Bhum Adei giữa lòng Chăm

Bình ca khúc hay: Bhum Adei của Đàng Năng Quạ

Một đạo sĩ đúng nghĩa, miệt mài tu hành cả đời để chờ đợi nguồn sáng đốn ngộ một lần; đánh đổi đời mình cho chân lí, dù chân lí đó sẵn sàng quăng ném mình vào cõi không hư tịch mịch biệt vô âm tín, bất kì lúc nào. Cũng vậy, một nghệ sĩ lớn có nghĩa là kẻ dám mang cuộc sống mình ra đặt cược cho trò chơi nghệ thuật: “cho trăm năm vào chết một ngày” (Trịnh Công Sơn). Hay như Xuân Diệu:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt biến
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm

Để biến “sát-na thành thường trụ”, biến cái đẹp thoáng chốc của mảnh đời thành tác phẩm nghệ thuật tồn tại vĩnh cửu. Sát-na ấy có thể là đường cong của Vũ nữ Chàm – Trà Kiệu, cũng có thể là nụ cười huyền ẩn của Mona Lisa hay ngôn ngữ thơ đẹp dữ dội của Une Saison en Enfer hoặc sự “thanh thản bản nguyên của kẻ ở trên trận chiến” (chữ của J.Sullivan) của Tứ tấu khúc cuối cùng,…
Ở phạm vi hẹp và mức độ thấp hơn: Bhum Adei của Đàng Năng Quạ – với Chăm.
Là nghệ sĩ có nghĩa là luôn bị ám ảnh bởi nỗi bất tử. Không phải bản thân cái tôi nghệ sĩ bất tử, mà là tác phẩm nghệ thuật bất tử. Vượt không gian – thời gian. Bằng chất liệu nghệ thuật của thời đại ấy, trong không gian văn hóa ấy, dưới áp lực của sinh hoạt tinh thần cộng đồng dân tộc ấy, ông tạo lập được cái đẹp cho dân tộc ông và cho nhân loại, của hôm nay và cho muôn đời.
Có thể nói, Bhum Adei của Đàng Năng Quạ là ca khúc sống trọn vẹn giữa lòng Chăm. Nó được hát nhiều hơn cả trong các bài hát bằng tiếng Chăm, cả sáng tác dân gian lẫn sáng tác có tác giả. Trên sân khấu đơn sơ của trường trung học hay dưới trăm ngọn đèn màu sang trọng tại các nhà hát thành phố, góc ruộng nương quê nghèo hay trên màn hình tivi, được trình diễn hoành tráng trước đám đông hay chỉ hát thì thầm một mình trên bước đường cô độc, hát cho người yêu hay hát ru em, …Từ lúc ra đời vào giữa thập niên 60 của thế kỉ trước, đã hơn bốn thế hệ Chăm hát nó. Và họ còn tiếp tục hát, có lẽ.
Bằng sự mộc mạc của ca từ: habei bhong/khoai lang, tamkai/dưa hấu, ia tanưh ghur/nước uống miền đất cát,… với hình ảnh sinh hoạt rất đời thường của miền quê nghèo: adei đwa ppadơng cang/em đội (nước) đứng chờ, tuk ka ai bbơng/luộc đãi anh, sang taik/nhà rách, rup liwang/thân gầy,…hay qua tâm tư, lối suy nghĩ bình dị: kathaut – mưda/nghèo – giàu, Cam – Bini/Chăm – Bàni, ngap jalan tagok – trun/ mở lối lên – xuống,… cả lối tổ chức giai điệu, tiết tấu khá đơn giản của ca khúc nữa, nhưng với giai điệu nhẹ nhàng, êm mượt người nghệ sĩ đã ban hồn vía vào Bhum Adei, tạo cho nó một sức lôi cuốn kì lạ.
Chớ lầm tưởng rằng bởi Chăm có quá ít sáng tác nên, họ cứ bổn cũ hát lại. Không! Cùng thời điểm đó, có vài nghệ sĩ nghiệp dư sáng tác bài hát trực tiếp bằng tiếng Chăm hay chuyển dịch các ca khúc Việt thịnh hành sang Chăm ngữ, nhưng Bhum Adei cứ lừng lững có mặt, chiếm lĩnh vị trí hàng đầu.
Biến “sát-na” một mảnh đời sống Chăm hơn nửa thế kỉ qua thành cái đẹp “thường trụ” tồn tại đến hôm nay, Đàng Năng Quạ đã hoàn thành chức phận của một nghệ sĩ sáng tạo đúng nghĩa. Nên, cho dù thời đại ngày nay đã khác, tư tưởng phân biệt Chăm-Bàni đã lui vào dĩ vãng, cuộc sống Chăm đã bớt nghèo đi thấy rõ, và cho dẫu nhạc Pop, Rap đang tràn lan sân khấu tận miền quê, nhưng: “Mai rawơng palei adei…” vẫn chưa thôi vang vọng trong các nẻo thôn, góc ruộng quê hương Chăm.
Cám ơn người nhạc sĩ đã ban tặng cho chúng ta Bhum Adei bất tử giữa lòng Chăm.

*
trong Tagalau1.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *