Hồng Loan: Lỡ đường

tản văn

Tôi chợt thức giấc bởi có tiếng ai đó đang gọi ngoài cửa. Sau khi biết chắc chắn là tiếng người bệnh gọi, tôi bước xuống giường, vuốt sơ sài mái tóc và bước ra cửa. Trong đêm khuya thế này, tua trực chỉ có một người, nên chúng tôi hết sức cảnh giác đề phòng kẻ xấu lợi dụng tình thế làm chuyện chẳng hay.
Khi cánh cửa vừa mở ra, trước mắt tôi là một thai phụ đang ngồi bệt dưới thềm, cạnh cô là một túi xách đã cũ, mặt nhăn nhó vẻ đau đớn, hai tay xoa xoa bụng, cứ hít hà….Cô gái còn rất trẻ, khoảng 17, 18 tuổi là chừng. Tôi đưa mắt nhìn ra khoảng sân vắng cố tìm người vừa đưa cô gái tới đây nhưng chẳng có ai ngoài tiếng mưa đang lất phất, tiếng xào xạc của cành cây và tiếng côn trùng rả rích… Tôi thấy khá lạ, từ trước tới nay chẳng có ai đến sanh một mình bao giờ, phải có ít nhất một người đưa đến, đằng này lại một thân, một mình. Cô ta từ đâu đến trong đêm khuya thế này? Hay là khách lỡ đường? Bao câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu tôi, là người địa phương và công tác hơn 15 năm, tôi biết rất rõ xứ này, khi có người đến sanh hay đau ốm thì bà con dòng họ kéo đến rất đông. Nhất là những người có vai vế trong làng, và kinh tế khá giả đôi chút. Họ đến ngồi chật cả hành lang lối đi và biết bao là câu chuyện trên trời được mang ra nói, đôi khi gây ồn ào làm cho chúng tôi phát cáu, vì sau đỡ đẻ quá mệt, mà muốn nghỉ lưng chút xíu cũng chẳng yên.
Tôi cúi xuống đỡ cô ta dậy, vừa đi cô ta vừa nói: Cô ơi cháu đau quá. Nghe giọng, tôi đoán cô không phải vùng này. Tôi cho cô lên bàn và thăm khám… Cái bụng đã có dấu hiện chuyển dạ.
– Cháu có mang quần áo em bé đồ dùng gì không?
– Dạ cô lấy dùm cháu. Cô gái trả lời.
Tôi kéo dây kéo và lấy đồ ra, hai cái khăn lông vải cái áo con con đã cũ và chai dầu nhị thiên đường, hành trang cho chuyến “vượt cạn” của cô chỉ có thế hay sao ?
Trong khi làm bệnh án, tôi được biết cô ở tận miền Trung, một làng quê xa xôi nghèo như quê tôi và bao làng quê khác, quanh năm cứ lũ lụt, mất mùa. Gia đình túng quẫn, cô lên tỉnh kiếm sống làm thuê cho một tiệm cơm và yêu một chàng nào đó…. Sau những phút xao lòng, cô gánh chịu hậu quả, còn anh chàng họ “sở” nọ, bặt vô âm tín. Cô buồn tủi bỏ xứ ra đi, cuối cùng lạc đến tận làng này. Ngày ngày đi làm cỏ mướn, xin trú chòi vợ chồng ông Bảy, một người Chăm tốt bụng làm rẫy cạnh đường ray xe lửa. Khi chiều, sau cơn nước xong, thấy đau râm râm cái bụng, nên hỏi thăm đường đến Trạm Y Tế, một mình lội bộ vượt cả một chẳng đường dài đến đây.
Cơn đau mạnh dần, tôi cho cô lên bàn… Sắp sanh rồi đấy. Tôi chuẩn bị dụng cụ, thuốc men và đợi đón bé. Chợt thấy lạnh lạnh trong người và lo lo sao ấy vì trong đêm khuya giữa một Trạm y tế rộng thênh thang chỉ mỗi tôi và sản phụ. Mỗi khi có cơn co cô cố chịu đựng, chẳng hề rên lấy một tiếng, có lẽ cô nghĩ rằng, nếu có rên rỉ cũng chẳng có ai đến mà san sẻ, chia sớt. Người ta thì có dịp làm nhỏng nhẽo mẹ, nũng nịu chồng. Cơn đau mỗi lúc một tăng, cô mím chặt môi, hai tay bấu vào thành giường cố không bật tiếng kêu. Mồ hôi ướt đầm đìa trên trán. Tôi với tay lấy chiếc mắc nơi thành ghế, lau vội những giọt mồ hôi cho cô, vừa an ủi động viên.
– Cháu nghỉ cho khỏe một lát, khi nào bắt rặn thì hít hơi sâu và rặn một hơi dài nhen, con sắp ra rồi.
Cô gái khẽ gật đầu và nói: “Cô ơi cho cháu miếng nước”. Tôi lấy li nước, đỡ cô ngồi dậy uống, uống xong, đôi mắt ngắm nghiền, hai tay nắm chặt thành giường và cố rặn một hơi dài. Đầu đứa bé từ từ nhô ra. Với kinh nghiệm, tôi đón bé ra một cách an toàn. Một bé trai thật hồng hào, tiếng khóc của bé như làm ấm lại căn phòng, làm ấm lòng người mẹ và cả tôi… Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Sau khi chăm sóc xong cho cả mẹ lẫn con, tôi lần lượt cho hai mẹ con về phòng hậu sản. Lúc này tôi mới có dịp ngắm kĩ cô gái với nước da bánh mật, đôi mắt to thoáng buồn, khuôn mặt trái xoan nom thật dễ thương. Thế mà đời lại đầy ngang trái!
Tôi áp sát cháu bé vào lòng mẹ, giúp cô cho con bú. Tìm được vú mẹ nó bú chùn chụt. Cô cúi xuống ôm con chặt vào lòng, đôi vai run run và những giọt nước mắt rơi xuống ướt cả khuôn mặt đứa bé. Nhìn hai mẹ con lòng tôi như muốn khóc.
Tôi muốn an ủi cô vài lời nhưng lại thôi, hy vọng những giọt nước mắt sẽ làm vơi đi một phần nào đắng cay trong cô. Tôi bước lại gần cửa sổ, nhìn ra ngoài, một khoảng không gian vắng lặng. Từ dưới xóm, vài tiếng gà bất chợt vang lên, lại bắt đầu một ngày mới, còn cuộc đời của hai mẹ con cô gái sẽ ra sao? Một cơn gió thổi qua lạnh buốt cả người, tôi rùng mình đưa tay khép lại cánh cửa. Bên ngoài mưa vẫn rơi rơi…

*
Trong Tagalau5.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *