Ngôn ngữ – chữ viết Chăm…

NGÔN NGỮ – CHỮ VIẾT CHĂM, HAI MƯƠI NĂM NHÌN LẠI
Tham luận đọc tại lễ Kỷ niệm hai mươi năm,
Ban biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận
, 30.12.1998.

LỜI TÂM TÌNH
Mười năm trôi qua, khi bài tham luận này được đọc. Mười năm nước chảy qua cầu với bao biến động xã hội, đổi thay của lòng người. Hôm nay, đọc lại bài viết, tôi thấy vấn đề vẫn còn giá trị. Rải rác đây đó, tôi có nêu quan điểm của mình về ngôn ngữ – chữ viết Chăm trong các bài viết, nay tạm đúc kết lại.

1. Tôi chú ý đến ngôn ngữ sống hơn thứ ngôn ngữ mang tính hàn lâm và nhà trường, cho dù tôi là kẻ từng làm thứ ngôn ngữ đó:
– Từ 15 tuổi đã làm thơ tiếng Chăm: hơn trăm bài thơ ngắn và 4 trường ca.
– 18 tuổi dạy 5 – 6 khóa tiếng Chăm, và bao nhiêu khóa khác.
– 25 tuổi: làm việc tại BBSSCChăm 4 năm.
– Tham gia biên soạn từ điển Chăm (3 cuốn), viết Tự học tiếng Chăm, vân vân…

Ngôn ngữ được “nghiên cứu” để làm các luận án khoa học cao siêu hay bó hẹp trong các Từ điển mà chi, nếu nó không được quần chúng dùng hàng ngày? Theo tôi, chúng vẫn cần thiết, nhưng đóng vai trò rất thứ yếu trong cuộc sống một dân tộc, nhất là với ngôn ngữ dân tộc đang trên đà suy thoái là Chăm vài chục năm trở lại đây.

2. Ngôn ngữ phải được dùng hàng ngày, trong gia đình, trong tiếp xúc bạn bè, trong thư từ anh chị em,… Không ít người ưu tư đến tiếng nói – chữ viết dân tộc (rất đáng hoan nghênh), nhưng trong cuộc sống thường nhật các bạn lại nói tiếng Chăm độn tiếng Việt đến 60%! Còn trong sinh hoạt gia đình thì không chịu động não để nói “harat” tiếng mẹ đẻ.
Xin đừng nghĩ tôi lấy bản thân mình ra làm gương: gia đình tôi, mọi người rất í thức về nói pha tạp, các thành viên nỗ lực “nói tiếng Chăm” với nhau. Từ nào không biết thì hỏi hay tra từ điển, vậy thôi. Thư từ với bạn bè, tôi cũng viết tiếng mẹ đẻ, dĩ nhiên khi bạn đó hiểu được. Còn nói chuyện với Chăm, tuyệt đối tôi không bao giờ dùng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, dù họ có ở trong cơ quan công quyền hay đang tán gái ngoài tộc hoặc trao đổi qua điện thoại. Mất lòng ai nấy chịu.
Tiếng Việt – thuyết trình đề đài văn chương, tôi hạn chế tối đa dùng chen tiếng Anh, Pháp trong câu nói. Tôi nghĩ đó vừa góp phần làm trong sáng ngôn ngữ dân tộc [Chăm, Việt,… ] vừa thể hiện sự tôn trọng người đối thoại.

3. Về chữ viết, đây là khía cạnh rất ít quan trọng. Chứ có mỗi K, Kh, G,… mà ta phải cãi vã đến mất tình làng nghĩa xóm thì rất ư là non kém. Chữ viết chỉ là vỏ bọc âm thanh, không hơn không kém. Viết thế nào cũng được miễn thống nhất và hiểu nhau. Tinh thần và linh hồn ngôn ngữ mới quan trọng.
Ví dụ: từ NUÔT, Từ điển Aymonier viết:
a. LUAN
b. LUƠN; nhưng Chăm cũng có viết:
c. LUON, hay BBS hôm nay viết:
d. LON.
Nếu cho Chăm Sài Gòn hay An Giang chọn một lối duy nhất, dĩ nhiên họ sẽ đưa LUAN vào Từ điển. Thời Moussay thì chọn phương án (b): LUƠN.
Từ điển Aymonier, đa phần một từ có nhiều cách viết. Ví dụ từ MỚI, Từ điển này viết năm cách; từ HOA, có đến… mười cách viết. Không trang nào là không có bất nhất. Như vậy, có cơ quan thống nhất chọn một cách để dạy cho bọn trẻ là đủ. Muốn đọc được văn bản “cận đại” thì với vài hướng dẫn là đủ. Còn để đọc bản chép tay của ông bà 100 năm về trước thì cần qua khóa đào tạo ngắn.
Chả vấn đề gì trầm trọng cả!

4. Sáng tạo từ mới (tiếp nhận từ cũ, đặt ý nghĩa mới cho từ cũ hay sáng tạo từ mới) qua sáng tác văn chương là điều rất quan trọng. Trong thời buổi chập chững của chữ Quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh,… sau đó là Nhóm Tự lực Văn đoàn,… đã có đóng góp rất lớn vào sự phát triển tiếng Việt. Hoàng Xuân Hãn chưa đến tuổi tam thập đã soạn Danh từ khoa học; Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm… cũng thế. Dù có lượng lớn số từ trong Danh từ khoa học sau đó được sửa sai hay bị loại bỏ, hoặc công trình đầu tay về văn học sử của Dương Quảng Hàm sau nửa thế kỉ ra đời, một học sinh Trung học cũng có thể nhận ra bao nhiêu sơ suất, thiếu khuyết. Nhưng độc giả Việt hôm nay đã mang ơn các bước khai phá này rất nhiều. Các công trình kia vẫn cứ tái bản dài dai cho người đời sau tham khảo. Không ai dại dột nghĩ là cần phải loại bỏ hai công trình kia khỏi cuộc sống chữ nghĩa Việt cả!

Cuối cùng, Chăm quá ít người dấn thân vào sưu tầm – nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ (học vị, công trình nền tảng chất lượng cao,…) thì càng không có, nên việc làm có nhiều sai sót là chuyện thường tình. Người Việt, mấy thế hệ được đào tạo bài bản, hàng ngàn nhà chuyên môn, tài liệu đủ đầy, liên tục có các cuộc hội thảo khoa học, có Viện Ngôn ngữ, và nhất là – khi túng thế, họ có thể vay mượn từ Trung Quốc. Vậy mà họ vẫn còn khối chuyện chưa giải quyết, huống hồ Chăm! Họ vẫn cãi nhau í ới đấy chứ, nhưng làm căng đến thrah yơng nhau như ta hơn năm qua, thì – không!

Vậy, hãy thật điềm tính và khiêm tốn, tự soi mình và nhìn xung quanh, ta sẽ hiểu ta hơn. Từ đó, học sống, yêu thương, làm việc và sáng tạo.

Kate 2007,
Tadhuw Mik wa saung Adei xa-ai di grơp gram nưrah kajap karo – thuk siam!
Inrasara.

*
Bài tham luận.

1. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó gìn giữ và phát huy ngôn ngữ – chữ viết của dân tộc thiểu số là chủ trương xuyên suốt Nhà nước. Ngay khi đất nước thống nhất và bước đầu đi vào ổn định xây dựng, thực hiện chính sách ưu việt này, việc dạy chữ Chăm ở Thuận Hải (cũ) đã được triển khai kịp thời và đúng hướng với sự ra đời của Ban biên soạn sách chữ Chăm gồm 18 biên chế thuộc Sở Giáo dục tỉnh. Trong việc phổ biến, truyền bá chữ Chăm cho đồng bào thời gian qua, đây là việc làm chưa từng có.

2. Ngược dòng quá khứ, trước 1975, trong ngành giáo dục, Ban thanh tra Chàm ngữ tiểu học thuộc Ty Giáo dục Ninh Thuận với số người ít ỏi, hoạt động trong phạm vi hạn hẹp, việc dạy và học không đồng đều nên chất lượng chuyên môn ít đảm bảo và chưa có tiếng vang lớn trong quần chúng.

Bên cạnh đó, Trung tâm văn hóa Chàm – Phan Rang tập hợp một số trí thức Chăm xung quanh G. Moussay, đã sưu tầm và cho ấn hành một số bản chép tay cổ, biên soạn bộ Từ điển Chàm – Việt – Pháp(1) dày dặn và công phu. Nhưng vì đây không phải là Trung tâm giáo dục chính quy nên việc phổ biến chữ Chăm còn rất hạn chế. Không có tư liệu nào khác ngoài một tập tự học tiếng Chăm mỏng manh in ronéo.

Song hành với Trung tâm này, Nhóm ngôn ngữ học mùa hè với sự tích cực của D. Blood(2) cũng có vài thành quả về nghiên cứu ngôn ngữ Chăm. Qua nhà ngôn ngữ học người Mỹ này, lần đầu tiên chữ Chăm Latinh hóa được truyền bá vào xã hội Chăm khá bài bản bất chấp sự phản đối không lấy gì làm gay gắt của dân chúng.

Ngoài ra, Nội san Panrang – tiếng nói của cộng đồng sắc tộc Ninh Thuận,(3) cũng đã đóng góp cho ngôn ngữ – chữ viết Chăm bằng các bản Việt ngữ một số truyện thơ Chăm do Thiên Sanh Cảnh chuyển dịch. Trước đó nữa là các bài nghiên cứu sắc sảo của một khuôn mặt trí thức đáng trân trọng: Lưu Quý Tân(4).

Trong cùng thời điểm, các ca khúc đậm tình quê hương được viết bằng một thứ ngôn ngữ điêu luyện của Châu Văn Kên, Đàng Năng Quạ và sau này, Quảng Đại Tựu(5) xuất hiện, cũng là một cách góp phần. Nhất là các sáng tác mang tính tập thể cao của Đàng Năng Quạ được truyền bá rộng rãi trong giới thanh niên, học sinh.

Nhìn chung các hoạt động này ra đời, do hoàn cảnh đặc thù, do hạn chế ở tính mục đích và sự không dài hạn ở chương trình, nên thành tựu của chúng còn khá khiêm tốn.

3. Đất nước thống nhất, tất cả việc nghiên cứu, biên soạn, dạy và học chữ Chăm đều quy về một mối: Ban biên soạn sách chữ Chăm. Hai mươi năm nhìn lại, thành thực mà nói dù còn vài thiếu khuyết nhất định, một Ban với chức năng khiêm tốn này đã đạt được những thành tích ngoài mong đợi (xem Báo cáo của Ban biên soạn sách chữ Chăm).

Ở Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, sau 5 năm hoạt động, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á, với sự cộng tác hiệu quả của Ban biên soạn sách chữ Chăm cũng kịp cho ra đời hai cuốn Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm giá trị. Sau đó là cuốn Ngữ pháp tiếng Chăm của Bùi Khánh Thế(6) được viết khá sâu và nghiêm túc.

Một cơ quan nghiên cứu khác thuộc Sở Văn hóa – thông tin tỉnh Ninh Thuận ra đời bảy năm nay, cũng đang âm thầm thu thập, phân loại các văn bản cổ còn sót lại trong các plây Chăm. Hy vọng trong một ngày không xa, sẽ trình làng một số tư liệu quý.

Riêng về cá nhân, bộ Văn học Chăm của Inrasara(7) với phần văn tuyển in song ngữ được xem là một đóng góp đáng kể vào việc giới thiệu với thế giới bên ngoài một nguồn vốn chữ nghĩa quý báu của dân tộc, đồng thời cũng phần nào góp tư liệu tham khảo cho việc dạy và học chữ Chăm.

Đó là các đóng góp của cơ quan, tập thể và cá nhân trong hai mươi năm qua. Một nỗ lực đáng trân trọng! Nhưng chúng đã thực sự đi vào xã hội Chăm chưa, hay chỉ dừng lại ở ranh giới nghiên cứu chuyên ngành hoặc đóng khung trong phạm vi trường học?

Ở lãnh vực sáng tác, thông tin liên quan đến chữ Chăm, ngoài Đài tiếng nói Ninh Thuận với thời lượng ngắn ngủi phát thanh tiếng Chăm vào trưa chủ nhật hàng tuần, chúng ta mới chỉ có một Amư Nhân – nhạc sĩ (8) và một Inrasara – nhà thơ. Amư Nhân sôi nổi trong giai đoạn đầu rối lắng lại. Inrasara thì mới có 15 bài thơ tiếng Chăm xuất hiện dưới bóng phụ bản trong tập thơ Sinh nhật cây xương rồng(9). Chúng ta vẫn chưa có giờ phát tiếng Chăm trên truyền hình, chưa có báo hay ấn phẩm bằng tiếng Chăm. Chúng ta cũng chưa có nhiều nhà văn, nhà thơ viết bằng tiếng dân tộc Chăm. Mà theo chúng tôi, một ngôn ngữ muốn phát triển không thể không kinh qua những nẻo đường này. Các em khi qua bậc tiểu học, được trang bị kiến thức tối thiểu để đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ. Nhưng đâu là sách đọc thêm cho các em? Các em muốn trao dồi tri thức ngôn ngữ – văn hóa ở đâu? Và nếu có chút năng khiếu, đâu là đất cho tài năng văn học – nghệ thuật nẩy mầm và phát triển?(10) Nếu chúng ta chưa cụ thể hóa vấn đề này bằng các chương trình khả thi thì ngôn ngữ – chữ viết Chăm vẫn mãi mãi dừng lại trước ngưỡng xã hội.

4. Một vấn đề tối quan trọng nữa xoay xung quanh đề nghị Latinh hoá chữ Chăm. Chúng ta đã từng nghe, đọc các báo cáo khoa học (tôi nhấn mạnh báo cáo khoa học) viết vội vàng rằng chữ Chăm có nhiều loại nên khó thống nhất, khó truyền đạt, do đó rất khó phổ cập. Và đề nghị Latinh hoá nó.

Hiện nay, song hành với chữ Chăm truyền thống (akhar thrah) còn có hai loại chữ khác: chữ Chăm Latinh và chữ Chăm Ả Rập hoá. Chúng ta thử xét qua vấn đề này.

a. Xét về truyền thống, loại chữ trên có từ thế kỷ IV – V, trong lúc hai loại sau chỉ mới được tạo ra từ những năm sáu mươi của thế kỷ này.
b. Chữ Chăm truyền thống đã chính thức được đưa vào quy chế biên soạn sách giáo khoa của Bộ Giáo dục với những thành tựu nghiên cứu như đã nêu, thì chữ Chăm Ả Rập hoá chỉ mới được phổ biến ở An Giang, một ít ở Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng chữ Chăm Latinh thì mạnh ai nấy viết. Chưa có một pháp định buộc ai theo một hệ thống nào cả, trong lúc theo số liệu không chính thức, có mươi lối phiên âm – chuyển tự khác nhau được đề nghị thì đủ thấy nó khó xử như thế nào.
c. Dẫu sao chữ Chăm truyền thống, qua các Hội nghị chuyên đề và sau hai mươi năm biên soạn, dạy và học, đã tiến gần đến chuẩn hoá rồi.
d. Và trở ngại to lớn nhất từ xưa là việc xoá bỏ thủ công trong in ấn nay đã được giải quyết. Chữ Chăm đã đi vào phần mềm vi tính và được ứng dụng thành công từ năm năm qua. Trước năm 2000, nó cũng sẽ được đưa lên mạng Internet. Đó là một tin vui chung.

Tóm lại, tiếng nói – chữ viết là vốn quý của dân tộc. Tiếng nói – chữ viết Chăm, qua đó tồn tại các văn bản cổ Chăm, là tài sản quý báu chung của nền văn hoá đa dân tộc Việt Nam. Gìn giữ nó là gìn giữ bản sắc dân tộc, để chúng ta mãi là chúng ta, không bị nghiêng đổ trước cơn bão văn minh vật chất tầm thường đang xâm nhập vào xã hội mà tất cả thức giả trên thế giới lên tiếng báo động. Đó là nhiệm vụ của nhà nghiên cứu, của văn nghệ sĩ, của nhà giáo và của toàn xã hội.

__________________________
Chú thích:

(1) G. Moussay và các cộng tác viên, Từ điển Chàm – Việt – Pháp, Trung tâm nghiên cứu Chàm, Phan Rang, 1971.
(2) D. Blood, Aday bach akhar Cam birau (Em học thứ Chăm mới – chữ Chăm phiên âm).
(3) Thiên Sanh Cảnh chủ bút, Nội san Panrang – tiếng nói của cộng đồng Chàm – Ninh Thuận, 8 số từ 1972 – 1974.
(4) Các bài viết của Lưu Quý Tân, có thể tìm thấy trong Tập san Phổ Thông, Văn hóa nguyệt san… rải rác trong những năm 1964 – 1970.
(5) Các sáng tác của Đàng Năng Quạ, TanTu (Quảng Đại Tựu) được in trong Tagalau1, Tagalau2 do Hội VHNT các DTTS VN, 2000 – 2001; Bhum palay, Hội VHNT Ninh Thuận xuất bản, 2001.
(6) Bùi Khánh Thế, Ngữ Pháp tiếng Chăm, Nxb. Giáo duc, H., 1996.
(7) Inrasara, Văn học Chăm, Sđd.
(8) Amư Nhân, Điệu ru đất Tháp, Nxb Âm nhạc, H., 1996.
(9) Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng, thơ song ngữ, Nxb. VHDT, H., 1997.
(10) Hai năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Tagalau – tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu Chăm ra hai số, được xem là một hy vọng mới.

2 thoughts on “Ngôn ngữ – chữ viết Chăm…

  1. chaò chú inza !cháu là con cuả CHƯƠNG ở AN NHƠN play blap klak và chaú là chaú cuả bác NGUYỄN NGỌC ĐẠO .Cháu đã đọc nhiêù sách cuả chú rôì ,va cả sách cuả chú tặng ba cháu nữa,vậy chú có thể giúp chaú môt việt này ko ah ,hiện cháu đang làm baìluân văn về văn hoá chăm và những tháp chăm trong nước vâỵ chú co thể giúp cháu tìm tư liêụ về đề taì naỳ được ko ah ,va một số hình ảnh về chữ chăm cỗ cũng như nay ,và những ngọn tháp.cháu rât cảm ơn chú inza .

  2. Toi la nguoi Viet, toi yeu que huong minh, dan toc minh, quy trong van hoa(co va kim) minh. Toi ton trong nhung tinh yeu nhu te o cac dan toc khac. Mot con nguon bi tach roi coi nguon van hoa minh thi lam sao lon thanh nguoi duoc? That xau ho khi co ai do dinh la tinh hoa chu Cham, mot viec lam bay ba, tu day long minh, toi xin thanh that xin loi nguoi anh em Cham.
    (xin loi vi may chot hu chuong trinh go tieng Viet)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *