Cần thiết phải có diễn đàn văn học tự do. Diễn đàn, chúng ta không thiếu: Văn nghệ, Văn nghệ trẻ,… Tuy nhiên, các tờ báo chuyên văn học của Hội Nhà văn Việt Nam chưa mạnh dạn chấp nhận tiếng nói khác mình hoặc ý tưởng đa chiều. Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu hay trước nữa, Vụ “Hoa thủy tiên” chẳng hạn, người đọc chỉ được cho nghe một bề “phê”, chứ chưa thấy đâu ý kiến ngược. Thì làm sao dư luận rộng đường? Hiện tượng Mở Miệng hay Ngựa Trời xôm tụ là thế, có bao giờ Văn nghệ, Văn nghệ trẻ hạ cố dành cho ít trang gọi là?! Chỉ có vài tờ báo không chuyên “đặc trị” chúng.
Hội nghị những người viết văn trẻ vừa qua, khá nhiều ý kiến phê phán Văn nghệ trẻ. Theo thông tin lóm được, bạn trẻ tập trung chê Văn nghệ trẻ “không trẻ”, vì báo chỉ chuyên đăng các sáng tác già cỗi, cũ mèm! Đó là một phê phán đúng nhưng thiếu và, không cao tay. Bởi ranh giới cũ/mới, dở/hay,… trong sáng tác, nhất là thể loại thơ thì cực mơ hồ, có bàn đến tận thế cũng không xong.
Đánh giá Văn nghệ trẻ vài năm qua, Nguyễn Quang Thiều dù cố gắng nhỏ nhẹ cũng phải kêu lên một tiếng: “Tôi nghĩ Văn nghệ trẻ đang rời xa đối tượng cơ bản nhất của mình” (Văn nghệ trẻ, 25,06.2006). Nguyễn Quang Thiều đã không cụ thể. Theo tôi, cái dễ thấy nhất ở tờ báo là nó đã và đang mang vác một thứ thừa và ba cái thiếu. Thừa và thiếu nghiêm trọng.
– Thừa: bổn phận của Văn nghệ trẻ có phải dành đến 7-8 trang báo để đa mang chuyện xã hội hay đánh tiêu cực? Đánh tiêu cực xã hội, Văn nghệ trẻ cạnh tranh nổi với Thanh niên hay Pháp luật,… chắc? Trong khi báo ta lại đem bỏ chợ đứa con đẻ [nhiệm vụ chính] của mình.
– Thiếu: đó là thiếu về sự trình bày lí thuyết, trào lưu văn nghệ đương đại. Trình bày đầy đủ, chính xác với lối nhìn khách quan và nhiều chiều. Để thế hệ nhà văn trẻ chúng ta bớt đi cái nỗi lạc hậu tình hình văn chương của người thiên hạ.
Thiếu thứ hai là thiếu về giới thiệu các khuôn mặt xuất sắc của văn chương khu vực và thế giới, nhất là các khuôn mặt mới. Để bạn văn trẻ biết mình đang đứng ở đâu trong dòng chảy của văn chương thế giới, tránh sự hợm mình kiểu cóc ngồi góc mâm.
Thiếu thứ ba là Văn nghệ trẻ chưa bao giờ dũng cảm giới thiệu đến nơi đến chốn trào lưu, hiện tượng thơ văn trong nước gây xôn xao [cả thật lẫn giả] dư luận. Để người đọc nhận chân giá trị của các sáng tác đó. Và, nhiều thứ khác nữa…
Đó là nỗi không làm tròn bổn phận của tờ báo chuyên, một không làm tròn tưởng vô thưởng vô phạt nhưng thật sự đã tác hại không nhỏ đến phát triển của văn học hôm nay và cả mai sau.
Tóm lại, tuần báo Văn nghệ, tạp chí Văn (tp.Hồ Chí Minh) lâm trọng bệnh 20 tháng qua rồi, mãi hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu ngoi ngóp. Như vậy, chúng ta chỉ còn hi vọng Văn nghệ trẻ, Văn nghệ “hãy là mình”, “dám là mình” và, “đừng rời xa đối tượng cơ bản nhất của mình”, như kẻ đã từng nuôi lớn nó mong mỏi thế.