Inrasara: Lê Anh Hoài và lối viết tạp kĩ

Đọc Tình yêu thời tạp kĩ,
tiểu thuyết của Lê Anh Hoài, Nxb.Đà Nẵng, 2007.

Một mớ chuyện tình [yêu, dục] với những chi tiết tréo ngoe dẫn đến cảnh ngộ trớ trêu có mặt đầy tràn trong Tình yêu thời tạp kĩ. Ngay tại Hồi thứ nhất, ta đụng chuyện kể của Hà: “Sao lúc ấy, cô cứ rướn lên!”. Thế là bỏ nhau. Sang Hồi thứ 3, độc giả tiếp tục bắt gặp chuyện kể khác của Hà: “Chị ra tưởng anh chết rồi liền mang dép anh về”. Hệ quả: bái bai không ngoảnh lại. Cả chuyện của một Hậu “đào hoa và khinh mạn” tuyên đến 30 đàn bà con gái đủ ngành nghề, xinh lẫn xấu, nền nã con nhà hay cư xử bạt mạng… , “đã có với tao một cuộc tình”!
Bao nhiêu là chuyện nhăng lăng, nhí nhố. Rất hợp với báo chí – loại báo lá cải, sẵn sàng tư thế giải muộn hay dành riêng mấy chị bán siêu thị, mấy cô tiểu thư đời mới giết thì giờ. Càng thích hợp hơn, khi chúng được đặt xen kẽ với các bài hướng dẫn tâm sinh lí cho tuổi mới [hay đã] lớn, kiểu như: Tác dụng chữa trị của loại hình hát karaoke (tr.120), Kinh nghiệm điều trị lậu (tr.207), Hướng dẫn đêm tân hôn (Hồi thứ 3), 5 điều bạn gái cần biết (tr.35-36), 8 cách nhận biết một tình yêu đích thực (tr.46-47), …đính kèm nhân vật ngài giáo sư Lương khả năng giải đáp bất kì thắc mắc, từ chuyện tạp nham đến vấn đề được xem là trọng đại: Phật học!

Chúng không chỉ “lại rất giống với những lời bài báo”, mà đích thực là các bài báo, các tiểu phẩm báo chí. Như tiểu phẩm của Trình về “đấu đá nội bộ” trong cơ quan bị biên tập cắt xén (Hồi thứ 11). Truyện ngắn tình cảm ướt át giữa chàng và nàng của Trình với lời bình ngoài lề của Dung, Hà, Hậu, giáo sư Lương và ai nữa (Hồi thứ 9). Chen chúc cùng các trò chơi chữ: “xờ…em …xem”, hay lập luận lếu láo: “trong người chúng nó đều oa trữ đồ dâm, đang sẵn sàng phạm tội” (tr.89), hoặc thứ tác dụng phụ của “quy tắc vàng”: tay phú ông nọ “sau vài giờ ngồi Thiền đã nhớ ra mấy khoản người ta nợ ông ta từ rất lâu” (tr.104),.…Người đọc mang máng như đã đọc, nghe kể ở đâu đó.
Rồi là đoạn/bài thơ, nhật kí tâm tình, độc thoại nội tâm,… lăng nhăng, trùng lắp, trộn lẫn, xen kẽ không thứ lớp được đẩy đến tận cùng của sự nhảm nhí! Tất cả mảnh vỡ của cuộc sống bề mặt tủn mủn, rách nát, hổ lốn ấy được ngụy trang dưới dạng tiểu thuyết chương hồi rất cổ điển, với đủ đầy câu thơ mở và kết…

Lại một trớ trêu của lối viết, một trò đùa chăng?
Lê Anh Hoài muốn người đọc tiếp nhận tiểu thuyết Chuyện tình thời tạp kĩ như đống “âm thanh và cuồng nộ” được đóng, kể, hướng dẫn bởi các diễn viên tồi. Sự đóng, kể, hướng dẫn và nỗi tồi này lại xảy ra nơi chốn lâu nay được coi là nghiêm túc: cơ quan công quyền, về đề tài lớn lao: văn chương chữ nghĩa, tại địa chỉ sang trọng: tòa soạn báo chí, cả động cập đến vấn đề nghiêm trang nữa: tôn giáo-Thiền.
Cuộc sống là hỗn độn. Văn chương vận hành trong cuộc sống, và như cuộc sống – nó cũng hỗn độn. Các sự vật, chúng ta cố gắng sắp xếp nó: nó tàn tạ; chúng ta tiếp tục sắp xếp nó: chính chúng ta sẽ tàn tạ, R.M.Rilke nhận định thế. Vậy mà, thiên hạ cứ một mực bày trò can thiệp, sao cho có ngăn nắp, chương hồi. Cả tình yêu, tình dục, cả văn chương, lịch sử,… đều phải tuân thủ chương hồi! Lê Anh Hoài của Tình yêu thời tạp kĩ nỗ lực tìm cách thoát ra nó. Cũng lập chương hồi, nhưng anh lập ra rồi bỏ đó. Như thể một ngụy trang hay một cú chơi khăm chương hồi. Anh ý định tiếp nhận, mô tả hiện tượng cuộc sống như nó là thế, không suy diễn, không theo chủ quan và có thể nói, bất cần “bề sâu”.
Cơ quan công vụ hay văn chương chữ nghĩa, tòa soạn báo chí hay tôn giáo triết học,… không thuần đẹp đẽ, cao trọng ở phần “trung tâm”, chính diện; ngược lại và hơn thế, bản mặt chúng hiện thể trọn vẹn hơn ở miền chìm, bề tối, vùng “ngoại vi” đầy nhếch nhác. Nói như Hậu: “một tình yêu mà không làm tình là tình yêu tôn giáo” (tr.133). Lê Anh Hoài muốn độc giả của anh nhìn văn chương và cuộc đời cả phần ngoại biên ấy, chắc thế.
Chúng ta dễ cho đó là một lặp lại khác của chủ nghĩa tự nhiên. Nhưng không! Chủ nghĩa tự nhiên trong văn chương ý thức việc làm của mình, nhấn mạnh nó và có thể nói – bám riết vào nó như là một chủ nghĩa, một hình thức cần theo duổi, tuân thủ. Còn Lê Anh Hoài thì không. Anh ý thức chính cái ý thức đó và, quan trọng hơn – đùa cợt nó.

*
Chủ nghĩa hiện đại đặt Lí tính như một thứ quyền uy duy nhất phán xét cho những gì nó coi là Sự thật để làm nền tảng cho hệ thống tri thức, đã thực sự phá sản. Vài gắng gượng mang ảo tưởng khôi phục trật tự đều vô ích và bất khả. Các nhà hậu hiện đại nhận thức rằng mọi hệ quy chiếu đều phiến diện và đầy áp đặt, bạo động. Con người bất tín vào đấng tối cao [đủ loại đấng tối cao], bất tín hệ thống [triết học hay ý thức hệ chính trị], bất tín ngay cả nhận thức của chính mình. Trước đó, các nghệ sĩ hiện sinh dấn thân đến tuyệt vọng tìm cách chinh phục thực tại như thực, đưa con người trở lại là mình – bất lực! “Hậu hiện đại tháo gỡ vấn đề tha hóa bằng cách tháo gỡ luôn hiện thực” (M.Epstein, 2000), để cái lâu nay chúng ta tưởng là hiện thực lộ nguyên hình là hiện thực giả. Xã hội hậu hiện đại không có bản gốc, chỉ toàn bản sao, là vậy. Tri thức chỉ còn là một trò chơi ngôn ngữ, không hơn không kém. Trong khi “bản chất của ngôn ngữ là dối trá”. Ngôn ngữ sa đọa kéo con người rơi vào vùng xoáy dối trá vô tận của nó. Bùng nổ thông tin – thế giới hậu hiện đại trở thành một thứ thế giới phi trung tâm, hỗn độn và bất khả nhận thức. Khi mọi trung tâm không chắc chắn, không còn con đường nào khác, chúng ta phải học chấp nhận bản chất thế giới là hỗn mang (A.Wilde, 1981).
Chìm ngập giữa cõi hỗn mang đó, nhà văn hậu hiện đại làm gì? Họ “không than khóc cho tư tưởng về tình trạng phân mảnh, tạm bợ hay rã đám, mà lại tán dương chúng. Thế giới vô nghĩa ư? Vậy thì đừng giả vờ là nghệ thuật có thể tạo ra ý nghĩa ở đó, hãy chơi với cái vô nghĩa” (M.Klages). Nhà văn hậu hiện đại nhận định vai trò của nghệ thuật là tham dự vào trò chơi hỗn loạn giữa các sự thế vì giả tạo.

*
Lê Anh Hoài hiểu thế. Anh tham dự và lôi kéo chúng ta cùng tham dự vào trò chơi. “Hà vốn tự cho mình là một nghệ sĩ chỉ biết đến chuyên môn nhưng nay thì buộc phải biết tất cả những ngóc ngách trong trong các quan hệ giữa người với người ở cơ quan. Hà – một kẻ vốn tự nhận mình lạc quan và hay đùa giỡn, nay buộc phải nhận ra những khía cạnh không lấy gì tươi sáng của cuộc sống bầy đàn có tổ chức để mà cay độc hơn nữa. Hà – vốn một thời đã nổi lên như một ngôi sao vì được học hành tử tế, có năng khiếu trời cho, làm việc nhanh nhẹn hiệu quả, nay xẹp xuống như quả bóng hết hơi” (tr.69).

Bất tín nhiệm mọi dạng thức đại tự sự là cảm thức cốt tủy của Hậu hiện đại. Bạo động và bi kịch không là do con người thiếu mất niềm tin mà là nỗi tin tưởng mù quáng vào một ý hệ hay niềm tin tôn giáo bất kì. Nhân loại khuynh hướng thiêng liêng hóa hình ảnh, sự thể do chính tâm trí họ phóng chiếu ra. Bám tiết vào nó, trong khi nhận thức của con người, dù uyên bác đến đâu, là rất giới hạn. Để giải thiêng sự thể và đánh đổ chúng, nhà văn Hậu hiện đại cần thiết tạo ra các đối kháng có tính chất mỉa mai. Giễu nhại là một thủ pháp hữu hiệu.
Sự kiện “Hà nhận huy chương” (Hồi thứ 33) thể hiện linh hoạt tinh thần giải thiêng đó. Huy chương thì cao cả rồi, người nhận nó là vinh dự lớn, ngày nhận huy chương thì càng rất mực long trọng. Nhưng, nỗi vinh dự-cao cả-long trọng đó phút chốc biến thành trò tầm pháo, nhếch nhác. Bởi các thao tác: “kéo áo cho xa chỗ ấy một tí đi”, “thò tay vào khay, tóm lấy” cùng với vụ hồ nghi có chuyện “đi đêm” để được huy chương trước đó, hay sau này – “tấm bằng chứng nhận huy chương vỡ nát, kính vụn ra văng tung tóe”,…

Khủng hoảng niềm tin sang thời kì hậu hiện đại đã thành căn bệnh trầm kha bất khả chữa trị. Nghệ thuật từ chối mọi vai trò, chức năng như trước đó nó từng được/bị gán cho, mà chỉ thuần túy tham gia vào trò chơi hỗn loạn của thế giới. Còn tin hay không tùy vào kinh nghiệm mỗi cá nhân người đọc, nền văn hóa và khả năng giải trình ngôn ngữ của họ.
Bị cuốn giữa xoáy lốc tình yêu thời tạp kĩ nhốn nháo, nhếch nhác và rẻ tiền kia, Lê Anh Hoài hé mở cho vài nhân vật nhìn thấy khoảng sáng. Nhân vật Trình lờ nhờ, ngây ngô, ngơ ngác, rất ngố trong cuộc tìm hòa nhập vào dòng sống đương đại, đã bị đẩy đưa, chìm ngập và chới với giữa hỗn mang kia, vừa có cơ hội trồi lên. Và như thể anh đã trồi lên ở chương cuối của tiểu thuyết: Hồi thứ 49. Trình đang trên đường đến Thiền môn. Một kết thúc có hậu chăng? Không hẳn thế. Cho dù người đọc, quen nếp đọc tiểu thuyết chương hồi, mong vậy. Chính tại điểm này của Chuyện tình thời tạp kĩ, Lê Anh Hoài tạo cho chúng ta cảm giác chông chênh, hẫng!
Trong cuộc văn chương hôm nay, khi cả người viết lẫn người đọc mang đầy ý với đôi mắt mở lớn, một ý thức sáng trưng lộ thiên đến không còn nơi chốn cho sự mơ mộng hay lãng mạn trú ẩn, thì một ý hướng đạo đức dễ bị cho là giả tạo và lạc thời. Cả tác giả, rất dễ rơi vào vùng xoáy nguy hiểm. Còn ví nhà văn phó mặc cho nhân vật mình trôi giạt giữa trùng trùng ngẫu nhiên, ông/bà ta chẳng những tỏ ra non tay mà còn tỏ thái độ vô trách nhiệm đáng trách bị. Bởi, dẫu sao, trong thời buổi đại khủng hoảng và tuyệt vọng này, ý hướng đức lí cũng thò ra một cọng hành nhỏ nhoi cho chúng ta bấu víu. Nhà văn cần cho độc giả thấy, ngoài vòm trời đã vỡ vụn này, còn có muôn vòm trời khác mở ra trước mắt chúng ta, thích hợp với hoài vọng của mỗi cá thể.

Cuối cùng, người đọc tìm thấy gì ở cuốn tiểu thuyết này. Nói khác: Lê Anh Hoài muốn gởi gắm gì đến cho người đọc, qua Chuyện tình thời tạp kĩ? – Không gì cả! Ngoài hành vi của các nhân vật, suy nghĩ vụn vặt với các ghi chép của họ, độc thoại nội tâm, ưu tư lo lắng và hoang mang của họ. Rất đời thường và có thể nói – khá tầm phào. Chúng là những mảnh vụn của cuộc sống thực hôm nay được Lê Anh Hoài lắp ghép để tạo nên một bức chân dung lập thể tạp sắc, bừa bộn.
Đây là một cuốn sách cố tình xáo trộn cả mớ chuyện vụn vặt vào một đống hổ lốn nhảm nhí (như cuộc sống hôm nay vốn là thế). Đâu đó giữa đống hổ lốn đó, bật ra vài mẩu làm cho chúng ta cười mếu, nhăn nhó hay bực dọc. Rồi câu chuyện cũng đi đến hồi kết: ý hướng đẹp của ngài giáo sư Lương, dẫu bằng kiến thức tạp pí lù, đã đưa dẫn nhân vật được chọn “học cách lắng nghe chính con người mình”, “trở lại với những cảm xúc thật của mình” để “sống từng phút giây sống tốt đẹp nhất” (tr.244-245). Một nhân vật không định hình nổi cá tính, trơn trợt, vật vờ và luôn bị lôi kéo vào cuộc ấy có ngộ được tư tưởng cao siêu đó không, chẳng hiểu. Chỉ biết rằng lúc này “Trình thực lòng muốn làm điều thiện, muốn xa điều ác và giả dối, thoát khỏi những rác rưởi, những vớ vẩn của cuộc sống”.
Nhận thức và ước muốn là một khởi đầu … Như nhân vật Dung: “Em nghĩ cuộc sống là trơ trẽn nhưng giờ đây em muốn thấu hiểu cuộc sống” (tr.241, Hồi thứ 48 – hồi áp chót). Tác giả cho cả hai nhân vật dừng tại đây. Họ đang có đấy: hoang mang và rất lúng túng. Dung, sau khi đi đến đáy mọi chuyện với toàn những xấu xa và bi thảm, đang nghĩ đến cái chết. Trình thì đứng trước cửa Thiền. Không phải tìm sự giải thoát mà, “Trình thì thấy Phật có thể giúp thư giãn”, lúc này. Đây là câu kết của “phần truyện”, một kết không hứa hẹn cái gì cả.
Không gì cả mà như là tất cả. Đó là một phản tỉnh của ý thức hậu hiện đại.

Như thế, cuộc sống chắc chắn sẽ lặp lại như nó mãi mãi lặp lại trong vòng hồi quy vĩnh cửu. Như cuộc văn chương sắp lặp lại – cũng con người ấy, tâm trạng ấy nhưng theo một lối khác. Tất cả đang tư thế bước sang “phần kịch”?!
Sài Gòn, 10.09.2007.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *