Văn học-nghệ thuật Chăm, vấn đề lực lượng

Là cư dân của vương quốc Champa cổ, lẽ ra người Chăm thừa hưởng trọn vẹn một nền văn hoá-văn minh hình thành và phát triển suốt 16 thế kỷ trên dải đất miền Trung Việt Nam ngày nay. Nhưng nền văn minh ấy, sau 200 năm không được vun xới, bồi đắp đã lụi tàn rất nhanh, bởi sự vô tình của thời gian và cả vô tâm của con người. Người Chăm do hoàn cảnh lịch sử đặc thù, đã lưu lạc và sinh sống ở nhiều vùng đất khác nhau. Trên đất nước Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.
Nên có thể nói, nếu có thừa hưởng những gì cha ông để lại, họ chỉ nhận được đầy thiếu khuyết và không trọn vẹn. Các dân tộc trên đất nước Việt Nam cũng phải tiếp nhận nền văn minh này, như thế. Đó là một sự thực khách quan.
Dù từ hơn trăm năm nay, nhận thấy nguy cơ tiêu vong ấy, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước đã đổ công sức, trí tuệ vào việc phục chế để tạo dựng lại khuôn mặt của nó. Nhưng các thành tựu đạt được vẫn còn khá khiêm tốn so với thực tế yêu cầu.

1. Thử điểm qua các tên tuổi tiêu biểu đã có đóng góp thiết thực:
E.Aymonier, A.Cabaton, D.Blood, Bùi Khánh Thế… có các công trình về ngôn ngữ, chữ viết; G.Maspéro, J.Leuba, G.Coedès, P.Dharma, Lương Ninh… về lịch sử; H.Parmentier, Trần Kỳ Phương, Ngô Văn Doanh… về kiến trúc, điêu khắc. Về văn học có E.Aymonier, P. Mus, G.Moussay… Về dân tộc học và các vấn đề khác có P.B.Lafont, Nghiêm Thẩm, Nguyễn Bạt Tuỵ, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Văn Luận, Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện…
Nhưng, vẫn còn rất nhiều lĩnh vực đang bỏ ngõ chờ bàn tay thiện chí: âm nhạc, y học, thiên văn học, hội hoạ, tổ chức hành chính…Người ta mãi nghĩ âm nhạc Chăm lớn, tạo nhiều ảnh hưởng lên dân nhạc Việt; nhưng nó lớn thế nào thì không ai biết cả! Di tích Mĩ Sơn, các cụm tháp được phục chế, dẫu còn sơ sài [và lắm lúc quá cẩu thả gây phản cảm] nhưng như thế đã đủ chưa? Vân vân…Dù vậy, ngay cả các tác phẩm đã xuất bản chưa nhiều ấy, rất ít trí thức Chăm ngày nay biết đến chúng, qua đó họ có thể có được cái nhìn tương đối chính xác và đầy đủ về những gì cha ông họ để lại.
Đó lại là một thực tế nữa.

Nhưng không phải tất cả đã trở nên tuyệt vọng. Trong dòng chảy gấp gáp của cuộc sống sôi động hôm nay, vẫn xuất hiện rải rác các nỗ lực đáng kể của tập thể hay cá nhân trong cộng đồng người Chăm.
Trước 1975, ở miền Bắc, Mah Mod có các bài viết về xã hội Chăm đầy thiện chí. Ở miền Nam, nhóm trí thức Chăm tập hợp xung quanh G.Moussay ở Trung tâm văn hoá Chàm – Phan Rang, cho ra đời Từ điển Chàm-Việt-Pháp dày 700 trang, khổ lớn rất bổ ích. Bên cạnh, họ cũng đã công bố một số văn bản cổ quý hiếm. Thiên Sanh Cảnh, ngoài các bài viết súc tích về lịch hay phong tục Chăm, qua Nội san Panrang, đã dịch 4 tác phẩm cổ điển dân tộc sang tiếng Việt. Ở Sài Gòn (cũ), anh em Dohamide và Dorohiêm kịp cho ra mắt Lược sử dân tộc Chàm rất đáng đọc.

2. Trong hoàn cảnh ấy, lực lượng làm văn học-nghệ thuật là người Chăm trong nước từ sau đất nước thống nhất đứng ở đâu? Trước khi đề cập đến lĩnh vực sáng tác-biểu diễn, bộ phận nghiên cứu văn hóa-xã hội không thể bị bỏ qua. Bởi, nhà nghệ sĩ muốn sáng tạo không xa rời nguồn cội, anh/chị ta không thể không biết đến truyền thống.
Trước hết, tiến sĩ Thành Phần bảo vệ luận án về Hệ thống nhà cửa của Chăm tại Liên Xô (cũ). Năm 1996, luận án Tiến sĩ về Gia đình và hôn nhân được Bá Trung Phụ bảo vệ thành công tại Việt Nam, rồi Phú Văn Hẳn về ngôn ngữ 7 năm sau đó. Các nghiên cứu sinh sau đại học: Quang Cẩn, Đàng Năng Hòa, …cũng đã có công trình riêng của mình.
Thông Thông Khánh có tác phẩm về Phật giáo Champa, dù còn sơ lược nhưng là một cố gắng đáng ghi nhận. Kasô Liễng, dân tộc Chăm Phú Yên, đã sưu tầm, dịch các trường ca dân gian Chăm: Tiếng cồng ông bà Hbia Lơđă,…
Cuối những năm 90, nổi lên khuôn mặt trẻ: Văn Món-Sakaya, với các bài viết nhiều tính khai phá trên các tạp chí chuyên ngành. Các công trình tiếp theo: Nghề gốm cổ truyền của người Chăm Bầu Trúc-Ninh Thuận, Lễ hội của người Chăm, Luật tục Chăm (viết chung),….
Trước đó, Inrasara cho ra đời hàng loạt tác phẩm về văn học và ngôn ngữ: Văn học Chăm (3 tập), Văn hóa-xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, Tự học tiếng Chăm, Từ điển Chăm-Việt, Từ điển Việt-Chăm (viết chung); rồi Trường ca Chăm, Tục ngữ-Ca dao Chăm,..…

Về phía tập thể, Ban biên soạn sách chữ Chăm-Ninh Thuận thành lập năm 1978 đã làm được rất nhiều việc: chuẩn chính tả chữ Chăm, biên soạn sách thí điểm Ngữ văn Chăm cấp I, sách giáo viên, sách đọc thêm… Quan trọng hơn cả, họ đã đào tạo được trên 500 giáo sinh, gần 10.000 em học sinh Chăm biết đọc và biết chữ Chăm. Có thể nói đó gần như là kỳ công, một kỳ công thầm lặng. Tuy nhiên, vốn kiến thức chữ Chăm các em được trang bị đã không còn phát huy tác dụng sau đó, bởi không có sách đọc thêm.
Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm-Ninh Thuận thành lập từ năm 1992, đã tiến hành thu thập tư liệu nằm rải rác trong các plây Chăm. Nhưng mãi 15 năm sau, Trung tâm này vẫn chưa trình ra tác phẩm nghiên cứu nào!

Gốm Bầu Trúc tưởng đã thất truyền, cũng đã khởi sắc từ vài năm qua. Cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm Chăm ở Ninh Thuận tạo sự chú ý đặc biệt. Công ty dệt Inrahani ra đời, đã mang lại sự nhộn nhịp cho thị trường thổ cẩm. Không dừng lại ở sản phẩm thô, Công ty chế tác nhiều mẫu mã thích hợp với thị hiếu quần chúng. Nên ở một mức độ nào đó, thổ cẩm Chăm đã trở thành một mặt hàng. Bốn Huy chương vàng và huy hiệu Bàn tay vàng được Hội đồng Trung ương liên minh các Hợp tác xã Việt Nam cấp cho Công ty là bằng chứng. Tuy vậy, vì đây là sản phẩm vừa mang tính văn hoá vừa mang tính kinh tế nên thị trường vẫn còn thiếu ổn định.

Như vậy, sau một phần tư thế kỉ của thời đại nhiều biến động này, lực lượng trí thức đang muốn níu kéo tàn tích văn hóa cha ông còn khá tản mác. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề thêm sự chưa biết hợp tác, hay chưa nghiên cứu có định hướng với một chương trình tổng thể dài hạn nên thành quả hạn chế, là điều không thể tránh.

3. Sưu tầm-nghiên cứu đã thế, lực lượng sáng tác-biểu diễn phát triển èo uột là điều không thể tránh. Thử phác qua vài hoạt động và khuôn mặt tiêu biểu.

Về mĩ thuật.
Đàng Năng Thọ, họa sĩ, Hội viên Hội Mĩ thuật Việt Nam, đã có nhiều cuộc triển lãm trong nước và một lần dự Triển lãm mĩ thuật đương đại với các nước Đông Nam Á và châu Đại dương tại Ấn Độ năm 1998. Anh 2 lần đoạt giải thưởng Mĩ thuật. Đàng Năng Thọ chỉ sau một lần ra mắt ở Thủ đô vào năm 1995 cũng đã gây sự chú ý đáng kể. Qua các bức tượng đất nung của anh, người ta vừa thấy nét siêu thoát ở phù điêu trên các ngôi tháp Chàm cổ và cả bóng dáng rất đời thực của bà mẹ nông dân Chăm ngày nay. Thành Văn Sưởng, điêu khắc gia, Hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, cũng tham gia nhiều cuộc bày tranh tượng trong nước và đã có tiếng vang nhất định. Nhưng, chưa tạo được sự nghiệp, tiêc thay, anh đã mất sớm. Thế hệ trẻ có Chế Kim Trung, sinh năm 1971, là một khuôn mặt mới nhiều triển vọng.

Về sáng tác văn chương

Inrasara, vừa sưu tầm-nghiên cứu vừa sáng tác cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Hai lần đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam sau đó là Giải thưởng văn học Đông Nam Á, đã tạo một kích thích lớn cho thế hệ trẻ Chăm viết văn làm thơ. Thơ Inrasara, ngoài thể thơ như là bề nổi mang dáng dấp hiện đại, còn lại nó cùng nằm trong dòng chảy của truyền thống thơ ca Chăm.
Nhưng lẽ nào sáng tác văn chương Chăm chỉ có mỗi Inrasara!? Một nhóm trí thức Chăm đã nỗ lực cho ra đời “tập san” của mình. Tagalau, Tuyển tập sáng tác-sưu tầm-nghiên cứu Chăm, ra đời số đầu tiên vào mùa Katê 2000, qua 7 số, Tuyển tập này đã trình làng được vài khuôn mặt với các sáng tác ấn tượng: Trà Vigia, Jalau Anưk, Trầm Ngọc Lan, Bá Minh Trí, Jaya Hamu Tanran, Thạch Giáng Hạ, … Và nếu Tuyển tập trụ vững, họ có khả năng đứng biệt lập như một tác giả xứng danh.
Văn học Chăm, rất ít người biết đến nó; mãi khi Inrasara cho ra bộ Văn học Chăm, khái luận-văn tuyển và nhận được Giải CHCPI (Sorbonne, Pháp), giới nghiên cứu lẫn độc giả phổ thông mới nhận ra đó là nền văn học dân tộc sáng giá. Ngoài những gì cha ông để lại, cộng đồng Chăm hôm nay vẫn còn nhu cầu sáng tạo và thưởng thức tác phẩm văn chương ở trình độ cao. Tuy vậy, trong thời buổi văn chương chữ nghĩa đang thất thế này, Tagalau có thể sống thọ không, khi lâu nay nó chỉ ăn nhờ vào đóng góp của vài bàn tay thiện chí? Ai/cơ quan nào sẽ đỡ đần nó, ngày mai? Đây là câu hỏi cốt tủy.

Về ca – múa – nhạc
Đây có thể là lực lượng đông đảo và hoạt động xôm tụ nhất trong thời gian qua.
Amư Nhân, nhạc sĩ kiêm ca sĩ, đã có 4 tác phẩm và 3 băng dĩa riêng. Amư Nhân xuất hiện cuối những năm 80 đã khuấy động được bầu không khí khá trầm lặng của xã hội Chăm lúc đó. Tiếp thu vốn âm nhạc dân tộc phong phú và đặc sắc, Amư Nhân đã sáng tác nhiều ca khúc được truyền bá rộng rãi.
Lĩnh vực này, không thể không kể đến các nghệ nhân Chăm lớn tuổi như Thạch Tìm-nghệ nhân đánh trống, Trượng Tốn-nghệ nhân kèn xaranai… đã có đóng góp rất lớn trong việc biểu diễn cũng như truyền dạy kĩ năng cho thế hệ sau.
Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm
-Ninh thuận thành lập năm 1993, với 25 diễn viên trong đó nổi bật (qua các thời điểm khác nhau): biên đạo Đàng Quang Dũng, Dương Tấn Đức, Đàng Năng Đức, Thập Ariya, nghệ sĩ múa Bích Trâm, Như Trang… Đoàn đã phục vụ từ thủ đô, thành phố lớn cho đến tận xóm phây hẻo lánh nhất. Thành tích sau 10 năm hoạt động rất đáng tự hào.
Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm huyện Bắc Bình-Bình Thuận, thành lập năm 1989 gồm 20 diễn viên không chuyên, cũng mang nhiều sắc thái độc đáo với các khuôn mặt: Lâm Tấn Bình, Phi Thúy, Minh Tuyết, Bình Vương, Trường Loan…Nhưng cả hai đoàn này chưa một lần được đi ra nước ngoài trình diễn, nên vẫn chưa tạo được tiếng vang lớn hơn.
Câu hỏi đặt ra: tại sao 30 năm qua, xã hội Chăm không thể nẩy nòi ra nhạc sĩ, ca sĩ tầm cỡ Từ Công Phụng hay Chế Linh? Nguyên nhân khách quan hay thiên tài chỉ có thể bất ngờ xuất hiện như thể thứ gien xã hội đột biến, không thể đoán biết được?

4. Chúng ta vừa phác qua vài nét chính sinh hoạt văn học-nghệ thuật Chăm thời gian qua, nhấn vào sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống. Một bức chân dung còn khá mờ. Chưa thấy dấu hiệu báo tin vui lớn, trong khi ở bề sâu lịch sử, tiềm lực sáng tạo của Chăm khá phong phú. Trong khi nhiều chân trời mới đang mở toang trước chúng ta đòi hỏi tầm sáng tạo tương ứng. Trong khi nhu cầu thưởng thức sản phẩm nghệ thuật ngày càng cao, càng khắt khe của mọi tầng lớp xã hội. Và trong khi hơn lúc nào hết, chúng ta cần có đóng góp mới bên cạnh cái đã có tự ngàn xưa.

1999.
*
Trong Văn hóa-xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *