Sử thi Chăm trong quan hệ với Sử thi Tây nguyên

Nhìn qua thuật ngữ

I. Thành tựu về sưu tầm và nghiên cứu văn học Chăm:
Ngay từ cuối thế kỷ thứ IV, chữ Chăm cổ khắc trên bia Đông Yên Châu thuộc hệ thống bia Mỹ Sơn, được ghi nhận là thứ chữ địa phương xuất hiện sớm nhất ở Đông Nam Á. Đó là loại chữ được vay mượn từ miền Nam Ấn Độ, qua nhiều quá trình cải biến để trở thành chữ thông dụng akhar thrah ngày nay. Chính bằng loại chữ này ở các văn bản chép tay, người ta tìm thấy các trường ca, truyền thuyết, thần thoại, ca dao… hay các bài viết về phong tục, tôn giáo, về giáo huấn v.v… Nghĩa là cả một kho tư liệu văn học quý giá.

1. Văn học dân gian
– Truyện kể dân gian: Gồm gần 100 truyện thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích được sưu tầm. Năm 1995 Nguyễn Thị Thu Vân đệ trình luận văn thạc sĩ Bước đầu khảo sát truyện cổ Chăm tại Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, được coi là công trình đầu tiên hệ thống hoá các mô típ truyện cổ Chăm.
– Thơ ca dân gian: gồm hơn 1000 câu tục ngữ, câu đố, 30 bài ca dao, đồng dao(1)
– Ngoài ra còn có hàng trăm bài tụng ca dân gian khác: Damnưy, Dauh Mưdwơn, Dauh Kadhar… có độ dài từ 20-80 câu lục bát Chăm(2).

2. Văn bia kí
Văn bia kí được sáng tác từ thế kỉ III đến thế kỷ XV bằng cả hai thứ ngôn ngữ là văn tự Chăm cổ và Sanskrit, có mặt khắp miền duyên hải Trung Bộ. Đến nay các học giả Pháp phát hiện, công bố và dịch gần 200 minh văn trong đó 25 minh văn được Lương Ninh chuyển dịch sang tiếng Việt(3).
Đây là các sáng tác vừa có giá trị sử học, vừa có giá trị văn học cao.

3. Văn học viết
Được phân làm 4 thể loại sau:
a. Ariya – Trường ca trữ tình:
Ba tác phẩm được sáng tác vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII đã xác lập thế đứng trong văn học Chăm là: Ariya Bini – Cam (162 câu), Ariya Cam – Bini (118 câu), và Ariya Xah Pakei (148 câu). Đây là ba chuyện tình bi đát xảy ra vào giai đoạn lịch sử Champa buổi suy tàn trong đó xung đột tôn giáo (Bàlamôn – Hồi giáo) được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ và cái chết.
Từ thế kỷ XIX trở đi, nhiều câu chuyện tình được sáng tác thành thơ: Ariya Mưyut, Ariya Kei Oy nhưng đến thời điểm này, các thi phẩm ngắn lại và ngòi bút của thi sĩ Chăm cũng kém sắc sảo đi.

b. Thơ thế sự:
Xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX gồm những sáng tác mô tả các cuộc nổi dậy của nông dân Chăm chống lại triều đình nhà Nguyễn như:
Ariya Twơn Phauw (71 câu).
Ariya Kalin Thak Wa (80 câu).
Các tác phẩm về thế thái nhân tình mang tính triết lý và luân lý như:
Ariya Glơng Anak (116 câu).
Pauh Catwai (132 câu).
Các tác phẩm du ký: Ariya Po Parơng (208 câu) và cả các sáng tác mang tính sấm ký: Dauh Tơy Lơy, Ar Bingu(4)

c. Ngoài hai dòng sáng tác nổi tiếng trên, người Chăm còn có ba Gia huấn ca: Ariya Patauw Adat Kamei (124 câu), Ariya Muk Thruh Palei (115 câu), Ariya Patauw Adat Likei (79 câu) cùng một số sáng tác Thơ triết lý mô tả nhân sinh quan của mình: Ariya Nau Ikak (26 câu), Jadar (120 câu)…

d. Akayet – Sử thi.

II. Vấn đề sử thi:
Giữa các thuật ngữ văn học thường được dùng trong văn bản: ariya, dulikal, damnưy, kabbon…, thể loại akayet được coi là sử thi.
Có 3 tác phẩm bằng thơ được phổ biến rộng rãi trong quần chúng Chăm:
Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Akayet Um Mưrup.
Dewa Mưno: Gồm 480 câu thơ theo thể ariya Chăm, xuất hiện ở Champa vào thế kỷ XVI. Câu chuyện được ghi nhận là vay mượn từ Hikayat Dewa Mandu của Mã Lai.
Inra Patra: Cốt truyện Hikayat Indra Putera của Mã Lai được chuyển thành akayet Chăm vào đầu thế kỷ XVII, gồm 580 câu ariya. Đây là sáng tác thuộc mô tip người tráng sĩ (đại diện cho phái thiện), sau khi vượt qua bao chướng ngại, bằng tài năng và đức độ của mình đã chiến thắng lực lượng đại diện cho bên ác, mang lại an bình cho xứ sở, hạnh phúc cho nhân dân.
Um Mưrup: Sử thi dài 240 câu và là một sáng tác trực tiếp của người Chăm, mô tả sự xung đột giữa hoàng tử Um Mưrup và triều đình vua cha, cuộc chiến tranh tương tàn giữa người Chăm Bàlamôn và Hồi Giáo. Cuối cùng là cái chết của tráng sĩ này, người định mang giáo lý Islam truyền bá vào vương quốc Bàlamôn giáo.
– Ngoài ra người Chăm còn có hai akayet bằng văn xuôi là Inra Sri BakanPram Dit Pram Lak có nguồn gốc từ sử thi Ramayana của Ấn Độ(5).
Nhìn chung, sử thi là một trong những dòng văn học viết quan trọng của dân tộc Chăm. Dù đa số các tác phẩm được vay mượn từ ngoài nhưng người Chăm biết hoán cải chúng phù hợp với thực tế lịch sử – xã hội của mình. Qua các akayet này, thể thơ ariya Chăm đã phát triển hoàn chỉnh và tồn tại đến ngày nay.

Vấn đề thuật ngữ:
Akayet được Aymonier dịch là commencement (sự bắt đầu) trong cuốn từ điển của ông, còn Moussay dịch là “tác phẩm bằng thơ” (oeuvre poétique). Sau này ông dịch lại là sử thi, như ông đã gọi Dewa Mưno là một épopée (L’épopée Dewa Mano). Sở dĩ Aymonier nhầm lẫn như thế, bởi ở mỗi thi phẩm này đều “bắt đầu” bằng từ akayet. Còn lối dịch của Moussay vào năm 1971 thì không được tinh xác lắm. Vì một Ariya hay Damnưy Chăm cũng là một “tác phẩm bằng thơ”.
Như vậy, dịch akayetépopée (sử thi, anh hùng ca, tráng ca) thì ổn hơn cả.
Theo các nhà nghiên cứu gần đây, các dân tộc Êđê, Bana, Giarai, Raglai… có thể loại gọi là sử thi với tiếng bản ngữ là: Khan, Hơmon, Hơri, Jukar. Đây là các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên có quan hệ mật thiết với vương quốc Champa cổ, cả về ngôn ngữ lẫn giao tiếp.
Các “thuật ngữ văn học” này đều có quan hệ mật thiết với Chăm.
Khan trong tiếng Chăm là akhan hay khan nghĩa là kể; hơmon tiếng Cham: mưmaun (đọc là mưmon) có nghĩa nói thầm; jukar tiếng Chăm: dulikal có nghĩa truyện cổ, hơri, tiếng Chăm: hari có nghĩa ngâm đọc.

Sở dĩ các dân tộc này vẫn còn giữ chất truyền khẩu của sử thi bởi vì lúc đó họ chưa có văn tự ghi chép thành văn bản như Chăm. Do đó, họ “thuần” hơn, mang tính kể nhiều hơn đọc (pwơc) ngâm (hari). Người Chăm ở Bình Định, Phú Yên cũng mang đậm chất dân gian trong sử thi, là vậy(6).
Dân tộc Chăm vùng xuôi và khu vực Panduranga (Phan Rang, Phan Thiết) ngược lại, có chữ từ thế kỷ thứ IV (bia Đông Yên Châu). Họ đã ý thức chép truyện thành văn bản. Ví dụ bản Akayet Dewa Mưno hiện nay, được sáng tác và chép lưu truyền từ đầu thế kỷ XVII. Bước ngoặt đó thể hiện ngay ở câu đầu của Sử thi nổi tiếng này:
Dulikal Dewa Mưno twơk twei ariya.
Truyện (cổ) Dewa Mưno được sáng tác (chuyển) theo thể thơ
Trước khi có sử thi thành văn, Dewa Mưno được kể như truyện cổ tích.
Cũng vậy, một văn bản lưu trữ tại Pháp có tên Pram Dit Pram Lak mà G. Moussay cho là sử thi (akayet) trong lúc người Chăm ở Phan Rang vẫn còn gọi là truyện cổ (dalikal). Văn bản thể hiện nó bằng văn xuôi.
Điều cần lưu ý thêm là Đam San của Êđê rất giống Dam Sơng (hay Dam Sen) của Chăm ở cốt lõi nhưng cách kể hay thể hiện thì hoàn toàn khác, đến nỗi Dam Sơng của Chăm nay chỉ được coi như một truyện cổ rất ngắn, dấu ấn cũng khá mờ nhạt trong tâm thức Chăm. Trong khi nó lại là niềm hãnh diện lớn của dân tộc Êđê.

