Miền Trung với điệp trùng núi với cát trắng biển xanh ngàn lau bạc, những tháp cổ chơ vơ cô quạnh và những người đàn bà Chăm mặc áo dài thanh thiên đội nước đi trên con đường vô định… Không hiểu sao mỗi khi qua miền đất ấy, con tim nhỏ bé của tôi bất giác cứ se lại. Với tôi đó là thế giới xa lạ huyền bí. Trong cuộc đời trôi sông lạc chợ của mình, có lúc tôi tấp vào báo Nông dân Việt Nam để làm cái việc giải quyết ruộng đất. Trong một lần công cán, tôi đã đến với bà con Chăm ở Phan Rang. Ăn tôm sú nướng, uống rượu nho tôi đã say một trận không ngờ. Trong lần say ấy, tôi đã quen với những người dân họ Châu, họ Phú. Và tôi nhận ra, trong những việc chúng ta làm khổ người nông dân thì bà con dân tộc ít người chịu trận nhiều hơn cả. Người Khmer Nam Bộ là vậy và người Chăm cũng vậy. Gần phần tư thế kỉ bó bện với Nam Bộ, tôi thân quen nhiều người bạn Khmer và yêu men văn hóa Khmer với nhữnh ngôi chùa nóc nhọn có vũ nữ Apsara, với nhạc ngũ âm và những bài dân ca tình tứ. Và tôi ao ước, trong số hàng chục vạn người họ Sơn, họ Thạch hiện ra cây bút văn thơ. Chỉ từ văn chương mới có thể hiểu được hồn của một dân tộc. Nhưng tôi không tìm được, suốt phần tư thế kỉ. Tôi cũng mong muốn có được nhà văn người Chăm giúp tôi đi được vào tâm hồn một dân tộc hàng ngàn năm lặng thầm như tháp cổ kia. May thay, trời đã cho tôi Inrasara.
Tôi gặp Phú Trạm – tên Việt của Inrasara – lần đầu khi anh đến Văn phòng phía Nam báo Văn nghệ dự lễ kết nạp anh vào Hội Nhà văn Việt Nam. Anh tặng tôi tập thơ Tháp nắng:
Tôi, đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
Đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
Và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao.
.
Đấy là “Đứa con của đất”. Không phải đất chung chung mà đất của miền Trung, của một thế hệ Chăm có số phận riêng:
Tôi đánh rơi thế giới và tôi lạc mất tôi
Tôi lạc mất điệu đua buk, câu ariya, bụi ớt
Trái tim đui,
Tôi như người bị vứt
Rớt giữa cánh đồng hoang trụi lá mùa xanh.
Nhưng rồi từ tận cùng tuyệt vọng, anh đã vượt lên:
Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên
Rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ
Như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố
Tôi tìm lại tôi
Tôi tìm thấy nắng quê hương!
Có lẽ đấy là lần đầu tôi đọc thơ của một tác giả Chăm. Với dư âm của quá khứ, tôi sợ gặp lại những di ảnh của Điêu tàn, của những bóng ma Hời sờ soạng. Nhưng không, thơ Inrasara thật khỏe, không bi lụy mà như cây đại ngàn qua bão táp vươn lên đón nắng trời. Tôi yên tâm hơn, vui hơn khi gặp những dòng này:
Ta đi suốt bề dọc, chiều ngang đất nước
Góp tượng nhà mồ, góp sử thi khan
Vào Mĩ Sơn góp trăm ngọn tháp Chàm
Ta góp trống đồng, góp thơ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi
Góp ngàn dòng ca dao, vạn câu tục ngữ
Góp niềm kiêu hãnh chung, góp cả nỗi đau riêng.
Với những dòng thơ như vậy trong trường ca “Quê hương”, Inrasara gửi tới chúng ta tấm lòng của đồng bào Chăm hòa chung vào Tổ quốc Việt Nam thống nhất.
Sau Tháp nắng, Inrasara còn in tập Sinh nhật cây xương rồng hiện đại mà đậm đà bản sắc Chăm:
Cây xương rồng như nhà sư khất thực theo vết chân gió trái mùa lang thang
Lạc bước qua triền đồi quê tôi để chịu bị cầm tù trong cát.
Tập thơ thứ ba của anh: Hành hương em in cuối năm 1999.
Có thể nói, Inrasara là nhà thơ lớn của dân tộc Chăm. Anh cũng góp được tiếng nói riêng độc đáo mang bản sắc Chăm làm phong phú thi ca hiện đại Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi chỉ thực sự hiểu Inrasara khi có trong tay toàn bộ tác phẩm của anh: Văn học Chăm 3 tập, Nxb.Văn hóa Dân tộc in năm 1994; Các vấn đề văn hóa xã hội Chăm (Nxb.Văn hóa Dân tộc, 1999). Anh còn là thành viên biên soạn bộ Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm 1300 trang…
Tôi nhận ra rằng, trước khi trở thành nhà thơ, Inrasara đã là nhà văn hóa lớn. Tầm vóc văn hóa của anh trước hết thể hiện ở chỗ tiếng Việt của anh đạt đến mức điêu luyện. Đấy là thứ tiếng Việt phong phú, giàu biểu cảm được sử dụng uyển chuyển tới mức tài hoa, điều mà không nhiều lắm tác giả người Kinh có được. Tầm vóc văn hóa của anh còn ở chỗ anh hiểu thật sâu sắc văn hóa dân tộc anh. Người ta đã viết nhiều về lịch sử và kiến trúc Chăm. Nhưng nền văn học Chăm dường như còn hoang hóa. Đứng trên vai những nhà nghiên cứu tiên phong như Aymonier, Landes, Durand, Moussay, Thiên Sanh Cảnh… bằng việc sưu tầm trong suốt 20 năm những trường ca chép tay của dân tộc, hàng ngàn câu ca dao – tục ngữ, khảo đính chúng rồi dịch sang tiếng Việt, Inrasara như nhà khảo cổ đã khôi phục diện mạo văn học Chăm và đưa ra ánh sáng toàn cảnh nền văn học đặc sắc. Đó là những trường ca, truyện thơ như Akayet Dewa Mưno, Akayet Um Mưrup, Ariya Glơng Anak, Ariya Ppo Parơng… Trong số sách khảo cứu của Inrasara, Văn học Chăm – Khái luận bừng sáng như một viên ngọc. Đó là tác phẩm nghiên cứu công phu, đạt tới chuẩn mực khoa học cao nhưng được viết bởi bút pháp đầy chất thơ mang dấu ấn trí tuệ và tâm hồn của tác giả và cả một dân tộc.
Hơn một lần người ta viết rằng, những tháp Chàm như những dấu than, như những giọt nước mắt đọng giữa trời xanh. Inrasara cũng một lần viết thế:
Biết mấy vạn đời rồi tháp nắng
Trên đồi hoang
như dấu lặng
phơi bày
Có thể có lí do để viết thế. Lí do từ số phận nghiệt ngã của dân tộc Chăm. Nhưng có điều là, sau khi đọc Inrasara, trong tôi nảy sinh suy nghĩ trái ngược. Không, tháp Chàm không bao giờ là dấu than, cũng không bao giờ là giọt lệ. Bởi lẽ những ngọn tháp như tháp Ppo Klaung Girai dựng hồi thế kỉ XII ở Phan Rang là biểu trưng của vì vua anh minh tài ba trong lịch sử Champa đồng thời là hóa thân của thần Shiva vĩ đại và cũng là tượng hình của sinh thực khí muôn đời sinh sôi… Như vậy, mỗi tháp Chàm là một đài vinh quang khẳng định chiến thắng và sức mạnh trường tồn của dân tộc. Do đó, mọi ý tưởng yếm thế đều xa lạ với tháp Chàm. Điều này càng đúng khi hôm nay, thánh địa Mĩ Sơn đã thành di sản của nhân loại. Cọp chết để da. Dù khuất bóng nhưng người Phù Nam để lại nền văn minh Óc Eo rực rỡ khiến nhân loại phải kính phục. Dù có lụi tàn nhưng các vương triều Champa đã đóng được cái mốc vĩ đại của mình vào lịch sử. Đó là những tháp Chàm mà lớp lớp thế hệ sau còn tới chiêm ngưỡng. Tháp Chàm luôn ngẩng cao đầu kiêu hãnh. Chính từ quá khứ oai hùng và đau thương của dân tộc, từ những trường ca bất tử, từ những tháp Chàm kiêu hãnh mà hôm nay dân tộc Chăm đã sinh ra nhà thơ của dân tộc mình là Inrasara.
Và bây giờ, mỗi khi đi qua miền Trung, qua dưới bóng Tháp Chàm, tôi lại như nhìn thấy Inrasara bay lên từ tháp cổ. Nâng đôi cánh thơ anh là hồn dân tộc Chăm bất tử.
*
Tc.Văn hóa-Văn nghệ Công an, 11.2000