Inrasara, Người của văn học giấy lá buông

Nguyễn Mạnh Hà thực hiện
Inrasara – nhà văn người Chăm tỉnh Ninh Thuận đang nổi lên như một “kì nhân” của làng viết. Không học qua trường lớp nào, nhưng ông vẫn làm được khá nhiều công trình nghiên cứu dày dặn…

*
– Phóng viên: Xin chào nhà văn đại biểu dân tộc Chăm!
Inrasara: Lại đại biểu nữa! Kể từ bác Nông Quốc Chấn 10 năm trước cho đến nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn mới đây, cứ xem mình là “đại biểu rất xứng đáng” của dân tộc. Thật ra nhà văn không đại biểu cho ai cả. Chính Cao Hành Kiện cũng đã rất nhấn mạnh. Anh ta chỉ đại diện cho tiếng nói của cá nhân mình thôi. Tôi đã nhiều lần đính chính, nhưng thiên hạ cứ tiện ngòi bút mà: đại diện, đại biểu…Chán lắm!

– PV: Nghe nói có một tờ báo nước ngoài cũng đã gọi anh “đại biểu”, nhưng ở hướng tiêu cực…Ý anh thế nào?
Inrasara: Không thế nào cả. Phát ngôn là quyền tự do của mọi người. Phát biểu nhân danh này nọ thì rất buồn cười. Tôi phát ngôn hay viết là nhân danh tôi thôi. Đại diện cho cá nhân mình còn chưa xong nói chi đại diện cho ai khác. Thôi, hãy vào thẳng câu chuyện hôm nay đi.

– PV: Xin anh tự giới thiệu sơ lược về mình…
Inrasara: Đơn giản nhé: tôi luôn khao khát cái mới. Đang nông dân, Tỉnh mời vào Ban biên soạn sách giáo khoa chữ Chăm, được 4 năm, tôi đề xuất chương trình mới, nhưng Ban không đáp ứng, bỏ về làm nông dân tiếp. Sau đó Đại học Tổng hợp Tp.HCM mời làm 6 năm, cũng không có chương trình nào lạ hơn, lại về. Giờ, tôi là người viết tự do. Còn nghiên cứu văn hóa dân tộc chỉ như là một hành vi trả nợ tổ tiên…

– PV: Dường như anh xuất hiện quá muộn màng?…
Inrasara: Đúng. 20 năm làm việc trong bóng tối: đi, đọc và viết. Văn học Chăm – khái luận xuất bản khi tôi đã 38, được giám đốc CHCPI (thuộc đại học Sorbonne) đánh giá có “giá trị lớn về mặt khoa học”, và tặng giải thưởng. Đây là phần thưởng tinh thần cao quý không chỉ cho riêng tôi, mà cho cả cộng đồng Chăm.
Tập thơ Tháp nắng cũng vậy, nó chỉ được Nxb.Thanh niên in sau hơn 2 năm bị vài nhà khác từ chối (không nêu lí do). Lúc đó Sara sắp qua tứ thập, còn trước kia tôi chưa hề gởi thơ đăng báo. Không ai biết tôi có làm thơ, ngoài vài bạn bè thân tín. Tập thơ đầu tay lại có ngay Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, là một kích thích thế hệ trẻ Chăm…
Tiểu thuyết Chân Dung Cát bây giờ cũng vậy, ba năm qua, 3 nhà xuất bản lại tiếp tục từ chối. Tôi nói: nếu ai đắc cử Chủ tịch Hội Nhà văn nhiệm kì này, tôi sẽ đưa tiểu thuyết cho ông ta, không thì tôi in ở nước ngoài! (đoạn này tòa soạn cắt bỏ).

– PV: Tiểu thuyết đầu tay của anh vì sao không được in?
Inrasara: Không hiểu, chưa thấy ai trả lời. Tôi viết nó từ 1989, sửa chữa trong 15 năm. Cắt, cắt và cắt…

– PV: Liệu anh có tin tưởng vào biểu hiện đổi mới của Đại Hội Nhà văn lần này?
Inrasara: Tôi tin tưởng vào văn nghệ sĩ. Không khí đổi mới và sự dũng cảm của nghệ sĩ là quyết định. Có khi người ta đổi mới rồi mà mình mãi cổ hủ. Bây giờ tôi tập trung viết tiểu luận. Trong quá trình viết, tôi khám phá cái nhạt nhẽo, cũ mòn của thơ Việt hiện đại, nhất là sáo mòn của chính tôi trước.

– PV: Việc nghiên cứu vốn cổ cũng có kích thích anh trong sáng tạo?
Inrasara: Kích thích mạnh. Văn học Chăm độc đáo, có truyền thống lâu đời. Tôi đã tuyên như thế khắp nơi, nhưng các nhà nghiên cứu Việt có lẽ vì không biết tiếng Chăm, vẫn chưa tiếp nhận ý kiến đó. Dù thành tựu đã rành rành. Bộ Tổng tập Văn học Việt Nam mới in rất đồ sộ, nhưng rất tiếc: không có một trang nào về văn học viết của Chăm! Từ điển Văn học bộ mới dày dặn và được ca ngợi là thế, vẫn không có mục từ nào mang tên Dewa Mưno hay Glơng Anak! Buồn vậy đó…
Sáng tác văn chương Chăm đứt quãng thời gian dài. Tôi là kẻ tiếp nối. Nhưng không chỉ có Sara, qua Tuyển tập Tagalau và…, đã xuất hiện vài khuôn mặt 25-30 tuổi khá độc đáo. Tagalau ra đời số đầu vào Katê 2000, không cơ quan nào tài trợ. Tỉnh: không, Trung ương: không! Mỗi số, nếu không ai giúp một tay, tôi chịu bù lỗ bảy triệu đồng. May đồng bào ủng hộ, may nữa: mọi lứa tuổi thuộc mọi thành phần tham gia viết bài. Tagalau là động thái tiếp nối truyền thống đầy hiệu quả, chủ quan nhận định vậy.

– PV: Anh có tính tái bản tác phẩm, bởi lúc này không tìm thấy sách anh trong hiệu sách!
Inrasara: Tôi là kẻ đam mê cái mới. Nên, không nhiệt tình lắm với việc tái bản. Tháp nắng hết đã lâu, bộ Văn học Chăm ra đời 5 tháng sau đã hết…Nhưng thôi, để già cả hẳn tính. Còn lúc này: Sáng tạo, và sáng tạo. Chỉ có cái mới mới lôi cuốn được tôi trong viết lách, ngoài ra: không gì cả! 5 đầu sách của tôi đang chờ ở cửa nhà xuất bản, để chào đời…
– PV: Xin cám ơn nhà thơ, không là đại diện…

*
Báo Tiền phong, số 88, 04.05.2005.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *