truyện ngắn
Trường chúng tôi nằm cạnh đường số Một. Lễ tổng kết năm học xong, chưa tới mười giờ, anh đã ra đường đón xe vào Sài Gòn, trước ngơ ngác của giáo viên và học sinh. Tôi cũng ngạc nhiên không kém, dù trước đó, tôi đã biết ý định anh. Tôi đang tiếp một vị phụ huynh khá rầy rà ngoài hành lang, anh đi ngang qua, nói: anh đi đây. Làm như anh gấp lắm. Như chạy trốn cái gì đó sẵn sàng làm đổ vỡ kế hoạch của mình.
Có lẽ vậy. Anh sợ buổi liên hoan trưa nay. Rượu vào, anh nổi tiếng quậy. Khi anh quậy thì cả trưởng Phòng Giáo dục, cả chủ tịch xã anh cũng chẳng chừa huống hồ các đồng nghiệp nhỏ bé tội nghiệp cứ thấy cấp trên xuống là dạ dạ vâng vâng, kiến thức giọt một giọt hai chứa chưa đầy muỗng canh mà phát biểu thì to con như sắp bắt voi bỏ rọ không bằng. Nhất là tay phụ trách Công đoàn mặt choắt không ít lần bị anh mang làm trò hề trước bàn dân thiên hạ. Ông này luôn ngậm cám trước trò đùa gần như vô trách nhiệm dẫu không ác ý của anh. Ông tìm mọi cách trả thù sau lưng: năm ngoái, anh bị cắt cuộc tham quan Vũng Tàu là vậy.
Cả về chuyên môn anh cũng gây phiền không ít đến cho Ban giám hiệu. Nổi hứng, các bài văn thơ anh thích, anh thoải mái tự ý tăng hai, ba lần tiết dạy. Còn các bài khác, ghi chú miệng: xem sách giáo khoa.
– Như thế thì làm sao các em có thể nắm được chương trình? Thầy hiệu phó phụ trách chuyên môn phải dọn thế lắm mới nhỏ nhẹ hỏi anh vậy, bởi rất biết cái nộ khí của anh.
– Cụ đừng lo, học sinh tôi dạy một biết mười. Phân tích thông một bài thơ hay thì khối thơ dở có bình bằng tay trái. Nhưng có bao giờ học sinh trường ta yếu môn văn chưa? Anh vặn lại vị hiệu phó lành tính tội nghiệp rồi vỗ vỗ vào vai anh ta rất cha nội.
– Lẽ nào các vị giáo sư, tiến sĩ lại tuyển bài dở vào sách giáo khoa? Một lần tôi hỏi anh.
– Chà chà em lạc đề rồi. Còn về vụ tiến sĩ, anh biết ối vị chỉ mỗi cái tài là điền vào chỗ trống.
Tôi đành chịu. Như bao lần tôi từng bị cái khí của anh thổi đánh phụt các ý kiến cò con của tôi. Từ trường điểm của tỉnh, anh bị đẩy về huyện, sau đó chuyển thẳng về trường xã ruộng ăn nước trời để tạo điều kiện thuận lợi cho đồng chí công tác địa phương, như nguyên văn lời phê duyệt của tổ chức Sở.
Về, anh không vẻ gì là bất đắc chí hay hậm hực cả. Khoái nữa là khác. Và luôn luôn vui vẻ khoái hoạt. Trong cái thế giới vừa rộng lớn vừa chật hẹp, vừa giành giựt vừa giữ phép lịch sự ngốc nghếch này, vừa ganh ghét vừa rất cần đến nhau một cách nhỏ bé này…, anh luôn làm kẻ ngoài lề. Đứng hẳn khỏi mọi tranh chấp.
Năm nay, khi nghe tin mình không được phân coi thi, chấm thi hè, anh nói cũng hay! Nhưng cả tôi vô tội cũng bị vạ lây. Như vậy bốn mẹ con tôi sẽ không có nguồn thu nhập nào hơn ngoài lương hè, trong khi anh đến cận ngày khai trường mới về.
Tôi vừa kịp thấy bóng dáng cao lớn của anh bước lên xe thì nó đã chạy mất. Không có cái vẫy tay như tôi thường hình dung thế. Tôi đứng lặng hồi lâu.
– Bố thằng Hanim quyết đổi đời rồi – Nghe tiếng thầy hiệu phó sau lưng, tôi quay lại và cười gượng, bước nhanh vào phòng được bố trí tiếp phụ huynh.
Lấy nhau đã ba mặt con mà tôi gần như chưa tí nào gọi là hiểu anh. Hết giờ đứng lớp hoặc anh đạp xe ra thẳng rẫy, hoặc cắm đầu vào những cuốn sách. Tôi biết anh thương mẹ con tôi, nhưng tuyệt không chút tâm sự. Những lúc tôi được anh xem như đồng nghiệp, tôi còn phải nạn anh nữa. Thầy bà gì đâu mà cả năm không lật lấy nổi một trang sách, văn chương chữ nghĩa mẹ đẻ thì tù mù như đêm ma ám, anh nói, nắm tay đập mạnh xuống khoảng trống.
– Nhưng nếu cô nó cũng vân vân như anh thì lấy ai lau mâm rửa đũa, lấy ai lo con cái và vân vân cho anh cơ chứ? Cô bạn tôi hỏi đùa anh thế.
– Ồ, quý bà mà bái bai được phim bộ Hồng Kông thì khối giờ rảnh đấy. Thôi miễn bàn cãi thêm. Chiet ai nấy giữ.
Anh có tật cắt đứt cuộc nói chuyện tắc cụt như vậy, rồi bỏ vào phòng riêng. Chòi cô độc – như anh gọi nó. Nhưng từ gần tháng nay anh đã thôi làm thế. Anh trở nên dễ thương với bạn bè hơn, thỉnh thoảng trên đường từ trường về còn tạt qua chơi nhà bà con lối xóm, điều mà trước đây có cho ăn bạc ăn vàng anh cũng không làm. Ông bạn cũ sống ở Sài Gòn hứa giúp anh việc qua hè, và nếu có thể, sau hè. Phải tạo bước ngoặt, phải biết đánh liều với định mệnh, anh nói.
Tôi thầm vui. Khổ quá rồi. Hơn mười năm, hai vợ chồng ông giáo với con lớn bươi như gà ri suốt ngày cũng chả tới đâu. Ruộng khoán mùa được mùa chăng. Rẫy thì chín phần cho trời một cho mình. Trong khi anh muôn đời mê có đất và đất, chả biết chạy vạy buôn bán lời lỗ theo môn triết lý tiền lẻ như thiên hạ. Cũng thầm cám ơn ông bạn có cái bụng tốt. Nhưng nhớ lại lời ông hiệu phó về chuyện đổi đời, tôi nghe lo lo. Sài Gòn lắm cạm bẫy mà anh thì lớ ngớ giáo nhà quê vào thành. Báo Công an Thành phố hết kỳ đến kỳ đăng khối chuyện hình sự đâu đã hết. Bạn bè bán đứng nhau như bỡn.
Năm ngày rồi một tuần, tôi ngóng tin. Anh vẫn thế, tôi biết, nhưng mỗi sáng cứ đạp xe qua trụ sở xã hỏi thư để mà thất vọng. Đột ngột, đúng mười ngày sau anh về. Có tin thằng bé hàng xóm nhắn, tôi đèo Hanim ra đường cái đón. Trông anh khá bảnh, trắng ra thấy rõ. Anh trỏ hai cái bao chỉ xanh đầy cột túm miệng, nói:
– Cho vụ rẫy năm nay, em. Cuối tháng này mưa sớm.
Tôi nhìn chằm chằm anh, không hiểu anh muốn nói gì.
– Không làm Sài Gòn nữa, dù công việc ngon lành và thằng bạn cực tốt. Ngột ngạt quá, vả lại năm nay thuận mưa em à. Tôi cũng chưa nói được tiếng nào. Anh chuyển cho Hanim cái túi xách nặng chịch khiến thằng bé phải khum cả lưng ra mà ôm.
– Cho lên baga, con.
Anh mở túi xách ngay khi vừa đến nhà. Hai chục cuốn sách dày cộp, có cuốn đóng cả bìa cứng. Anh nhặt lên: Ứng dụng Kinh Dịch vào sản xuất nông nghiệp, nói: tất cả nằm sẵn đó từ xưa rồi mà mình mãi lạc hậu.
– Nhưng nó có dính gì đến việc anh về? Tôi hỏi. Anh bảo tất cả đấy. Thôi miễn bàn. Mai ra quân sớm.
Mà anh ra quân thật. Cùng gần cả chục học sinh cũ đang học ở trường huyện rớt môn văn tú tài theo ôn thi chuẩn bị cho đợt hai. Với hai chiếc máy cày thuê nữa!
– Tiền công anh bạn đưa đấy, anh nói. Cho chạy nguyên tuần, cả xăng đi lẫn về.
Cái hưng phấn và tự tin nơi anh lây sang cả tôi. Hai ngày sau, gởi hai cháu nhỏ ở lại với nội, tôi lên rẫy. Trời nắng đến bỏng bàn chân mà lại đang cuối tháng ba Chăm nữa, mưa đâu mà mưa. Tôi vẫn ngờ ngợ. Thế rồi khi khâu làm đất đã đâu ra đấy, trời đổ mưa, vừa đủ cho việc tra hạt. Sắp tới kì làm cỏ, đúng như sách, trời lại làm mưa. Qua cái radio bỏ túi, anh nghe tin báo bão gần, bão xa mà rung đùi. Tôi chưa thấy ai giảng văn hay hơn anh trong thời gian đó. Ít khi anh đụng đến tấm bảng đóng dính vào vách chòi. Anh có thể giảng ở bất kì lúc nào, cả lúc bắt sâu đậu hay làm cỏ bắp. Chả mấy khác thầy trò ông Khổng Khâu bên Tàu ngày xưa, anh đùa thế.
Nhưng (chữ nhưng chết tiệt luôn ám đời anh) trời không chiều lòng người, đã cố tình chơi khăm anh một vố ở đoạn chót. Gần sáu mẫu đậu đen đang ra trái ngon lành toan làm hạt thì lũ rầy đâu ập tới. Đám học sinh hai ngày nay đã xuống plây, chỉ mình vợ chồng tôi chống chọi với giặc trời.
Sáng sớm, mặt trời lên cao hơn cây sào nhưng vẫn còn bị che khuất bởi ngọn núi nằm vắt ngang, anh bước chậm rãi qua đám rẫy bắp, như một vị tướng đi duyệt binh. Thỉnh thoảng anh dừng bước, phác một cử chỉ tay nhắc nhở hay khen ngợi anh binh nhì nào đó. Cánh tay trần chắc nịch màu đồng hun, mái tóc bồng đen láy, dáng đi sư tử của anh trong bạt ngàn cờ bắp giữa mênh mông núi rừng tạo hình cái đẹp nguyên sơ và vạm vỡ kỳ lạ. Tôi nghĩ anh được sinh ra cho núi rừng hoang dã hơn là làng xã nơi cứ lặp lại cuộc chấp tranh vụn vặt muôn đời của loài người. Đột ngột tôi thấy anh quay lại với dáng đi vội vàng, bấp bênh, nắm trong tay chùm cây đậu. Anh đến chỗ tôi đứng nhanh đến tôi không kịp rời bỏ ý nghĩ.
– Rầy, em! Có âm sắc báo động trong giọng anh.
Bỏ mặc tôi, anh đi như lao vào chòi. Nguyên buổi, anh chúi đầu vào cuốn sách thuốc nông nghiệp vừa tậu từ thành phố về: Cidi, basudin, bassa… anh lẩm bẩm. Đúng theo sách, anh vận dụng công thức pha chế vào thực tế rẫy đậu đang nhiễm bệnh. Tôi như một phụ tá trung thành răm rắp lệnh anh. Một, hai ngày chẳng đi tới đâu cả. Sáng hôm thứ ba, sau khi nhắc tôi không ăn trưa, anh lội bộ tìm đến chòi ông bác miệt Núi Đen được ông mách cho bài thuốc Mỹ đặc hiệu dành cho cây nho. Trời đất! Mấy ông kỹ sư nhà ta suốt bốn, năm năm Đại học chẳng hiểu học cái nỗi gì mà không chế được cho anh thứ thuốc trị rầy đậu? Ngay tối đó, khi buộc được cô em họ ở lại rẫy với tôi, anh đạp xe xuống làng. Nhưng vẫn vô hiệu, dù anh tốn cả khoẻn cho nó. Mỗi sáng dậy, rẫy đậu cứ tiếp tục bị nhuộm đen, đen nhanh đến xót lòng.
Một tuần trôi qua. Không bình tĩnh được nữa, sau khi xịt tăng liều mỗi ngày mà chả ra quái gì cả, anh bắt đầu thực hiện chính sách chia để trị: cho nhổ bỏ cách ly từng sào một. Lúc này anh không xịt nữa mà tưới, mà tắm! Chưa hết ngày, cả đám đậu lẫn khúm cỏ chết khô queo nhưng lũ rầy thì cứ là đầy đủ sức khỏe.
– Trời hại ta! Trời hại ta! – Anh vỡ cười cay đắng. Quay sang tôi anh hỏi em có biết ai đã từng nói câu đó không? Không đợi tôi trả lời: – Khổng Tử đấy! Miệng anh xệch đi như muốn khóc:
– Thôi, cho qua em à. Mình sẽ vớt lại ở đám bắp.
Chiều, khi mặt trời đổ bóng núi khuất hơn nửa khu rừng, anh rời chòi đi xuống đám rẫy, mang theo bùi nhùi lửa. Anh đi chậm rãi, dáng thanh thản, như nông dân sau mùa thu hoạch đi đốt gốc rạ chuẩn bị cho vụ tới. Không gì phải vội vã cả. Anh châm lửa. Lửa bốc cháy theo chiều gió nồm đã dịu cơn, lan từ đám này sang đám kia, chậm chạp nhưng chắc chắn.
Rẫy đậu bốc cháy càng lúc càng lan rộng, cháy cùng mộng huyễn của anh. Dường như tất cả thiên tài luôn có khuynh hướng tự hủy, tự hủy năng lượng trời cho vào những giấc mộng vĩ đại, thanh cao và không thực. Không như đám thanh niên ngày nay tiêu phí sức thanh xuân cạn cợt vào be bét rượu chè thô tục, anh có lối lãng phí riêng. Năng khiếu đặc biệt về thơ văn lộ ra ngay năm đầu cấp hai, nhưng anh đã không biết dùng nó – khai thác cơ hội, như người đời nói.
Vào Cao đẳng sư phạm, có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh (anh có bao giờ đổ lỗi đâu!). nhưng tại sao khi ông bạn tìm được một chân trong tòa soạn báo ở thành phố, anh lại từ chối? Vừa được tiền, vừa có điều kiện sáng tác không hay hơn ư. Như thế sẽ vẩn đục cái tinh truyền của giọng thơ, anh bảo. Làm như anh đã có cái giọng ngon lành rồi không bằng. Với các nghề khác thì có thể, riêng thi ca thì không. Anh sẽ tự hủy.
– Chứ sống ở xó kẹt này không phải anh đang tự hủy sao?
– Không, anh sẽ tự lập về kinh tế sau đó dành tất cả cho sáng tạo.
Tự lập, độc lập. Cả ngàn lần anh đọc đi đọc lại với tôi. Như là một ám ảnh không dứt ra được. Tôi nghe thương anh vô cùng. Anh đang đứng ngoài kia, cô đơn với bóng núi và đám rẫy đang cháy. Tôi đi xuống. Ngọn lửa cũng sắp tàn. Những sợi khói mỏng manh trôi yếu ớt trong nắng chiều sắp tắt. Tôi đến gần, nắm nhẹ cánh tay anh. Im lặng.
– Tránh cho lũ bò bị nhiễm độc. Anh nói, không quay lại. Một lát sau:
– Cần bảo vệ rẫy bắp. Mình sẽ vớt lại ở đám bắp. Anh gần như lặp lại câu nói hồi sáng trong lúc từ từ quay sang nhìn tôi.
Nhưng bắp, giống bắp ơi bắp hời! Buổi sáng đám sĩ tử lên báo thầy tin mừng, anh nhờ tôi tìm bẻ mấy trái bắp vừa đầy hạt nướng đãi khách. Lột vỏ ra một, hai rồi ba không trái nào có hạt cả, một hạt lép cũng không.
– Giống bắp ma, em nó ơi! Anh kêu lên rồi chạy thẳng vào đám rẫy. Hồi sau, anh quay lại:
– Tiêu rồi tụi bây ơi, mất trắng rồi.
Chúng tôi im lặng nhìn anh. Không ai có lời lẽ nào an ủi anh cả.
– Mẹ nó cảm thông cho anh, cuối cùng anh nói. Còn mấy đứa, có gì dọn tất ra đi, coi như buổi tiệc giã từ sự nghiệp nương rẫy. Anh cười lớn, ban đầu khá chua chát, sau đó nhanh chóng chuyển sang khoái hoạt đến lạ thường. Buổi trưa dọn cơm lên, anh ăn cũng ngon lành và háo hức khác lạ.
– Em biết chứ, anh nói, ở Sài Gòn ông bạn bố trí anh đứng máy photocopy, khách ra vào như là xem phim Lý Tiểu Long ấy. Mỗi tờ hai trăm, trừ chi phí còn bốn tư đồng dư. Ngày chạy hai ngàn rưỡi tờ, vị chi bỏ túi một trăm mười ngàn đồng, như vậy cả tháng thừa ra ba triệu lẻ. Ổng tính thế mà khôn. Anh nói một hơi. Chưa bao giờ anh thuyết tràng giang như vậy cả. Ngưng một lát, đưa mắt nhìn chúng tôi suốt lượt, anh tiếp:
– Dĩ nhiên mình sẽ không phụ trách full time (xin lỗi – bị nhiễm bệnh xài đồ ngoại xíu) thời gian còn lại ngâm mình vào thư viện. Dư tiêu mà vẫn được về quê nghỉ hè như một ông giáo gàn. Hy vọng đấy không chỉ là giải pháp tình thế, dù mình rất yêu đất, luôn mong quay lại với đất với làng. Anh lại ngưng. Thế chứ! Lâu nay mình cứ xem thường triết lý tiền lẻ. Nhưng trời đất, dân thành phố còn tổ sư tiền lẻ hơn các bà nhà quê ngồi chợ làng ta nữa nhé.
– Nhưng công việc chật chội ở phố xá có thích hợp với tư tưởng bao la của anh không? – Tôi hỏi anh, cố nhịn không bật cười.
– Chỉ bọn ngốc mới không thay đổi được quan điểm.
– Em không tin thế. Thông minh anh hơn thiên hạ thiệt nhưng ngốc thì anh cũng chả thua kém gì họ mấy đâu, anh yêu ạ. – Tôi nói, liếc sang anh. Thiếu chút nữa bật cười thành tiếng.
– Có lẽ em đúng. Anh nói và đứng phắt dậy. Tôi nghĩ anh muốn nói: em hiểu anh. Tôi thèm nghe câu đó từ môi anh, nhưng tôi chờ đợi hoài công. Từ hơn mười năm nay.
Buổi chiều, chúng tôi về làng dưới cơn mưa chẳng đâu vào đâu cả của trời tháng Tám Phan Rang.
Mùa hè 1998.