Thơ Hậu Đổi mới …đang khủng hoảng

THƠ HẬU ĐỔI MỚI, VÀ… ĐANG KHỦNG HOẢNG
Tham luận tại Hội nghị Lí luận, phê bình văn học lần thứ 2,
Đồ Sơn tháng 10. 2006.

Tiêu đề hội nghị “Phát huy thành tựu đổi mới văn học, phấn đấu có thêm tác phẩm chất lượng cao”, mang tham vọng khá lớn. Trong khi vế sau: “phấn đấu có thêm tác phẩm chất lượng cao”, như lặp lại quyết tâm ở vài kì hội thảo trước, cấp trung ương có, cấp thành phố có thì vế trước: “phát huy thành tựu đổi mới văn học” đòi hỏi một cái nhìn quán xuyến sự đi đứng nằm ngồi của văn học trong thời gian tương đối dài. Ít ai dám nhận đã theo dõi sát sao cả một giai đoạn văn học ở mọi thể loại với bao chuyển động phức tạp của nó mà không phải rơi vào tình trạng mới chỉ được nghe nói về nó hay nắm bắt văn bản qua tóm lược đầy mơ hồ.

Tôi không ý định làm lí luận – phê bình văn học chuyên nghiệp, chỉ bởi nhu cầu tìm hiểu lối nghĩ và lối viết của người cùng thời, tôi chọn cho mình thể loại trong giai đoạn ngắn hơn (định danh): lập biên bản các dòng chảy của thơ Việt hậu đổi mới, qua góc nhìn khiêm tốn hơn (định vị): suy tư trên vạch đứt giữa lằn ranh ngoại vi/trung tâm.

Hậu đổi mới khi, từ trong nước đến hải ngoại, các Website văn chương ồ ạt ra đời, khi Tc.Thơ (Hoa Kì), Tc.Việt (Úc),… tạm thời làm xong phận sự, khi nhóm Mở Miệng xuất hiện và cho ra lò hàng loạt tập thơ photocopy của mình và, khi Tagalau, Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm ra số đầu tiên vào mùa Katê năm 2000,… Nghĩa là tròm trèm 5-6 năm thơ tiếng Việt trong một nền văn học mang nặng tâm thế đối xử phân biệt kì lạ:

• Ngoài lề/chính thống: “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” với nhóm Mở Miệng và làn sóng thơ nữ Sài Gòn.
• Thơ nữ/nam giới: “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố nữ”.
• Thơ trong nước/hải ngoại: “Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt”. Trước đó, tôi đã có giới thiệu vài nhà thơ hải ngoại tiêu biểu: Nguyễn Hoàng Tranh, Phan Nhiên Hạo,…
• Cả cái gọi là thơ địa phương/trung ương (thơ tỉnh lẻ Ninh Thuận/thơ của các trung tâm văn hóa): “Nhập cuộc và hi vọng”.
Tôi đã tự cho phép mình làm nhiệm vụ cảnh sát “lập biên bản” chúng, ngay trên đường biên vô hình đầy tệ hại. Nỗi phân biệt ngoài lề/chính thống còn lây lan sang cả:
• Đông Nam Á/thế giới: “Văn học Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa”. Thơ của ngôn ngữ số ít/số đông: “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay”. (Tienve.org).
• Văn học dân tộc thiểu số/đa số: “Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động”.

Và hôm nay, thơ hậu đổi mới Việt…

1. Một cái nhìn liếc qua hội họa…
Dấu hiệu chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật manh nha từ Claude Monet, xuất phát từ một quan niệm. C.Monet cho rằng sự vật biến đổi theo ánh sáng và bị tác động bởi chuyển động nhanh. Năm 1863, bức họa Bữa ăn sáng trên cỏ của Eduard Manet “gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người bênh vực truyền thống kinh viện và các văn nghệ sĩ trẻ” (M.Fragonard, 1997). Rồi 10 năm sau, khi trưng bày bức Ấn tượng, rạng đông (1872), C.Monet đã gây sửng sốt cho giới thưởng ngoạn hội họa thời ấy. Bố cục thiếu rõ ràng, không còn sự cân xứng hòa hợp như người ta thường thấy ở các tác phẩm Cổ điển, chỉ có cảnh vật mơ hồ chìm ngập giữa màu sắc chập chờn, u u minh minh. Họa sĩ không còn quan tâm đến đường nét cảnh vật mà chú trọng hiệu ứng quang học trên cảnh vật. Trường phái Ấn tượng tạo bước ngoặc lớn trong thể hiện hiện thực, mở đường cho sự bùng nổ các trường phái hội hoạ hiện đại sau đó.
Năm 1877, rời bỏ Ấn tượng, Paul Cézanne thách thức chính không gian của các nhà Ấn tượng. Sự vật không còn thuần túy là đối tượng bị nhìn, ở đó còn có cả người nhìn. Tương tác qua lại tạo hiệu quả của sự tri giác thực tại một cách đặc thù. Nhưng phải đợi đến năm 1907, khi Những cô gái ở Avignon của P.Picasso xuất hiện, chủ nghĩa hiện đại mới ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử mĩ thuật. Việc bóp méo hình dạng tạo sự chuyển hướng quyết định, như một tuyên ngôn về hình thức hoàn toàn mới: một phản biểu đạt mới. Từ đó, liên tục xảy ra cách mạng lật đổ. Trường phái đánh đổ trường phái. Cuộc lật đổ còn xảy ra trong mỗi nghệ sĩ nữa. Cùng với Georges Braque, P.Picasso giai đoạn thứ hai mở cuộc tấn công vào mục tiêu của P.Cézanne. Hình dạng méo mó và góc cạnh bị đơn giản hóa thành những khối và mặt phẳng hình học. Nhiều điểm nhìn đồng thời trong một bức họa, các chuyển động đan cài vào nhau; ở đó ta thấy sự tổng hợp giữa không gian và hình thể. Cách mạng Lập thể là một chấn động mạnh (M.Fragonard). Nó quy tụ nhiều anh tài, làm mưa làm gió.

Cuộc cách mạng vẫn tiếp tục. Năm 1918, Tuyên ngôn Dada ra đời, các nghệ sĩ Dada không còn quan niệm nữa! Với khẩu hiệu: Phá huỷ cũng chính là sáng tạo, “Dada tồn tại vì tự nhiên và chống lại nghệ thuật giả tạo” (Jean Arp). Có thể nói, Dada khai mào cho chủ nghĩa Tự động (automatism), nghệ sĩ ném bỏ mọi quy tắc truyền thống. Thế nhưng chủ trương vô chính phủ, chống lại mọi thứ giá trị của phong trào này bị phản đối bởi những người trong cuộc: A.Breton cắt đứt quan hệ với Dada và tuyên xưng một trường phái mới: 1924, Tuyên ngôn Siêu thực xuất hiện, nỗ lực khám phá cái vô hình đằng sau cái hữu hình giả tạo. Hầu như tất cả để chống lại sự hời hợt đầy giả tạo lan tràn trong nghệ thuật lẫn cuộc sống. Duchamp không còn “nặn” tượng hay “vẽ” tranh nữa; ông dùng ngay vật có sẵn, tước bỏ công dụng của chúng, mang chúng vào phòng trưng bày. Thế là tác phẩm nghệ thuật ra đời. Giá đựng chai (1914) và Bồn tiểu (1917) là một trong những kiệt tác đó.

Rồi Daniel Buren xuất hiện, đặt dấu hỏi về chính chiến tích oanh liệt của Duchamp: nơi chốn trưng bày tác phẩm có phải là đặc quyền của phòng triển lãm? Tại sao không là khoảng không gian rộng hơn: rạp hát, quán cà phê hay công viên,…? Và cuối cùng, chủ nghĩa hậu hiện đại lại mở cuộc công phá mới, khác nữa… Bao nhiêu quan điểm, bấy nhiêu trào lưu chừng chưa đủ. Chủ nghĩa Tân-Dada, Nghệ thuật sắp đặt, Trình diễn, Video Art hay Đa phương tiện,…cấp tập ra đời ở phương Tây.
Thử nghiệm tiếp nối thử nghiệm! Cái mới luôn kêu đòi cái mới hơn, chen vai thích cánh, cạnh tranh nhau hay xô ngã cái mới trước đó, hình thành bao làn sóng sáng tạo dồn dập, sôi động vô cùng lí thú. Chỉ cần đặt một dấu hỏi đúng hay thay đổi một mệnh đề là nghệ sĩ có thể đánh đổ hoặc chuyển hướng một kĩ thuật thể hiện, thậm chí cả một thi pháp, một hệ mĩ học. Chúng đòi hỏi nhà nghệ sĩ/người thưởng thức nghệ thuật thay đổi lề thói tư duy và có khi thay đổi cả thái độ sống.

2. Như vậy, mỗi cuộc cách mạng nghệ thuật luôn làm trương nở/phá vỡ tầm mong đợi (horizon of expectations) của người thưởng ngoạn đương thời. Chúng đi tìm/tạo ra bộ phận người thưởng ngoạn mới, khác.
Chuyển động của thơ ca cũng thế.
Chưa đầy hai thế kỉ, nhân loại đã chứng kiến bao nhiêu trào lưu ra đời, phát triển và suy thoái. Làn sóng tiếp làn sóng, và chúng không hứa hẹn một ngưng trệ. Đó là bản chất của văn học nghệ thuật phương Tây, đã làm nên sự vĩ đại của truyền thống họ.
Đó là chuyện ở phương Tây. Phương Đông thì sao?

3. Có lẽ trong lịch sử Trung Hoa, công chúng văn học đã biết đến vài cuộc thay đổi lớn. Các trường phái triết học hình thành và phát triển qua các thời kì khác nhau hoặc xuất hiện cùng thời và cạnh tranh quyết liệt; thêm các biến động kinh tế-xã hội,… kéo theo sự biến động của văn học. Người viết tiếp nhận tư tưởng mới, đáp ứng đòi hỏi của thời đại cũng như nhu cầu làm mới tự thân, chắc chắn đã có những lối thể hiện mới, khác. Nhưng bởi nguyên nhân khách quan: kĩ thuật in ấn chưa phát triển, thông tin còn hạn chế và nhất là thời đại cũ chưa hình thành lớp độc giả tiêu thụ văn chương nên, văn chương Trung Hoa chỉ thay đổi, thậm chí thay đổi lớn chứ chưa có cách mạng.
Nói như Lưu Hiệp, văn chương đã thay đổi theo thời: thời tự. “Từ thời Trung hưng về sau, các người tài hơi đổi lối văn”, “thời Hán Hiến Đế (189-220) nhường ngôi, văn học chuyển nhanh”, “Thời Giản Văn Đế (371-372) văn học nổi lên đột ngột”, “từ Minh Đế trở xuống, văn lí thay đổi”,… (1)
Người đọc, tùy gu hay não trạng, chọn lựa thứ văn chương hoặc tác giả mình yêu thích. Cứ thế… Chỉ đến khi tiếp xúc với văn học phương Tây, Trung Hoa mới ý thức và đã làm được cách mạng văn học. Việt Nam không nằm ngoài thông lệ đó.

4. Thử lướt qua ba cuộc cách mạng thơ Việt thế kỉ qua.

Thơ Mới mở màn cuộc cách mạng. Nó hội đủ yếu tố: cơ hội tiếp nhận nền văn học hoàn toàn mới là văn chương Pháp thế kỉ XIX; bên cạnh sự ra đời và phát triển của báo chí tiếng Việt, Thơ Mới còn sở hữu thế hệ thi sĩ đầy tài năng.
Kế tiếp là thơ Cách mạng giai đoạn chiến tranh thống nhất đất nước và sau đó là hậu duệ của nó với thành tựu chói lọi trong trào lưu sáng tác mang tính sử thi (1975-1985). Tư tưởng xã hội chủ nghĩa, xung đột ý thức hệ trên phạm vi toàn thế giới, đấu tranh giải phóng dân tộc, mỗi thi sĩ là một chiến sĩ, phạm vi người đọc mở rộng đến tận giai cấp công nông chứ không giới hạn ở thành phần đặc tuyển,.… là các điều kiện cần và đủ để tạo cuộc cách mạng thơ rộng lớn khắp miền Bắc.
Cùng giai đoạn lịch sử, ở miền Nam: chiến tranh leo thang, sự bất lực của bộ phận trí thức, ảnh hưởng triết học hiện sinh, phong trào phản chiến, chán nản và mất niềm tin trong thanh niên,…Bối cảnh đó, Nhóm Sáng Tạo ra đời với diễn đàn độc lập là tạp chí Sáng tạo, dẫu chỉ tồn tại trong một thời gian khá ngắn, Nhóm thơ này bẻ gãy hệ thống thi pháp từng thống ngự thơ Việt trước đó – thi pháp Thơ Mới. Cuộc cách mạng đã mở ra khả tính mênh mông cho phát triển thơ Việt.
Và cuối cùng, có thể xem giai đoạn Đổi mới (1985-2000) như là bước đệm: các nhà thơ nỗ lực đưa thơ bứt ra khỏi thi pháp cũ, lối thơ đã từng hiện hữu trước đó. Hàng loạt khuôn mặt thơ xuất hiện, làm nên một làn sóng khá sôi động. Thời kì này, các nhà phê bình cũng đã nói nhiều đến cách tân, làm mới, sự chuyển giao thế hệ, đổi gác thơ, vân vân… Nhưng đã không xảy ra cuộc cách mạng nào, ở đó.

5. Còn hôm nay, 5 năm đầu của thế kỉ XXI – thời hậu đổi mới, thơ Việt đang ở đâu? Nó đang đi, thế thôi. Còn nó sẽ đi về đâu, tương lai nó thế nào thì không ai có thể biết được. Lúc này, nó đang rơi vào khủng hoảng.

a. Khủng hoảng sáng tác
Có thể phân thơ trẻ Việt hậu đổi mới phát triển theo 4 dòng chính (Xem: Inrasara, “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”). Cựa quẫy và trì trện là hai mặt dễ thấy nhất của thơ hậu đổi mới. Chúng tạo một khủng hoảng thừa bên cạnh một khủng hoảng thiếu của nền văn học nói chung.
Điều cần nhấn mạnh, là cả 4 dòng thơ trên tồn tại gần như biệt lập. Họ ít đọc nhau mà chỉ dòm ngó, canh chừng nhau. Họ chưa thể đối thoại nói chi việc chấp nhận nhau để cùng phát triển. Thơ hậu đổi mới, và… nhìn cả ở bề mặt lẫn chiều sâu, đang rơi vào bế tắc.
Có loại bế tắc mà không tự biết, như dòng thơ “truyền thống” chẳng hạn nên, họ cứ làm tới. Riêng dòng cách tân đơn lẻ, bế tắc, họ dừng lại và tiếp tục nỗ lực tìm đường, lắm lúc – tắt luôn! Hai dòng thơ cuối cùng, tiếp nhận tinh thần Hậu hiện đại và, bởi tuổi đời còn trẻ, dõng mãnh dấn tới, phát quang lối đi mới, không nương tay, quyết liệt và cả quá khích nữa! Chính hai dòng này đã tạo nên khủng hoảng lớn.
Khủng hoảng – 15 năm sau Đổi mới, người viết cấp tập tiếp nhận bao cái mới, khác với những gì họ từng được dạy ở giảng đường đại học; văn chương mạng phát triển làm bùng nổ thông tin, thế hệ trẻ cơ hội tiếp cận trào lưu văn chương thế giới trùng điệp nẩy nở, lớn mạnh và suy tàn. Khủng hoảng – khi kĩ thuật vi tính đòi hỏi nhà thơ xử lí nghệ thuật khác: thơ không còn là một nghệ thuật thời gian mà còn bao hàm cả nghệ thuật không gian. Khi thế hệ người viết văn làm thơ hôm nay xem các giá trị mới hôm qua ông bà chú bác họ từng tin và cật lực xây dựng, bảo vệ, chỉ là những dối lừa hay ảo tưởng tai hại.
Nhất là thơ ca. Thế hệ trẻ không còn tin thứ thơ ca của hôm qua! Họ tuyên bố bất cần thơ ca cha ông, bất cần lớp người đọc cũ lẫn giới phê bình [mà họ cho là] lỗi thời. Số còn lại, lành tính hơn, than phiền độc giả không hiểu mình, cả độc giả cao cấp – nhà phê bình.
Khủng hoảng sáng tạo kéo theo khủng hoảng phê bình lẫn khủng hoảng người đọc.

b. Khủng hoảng phê bình
Tình trạng phân hóa của hệ mĩ học và quan niệm sáng tác xảy ra từ 5 năm trước, ngày càng trầm trọng. Mỗi ngày, cả trăm bài thơ nóng hôi hổi được bắn lên mạng. Hằng năm, mấy trăm tập thơ xô đẩy nhau xuất lò in, cả lò photocopy. Không ai tự nhận quán xuyến tất cả các sáng tác khác lạ và cả khác nhau ấy. Nên, một nhà phê bình chỉ có thể chọn lựa một quan điểm thẩm mĩ nhất quán, để làm phê bình.

Nhưng nhìn tới nhìn lui: rất ít [nếu không nói là chưa có] nhà phê bình nào chịu đồng hành với thơ đương đại (cụ thể hơn: thơ hậu đổi mới) để có thể song thoại sòng phẳng với cái mới. Có, nhưng chỉ để trù dập hay tán tụng. Chưa có ai dấn thân trọn vẹn với các trào lưu sáng tác mới, để có thể nắm bắt, cả phần sáng lẫn bề tối của chúng. Qua đó, khai mở cơ sở văn hóa, nền tảng triết học hình thành các loại thơ kia. Chúng ta rất ngại đi vào vùng xoáy dễ sa sẩy của sáng tác mới, của hôm nay. Tinh thần ngại phiêu lưu khiến các nhà phê bình luôn tìm chốn trú ẩn an toàn trong miền sáng tác thuộc hệ mĩ học đã được thời gian thẩm định và lưu kho. Đại đa số bài điểm sách được viết rất qua loa, như thể làm cho xong cái phận sự của đơn đặt hàng, cả ở các báo chuyên. Nơi đó, người đọc không nhìn ra đâu tác phẩm và bút pháp mới mà chỉ thấy sinh hoạt riêng tư của tác giả với những giai thoại được phô bày, lê thê kể lể. Bao nhiêu là giai thoại!

Thời cuộc thay đổi. Thơ đã thay đổi. Và, cách nhìn nhận thơ cũng phải thay đổi.
Thơ hậu đổi mới đang xảy ra. Chúng đang đi, đang tìm đường. Như vậy, với những kẻ phiêu lưu vào vùng đất mới của thơ ca, xã hội cần khuyến khích, tạo điều kiện cho họ khai phá. Thơ Hậu hiện đại, Tân hình thức hay Nữ quyền luận,… phải được bình đẳng có mặt. Không thể đòi hỏi chúng xuất sắc ngay tức thời. Chê chúng chưa đi tới đâu, dè bỉu chúng dị hợm hay thậm chí, quy chụp chúng bằng nhiều hình dung từ tiêu cực, thì không gì tiêu cực hơn. Càng không thể bằng vài trích dẫn câu/đoạn/bài thơ dở rồi quy kết rằng chúng hỏng, đáng vứt đi.

Một hệ mĩ học sáng tạo chỉ có thể bị/được vượt qua bằng phê bình tác phẩm đại diện xuất sắc thuộc hệ mĩ học đó, chứ không phải ngược lại.
Thế nhưng, phê bình hôm nay đang thiếu, thiếu và thừa lớn. Thiếu tư thế tự do cần thiết nên thừa sự tránh né, cả nể. Không đủ cô đơn cho… phê bình, nghĩa là thiếu giữ một khoảng cách cần thiết với đối tượng nên phê bình dễ tạo cảm giác thừa tinh thần phe nhóm, cánh hẩu. Thiếu thẩm quyền chuyên môn, do đó, các nhận xét đều thừa ý kiến vừa xu thời vừa bất cập, tùy tiện. Cuối cùng, thiếu hiểu biết về lao động nghệ thuật cùng lòng say mê nghề nghiệp, nên thừa bài viết theo sơ đồ sáo ngữ được làm sẵn, ở đó hoàn toàn vắng bóng suy tư (2).

c. Khủng hoảng người đọc
Thói quen thơ: từ thể thơ: lục bát, 5-7-8 chữ, hay thơ tự do có vần/điệu… cho đến hệ mĩ học: Cổ điển (Trung Quốc), Lãng mạn, Hiện thực,… quy định lối thưởng thức thơ của chúng ta. Bài/tập thơ nào vừa vặn với tầm mong đợi thì được cho là hay.
Câu hỏi đặt ra: Nhưng thế nào là hay? Tại sao các thế hệ/trường phái thơ không thể chấp nhận nhau? Cụ Huỳnh Thúc Kháng đòi đánh roi Lưu Trọng Lư; trong khi Xuân Diệu cho thơ Nguyễn Đình Thi lủng củng thì Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại “thơ giả cầy, thơ dịch” mà dịch rất tồi! Và, không ít đại biểu thơ hôm nay không chịu được loại thơ như Đinh Linh! Cứ thế… Do đó, cách tân thơ đòi hỏi người đọc phải thay đổi những quy ước trong cảm thụ, quan niệm về thơ.
Nhưng, độc giả [văn chương] hôm nay đang ở đâu? Họ đã chuẩn bị được gì, để đón nhận sáng tác mang trong mình khả tính cách mạng?
Các thế hệ độc giả hôm nay và cả tương lai gần chưa được chuẩn bị tri thức đón nhận cái mới. Đôi khi, dẫu có được chuẩn bị, họ vẫn cứ vướng kẹt: tinh thần tiếp nhận. Bởi ngay nhà phê bình thơ bậc thầy như Hoài Thanh hay nhà thơ tài hoa như Xuân Diệu cũng rất dị ứng với sáng tác thuộc hệ mĩ học khác mình: Tượng trưng [phần nào Siêu thực] của Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh! Khía cạnh này, có thể viện đến não trạng hay cái gu thưởng thức thơ. Ai dám cho Xuân Diệu hay Hoài Thanh không hề biết tới Chủ nghĩa Tượng trưng hay Siêu thực?!

Điều đáng nói là chớ vì thế mà có ý định loại trừ các sáng tác khác lạ ra khỏi đời sống văn chương. Hãy để cho các hệ mĩ học sáng tạo cùng tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Cuộc cạnh tranh thơ ca hôm nay cũng thế, nó cần có môi trường lành mạnh, để các giọng thơ, các trào lưu, hệ mĩ học khác nhau cùng tồn tại và tranh đua, đẩy nền thơ ca Việt dấn tới.
Môi trường lành mạnh chính là diễn đàn công khai. Dù đại bộ phần sáng tác hậu đổi mới đã có đất sống trên website văn học cả trong lẫn ngoài nước nhưng chính diễn đàn công khai mới mang yếu tố quyết định tạo nên cuộc thay đổi lớn trong văn học. Đâu phải cái mới nào cũng hay, khả năng chinh phục được người thưởng thức nghệ thuật. Ngay thời Thơ Mới, Hoài Thanh phải đọc và sàng lọc cả mấy vạn bài thơ mới mới chọn ra được vài trăm bài ưng ý (mà chắc gì Hoài Thanh đã có lí hết). Hôm nay không là ngoại lệ: các bài thơ Tân hình thức hay Hậu hiện đại cần được xuất hiện ở các mặt bằng thông tin đại chúng, hay ít ra nó phải được dành cho một số trang nhất định trong các tạp chí, báo chuyên văn chương. Để làm cuộc chinh phục người đọc của mình. Qua đó, người đọc mới có thể phân định cái hay/dở của chúng. Nếu chúng dị hợm, học đòi vô lối thì chúng sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Không vấn đề gì cả.

6. Tạm kết…
Thơ đang mất độc giả, là thực tế. Thơ ca ngày càng xa rời quần chúng và đánh mất lớp công chúng trung thành. Nhà thơ hôm nay đang sống co cụm, cày cuốc và cãi cọ trong đám ruộng nhỏ bé của mình. Hội nghị, hội thảo thơ và,… là để giành lại người đọc đã mất và chinh phục người đọc mới.

Chúng ta bắt đầu từ đâu?
Cứ tạm gọi tất cả người viết văn, làm thơ là tác giả đi. Có thể chia họ làm 4 nhóm (tạm thời cho vào ngoặc nhà lí thuyết, nhà nghiên cứu, phê bình văn học):
Thứ nhất là Nhóm phục vụ: viết nhằm vào một đối tượng độc giả nhất định, như [một phần] Nguyên Sa ngày trước hay Nguyễn Nhật Ánh hôm nay, chẳng hạn. Dẫu ít đóng góp cái mới vào phát triển văn học nhưng tác phẩm của họ vẫn có ích. Nhóm này hoạt động gần như độc lập, ít va chạm hay cãi vã qua lại nhưng lại chiếm “thị phần” cao nhất. Hầu hết tác phẩm best-seller đều sản sinh từ nhóm tác giả này.
Thứ hai là Nhóm nhai lại: chiếm số đông trong giới viết lách. Họ cày nát cái cũ mặc dầu vẫn ảo tưởng mình sáng tạo. Đại đa số tác giả thuộc Nhóm nhai lại rất siêng năng canh chừng và tìm mọi cách đẩy Nhóm sáng tạo ra ngoài lề sinh hoạt văn chương.
Nhóm kí sinh (hiểu theo nghĩa trung tính) thuộc bộ phận thứ ba: chủ yếu gồm các tác giả viết báo mang hơi hướng văn chương, các bài tạp bút, điểm sách, phỏng vấn,… Thỉnh thoảng họ cũng có viết văn, làm thơ. Nhóm này ít tham vọng và ảo tưởng. Chủ yếu họ bám đời sống văn chương và các giai thoại xung quanh tác giả.
Cuối cùng là Nhóm sáng tạo, gồm những kẻ yêu văn chương đúng nghĩa: trong đó có kẻ mở đường và con người tiếp nhận và thể hiện (tiếp hiện, như từ dùng của Nhất Hạnh) bằng nhiều cách khác nhau con đường đó. Sáng tác của họ thúc đẩy sự tiến bộ của văn học đất nước và thế giới. Đây là nhóm tác giả đang cần đến các nhà phê bình nhạy bén với cái mới, tay nghề cao và dũng cảm đủ khả năng tạo ra một thế hệ hệ độc giả mới. Bởi chính họ, chứ không phải ai khác, làm nên diện mạo văn chương mới của Việt Nam ngày mai!

