Đáng lẽ câu chuyện có thật này tôi kể bằng tiếng mẹ đẻ nhưng một sự thật rất đau lòng là ngày nay trên 50% người Chăm không biết đọc, biết cảm nhận akhar thrah! Nên tôi phải viết bằng ngôn ngữ phổ thông để mọi người cùng suy ngẫm và đồng cảm!
Vào một buổi chiều chủ nhật cách đây bốn chục năm, thuở đó tôi là một sinh viên ngoại trú đến thăm những người bạn đồng khóa trong ký túc xá của trường. Vì nhằm ngày nghỉ nên đa số bạn đều đi chơi vắng, trong phòng nghỉ chỉ còn một mình Êban người Êđê đang học làm bài. Tôi thấy lạ nên tò mò đến đứng bên xem, hóa ra Êban đang viết thư cho người thân. Lại bằng ngôn ngữ của dân tộc mình.
Tôi ngây ngô hỏi:
– Sao bạn không viết thư bằng tiếng phổ thông?
Êban ngưng viết, ngước nhìn tôi bằng con mắt khá ngạc nhiên với vẻ mặt lạnh lùng, thoáng khinh bỉ-có lẽ, hỏi tôi:
– Thế dân tộc các anh không trao đổi thư từ cho nhau bằng ngôn ngữ của dân tộc mình?
Vì danh dự và lòng tự trọng dân tộc, không cần suy nghĩ, tôi trả lời:
– Có chứ sao không. – Tôi nói dối.
– Vậy à! Sao anh lại khuyên tôi viết bằng tiếng phổ thông?
– Thì mình học phổ thông phải viết bằng tiếng phổ thông chứ sao. – Tôi lí sự càn.
– Nếu biết vậy anh hãy đi mà bảo dân tộc các anh. Xin can.
Chạm tự ái, tôi đỏ cả mặt, môi run lập bập nhưng vì phép lịch sự tôi không muốn tranh luận nữa hay đúng hơn, vì Êban nói có lý.
Êban lại tiếp tục viết.
Thấy bạn đang bận viết thư, vả lại bạn không mấy sốt sắng trong việc ghé chơi của mình, nói chuyện được đôi ba câu, tôi kiếu từ ra về. Trên đường trở về nhà bao suy nghĩ cứ quay cuồng trong đầu tôi.
Đầu tiên tôi tự trách, sao mình lại khuyên bạn những điều không nên, sao mình lại ăn nói không chính trực, không dám nói sự thật. Chính mình – đã có khi nào viết thư bằng akhar thrah chưa?
Nếu không nhầm, dường như chữ nghĩa của dân tộc Êđê ngày nay do các cố đạo Kitô giáo Êđê hóa từ chữ Latinh vào giữa đầu thế kỷ 20 vừa qua để dễ dàng trong việc truyền, giảng đao. Vậy mà người Êđê họ có tinh thần quý trọng ngôn ngữ chữ nghĩa của họ rất đặc biệt, họ có tình yêu dành cho dân tộc rất cao.
Trong khi đó, dân tộc Chăm là một dân tộc có bề dày lịch sử, có một nền văn hóa, văn học rực rỡ không thua kém các dân tộc anh em, nếu không muốn nói là vượt trội, tại sao người Chăm chúng ta ngày nay không nhận biết điều đó? Không ý thức được tầm quan trọng di sản của tổ tiên? Trên đời này không phải dân tộc nào cũng được thừa hưởng một nền văn hóa, văn học cả thế giới đều trân trọng, một di sản quí báu như chúng ta. Bởi vậy, cho dù vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống khó khăn chúng ta cũng đừng xem nhẹ cội nguồn dân tộc.
Trong thi phẩm trào phúng nổi tiếng của tiên sinh Pauh Catwai có câu:
Bilauk li-u iku bimong
Nhjrung gơp tapong lac ilimo.
Trái dừa lép ở cuối quầy (buồng)
Hùa nhau nói đây là văn hóa dân tộc.
Đừng vì tiền tài, danh vọng mà chúng ta đánh mất lương tâm hay vô tình đi chệch con đường cội nguồn để cho nền văn hóa, văn học dân tộc dần dần mai một theo dòng thời gian. Ngoài những ariya, akayet… của tiền nhân lưu lại từ mấy trăm năm về trước, ngày nay trong chúng ta thử hỏi có ai còn tâm huyết với văn hóa, văn học tổ tiên? Có ai còn chuyên tâm nghiên cứu thơ ca, thi phú… của tiền nhân? Nối gót cha ông sáng tác các ariya, akayet, các bài đồng dao, các bài dân ca… để bổ sung dù là một phần nhỏ vào kho tàng văn hóa, văn học Chăm đang mai một, đồng thời làm phong phú thêm ngôn ngữ dân tộc đang bị lãng quên để cho con em sau này không oán trách chúng ta. Nói ra đây thật đau lòng nhưng không nói càng đau lòng hơn! Trong cộng đồng Chăm ngày nay hầu như không còn ai liên lạc thư từ cho nhau bằng akhar thrah, bằng ngôn ngữ của mẹ! đừng nói chi thường dân – Gaheh, các vị bô lão, các vị sư cả – Po dhya, một chức sắc cao nhất đang nắm giữ phong tục, tập quán, đang cai quản các vị chức sắc Bàlamôn khi cần liên lạc với các môn đệ cũng viết thư tiếng Việt! Nếu vấn đề nan giải này kéo dài thêm năm, mười thập niên nữa thì ngôn ngữ chữ nghĩa Chăm sẽ ra sao? Sẽ đi về đâu?
Mặc dù tôi chỉ là một người bình thường như bao nhiêu người con khác của dân tộc Chăm, nhưng đứng trước những trăn trở nói trên khiến cho tôi cảm thấy tận đáy lòng mình dâng lên một nỗi buồn và xấu hổ vô cùng với Êban, với các dân tộc anh em suốt quãng đường trở về nhà! Không phải chỉ có vậy, vì tương lai văn hóa, văn học dân tộc nỗi buồn ấy, nó ngấm ngầm chi phối lương tâm tôi cho tới hôm nay – Một nỗi buồn khôn nguôi!
*
Trong Tagalau5.