Vài nhầm lẫn dễ gây lệch hướng nghiên cứu
Có một ấn phẩm mang tên Truyện thơ Chàm(7), dịch giả gồm một người Kinh và một người Chăm (Quảng Đại Cường). Tác phẩm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng làm tư liệu tham khảo.Và mặc dù năm 1991, G. Moussay có bài đối chiếu, so sánh (và nhận định) truyện Hoàng tử Um Mrup và cô gái chăn dê với văn bản Chăm: Akayet Um Mrup trong Um Mrup dans la littérature Cam(8) thế mà năm 1992, nó được in lại trong Tuyển tập văn học các dân tộc ít người Việt Nam(9).
Nhưng nó có phải là một tác phẩm dịch văn học Chăm không? Hay nó chỉ là những câu chuyện có nhiều nét xa lạ với các văn bản Chăm hiện có, hoặc chỉ là các “phóng tác” và “tưởng tượng” như Moussay và Inrasara đã nhận xét như thế?
Và mặc dù chính bản thân tôi với bài Xung quanh việc công bố Akayet Dewa Mưno, đặt lại vấn đề nghiên cứu văn học cổ Champa đã đăng trên 3 Tạp chí chuyên ngành, in thành sách rồi phê phán nó trên các diễn đàn khoa học, nó vẫn được in lại trong Tổng tập Văn học dân gian Việt Nam V(10). Rồi Tổng tập Văn học Việt Nam nữa!
Hai câu hỏi quan trọng nhất mà ít nhà tuyển, tổng chúng ta đặt ra: đâu là văn bản gốc? Chúng được sưu tầm ở đâu, bởi ai, mức độ tin cậy đến đâu?

Một vài ghi nhận để biết rằng, trong nghiên cứu, sai một li đi một dặm là vậy!
Do đó, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu sử thi Tây Nguyên song song với đối chiếu với sử thi Chăm và truyện cổ Chăm. Đối chiếu so sánh các dị bản, cả về một số thuật ngữ được sử dùng trong “văn bản” sử thi. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể khái quát toàn cục từ vấn đề văn chương cho tới vấn đề xã hội.

_________
Chú thích:

(1) Inrasara, Ca dao – Tục ngữ – Thành ngữ – Câu đố Chăm, Nxb. VHDT, H., 2006.
(2) Inrasara, Văn học Chăm II, Nxb. VHDT, H., 1996.
(3) Trong Tuyển tập văn học các dân tộc ít người ở Việt Nam, Q.I, Nxb. KHXH, H., 1992.
(4) 4 Trường ca được Inrasara sưu tầm, dịch trong Trường ca Chăm, Nxb.Văn nghệ, Tp.HCM., 2006.
(5) Các sử thi và trường ca Chăm đã được sưu tầm và công bố trong các công trình:
– Inrasara, Văn học Chăm I, Nxb. VHDT, H., 1994: 3 trường ca.
– Inrasara, Văn học Chăm II, Nxb. VHDT, H., 1996: 2 sử thi và 12 trường ca.
– Inrasara, Trường ca Chăm, Nxb.Văn nghệ, Tp.HCM, 2006: 4 trường ca.
Akayet Inra Patra, Po Dharma, …P.N.M. et EFEO, Kuala Lumpur, 1997.
Akayet Dowa Mano, Po Dharma,…P.N.M. et EFEO, Kuala Lumpur, 1998.
(6) Ví dị trong Trường ca Tiếng cồng ông bà Hbia Lơđă (Hội Văn nghệ dân gian, H., 2000) ở Phần giới thiệu, Ka Sô Liễng viết: “Tập trường ca này tôi ghi từ ông Oi Săng làng Ma Hóa, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, Phú Yên kể”.
(7) Tùng Lâm, Quảng Đại Cường, Truyện thơ Chàm, Nxb.VH., H., 1982.
(8) “Um Mrup dans la littérature Cam”, trong Le Campa et le Monde Malais, Paris, 1991, p.95-107.
(9) Tuyển tập văn học các dân tộc ít người Việt Nam, Nxb. KHXH, H., 1992 tập III, tr. 469-578.
(10) Tổng tập Văn học dân gian Việt Nam V, Nxb. GD., H., 1999.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *