* Lưu ý về Thông tin mới:
Inrasara.com thu thập thông tin mang tính khám phá mới từ các báo, còn sự chính xác của thông tin cùng các chi tiết liên quan xung quanh TIN chính, thì cần có thời gian và nhất là, phải qua các xử lí của chuyên gia. Nên, Thông tin cần được xem như một kiêu hãnh, một tham khảo, gợi ý và gợi hứng tìm tòi.
Inrasara.
Thành phố biển Quy Nhơn có 4 xã đảo, gồm 3 bán đảo Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải và xã đảo Nhơn Châu đều đã phát hiện dấu tích văn hóa Chăm cổ. Tại Hải Giang – một ốc đảo chỉ rộng khoảng 1,2 km2 thuộc xã Nhơn Hải – có ngôi cổ tự nằm trong dãy núi Phương Mai, tên gọi là chùa Linh Phong. Hiện trong gian chính điện đang thờ pho tượng một tu sĩ Chăm, toàn thân được tạc bằng đá màu đen rất lạ. Pho tượng cổ cho ta một cảm giác kỳ bí, lạ lẫm và thiêng liêng, khi đến gần…
Theo các nhà khảo cổ, đây là một bức tượng Chăm xưa được tạc bằng đá núi. Tượng có chiều cao 0,82 m, ngang 0,46 m. Nghệ nhân Chămpa thể hiện bức tượng dưới dạng một tu sĩ ngồi trong tư thế thiền, khuôn mặt trầm tư, tay trái đặt lên đùi, tay phải cầm tràng hạt, mình trần, thân chỉ đeo một mảnh vải vắt chéo qua vai trái. Trên lưng pho tượng có một dây thắt lưng bằng kim loại. Vị tu sĩ ngồi trong tư thế nhìn thẳng, khuôn mặt trái xoan, cằm nhọn và bộ ria mép rất dày.
Trên đầu tượng đội một chiếc mũ trụ cao, phía trước mũ có ghi một câu thần chú bằng chữ Chăm cổ, ở chính giữa trán bức tượng có 3 vạch ngang nằm song song. Tay vị tu sĩ đeo một chiếc vòng hình tròn. Tượng cổ được gắn chặt với một tấm bia đá ở phía sau lưng, trên tấm bia này có khắc dòng chữ bằng tiếng Chămpa cổ, có đến 11 dòng, cho đến nay chưa có nhà nghiên cứu nào giải mã được các dòng chữ bí ẩn nói trên. Cũng theo các nhà nghiên cứu, đây là một pho tượng Phật mang phong cách Chăm muộn còn sót lại duy nhất, được phát hiện ở khu vực miền Trung Việt Nam.
Theo tài liệu khảo cổ ở Bình Định, nguồn gốc pho tượng Phật lồi ở chùa Linh Phong là do ngày trước có một số ngư dân ở trên đảo trong lúc đang canh tác trên núi Phương Mai đã phát hiện. Pho tượng kỳ lạ nằm sâu dưới lòng đất được đào lên đem hiến cho nhà chùa. Người dân Nhơn Hải từ khi có được pho tượng kỳ lạ này đã gọi chùa Linh Phong là chùa “Phật lồi”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tượng Phật lồi này rất có giá trị về văn hóa, khảo cổ, nhưng có lẽ cần thêm nhiều thời gian và công sức để các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm. Điều rất cần hiện nay là làm sao bảo vệ và gìn giữ bức tượng quý hiếm này, nếu không bức tượng dễ “không cánh mà bay”.
Theo: Nguyễn Thái Tuấn
Báo Người lao động, 08-07-2007.
sao không có hình bức tượng cho mọi người chiêm ngưỡng ?