sống chúng ta phải có những khoảnh khắc bay cao, bay xa lên không gian bao la cho đời lóe sáng:
Thoáng sát-na không gian bùng vỡ,
Tháp hiện nguyên hình, tháp nắng thênh thang. (thơ Inrasara)
Ông Glơng Anak biết, ông Pauh Catwai biết có lẽ chúng ta cũng biết điều mà thi sĩ Chăm thống thiết nói lên:
Urak kuw dauk hagait dalơm tangin?
Yaum sa drei ciim pơr tamư liwah!
Bây giờ ta còn gì trong tay?
Như con chim lạc bay vào không trung!
Biết mà không làm gì cả thì cũng như không. Hãy xét lại mình, chúng ta đã làm được việc gì hữu ích cho dân tộc Chăm chưa? Dù là một chuyện nhỏ nhất. Có thật sự đoàn kết để tạo thành một hàng rào tre bảo vệ căn nhà lá thân yêu của chúng ta chưa? Hay ai cũng tự cho mình là con số một to tướng đứng biệt lập?!!! Chỉ bo bo ôm lấy quyền lợi con kiến cá nhân? Mà không vai kề vai để tạo thành một cấp số nhân, một lực đẩy đưa nền văn học nói riêng, văn hóa Chăm nói chung hòa nhập theo cỗ xe tiến hóa của nhân loại.
3.2002
*
Trong Tagalau 3.