LỄ HỘI PPO NAICỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI CHĂM NINH THUẬN
Ppo Nai có tên tục là Nai Tang Ya sinh ra trong gia đình có 3 chị em gái. Hai em tên: Nai Mưh Ghang và Nai Hali Halơng Tabơng Mưh. Theo truyền thuyết, cả 3 chị em đều là người từ cõi tiên xuống trần để cứu nhân độ thế. Ppo Nai vì yêu nhầm Kei Kamau chàng trai người Raglai và tình yêu đổ vỡ, nên nàng bỏ nhà, từ bỏ cuộc đời trần tục lên núi tu hành. Kei Kamau chàng trai có sức mạnh phi thường, có thể xẻ núi lấp sông, và có tài phép, bấm độn. Biết nàng đang tu hành trên núi Chà Bang, chàng dùng nỏ thần bắn xuyên phá tảng đá nứt làm đôi.
Núi Chà Bang, đọc trại âm tiếng Chăm Cơk Cabbang, có nghĩa là núi dáng như cây nạng (Cabbang) thuộc địa phận xã Phước Nam, huyện Ninh Phước cách thị xã Phan Rang khoảng 15 km về hướng Tây Nam, có độ cao 439m so với mặt biển. Qua quá trình khổ hạnh, Ppo Nai đã đắc đạo rồi về trời (nau swơr). Cả 3 chị em đều hóa thần (thrơh jiơng Yang). Cộng đồng người Chăm tôn thờ 3 chị em nàng như vị thần hộ mệnh và thờ phượng Ngài bằng cách làm lễ hàng năm. Hai em Ngài được hai làng Chăm lập đền thờ như vị thành hoàng: Nai Mưh Ghang ở làng Chăm Như Bình, xã Phước Thái. Nai Hali Halơng Tabơng Mưh ở làng Chăm Vĩnh Thuận, xã Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận. Bởi đã đắc đạo, nên tên cũng gắn liền với công quả của Ngài: Nai Tang Ya Bia Atapah. Trong tín ngưỡng dân gian, 3 chị em Ngài có nhiều biệt danh: Trong bài thánh ca của ông Mưdwơn có tên Nai Riyak Mưh Bangu, Nai Riyak Mưh Ghang, Nai Riyak Mưh Gihluw.
Trong bài thánh ca của ông Kadhar có tên: Nai Raki, Nai Rakit, Nai Rakait Kawait Mưh.
Raki saung Rakit sa tian
Dwa nan tha dhan adei sa-ai
Amaik saung amư tiap mai
Kluw adei sa-ai mưrai daung nưgar…
(Raki và Rakit chị em ruột. Hai người sinh bởi một cành, xuống trần bởi lệnh mẹ cha. Ba chị em đến để cứu xứ sở…).
Ppo Nai được cộng đồng người Chăm thờ phượng trên núi Chà Bang. Nơi thờ Ngài có biểu tượng Linga – Yoni bằng đá đen óng ánh, cấu trúc ba tầng, riêng Linga có chiều cao 0,57m.
– Tầng dưới khối vuông mỗi cạnh 0,20m cao 0,19m
– Tầng giữa hình bát giác mỗi cạnh 0,05m cao 0,18m
– Tầng trên cùng khối tròn đường kính 0,18m cao 0,20m Tượng trưng tam thần nhất thể, thể hiện vị thần có quyền năng tối cao. Ngày nay khu vực đặt tượng được dân địa phương lợp tôn bảo quản có mặt bằng khoảng 400m2.
Phía Tây vách đá thẳng đứng cao khoảng 20m. Phía Đông cách rừng thưa với những ô rẫy của cư dân quanh vùng và rải rác những tảng đá to từng cụm như đàn voi đang ăn cỏ. Xa xa là biển cả mênh mông. Phía Bắc hiện ra các làng Chăm: Văn Lâm, Phước Lập, Chung Mỹ, Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân và Tháp Ppo Klaung Girai.
Phía Nam dãy núi chạy dài đến Trương Diêm, xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước. Dân địa phương kể rằng: Ngài rất hiển linh, khi người dân lâm nạn cầu cứu thì được Ngài cứu hộ. Đặc biệt cây thuốc Nam (agha harơk) thuộc địa phận Ngài tu hành, dùng chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Tuy nhiên Ngài cũng nghiêm khắc với các điều kị. Mọi người đi qua vùng núi Chà Bang không được nói tục hay chửi thề, không được nói đùa bằng tiếng Raglai, không được dùng đồ dùng của người Raglai như: bị lát (kabik), dao đeo ở lưng (adhaung plah) và người Raglai không được lai vãng trong vùng Ngài tu hành. Nếu vi phạm sẽ bị Ngài trừng phạt: rắn mổ, hổ vồ, lạc đường hay đau ốm… Nếu biết ăn năn hối cải thì được Ngài cứu độ. Cộng đồng người Chăm Ninh Thuận tôn thờ Ngài như vị thần hộ mệnh và thờ phượng qua việc hành lễ hàng năm, vào tháng 1, 2, 3, 4 lịch Chăm (khoảng 4, 5, 6, 7 Dương lịch).
Lễ hội Ppo Nai có hai hình thái: Lễ nghi tôn giáo và lễ hội tín ngưỡng dân gian. Làng Chăm Bàlamôn chỉ tổ chức lễ hội tín ngưỡng dân gian, còn làng Chăm Bàni tổ chức cả hai lễ. Cả hai lễ đều mang tính chất cầu đảo, gắn liền với lễ nghi nông nghiệp, cầu mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng bội thu, cầu sự sinh sôi nẩy nở cho người, vật nuôi, cây trồng.
Bài này, chúng tôi viết theo tư liệu khảo sát cuộc lễ do làng Chăm Bàni Văn Lâm, xã Phước Nam tổ chức tại núi Chà Bang ngày 10.5.1997.
1. Lễ nghi tôn giáo
Các chức sắc Hồi giáo Bàni làm lễ gồm: Imưm, Katip, Mưdin. Địa điểm trong hang đá. Theo truyền thuyết đây và nơi tu hành của Ngài được phủ bằng một lớp cát. Lối đi lên phải qua kẽ nứt của tảng đá vừa đủ một người đi, cao khoảng 20m. Cuộc lễ bắt đầu từ 12 giờ – 13 giờ (tuk wah Rik) giờ hành lễ thứ 3 trong 6 giờ hành lễ quan trọng của người Hồi giáo.. Một tín đồ chỉ được dâng 3 miếng trầu têm (ppathuw kluw kapu hala). Kết thúc lễ cầu kinh họ trở lại nơi thờ Ngài để tổ chức lễ hội dân gian.
2. Lễ hội tín ngưỡng dân gian
Do ông Mưdwơn, ông Ka-ing và các nghệ nhân sử dụng nhạc cụ truyền thống: trống ginang, kèn, xaranai, ceng. Lễ vật gồm: hoa quả đủ loại, mía, xôi, đường, ngoài ra còn có nước, trứng, trầu, cau để khấn các vị thần khác.
Vào lễ ông Mưdwơn, ông Ka-ing làm phép tẩy uế thân thể, mặc lễ phục, làm phép thỉnh nước thánh, làm lễ tắm tượng (ppamưnei patuw), và mặc lễ phục vào tượng. Sau đó lễ vật được dọn ra sàn.
Ông Mưdwơn, ông Ka-ing đốt trầm, rót rượu khấn các vị thần siêu nhiên: Yang Po Yang Mư. Sau đó khấn mời các vị thần:
Ppo Tang Ppo Xah Inư
Ppo Riyak Cei Tathun
Ppo Gihluw Cei Xah Ban Bangu
Ppo Than Cei Dalim
Ppo Thai Cei Xit, Cei Praung
Ppo Atang Ahok Bia Apakal
Ppo Rame Dara Nai Naih
Ppo Klaung Chan Patra Dalai
Ppo Dam Patra Nưgar
Ppo Klaung Kasait
Sau lần khấn mỗi vị thần ông Mưdwơn, ông Ka-ing rót rượu dâng mời tín đồ chấp tay cầu nguyện, cầu an, cầu phúc và cầu sự bình yên cho xứ sở. Ông Mưdwơn vỗ trống baranưng hát mời thần trong lúc ông Ka-ing múa hầu. Tùy mỗi vị thần mà nhạc công tấu điệu trống, điệu múa tương ứng. Lời hát mời:
Gihluw cuh pahwơ yak ia
Bwơl ngap rija da-a Ppo mưrai
Ppok xơp da-a Ppo mai
Ia rau takai dơh di danauk
Dơh di danauk glơng bwơl limah
Ahar anưk bwơl thai bbiah
Ka-ing khwai limah Mưdwơn dauh da-a
Tạm dịch:
Đốt trầm rót rượu kính dâng
Dân làng làm lễ mời thần đến nơi
Mời Ngài đến với thần dân
Nước sạch để sẵn rửa chân mời ngồi
Rửa chân rửa mặt xong xuôi
Ngồi nơi bàn tổ chứng thời lễ dâng
Chứng giám lễ vật thần dân
Ka-ing bưng Mưdwơn hát cầu thần chứng cho
Múa hầu Ppo Atang Ahauk, ông Ka-ing cầm khăn đỏ và cây mía múa theo điệu trống Gik agai trầm bổng khoan nhặt.
Còn múa hầu Ppo Hamim Pơr, ông cầm dao găm, roi mây múa điệu đạp lửa (Tamia jwak apwei). Theo điệu trống Jawa Kapơ thôi thúc, dồn dập thể hiện sự phấn chấn, lòng can trừơng của con người.
Nước và lửa tượng trưng cho sự sinh sôi nẩy nở và trường tồn. Nó cũng là hai yếu tố quyết định được hay mất của cư dân nông nghiệp.
Múa hầu Ppo Nai vị thần trung tâm cuộc lễ, ông Ka-ing mặc y phục nữ, bưng hoa quả múa dâng Ngài theo điệu trống Sa agai nhẹ nhàng, khoan thai. Sau đó ông múa đãi rượu cho các nghệ nhân và có khả năng lên đồng thông báo điều tốt xấu trong năm. Ông Mưdwơn vỗ trống baranưng hát bái thánh ca 41 câu ariya, diễn tả quá trình tu hành khổ hạnh và sự cứu nhân độ thế của Ngài.
Alwah ppacrauk kanai biak tơl
Bwơl grơp nưgar ppok khwai limah
Đa ka nưgar dwix xak
Yang aditiak tiap Nai mưrai
Nai klak nưgar Nai mai
Đwa gaun patrai rai daung nưgar
(… Trời ban cho Ngài hiển linh
Thần dân khắp xứ tôn vinh muôn vàn
E cho xứ sở gian nan
Trời đưa Ngài xuống cứu an dân lành
Cõi tiên Ngài đã có căn
Bởi lệnh thượng đế giáng trần đi tu…)
Sang praung Nai dak dauk
Nai rwah danauk di cơk tapah.
(… Nhà cao Ngài chẳng nghỉ ngơi
Ngài chọn đỉnh núi làm nơi tu hành…)
Urang nau tapah bwơl ba
Dwa drei ula kaung Nai tapah
(… Người tu có kẻ dâng cơm
Ngài cùng con rắn sớm hôm bạn cùng…)
Nai dauk sa drei Nai jwa
Tauvau saung cata twei ppamưyok
(… Một mình ở chốn mây ngàn
Tu hú và két cùng Nàng giấc khuây…)
Tuk bia harei glơh di
Hamit dier mưnhi riyak tathrok
(… Mặt trời vừa gác non đầu
Nhìn làn sóng vỗ ve sầu nỉ non…)
O kan Nai tapah thauh o
Đwa gaun Ppo ka bwơl gibbak
O kan Nai tapah nau thauh
Đwa gaun Alwah rai daung nưgar
(… Không phải Ngài tu độ thân
Tu để thỉnh phép cứu dân độ đời
Không phải Ngài tu thảnh thơi
Bởi lệnh thượng đế cứu đời độ dân…)
Lời diễn xướng quá trình tu hành khổ hạnh và sự hy sinh cao cả để cứu nhân độ thế của Ngài đã khiến nhiều người rơi lệ. Nó cuốn hút mọi người vào cuộc. Lễ múa trở thành hội múa say sưa, mồ hôi đẫm áo mà họ không cảm thấy mệt. Phải có sự can thiệp của người ngoài cuộc, họ mới ngưng. Kết thúc cuộc lễ họ cảm thấy nhẹ nhàng, thỏa mãn về tâm linh và tự tin sẽ được thần linh chứng giám lời cầu xin của họ.
Lễ hội Ppo Nai là một lễ hội cầu đảo truyền thống của cộng đồng người Chăm Ninh Thuận vừa mang tính tôn giáo vừa là một hình thức tín ngưỡng dân gian gắn liền với lễ nghi nông nghiệp. Qui mô lễ tùy theo cộng đồng làng nhưng tính chất lễ hội diễn ra trong một không gian rộng lớn, khắp 22 làng Chăm trong tỉnh Ninh Thuận đều tham gia.
Thông qua lễ hội Ppo Nai, ta có thể biết được trước khi du nhập tôn giáo bên ngoài (Bàlamôn, Hồi giáo), người Chăm đã có tín ngưỡng dân gian bản địa. Vì vậy cả tín đồ 2 tôn giáo có sự đan xen lễ nghi thuộc tín ngưỡng dân gian. Có phải thế chăng mà cộng đồng người Chăm ở Việt Nam không xảy ra việc tranh chấp về ý thức hệ giữa hai tôn giáo.
Đến với lễ hội Ppo Nai tại núi Chà Bang, chẳng những ta cảm nhận được những nét đẹp sinh hoạt văn hóa tinh thần (ca múa nhạc) mà còn thưởng thức được nét đẹp của cảnh thiên nhiên hùng vĩ sơn thủy hữu tình.
Lễ hội Ppo Nai đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần góp phần làm giảm nhẹ sự cực nhọc trong cả ngày lao động của cư dân nông nghiệp luôn sống khép kín với đồng áng xóm làng. Ngày nay, dù nền văn hóa công nghiệp (radio, truyền hình…) ngày càng phát triển, nhưng lễ hội vẫn là nhu cầu cần thiết không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm.
*
Trong Tagalau2.