Inrasara, một dòng thơ mang vẻ đẹp nắng gió

Netnam thực hiện

“Tôi không mơ tưởng đến sự vĩnh cửu, chỉ mong người đọc nhớ đến thơ mình như một ý niệm, đến rồi qua đi nhanh. Và sự thực là khái niệm bất tử ấy cũng không tồn tại, thì hà cớ gì mà mình không chấp nhận nó”,– người con của Ninh Thuận, nhà thơ của dân tộc Chăm, Inrasara, tâm sự.

– Lễ tẩy trần tháng tư của anh từng đoạt giải thưởng cao và đến bây giờ người đọc vẫn còn nhớ. Theo anh điểm gì ở tập thơ cuốn hút độc giả đến thế?
Inrasara: Đó là vẻ đẹp của đời sống, của nắng gió, thiên nhiên Chăm. Những cô gái với làn tóc dài óng ả, những người mẹ Chăm, những em bé Chăm hồn nhiên ngơ ngác. Tôi đã phải lòng những nét đẹp của nền văn hoá Chămpa và tự tích trong mình nội lực tiềm tàng để viết về nó.

– Nặng lòng với Champa đến thế, anh tự thấy mình đã làm được những gì cho tình yêu ấy?
Inrasara: Champa không chỉ gợi cảm hứng thơ ca trong tôi mà còn thôi thúc tôi đi tìm hiểu, nghiên cứu nền văn hoá ấy đến tận cùng. Tôi đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về mảnh đất này, và thấy tự hào khi lập ra Tuyển tập Tagalau, làm bật lên nhiều gương mặt trẻ triển vọng mang đậm phong cách Champa.

– Anh thú vị vì phát hiện ra những cây bút trẻ giống mình trước đây, hay còn vì lí do nào khác?
Inrasara: Khi xưa, tôi không có được cơ hội như họ. Làm thơ từ thuở nhỏ, nhưng phải đợi đến 40 tuổi tôi mới in tập thơ đầu tiên. Những bạn thơ Chăm tôi biết, họ dám cất lên tiếng nói của mình và có khao khát được khẳng định. Họ khác tôi, vì thế tôi muốn giúp họ đứng vững hơn nữa.

– Rất nhiều người cũng yêu thơ, nhưng tình trạng phải tự bỏ tiền túi in thơ rồi nhận được sự thờ ơ của bạn đọc khiến họ ngao ngán, anh thấy thế nào?
Inrasara: Tôi biết ở Tp.HCM, nhiều người đã tìm kiếm hình thức khác để đến với độc giả. Họ làm thơ theo kiểu có, xài liền và quên ngay. Điều quan trọng là họ biết chấp nhận nó, không mong một sự bất tử. Có tập thơ khoảng 15-20 bài, nhà thơ in ra, tung lên mạng và độc giả có thể thưởng thức nó qua Internet. Người làm thơ sẽ tìm mọi cách để đưa thơ đến với người đọc. Và tôi cũng không là một ngoại lệ.

– Còn bản thân anh, nếu ở vị trí một độc giả, anh tập cho mình thói quen đọc đó như thế nào?
Inrasara: Không chỉ tôi mà rất nhiều độc giả đã thay đổi cách đọc. Sáng ra, tôi thường lên mạng để đọc thơ, và không thể nói đưa thơ lên mạng làm nó mất đi cái hay so với thơ in trên giấy. Vẫn có những cảm nhận vần điệu, thậm chí nó còn cho ta cảm nhận về nghệ thuật thị giác.

– Nhưng cũng chính vì quan niệm nghệ thuật thị giác mà khi đọc thơ của một số cây bút trẻ Tp.HCM, người ta không thể hiểu thậm chí chỉ xem được chứ không đọc được, anh nghĩ sao?
Inrasara: Tôi nhận thấy nội lực mạnh mẽ trong các cây bút trẻ như Thanh Xuân, Lí Đợi, Bùi Chát, v.v… Nếu ai đó từng nói là khó kể ra 5 cây bút tuổi 20 thì tôi có thể kể vanh vách không chỉ 5 mà còn nhiều hơn thế. Nhưng bên cạnh việc ghi nhận sự thay đổi ấy, cần nhận thấy những điểm hạn chế để tiết chế họ. Những người trẻ muốn tìm sự cách tân. Tôi nghĩ có thể xuất phát từ một trong 3 lí do: bức xúc xã hội, bế tắc về thi pháp, hoặc do mốt thời thượng. Quan trọng là họ phải thấy được mức độ của 3 nguyên do đó. Và nếu vượt lên trên được điều đó, tôi nghĩ họ sẽ thành công.

– Vậy anh nghĩ gì về thành công của mình?
Inrasara: Tôi là người con của dân làng Chăm và đã có được những công trình nghiên cứu đáng kể cho quê hương mình. Tôi đã đưa những nét đẹp văn hoá Chăm vào thơ ca. Điều đó với tôi là đủ. Tôi không kì vọng quá nhiều vì có thể một ngày nào đó, có thể văn minh Chămpa cũng sẽ bị quên lãng, nói chi đến những tác phẩm của tôi.

eVan.vnexpres.net, 10.05.2005.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *