Harơk Kah ở đâu?

1. Tên gọi:
Đây là một địa danh quan trọng, thường xuất hiện khi nói đến lịch sử Champa. Tên gọi hay dùng là: Harơk Kah, Harơk Kah Harơk Dhei hay Harơk Kah Dhei.

2. Harơk Kah ở đâu?
Theo nhìn nhận chung của hầu hết trí thức Chăm thế kỉ XX, từ Thiên Sanh Cảnh cho đến Lâm Nài, …Harơk Kah ở Quảng Bình, nghĩa là nơi cực Bắc của Vương quốc Champa cổ như chúng ta được biết. Một câu hát trong ca khúc Đàng Năng Quạ: “Akauk gah Harơk Kah, iku gah Panrang” (Đầu ở Harơk Kah, đuôi phía Panduranga). Người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay còn truyền [hay tưởng tượng] rằng đó là vùng núi mọc một loài cỏ (karơk) khá cao, mùa gió Đông thổi, cỏ này giạt ra hai bên tạo một dáng như hình đầu người chải tóc, để lộ một cái trán (dhei) rộng.
Ngược lại, trong các bài viết của mình, P.Dharma cho rằng Harơk Kah ở Phú Yên, nghĩa là cực Bắc của Tiểu bang Panduranga thuộc vương quốc Champa.

Chúng ta đừng vội cho ai đúng ai sai. Bởi ngoài hai quan điểm đó, còn có hai “chứng cớ” khác về địa danh này.
Theo nhà sử học Shine (qua trao đổi miệng với Inrasara mới đây), một người Raglai ở khu vực làng phía Nam Lâm Đồng cho rằng Harơk Kah nằm đâu về phía Bắc cách làng ông ta khoảng 30km. Ngoài ra, một “sử liệu” có văn bản hẳn hoi lại cho rằng Harơk Kah ở tận Hà Nội! Câu 108 trong Ariya Ppo Parơng (Xem Inrasara, Ariya Cam – Trường ca Chăm, Nxb.VHDT, H., 2006, tr. 425):

Halei dahlak o ka nau bboh tơl
Libik Harơk Kah nan pak nưgar Hanwai
.
Tôi đâu chưa đi thấy hết
Nơi Harơk Kah đó ở xứ Hà Nội

Đó là nhìn nhận của tác giả Hơp Ai, sau khi đã kể cuộc hành trình dài từ Phan Rang, đến Nha Trang, Phú Yên, Bình Định, Huế, Hải Phòng,… đã viết như vậy. Xin nhớ rằng thi phẩm này được viết cách nay hơn 120 năm! Tác giả là người biết tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, người phụ trách chính trong cuộc đi nghiên cứu bia đá chữ Chăm cổ, nghĩa là rất trí thức. Và dĩ nhiên, cũng rất đáng tin cậy. Dẫu vậy chúng ta cũng chưa nên vội kết luận.
Như vậy, thực sự Harơk Kah ở đâu?

3. Quan niệm về sử
Trung hoa có ghi nhận các loại sử: thông sử, chánh sử, ngoại sử, dã sử, huyền sử,… Phương Tây, ngoài chánh sử còn có sử nằm ngoài chánh sử mà họ gọi là dã sử (synchronic history) hay chung hơn: Oral History. Không thể cho là sử nào “đáng tin” hơn hay giá trị hơn sử nào. Đúng hơn, chúng bổ sung cho nhau, trong tâm thức của một dân tộc. Thử lướt qua 3 quan niệm về sử học:
Các nhà Duy sử (Historicism) chỉ dựa thuần tuý vào những biến cố, những sự kiện đã xảy ra. Và chỉ tin vào nó. Trong lúc ngay cả biến cố và sự kiện này cũng chưa hẳn đã đúng “như thật”. Ví dụ, một ông vua xây đền tháp nào đó, có thể ghi sai ngày tháng, số lượng con dê cúng tế trên bia đá, vì mục đích riêng. Hay nhà viết sử sau này, để bảo vệ quan niệm của mình, trên hàng trăm bia kí (nghĩa là thứ sử liệu không thể thay đổi), ông ta chỉ chọn ra bia kí mang nội dung có lợi. Điều này đã từng xảy ra. Hoặc đã không ít sử gia tạo ra hiện trường giả, sử liệu giả nữa, để phục vụ ý đồ của mình, phe nhóm mình!
Một bài bình luận trên Website Timesonline ngày 4.4.2002 nhận định: “Những sử gia không phải chỉ là những người biên chép vô tư. Do sự chọn lựa, xếp đặt, nhấn mạnh và phân tích sự kiện, họ tạo ra một phiên bản đặc biệt của quá khứ. Và đồng thời họ cũng đóng một vai trò nào đó trong hiện tại, bằng cách hợp lý hóa hay vô hiệu hóa những lý do căn bản, những anh hùng và những huyền thoại ảnh hưởng đến cuộc tranh cãi đang diễn ra”.
Nhận thấy thiếu khuyết đó, các nhà viết sử-phi duy sử tìm một cội nguồn khác:
“Không phải chỉ dựa vào sử khoa học (duy sử), tức là chỉ dựa thuần tuý vào những biến cố, những sự kiện đã xảy ra. Chủ đích của duy sử là đem tin và kể lại sự kiện. Chỉ có vậy thôi! Do đó ta cần phải có loại dã sử tức là sử tư gia, riêng tư.
Nói một cách khác là còn phải dựa trên câu chuyện kể của những người bình thường khác từ đó khám phá ra những yếu tố nằm ngầm, khai quật lại những điều còn mơ hồ chưa rõ ràng. Nói một cách khác dã sử giải nghĩa làm rõ sự việc hơn là đem tin.
Xét theo ý nghĩa triết học duy sử (diachronic hitory) tức là xem xét lịch sử theo bề mặt phiến diện, còn dã sử (synchronic history) là đào sâu xuống. Dã sử vẫn dựa theo tài liệu, sự kiện chi tiết cốt lõi của chính sử nhưng sẽ mở rông tầm nhìn và đào sâu để tìm những gì còn ẩn náu sau các sự kiện.” (Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng Minh Tháo Chạy, BBCVietnamese.com, 17.8.2005).
Nghĩa là: cả hai, ai cũng nghĩ mình số dzách cả!
Từ đó mới có Thuyết Tân duy sử (New Historicism). “Louis Montrose quan niệm mối quan tâm chính của các nhà phê bình tân duy sử là ‘tính lịch sử của các văn bản và tính văn bản của lịch sử’ (the historicity of texts and the textuality of history). ‘Gọi ‘tính lịch sử của các văn bản’ vì ông cho tất cả các văn bản đều gắn liền với những chu cảnh (context) xã hội và văn hoá nhất định. Gọi là ‘tính văn bản của lịch sử’ vì ông cho tất cả kiến thức và sự cảm nhận về quá khứ của chúng ta bao giờ cũng tồn tại thông qua các dấu vết văn bản còn sót lại của xã hội.” (Nguyễn Hưng Quốc, Tienve.org, 2006).

Ngay từ năm 1994, trong cuốn biên khảo Văn học Chăm – khái luận, tôi đã viết:
“Nhu cầu hướng nguồn trong Chăm rất mãnh liệt. Sách vở mất, khoa học không còn, họ tìm đến huyền sử: Biên niên sử Hoàng gia Chàm xuất hiện trên nền tảng đó. Cùng có mặt với nó là địa danh huyền sử được đem gán lên chiều dài vùng đất suốt lịch sử Champa: Bal Hanguw – thủ đô ở Quảng Nam, Bal Angwei ở Bình Định, Bal Huh Bal Lai – Phú Yên, Bal Canar – Bình Thuận, còn Harơk Kah Harơk Dhei ở tận Quảng Bình nơi cực bắc Vương quốc. Họ được dạy từ tấm bé bởi huyền sử đó (cùng truyện cổ, truyền thuyết và huyền thoại khác…). Đã hai trăm năm đi qua, họ tin thế. Chúng nuôi sống tâm linh, an ủi tâm hồn họ, là chỗ dựa không thể lấy đi được của cuộc sống tinh thần họ.
Giai thoại hay huyền sử quan trọng hơn lịch sử là thế. Nó chính là “dòng suối tiềm ẩn bên trong” mang đầy ý nghĩa sử tính mà “chối đi con người cảm thấy thiếu cái gì và dân tộc sẽ thiếu mối dây ràng buộc thiêng liêng rồi đi tới chỗ băng hoại”. Nói như thế không phải chúng ta từ chối truy tìm mang tính lịch sử-sự kiện mà chỉ chối bỏ “óc duy sử chỉ chấp nhận hiện tượng bên ngoài” mà không nhìn nhận những gì tồn tại ngoài nó.”

4. Tạm kết.
Chúng ta đã lược qua 3 quan niệm về sử, cùng những ưu khuyết của nó. Trở lại câu chuyện Harơk Kah.
Người Chăm, cũng như truyền thống Ấn Độ, không có truyền thống chép sử chi li như Trung Hoa. Chánh sử biến thành huyền sử là chuyện thường tình. Nhất là khi Champa bị mất, để tránh việc đốt sách làm thất thoát “sử liệu”, người Chăm đã khôn ngoan biến đa số tư liệu ghi chép thành văn bản sử truyền khẩu (Oral history). Ông bà ta biến sử thành văn: dễ nhớ, dễ thuộc. Ngoài ra, ông bà ta còn chuyển hóa chúng vào hàng trăm lễ nghi phong tục tập quán nữa. Thật siêu tuyệt! Damnưy Cei Axit, Cei Tathun, Nai Tangya Bia Atapah,… được hát tụng trong các lễ Rija là bằng chứng xác thực nhất! Có ông sử gia duy sử nào dám cho rằng chúng không giá trị, hay chúng chỉ có giá trị văn học, ngoài ra không là gì khác!?
Từ đó, có thể nói rằng Harơk Kah ở tất cả 4 nơi nêu trên [hay nhiều hơn nữa] mà không ở chính xác tại đâu cả. Bởi đơn giản nó vừa mang tính sử học-sự kiện vừa chỉ là địa danh ước lệ. Nó là nơi cực bắc của vương quốc Champa! Khi vương quốc Champa thụt lùi tới đâu, Harơk Kah chính là nơi đó.
Chỉ vậy thôi, chúng ta mới dung hòa được sự “căng thẳng tự nhiên” giữa hai giới viết sử: những sử gia kinh viện (academic historians) và sử gia đại chúng (popular historians).

Sài Gòn, hè 2005.
________
Viết thêm.
Tinh thần hậu hiện đại là tinh thần dung hóa mà không loại trừ. Nó kêu đòi sự đa chiều về điểm nhìn (không độc đoán một chiều), đa dạng về văn hóa (tránh chủ nghĩa độc tôn văn hóa), đa nguyên về chính trị (tiêu trừ độc tài). Không phân biệt văn chương đa số/thiểu số, văn chương nam giới/nữ giới, ngoại vi/trung tâm, trí thức/bình dân, da trắng/da màu, vân vân…Phá bỏ mọi đường ranh chia cắt, phân biệt đối xử. Để tìm đến một bình đẳng cho mọi đối tượng, mọi thành phần nhân loại. Đó cũng là nỗ lực của tôi khi dấn thân vào phê bình văn học, dăm năm qua. Tôi đã phân tích, nhận định trên cơ sở thực tiễn, nhằm nêu bật cái bất công phi lí trong đối xử phân biệt không đáng có. Rất không đáng có. Mục tiêu duy nhất: từ bỏ mặc cảm nhược tiểu, mặc cảm thiểu số, nhà quê, … hay gì gì khác nữa, dấn thân trọn vẹn vào sinh hoạt văn học của nhân loại nói riêng, văn hóa thế giới trong thời đại toàn cầu nói chung. Từ đó chúng ta kiêu hãnh sống, lao động và sáng tạo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *