Christofer Fredriksson trả lời báo Thể thao-Văn hóa, số 142, 28.11.2006:
“Ý tưởng dường như có tính tiên quyết, xem người nghệ sĩ làm gì và làm như thế nào với tác phẩm của mình, để làm sao cho tác phẩm ấy có hiệu quả nhất khi đến với công chúng. Nhưng dường như ở Việt Nam các nghệ sĩ ít thích bàn về điều này, họ thường thích làm tác phẩm hơn là nói về các tác phẩm của mình. Họ cho rằng tự tác phẩm đã nói lên điều đó. Nhưng ở trường chúng tôi lại khác, khi một nghệ sĩ làm nghệ thuật thì điều đầu tiên họ phải được học về các vấn đề lí luận nghệ thuật. Sau đó họ bắt đầu viết các dự án nghệ thuật thành các bài viết, rồi mới đến công việc thực hiện các ý tưởng đó. Công việc này được lặp đi lặp lại trong các năm học. Do đó khi một người nghệ sĩ ra trường có nghĩa là họ đã có một năng lực lí luận nhất định”.
Ít bàn, ông nói, nhưng thực ra là: không bàn, không muốn bàn, không dám bàn vì, không khả năng bàn, thậm chí – dị ứng với lí luận. Người làm văn học-nghệ thuật chúng ta luôn dừng lại ở phong trào là vậy. Đa phần nhà thơ Việt Nam luôn chịu định mệnh một tác phẩm, một bài thơ, là thế. Không thể đi xa…
Không ít sáng tác có dấu ấn là sáng tác ăn may, ăn mòn vào năng khiếu “trời cho”. Trời cho tới đâu hay tới đấy, chúng ta thói quen nói như vậy! Một nhà thơ ăn may, thì nó sẽ đến đâu? – Bế tắc!
Văn hóa văn chương [Việt Nam] đã góp công sức không nhỏ vào bế tắc của kẻ sáng tạo. Trong kì Đại hội Những người viết văn trẻ năm 2000, hầu hết các nhà văn nhà thơ khi được hỏi về nghề viết đều đồng loạt quan niệm [hoặc không quan niệm gì cả] văn chương là trò chơi. Nhất là nhà thơ.
Thứ văn chương-trò chơi ấy chính là con/cha đẻ của nền văn học bị nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc kêu đích danh là văn học nghiệp dư, không hơn. Trong lúc, tinh thần chuyên nghiệp khác hẳn tinh thần nghiệp dư ở chỗ nó “đề cao yếu tố kĩ thuật” thay vì tùy thuộc vào cảm hứng, “gắn liền với tinh thần nghiên cứu” thay vì tin cậy vào kinh nghiệm, “luôn luôn có tính tự giác cao (…) trong khi đó, buông thả theo thói quen, tinh thần nghiệp dư lại đầy tính chất tự phát” và nhất là, tinh thần chuyên nghiệp mang tính cạnh tranh chứ không làm qua loa đại khái, rất trung bình.
Nghiệp dư – ta chưa bao giờ suy tư qui mô về nghệ thuật, suy tư có tính nền tảng và rốt ráo: Viết là gì? Tại sao viết? Nhà văn là ai?,… Các trào lưu văn học nghệ thuật nẩy nở và phát triển sôi động ngoài kia cứ là không là gì cả, với ta. Chương trình văn chương các Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn [có thể kể luôn Trường viết văn Nguyễn Du nữa] không mặn mà giới thiệu chúng đến nơi đến chốn với sinh viên nữa là!
Nhiều nhà thơ [chuyên nghiệp] phương Tây luôn mang ở tự thân khả tính phê bình hay đồng thời là một nhà phê bình, thậm chí – một nhà mĩ học. Còn ở ta thì sao? Dừng lại ở một nhà thơ [kiêm nhà báo], lại là một nhà thơ nghiệp dư, không nhích lên phân tấc.