Giờ thì tôi không bao giờ tin vào những tấm ảnh, những bức kí họa chân dung in ở bìa 4 các cuốn sách nữa! Inrasara hiện diện ở bìa 4 tập thơ Tháp nắng như một giáo sư văn chương trong dáng nhìn xéo, phớt đời, xa xăm! Còn ở tập Sinh nhật cây xương rồng thì cái nét nguệch ngoạc ấy không ra Inrasara mà ra… nhạc sĩ Thanh Tùng. Một Thanh Tùng… ít tóc hơn!
… Một Inrasara hoàn toàn khác ở Đà Lạt: nhỏ nhẹ, trẻ trung và không lắm lời như… thơ!
Buổi sáng khi sương sớm còn đọng trên những cánh hoa cúc đại đóa, trên những cành thông non run rẩy… thì Inrasara đã đi dạo nhiều vòng quanh khu vực với cuốn sách hay mấy tờ giấy cuộn tròn trong tay, miệng lẩm nhẩm đọc thơ… say sưa và quên lãng! “Uyên ơi, đọc cho Uyên một bài thơ mới nghe!” Inrasara xuất hiện ở phòng tôi và chào buổi sáng như vậy! Tôi yêu Inrasara từ đấy.
Mỗi sáng thức giấc
Hãy để mặt trời cất đi của con mảnh sợi hãi đọng lại
Và con trang trọng bước vào ngày mới.
Mảnh sợ hãi của Inrasara là gì? Đó là sợ sự lãng quên: “Dân tộc Chăm có một lịch sử và truyền thống văn học – nghệ thuật lâu đời…” Inrasara luôn nhớ điều ấy! Nhưng “Người bỏ rơi – lịch sử bỏ quên”. Nỗi thăng trầm của lịch sử làm cho truyền thống đó bị chôn vùi trong quá khứ mà Inrasara với tư cách là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học – nghệ thuật người Chăm tự nguyện hiến thân để:
Vỡ lớp bụi ngày, tháng và năm
Cho lộ thiên quá khứ!
Để làm việc ấy, Inrasara đã lên đường: “Con đường vẫn trầm vọng gọi băng qua những tầng dày mò lịch sử dưới sóng lớp phế hưng của vạn ngàn triều đại đã qua và vạn ngàn triều đại sắp tới…”. Bước chân cô độc của Inrasara đã qua các vùng, miền mà ở đấy tâm hồn trú ngụ làm thức dậy tâm linh.
Khai mở cho anh những miền đất
Những miền đất tinh thần.
Và:
Vào một đêm rất khuya
Người từ miền sâu bóng tối
Thức dậy
Trong cô đơn
Cứ thế Inrasara đi đến… rồi lại đi qua các vùng, miền: miền gian nan, miền trần gian, miền vô danh, vùng kí ức, cõi lãng quên… để gọi hồn về cho những Tháp hoang, Tháp nắng, Tháp lạnh, Vũ nữ Apsara, tượng thần Shiva, Skanda… Trang trọng mà nhọc mệt!
Có phải vì thế mà thơ Inrasara buồn? “Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn”! Một nỗi buồn không vay mượn bởi vì hơn ai hết, nhà thơ là một lữ khách trên “Con đường lửa thiêng” hiểu cặn kẽ những biến thiên lịch sử, hiểu nỗi bể dâu cuộc đời, hiểu nhân tình thế thái, hiểu quy luật của sự thành – bại, thắng – thua…! Nhưng cái vươn cao của con người và thơ Inrasara là đã nghiệm ra từ ấy những chân lí và kinh nghiệm sống:
Nhưng chính những vết thương, nỗi đau
Đã nâng chúng ta bay cao, khôn lớn.
Để mà:
Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên
Rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ.
Từ quá khứ phục chế lại một nền văn hóa lâu đời của một dân tộc, trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc được tạo bởi bản sắc của nhiều dân tộc trên dải đất hình chữ S. Phải có cái nhìn toàn cảnh, không cục bộ, một cái nhìn bao dung, độ lượng mới thấy hết nỗi niềm, công việc, những tâm sự của người thơ: Inrasara.
Nói như vậy là nói hơi nhiều về Inrasara ở phương diện nhà nghiên cứu văn học dân tộc. Nhưng cái chính không phải là ở chỗ đó mà điều tôi muốn nói nhiều, muốn nhằm vào chính là Inrasara – nhà thơ. Một nhà thơ đã chạm được vào phẩm chất thơ: kiêu hãnh – không biết sợ – khổ đau! Phải, Inrasara đã kiêu hãnh khi mình được sinh ra trên miền đất nắng, lửa, bầm dập, kiêu hãnh với quê hương, với con đường lầm lụi, vươn dậy từ khổ đau:
Tôi đi giữa bụi đầy
Tâm linh chiều nắng quái
Đau khổ về bủa vây
Ướp khô hồn man dại
Để:
Hồn tôi lạnh đã đầy
Từ chiều hoang vươn vai.
Cái gì đã giúp nhà thơ vươn vai? Không gì khác ngoài tình yêu: yêu quê hương, dân tộc và yêu em! Một lần, tôi nhớ cũng vào buổi sáng, tôi được xem tập ảnh của Inrasara. Nhà thơ đặc biệt dừng lại rất lâu ở tấm ảnh chụp với một phụ nữ đẹp, rất có tính cách. Bức ảnh được chụp như ở trước cửa hiệu, đâu như Paris hay Tokyo! Người phụ nữ trầm mặc, trên vầng trán cao đẫm sương quá khứ, tựa cuộc đời vào anh và chính cái dáng hình ấy đã chở che, nâng đỡ và xoa dịu những nỗi đau đời của nhà thơ. Đấy chính là:
Hai mảnh hồn cô độc
Vươn vai đứng vỡ òa.
Nhà thơ nhỏ nhẹ: “Hani, bà xã Sara đấy!…”. Đó chính là Inrahani, nguồn thơ bất tận của Inrasara. Inrahani – ngay cả cái tên đã là một bài thơ hay, rất hay rồi.
Inrasara cũng dành những tình cảm ấm áp cho con, có điều anh triết lí hơi sớm:
Tầm thường như một ngọn cỏ
Phù du như một cánh hoa
Là con – vĩnh cửu và lớn lao như một cuộc đời.
Và tình cảm bạn bè nồng ấm:
Dăm ba chữ lỏng – to tát gì đâu!
Mãi ấm áp là trái tim bè bạn
Đôi câu nhâm nhi với vài khoảng lặng
Gõ nỗi người mà ngó mây bay.
Và cho cả những thân phận khổ đau, bèo bọt:
Ngã tư em tôi thảng thốt ngã tư đường
Đường Sài Gòn hư phù / đường Phan Rang triền phược
Nẻo đồi núi trợt trơn / lối biển khơi bão thét
Em ngả phương nào? Ngã tư gió chông chênh
Inrasara rất sòng phẳng, độ lượng trong cho và nhận, vay và trả của cuộc đời. Nhà thơ luôn tự hỏi: “mình cầu hên còn ai phải gặp xui?”.
Và:
Vay bầu trời chút gió
Diều cho tuổi nhỏ trọn niềm vui
Vay em nửa nụ hôn
Là anh nhận cả nỗi buồn vô chung.
Thơ Inrasara thấm buồn trong triết lí đạo Phật. Cái đó đúng với con người anh, đứa con Chăm đi hoang trở về. Để hiểu và cảm được thơ Inrasara không phải là dễ vì thơ Inrasara cũng như triết lí đạo Phật thường rất trọng phần hồn. Nói gì cũng nói về hồn:
Ôi đôi mắt từng sưởi mảnh hồn tôi nồng ấm
Hay:
Nửa hồn lạc giấc mơ xa
Nửa tù ngục giữa canh gà cuối thôn.
Vì thế để nhập thơ Inrasara trước hết ta không phải đọc mà thoát xác – thoát xác để bay vào cõi tịnh an. Và trong cõi ấy ta không nhìn bằng mắt mà nhìn bằng trái tim – một cái nhìn xuyên thấu để hiểu thơ, hiểu Inrasara, hiểu nền văn hóa lâu đời của dân tộc Chăm.
Tôi yêu thơ Inrasara ở những bài thơ ngắn, dường như không triết lí mà lại rất triết lí. Ở phương diện này phải kể đến các bài: “Tháp hoang”, “Inrahani”, “Tháp nắng”… (trong tập Tháp nắng), “Cảm tác trên đồi tháp cổ”, “Khoảng trời bè bạn”… (trong tập Sinh nhật cây xương rồng). Thơ Inrasara mê hoặc người đọc bởi chính sự ám ảnh chứ không phải là sự thảng thốt! Anh mở ra cái mà ta tưởng như đã biết nhưng chưa bao giờ biết. Ở anh lối dùng từ có chọn lọc, gợi đã nâng bài thơ lên rất nhiều. Chẳng hạn từ “nắng cũ”, đã cứu một khổ thơ để khỏi rơi vào tình trạng bình thường, tầm thường:
Có một ngày bình thường
Như ngàn ngày – không lạ
Công ăn với việc làm
Cô đơn và nắng cũ.
Chỉ yêu thơ ngắn, tất không thích thơ dài, kể cả trường ca. Tôi đọc Inrasara và tự hỏi: tại sao thế? Có lẽ đó là cái tạng riêng của mình! Nhưng nhận xét sau đây của tôi sẽ được nhiều người tán đồng: thơ Inrasara thuộc loại thơ lắm lời. Đó là cái yếu nhất, là cái bẫy nhiều khi làm thơ anh lạc lối. Điều này có nguyên cớ vì trước khi là nhà thơ, Inrasara đã là nhà nghiên cứu. Trong khảo cứu và trình bày anh đã bày ra la liệt những suy nghĩ, những tình cảm, những khám phá của mình một cách có ngọn, có nguồn, có hiện tại, có quá khứ và cũng không quên tương lai… Khi chuyển sang thơ thì cái tư duy ấy vẫn lãng đãng theo sau… Thơ không thể la liệt mà phải cô đọng, phải giản ước đến mức tối giản. Công việc làm thơ còn cao hơn nhiều cái công việc đem thuốc phiện nấu lên, chắt lọc, cô lại, tinh chế thành heroin. Một thứ heroin thơ dễ gây nghiện gấp ngàn lần thơ thuốc phiện đen!
Trước khi là nhà thơ, Inrasara đã là nhà nghiên cứu. Ngay từ năm 1982 (khi mới ngoài hai mươi) anh đã tham gia biên soạn sách tiếng Chăm và từ bấy đến nay, các công trình của anh vẫn đều đều được công bố. Trong công việc nghiên cứu, Inrasara cũng mê đắm như thơ. Anh có chính kiến riêng:
Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm
Có bao lăm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ?
Nhưng tôi lại muốn lãng phí cả đời mình cho nó
Dù chỉ còn dăm ba người
dù chỉ còn một người
hay ngay cả chẳng còn ai!
Dũng cảm, phiêu lãng, ngang tàng đến… ngông!
Công việc nghiên cứu bề bộn gần như ngốn cả thời gian, nhưng ngoài thơ, Inrasara còn thoát ra để viết tiểu thuyết! Quả là một bút lực dồi dào và sung mãn. Anh là người thích xê dịch (hay công việc buộc anh phải xê dịch). Anh đi điền dã, hội nghị, hội thảo khoa học và cả hội chợ kinh doanh nữa, nhưng không lúc nào anh quên bạn bè văn chương. Anh nhớ và tôn trọng sáng tạo của người khác. Dù đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Hà Nội, mỗi khi bắt gặp tên tôi trên sách, báo là anh điện thoại ngay. Đơn giản chỉ là để chia xẻ. Tôi vui, nhớ Inrasara cũng còn vì lẽ ấy nữa.
Khi tôi đọc Tháp nắng, Tháp hoang của Inrasara, tôi lập tức nhận ra rằng: tất cả tinh hoa của người Chăm dường như dồn cả cho Inrasara, từ đấy thơ tôi không dám đụng vào mảnh đất đầy gió bụi, nắng lửa ấy nữa, nhưng tôi vẫn yêu, rất yêu mảnh đất Ninh Thuận vì ở đấy có Inrasara. Đó là lời một bạn thơ già của Inrasara. Còn tôi, tôi luôn nghĩ: người Chăm đã để lại cho đời những tháp Chàm. Văn hóa – nghệ thuật (và cả lịch sử) của người Chăm đã tụ cả lại nơi những ngọn tháp ấy và chính Tháp nắng, Tháp hoang, Tháp lạnh… đã nâng nhà thơ Inrasara bay cao trên bầu trời thi ca.
Trong Một mình trong cõi thơ, Nxb.Văn hóa Dân tộc, H., 2000.
Xin hoi nha tho. Cac nha tho hay say ruou nam duong lam phai khong? Nguoi ta noi say ruou nam duong moi ra tho phai khong may ong?