Inrasara: Chân dung Cát

Chân dung Cát
Tiểu thuyết
Nxb.Hội Nhà văn & Côngty Nhã Nam, Hà Nội, 2006.
Số lượng in: 1.000cuốn.
296 trang, khổ 13,0 X 20,0cm. Giá bìa: 37.000đồng.
Phát hành tại nhiều hiệu sách ở các thành phố lớn, và:
127 Bùi Viện – quận1 – Tp.HCM.

Tóm tắt nội dung:

Các đặc tính Cham được thể hiện qua chân dung nhân vật với những hành vi, ngôn từ được đẩy quá giới hạn, nên có thể xem là biệt lệ.
Ngài giáo sư Trần Hùng say mê văn hóa Cham, mong hình thành một bộ Văn minh Champa khảo luận, nhưng đã thất bại vừa bởi cá tính con người Cham mà ông có quan hệ lẫn tính nghệ sĩ của chính ông. Nữ phó Ts Hà Vân, yêu con người Cham lẫn ngôn ngữ sống của Cham, rồi cũng bất lực trước mất mát của ngôn ngữ dân tộc có bề dày lịch sử này.
Những con người Cham có tâm tính lạ biệt, hành vi, ngôn ngữ dị biệt: Jaklan, nhà ngôn ngữ học cấp xã luôn mang tham vọng nghiên cứu chuyên ngành nhưng thiếu trầm trọng kiến thức cơ bản. Pathit, nhà kinh tế tầm vĩ mô cũng thế, ước mơ lớn nhưng lại hổng chân ở thực tế. Dhan Than, nhà yogi hậu thời; Cao Xuân Hoang, tham vọng xuất khẩu các ý tưởng cao vời và mới lạ của Cham ra thế giới, cả truyền thống lẫn hiện đại; từ một nông dân thi sĩ Thuman chịu chơi cho đến thiếu phụ Hathaw có nụ cười man dại, từ nhà văn-giải Nobel tương lai của Cham cho đến anh chàng Chàm kiều đang lên kế hoạch xây dựng cộng đồng-mở Cham trên mạng toàn cầu ….tất cả góp phần hình thành đặc tính đậm chất Cham, như một thứ nghệ sĩ tính bắt nguồn từ tầng sâu lịch sử và văn hóa bất khả chữa trị: cái tạm bợ, thiếu thực tế, to tát trong mơ mộng nhưng chần chừ và thiếu quyết đoán trong hành động, theo đuổi những mục tiêu cao xa hão huyền….
Một thế giới Cham với những con người đầy Cham tính: những tâm hồn đẹp, phóng khoáng, kẻ thất bại dễ thương lẫn đáng thương, bao ước mơ cao cả dù hão huyền,… Qua họ, văn hóa Cham với sắc thái đa diện, đa dạng và phong phú của nó lồ lộ vẻ kiêu sa và thanh thoát. Chân dung Cát dẫn Cham khám phá lại mình, nhìn mình đúng là mình, để nếu được – thay đổi mình. Lối viết có vận dụng thủ pháp hậu hiện đại, cười cợt cạnh nghiêm trang, collage, giễu nhại…

Dư luận
*
Trên bất cứ trang nào, hoặc chương nào của Chân dung cát, cũng có thể bắt gặp sắc thái mới mẻ của ngôn từ, hình ảnh và những khái quát đời sống…. Có thể gặp những truyền thuyết xưa cũ vừa hào hùng vừa cay đắng, của một cộng đồng mạnh mẽ, có bề dày văn hoá và trí tưởng tượng mãnh liệt trong chặng đường dài vươn mình huy hoàng và tàn lụi.
Khánh Phương, Vnexpress.net, 14.07.2006.
*
Chủ đề của tác phẩm không hề bí ẩn, nó được hiển thị ngay từ chương đầu tiên. Quan trọng hơn là những lối xúc cảm, nắm bắt khác nhau, nhiều chiều, vươn từ hiện tại tới quá khứ, tương lai, về hiện thực như một tổng thể đồ sộ. Với cái nhìn đó Inrasara đã tìm thấy điểm gặp nhau giữa tiểu thuyết và thơ. Đó là nói lên trực tiếp xúc cảm và chứng nghiệm hiện thực của mình trong một hình thức tổ chức tác phẩm đặc biệt.
Trần Vũ, Giới thiệu Chân dung cát, 2006.
*
Giọng điệu trong Chân dung cát cũng là một sự sáng tạo phong phú và hấp dẫn. Trong một tác phẩm chứa đựng kiến thức văn hóa sâu rộng, Inrasara vẫn sử dụng thành công ngôn ngữ văn học hài hước, châm biếm mà đậm chất thơ. Người kể chuyện đã thể hiện một cái nhìn thấu hiểu, trước số phận những con người xuất hiện trong tác phẩm – một cái nhìn mỉa mai, khi thương cảm, khi âu lo… Tất cả tạo nên cho Chân dung cát một giọng điệu linh hoạt, luôn luôn biến đổi, giúp người đọc nhận ra được một chủ đề sáng tạo rất sắc sảo và điêu luyện trong cách sử dụng ngôn từ.
Chân dung cát thực sự đã cho thấy khả năng sáng tạo của Inrasara. Điều làm người ta sẽ không bao giờ có thể phủ nhận được, cũng là điều khiến cho độc giả phải nhớ mãi về Chân dung cát chính là sự công phu của tác giả trong việc lựa chọn cho tiểu thuyết của mình một hệ thống ngôn ngữ và hình thức kết cấu mới lạ, giúp tác phẩm thoát khỏi sự trùng lặp để đứng riêng thành một chỉnh thể độc đáo.
Phương Thủy, báo Văn nghệ, số32, 12.08.2006.
*
Điều đặc biệt trong bút pháp của tác phẩm này mà bất kỳ độc giả nào cũng nhận ra là sự xáo trộn về cột mốc thời gian, xáo trộn về sự thật với hư cấu; và cắt dán những “bản tin” có sẵn từ các sách, các báo vào phần sáng tác. Chính điều này mở rộng cảm quan và biên độ nhận thức của người đọc, đồng thời cũng là cách để liên văn bản, quẹo sang những vấn đề khác, bên lề tuyến chính – mà tiểu thuyết muốn hướng đến. Xét về mặt thủ pháp thì trong nhiều năm qua, văn xuôi Việt Nam mới có một tiểu thuyết như vậy.
Như Hà, báo Người lao động, 20.9.2006.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *