Phê bình văn chương
Phê bình văn chương là khoa học vừa là nghệ thuật. Đó là chuyện tưởng ai cũng biết rồi, nhưng nói lại không phải là thừa – nhất là với hiện trạng phê bình đang bị kêu ca của hôm nay.
Là khoa học, nó đòi hỏi người viết bao quát được vấn đề, lập luận vững chắc, dẫn luận phong phú và chính xác bên cạnh, lí giải thuyết phục. Không đạt các tiêu chí đó, người viết chỉ là kẻ hóng hớt tán chuyện đầy vô bổ. Là nghệ thuật bởi, phê bình yêu cầu ở người viết độ nhạy cảm cao với cái mới, có khả năng thẩm định tác phẩm/vấn đề chưa từng được biết/bàn luận tới trước đó; hoặc với tác phẩm/vấn đề đã cũ, anh/chị phải khám phá lối nhìn mới, soi rọi ánh sánh vào những phía tối của chúng. Đứng trước sáng tác phẩm nghệ thuật, người làm phê bình cần huy động cảm quan thiên phú để có thể tiếp cận khía cạnh vi tế nhất của sự thể. Không làm được chuyện này, người làm phê bình chỉ đơn giản là kẻ ăn theo, nói theo.
Ngoài ra nó đòi hỏi người làm phê bình thủ đắc cách diễn đạt linh hoạt cho mỗi vấn đề. Để chính tác phẩm phê bình phải là một công trình nghệ thuật, chứ không còn dừng lại ở một tiểu luận khô khan thiếu sinh khí. Một người làm phê bình viết văn tồi thì chớ làm phê bình, phát biểu của một nhà phê bình thời danh không phải không đáng suy ngẫm.
Yếu tố sau cùng là, nhà phê bình học biết suy tư trong chiều hướng đưa nền văn học phát triển ở ngày mai, chứ không phải ngược lại – một phê bình sẵn sàng cho thế hệ hôm nay sáng tạo cái mới trong tâm thế mở ở thời đại toàn cầu hóa.
*
Lâu nay, chúng ta rất ngại đi vào vùng xoáy dễ sa sẩy của sáng tác mới, của hôm nay. Tinh thần ngại phiêu lưu khiến các nhà phê bình luôn tìm chốn trú ẩn an toàn trong miền sáng tác thuộc hệ thẩm mĩ đã quá lạc hậu.
Về hình thức, phê bình chúng ta mãi đứng ở ngưỡng phê bình báo chí; trong đó đại đa số là các bài điểm sách được viết rất qua loa, như thể làm cho xong cái phận sự của đơn đặt hàng, cả ở các báo chuyên. Nơi đó, người đọc không nhìn ra đâu tác phẩm và bút pháp mới mà chỉ thấy sinh hoạt riêng tư của tác giả với những giai thoại được phô bày, lê thê kể lể. Bao nhiêu là giai thoại – rất nhảm nhí!
Cũng có vài tác giả dấn vào phê bình thực hành, nhưng ở đây các nhà phê bình chỉ động cập đến tác giả-tác phẩm thuộc thế hệ cũ: Đổi mới hay Tiền Đổi mới chẳng hạn và, luôn diễn dịch, thẩm định hiện tượng văn chương bằng con mắt thẩm mĩ cũ.
Phê bình lí thuyết hoàn toàn chưa được biết đến. Một hình thức phê bình mang tính tư tưởng sẵn sàng đánh đổ và cho lưu kho các hệ thẩm mĩ từng thống ngự nền văn học trước đó, một phê bình ý hướng quy phạm hóa cái đẹp mới, và mang ở tự thân khả tính làm thay đổi và mở rộng cách đọc và cách nhìn nhận của chúng ta về văn học. Phê bình như thế làm chùn bước các nhà phê bình ngoan cố trụ lại nơi căn chòi tiền-lí thuyết lỗi thời, gây bất an những người viết còn ẩn nấp trong hang đá sơ khai của sáng tạo. Chúng ta đang thiếu!
Phê bình hôm nay đang thiếu, thiếu và thừa lớn. Thiếu tư thế tự do cần thiết nên thừa sự tránh né, cả nể. Thiếu giữ một khoảng cách cần thiết với đối tượng nên phê bình dễ tạo cảm giác thừa tinh thần phe nhóm, cánh hẩu. Thiếu thẩm quyền chuyên môn, do đó, các nhận xét đều thừa ý kiến vừa xu thời vừa bất cập, tùy tiện. Cuối cùng, thiếu hiểu biết về lao động nghệ thuật của kẻ sáng tạo cùng lòng say mê nghề nghiệp của người làm phê bình, nên thừa bài viết theo sơ đồ sáo ngữ được làm sẵn, ở đó hoàn toàn vắng bóng suy tư (Xem: Theodor W.Adorno, “Về khủng hoảng của phê bình văn học”, Trương Hồng Quang dịch, Talawas.org).
Bởi thiếu tư tưởng nên, phê bình mãi ăn theo sáng tác, chịu phận làm nô bộc cung cúc tận tụy cho sáng tác. Từ đó ta hay có lối phát biểu ngây thơ rằng, bởi chưa có sáng tác hay nên nền phê bình ta cứ dậm chân tại chỗ.
Từ khủng hoảng phê bình…..đến khủng hoảng người
đọc
Tình trạng phân hóa của hệ thẩm mĩ sáng tạo và quan niệm sáng tác lộ ra từ gần mươi năm trước, ngày càng rõ nét. Đó là điều đáng hoan nghênh. Mỗi ngày, cả trăm bài thơ nóng hôi hổi được bắn lên mạng. Hằng năm, mấy trăm tập thơ xô đẩy nhau xuất lò in, cả lò photocopy.
Trước khối lượng khổng lồ tác phẩm xuất bản, không ai tự nhận quán xuyến tất cả các sáng tác khác lạ và cả khác nhau ấy. Một nhà phê bình chỉ có thể chọn lựa một quan điểm thẩm mĩ nhất quán, để làm phê bình. Nhưng nhìn tới nhìn lui: rất ít [nếu không nói là chưa có] nhà phê bình nào chịu đồng hành với thơ đương đại (cụ thể hơn: Thơ Hậu Đổi mới, tạm lấy mốc từ văn chương mạng xuất hiện, khoảng 5-7 trở đi) để có thể song thoại sòng phẳng với cái mới. Có, nhưng chỉ để trù dập hay tán tụng. Chưa có ai dấn thân trọn vẹn với các trào lưu sáng tác này, để có thể nắm bắt, cả phần sáng lẫn bề tối của chúng. Qua đó, khai mở cơ sở văn hóa, nền tảng triết học hình thành các loại thơ kia.
Thời cuộc thay đổi, thơ đã thay đổi và, cách nhìn nhận thơ cũng phải thay đổi.
Thơ Hậu Đổi mới đang xảy ra. Chúng đang đi, đang tìm đường. E.Pound: Không có bài thơ hay nào được viết theo phong cách đã có mặt từ 20 năm trước. Như vậy, với những kẻ phiêu lưu vào vùng đất mới của thơ ca, xã hội cần khuyến khích, tạo điều kiện cho họ khai phá. Thơ Hậu hiện đại, Tân hình thức hay Nữ quyền luận,… phải được bình đẳng có mặt. Không thể đòi hỏi chúng xuất sắc ngay tức thời. Chê chúng chưa đi tới đâu, dè bỉu chúng dị hợm hay thậm chí, quy chụp chúng bằng nhiều hình dung từ tiêu cực thì, không gì tiêu cực hơn. Càng không thể bằng vài trích dẫn câu/đoạn/bài thơ dở rồi quy kết rằng chúng hỏng, đáng vứt đi.
Một hệ thẩm mĩ sáng tạo chỉ có thể bị/được vượt qua bằng phê bình tác phẩm đại diện xuất sắc thuộc hệ thẩm mĩ đó, chứ không phải ngược lại.
Thói quen thơ cho đến hệ thẩm mĩ: Cổ điển (Trung quốc), Lãng mạn, Hiện thực,… quy định lối thưởng thức thơ của chúng ta. Bài/tập thơ nào vừa vặn với tầm mong đợi thì được cho là hay.
Câu hỏi đặt ra: Nhưng thế nào là hay? Đã có không ít bài viết dài ngắn khác nhau ca tụng các sáng tác Hậu Đổi mới, nhưng để tìm ra nó mới, cái hay của nó như thế nào, ở đâu, mới so với cái mới-cũ ra làm sao,… thì chưa nhà phê bình nào chỉ ra được. Tại sao các thế hệ/trường phái thơ không thể chấp nhận nhau? Cụ Huỳnh Thúc Kháng đòi đánh roi Lưu Trọng Lư; trong lúc Xuân Diệu cho thơ Nguyễn Đình Thi lủng củng thì, Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại “thơ giả cầy, thơ dịch” mà dịch rất tồi! Và, không ít đại biểu thơ hôm nay không chịu được loại thơ như Đinh Linh! Cứ thế, …Do đó, cách tân thơ đòi hỏi sự thay đổi tính quy ước của người đọc.
Nhưng, độc giả [văn chương] hôm nay đang ở đâu? Họ đã chuẩn bị được gì, để đón nhận sáng tác mang ở tự thân khả tính cách mạng? Họ chưa chuẩn bị gì cả! Độc giả văn học, cứ nếp cũ mà tiếp nhận thơ. Bên cạnh hệ thẩm mĩ cũ và cái gu cũ, chính các người làm thơ còn tạo cho người đọc tâm thế thưởng thức thơ một chiều, bằng ý định loại trừ các sáng tác khác mình ra khỏi đời sống văn chương. Hãy để cho các hệ thẩm mĩ sáng tạo cùng tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Cuộc cạnh tranh thơ ca hôm nay cũng thế, nó cần có môi trường lành mạnh, để các giọng thơ, các trào lưu, hệ thẩm mĩ khác nhau cùng tồn tại và tranh đua, đẩy nền thơ ca Việt dấn tới.
Môi trường lành mạnh chính là diễn đàn công khai. Dù đại bộ phần sáng tác Hậu Đổi mới đã có đất sống trên Website văn học cả trong lẫn ngoài nước, nhưng chính diễn đàn công khai mới mang yếu tố quyết định tạo nên cuộc thay đổi lớn trong văn học. Đâu phải cái mới nào cũng hay, khả năng chinh phục được người thưởng thức nghệ thuật. Ngay thời Thơ Mới, Hoài Thanh phải đọc và sàng lọc cả mấy vạn bài thơ mới mới chọn ra được vài trăm bài ưng ý (mà chắc gì Hoài Thanh đã có lí hết). Hôm nay không là ngoại lệ: các bài thơ Tân hình thức hay Hậu hiện đại cần được xuất hiện ở các mặt bằng thông tin đại chúng, hay ít ra nó phải được dành cho một số trang nhất định trong các tạp chí, báo chuyên văn chương. Để làm cuộc chinh phục người đọc của mình. Qua đó, người đọc mới có thể phân định cái hay/dở của chúng. Nếu chúng dị hợm, học đòi vô lối thì chúng sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Không vấn đề gì cả.
Phê bình như là lập biên bản
Tôi không quan tâm đến lối phê bình được mệnh danh phê bình bắt sâu: vạch lá tìm sâu, soi mói, hay thưởng hoa: chỉ nói cái hay của bài/tập thơ. Điều tôi muốn làm là “lập biên bản” (như cảnh sát giao thông lập biên bản hiện trường tai nạn) các sự biến văn chương (thơ là chính) đang xảy ra trong thời đại ta đang sống, những con người đang làm việc và sáng tạo cùng thời. Người sống thời sự văn học nào cũng hành xử vậy thôi, nếu hắn không muốn bị tụt hậu hay không chấp nhận lỡ tàu thời đại. Vài năm qua, tôi đã thử lập biên bản vài hiên tượng sau:
– Ngôn ngữ số ít/số đông qua đối sánh thân phận thơ tiếng Chăm bên cạnh thơ tiếng Việt: “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay” (Tc.Tia sáng, số19, 5.10.2006).
– Văn học dân tộc thiểu số/đa số: “Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động” (Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, 2006).
– Văn chương ngoài lề/chính thống: “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” với Nhóm Mở Miệng (Tham luận Đại hội Hội Nhà văn Tp.HCM, tháng 3.2005).
– Sáng tác nữ/nam giới: “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’” (Tc.Nhà văn, tháng03.2007).
– Và cả cái gọi là văn chương địa phương/trung ương: “Nhập cuộc và hy vọng” qua sơ bộ lập biên bản sinh hoạt văn học tỉnh Ninh Thuận và sự có mặt đầy khiêm tốn của tạp chí tỉnh (Tc.Văn nghệ Ninh Thuận, số16.2001).
– Rộng hơn, “Văn học Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa”, (Tc.Tia sáng số14, 20.07.2006).
– Và cả văn học trong nước và hải ngoại nữa: “Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt” (Tc.Thơ, Hoa Kì, số mùa Xuân 2007).
Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Dù đó là lối nhìn nhân danh truyền thống hay bản sắc văn hóa dân tộc, một chân lí đinh đóng hay cái đẹp vĩnh cữu. Cũng không phải từ lập trường văn học trung tâm nào, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào. Tôi đã cố giữ nguyên hiện trường như thế với Nhóm Mở Miệng, với phong trào Tân hình thức Việt và mọi tác giả ý hướng cách tân đơn lẻ khác. Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể các quan điểm sáng tác, qua đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa. Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là nó. Thế thôi!
Chúng ta thực sự chưa công bằng với sáng tác [bị cho là] ngoại vi. Dẫu vô thức, ta vẫn còn giữ khoảng cách phân biệt đối xử văn chương ngoài lề/chính lưu, văn học dân tộc thiểu số/đa số, nữ/nam giới, địa phương/trung ương, chưa hay đã là hội viện Hội Nhà văn Việt nam,…Bên cạnh, tâm lí hậu thuộc địa vẫn còn ăn sâu vào lối nghĩ của người viết lẫn người làm phê bình Việt Nam ta không dứt ra được: chúng ta coi văn chương Âu Mĩ hay Trung Quốc là trung tâm. Từ đó sinh ra thứ tâm lí vọng ngoại tệ hại.
Sự lẫn lộn giữa văn chương [đích thực] và [văn chương] báo chí đã tạo ra bao nhiêu ngộ nhận khác nữa. Người ta dễ dãi bày ra cái nhãn mác “nhà thơ siêu hình” (khi chưa cho người đọc hiểu món siêu hình là nỗi gì) hay “biểu tượng giải phóng phụ nữ trong văn học” (mà chưa hề trình tâu câu thơ nào khả dĩ minh họa cho phán quyết bạo phổi đó) hoặc “cách tân táo bạo” (nhưng không dẫn ra một so sánh tối thiểu với cái từng xuất hiện trước đó) chỉ là những phát ngôn bất cập và tùy tiện của không ít người làm phê bình [cảm nhận], thời gian qua. Thế mà cái nhãn mác kia được nhà thơ vốn nhẹ dạ cả tin viết vào giấy dán ngay lên … cột tập thơ mình! Tung hứng đánh đu qua lại như vậy, làm sao người đọc không quay lưng với thơ cơ chứ! Có thể gọi đó là món kí sinh văn nghệ. Trước tiên, đàn em kí sinh tên tuổi đàn anh/chị mà leo lên; sau đó, sự kí kinh phát triển theo chiều ngược lại!
Ngoài sự thiếu tư thế tự do và thiếu hiểu biết về lí thuyết mới, sự chưa đủ cô đơn cho … phê bình (không giữ khoảng cách cần thiết với đối tượng) là một trong những lí do khiến vài ngòi bút đàn anh/chị sa lầy trong thẩm định tác phẩm. Sự phán quyết thiếu vật chứng ấy sinh ra bao nhiêu là hệ lụy.
Đấy là nói chuyện “khen”, riêng chê thì xin miễn bàn! Tại sao ư? Đơn giản: Bởi chúng ta chưa có diễn đàn văn chương đúng nghĩa nên, người đọc chỉ được nghe phê một chiều. Các đối tượng bị oan không có tí ti cơ hội nào mà đánh trống kêu. Do đó, mọi thiệt thòi đều đổ về phía người đọc, hay nói to hơn là: văn học Việt Nam!
Sài Gòn, mùa mưa 2007.