____________________________
Chú thích:

(1) Lưu Hiệp, Văn tâm điêu long, Phan Ngọc dịch, Nxb.Văn học, H., 1999, tr.254-257.
(2) Xem thêm: Theodor W.Adorno, “Về khủng hoảng của phê bình văn học”, Trương Hồng Quang dịch, Talawas.org.

Viết thêm sau Hội nghị
Ngoài tham luận giảng bài của Phạm Quang Trung hay tham luận to con của Bùi Bình Thi và phát biểu đại cà sa kể lể của vài nhà khác, còn thì có thể đánh giá: “Hội nghị đã thành công tốt đẹp”.
Thành công theo yêu cầu của Ban tổ chức Hội nghị, như thông lệ của các hội nghị tương tự. Lời khen chê hay cuộc bàn tán xôm tụ sau Hội nghị cũng cần được kê biên thêm vào mục thành công tốt đẹp đó. Nhưng có lẽ một điều chưa thấy nói đến, đó là quá nhiều ý kiến tham luận xoay quanh quyết toán nợ nần cũ, nặng hơn: có vị còn “đề nghị thành lập tiòa án văn học” nữa mà hiếm có ý kiến xoáy sâu vào văn học hôm nay mở đường cho văn học ngày mai. Tại sao không thể đặt vấn đề cụ thể hơn: Thơ [hay tiểu thuyết] Việt 5 năm qua và nhà lí luận-phê bình đã làm được gì cho chúng, chẳng hạn? Dĩ nhiên, để tương lai nhẹ nhõm, việc thanh toán cho xong món nợ quá khứ không phải là không cần thiết nhưng nếu cứ mãi nhấn vào nó, e chính điều ấy lại trở thành gánh nặng và thừa.
Trong bối cảnh đó, vài đại biểu cảm thấy mất hết hứng thú tham luận. Trong đó có tôi. Tôi chợt thấy bài viết mình khá là lạc lõng và… thừa.
Nên tôi đã không tham luận mà chỉ nêu 3 ý kiến phản bác:
• “Nhà văn không cần sáng tác theo chủ nghĩa nào cả”: không đúng! Nô lệ chủ nghĩa thì tác phẩm khô héo và không bay, nhưng nếu thiếu các chủ nghĩa, một nền văn học không làm thành trào lưu; riêng cá nhân nhà văn dễ rơi vào vùng viết cảm tính, mơ hồ. Và không thể đi xa!
• “Lí luận-phê bình luôn đi sau sáng tác, khi sáng tác không nên thân thì phê bình èo uột là cái chắc”: trật. Đó là thứ phê bình quen ăn theo sáng tác. Trong lúc ngược lại, một nền phê bình lớn có thể đứng biệt lập và cả khả năng dẫn đạo sáng tác.
• “Không phải cách tân hay thử nghiệm gì cả, chỉ cần làm sao cho hay”: sai. Nếu không có thử nghiệm thì làm gì có Thơ Mới, có Sáng tạo,…Sao sợ thử nghiệm? Tại sao mãi mang mặc cảm dị ứng với thơ Hậu hiện đại, Tân hình thức, nhóm Mở Miệng hay Ngựa Trời,…? Hãy để mọi sáng tác thuộc các hệ mĩ học khác nhau bình đẳng tồn tại. Hãy để thế hệ trẻ chọn lựa nhau nhưng trước tiên, hãy chuẩn bị cho họ tinh thần, tri thức tối thiểu về hệ mĩ học sáng tạo mới để họ có khả năng chọn lựa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *