Hãy cứ để cho các nhà thơ dọc ngang thoải mái thể hiện: sáng tác, ra sách, giao lưu trao đổi, hay trình diễn thơ gì gì khác…Thứ nhất, cấm thì gây thêm tò mò cho người đọc; thứ hai: ở đó mà cấm với chả cấm trong thời buổi bùng nổ thông tin này!
Chuyến đi Đức đọc thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh vào cuối năm 2005 là một minh chứng khá hùng hồn cho sự vụ. Ví Nhà nước cấm không cho nhà thơ này đi, thiệt hại trước tiên thuộc phía Nhà nước đã: cánh trẻ [và cả “bọn xấu”] sẽ kêu đích thị Việt Nam thiếu dân chủ; sau đó người đọc chịu thiệt: không biết thơ trẻ hay ra sao, mới lạ tầm cỡ nào mà bấy lâu bị lực lượng “bảo thủ” ngăn cản ghê quá; và sau cùng là thiệt thòi về phía kẻ sáng tác: Nguyễn Hữu Hồng Minh [và…] không biết được mình đứng ở đâu trong dòng chảy của thi ca hôm nay. Ngược lại, nếu cho thoải mái: lợi tất!
Kinh nghiệm Nhóm Mở Miệng với Nguyễn Hoàng Tranh (nhà thơ đang sống tại Úc) đọc và nói chuyện về thơ đương đại tại Lớp cử nhân tài năng ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.Hồ Chí Minh vào năm 2004 cũng thế. Thơ họ “bị sinh viên tôi phản đối quá, muốn tẩy chay luôn” (lời vị giảng viên phụ trách lớp). Hoặc thế đứng Nguyễn Thúy Hằng trong buổi ra mắt sách tại Viện Goethe – Hà Nội cuối tháng 03.2006 cũng vậy.
Nêu 3 sự kiện thả cửa hiếm hoi trên để thấy rằng, dù sau trận đem thơ đánh xứ người, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã “tự tri tự ngộ” tới đâu, hay vụ “phản đối, tẩy chay” Nhóm Mở Miệng bởi những nguyên nhân nào, hoặc nỗi “mất hút” Nguyễn Thúy Hằng ra sao chăng nữa, là vài kinh nghiệm quý hơn vàng, và phải được xem như tín hiệu tốt lành cho văn chương Việt Nam trong thời kì hội nhập. Còn cứ một mực cấm chợ qua cắt giấy phép nhóm Mở Miệng đọc thơ ở Viện Goethe rồi là ngăn sông nhóm Ngựa Trời ra mắt Dự báo phi thời tiết tại thủ đô, thì xin hỏi có ơn ích ai không cơ chứ!?
Hãy để các thế hệ trẻ quyền đánh giá và chọn lựa nhau. Nhưng trước hết, hãy trang bị cho họ tri thức cơ bản để họ đủ khả năng đánh giá và chọn lựa. Bởi chính họ chứ không phải ai khác là kẻ viết lịch sử văn học Việt Nam, ngày mai.
Để cho bạn thơ trẻ tự do (kể cả tự do buông tuồng), nếu họ “không đi tới đâu” hay dị hợm vô lối thì chính họ sẽ tự đào thải. Người đọc thời hiện đại đủ khôn lớn để không dễ dãi với trò rác rưởi, nhố nhăng, nhảm nhí! Từ đó, cái mới-hay sẽ tồn tại, như một giá trị-mới làm nên truyền thống-mới của văn học Việt Nam.