Palei tôi, cái palei Thon bé nhỏ của tôi cũng như bao palei Chăm khác đang chuyển mình theo thời gian và đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Nào là cái nắng gắt, cái lạnh, cùng với gió hanh khô của miền đất Panduranga, cùng với cái vẻ cổ kính mà uy nghiêm của tháp Po Rome thấp thoáng trong một màu tím rộ của hoa Tagalau trong mỗi độ Katê khiến ai đi xa cũng phải chạnh lòng.
Palei tôi, “mưa không thuận, gió không hòa” không có con mương Đực như Hamu Tanran, hay sông Lu như Chakleng. Nhưng vẫn không nằm ngoài lệ của con lũ hay nắng hạn …
Cái năm đó, tôi đang học lớp 11 trường Pô-Klong.
Bắt đầu mùa mưa, những cơn mưa dai dẳng, nặng hạt. Và sau đó là mực nước cứ dâng cao, cao dần cho đến khi có thông báo lũ về. Lúc trước, chúng tôi có đùa với nhau rằng nếu lũ về thì trèo lên sân thượng khu Nội Trú mà ở. Bây giờ thì lũ về thật rồi!! Thế là chúng tôi phải nghỉ học (theo thông báo của Sở Giáo Dục- Đào Tạo) và “cố thủ” trong khu nội trú, tuy không phải “lên sân thượng mà ở” nhưng tất cả đều phải cẩn thận. Những nỗi lo hiện rõ trên mỗi khuôn mặt chúng tôi: lo cho gia đình, lo cho palei và cả những thuở ruộng vừa mới gieo sau cái nắng gay gắt của mùa hạ vừa đi qua.
Thế là lại mất mùa! Vừa mới ngừng gieo khi không có nước trong mùa hè thì nay lại bị lũ cuốn đi hết, cuốn cả những hy vọng, cuốn đi miếng cơm manh áo của palei Thon bé nhỏ nhưng vô cùng thân thương và hiếu khách.
Tranh thủ lúc được nghỉ (và nhà trường không cho phép học sinh về nhà), các lớp bắt đầu tập văn nghệ vì sắp đến ngày 20-11. Tiếng nhạc quen thuộc, vẫn tiếng trống ginơng, kèn xaranai hòa quyện vào nhau cùng những điệu múa từ “ngày xưa” – cái ngày mà chúng tôi vẫn còn quần tà lỏn cố chen chúc để xem mỗi khi palei có hội diễn văn nghệ.
Rồi cái tin chợ Tháp Chàm bị ngập, cầu Phú Quý “thất thủ” và cả đê sông Dinh có nguy cơ “không chịu nổi” càng làm cho chúng tôi lo hơn. Vào đây học mỗi đứa mỗi palei khác nhau, đứa ở Hamu Tanran, đứa Chakleng, người ở Bơl Riya, nên hơn lúc nào hết, chúng tôi hiểu rõ ai cũng nhớ nhà, ai cũng cũng muốn về quê ngay lúc này (dù trường không cho phép). Liệu palei mình có bị lũ ngập không? Ruộng nhà mình có bị ngập không? Nhà mình có bị sao không? Liệu mấy đứa em ở nhà đạp xe đi học ở trường có về kịp trước khi lũ tràn không? Còn nhớ năm tôi học lớp 8, đạp xe đi học ở trường về gặp lũ tràn qua sông suýt bị cuốn đi, liệu … rồi …thì…Biết bao là câu hỏi cứ chập chờn mãi trong đầu. Rồi thầy chủ nhiệm lên bảo:
– Các em không được về nhà, lũ về rất nguy hiểm. Lũ đang lên .Về nhà lúc này không giúp gì được cho gia đình mà có khi chỉ làm cho gia đình lo lắng thêm mà thôi.
Thầy nói phải, lúc này rất nguy hiểm, đường về nhà lại xa. Nhưng ai cũng muốn biết tin về gia đình mình. Thế là nhà trường đặt điện thoại ngay phòng bảo vệ để học sinh lần lượt gọi về nhà…Từ căn phòng ấy, biết bao tiếng thở phào nhẹ nhõm, giọt nước mắt lặng lẽ, âm thầm khắc khoải trông ngóng tin nhà đã được giải tỏa cho mọi người. Có lẽ đây là nơi duy nhất mà lũ chúng tôi và cả khu nội trú có thể biết tin về gia đình của mình. Mỗi người trong chúng tôi đã thấm thía được nỗi nhọc nhằn gia đình để chúng tôi có được những ngày tháng êm đẹp. Cơn lũ đã không ngăn được nỗi niềm mong đợi của palei, và cả của chúng tôi hướng về palei.
Lũ vừa dứt, cũng là bất đầu những ngày nắng ấm áp sau những cơn mưa như trút nước. Dần dần, nắng không còn ấm áp nữa mà ngày càng gắt lên, nhiệt độ càng cao, cùng lúc với hồ nước đầu nguồn ngày càng cạn đi, rồi đến lúc hồ nước ấy không còn đủ để cung cấp tưới tiêu nữa.
Mùa hạn, cả palei đều cạn nước. Cái giếng nước uống đầu palei cũng chỉ còn trơ trơ những hòn đá nhỏ mà lúc giếng đầy nước người ta ném vào để đo xem nước sâu hay cạn. Con mương mang cái tên của palei bây giờ cũng chỉ là một lối mòn cho người ta đi chở nước, cũng khô khan như palei. Những đám ruộng vừa được gieo sau cơn lũ cũng đang trông ngóng một cơn mưa đầu mùa để lắp đi những khe nứt chân chim. Mùa hè mà vắng hẳn tiếng ve, hoa phượng cũng không nở nhiều như mọi năm nữa. Để có nước uống, cả palei phải đi xa hơn, vất vả hơn. Rồi mấy cái giếng chống hạn cũng được đào nhưng đều là nước mặn. Rừng cũng chỉ toàn một màu khô cằn đâu còn xanh đẹp như ngày nào. Hạn hán – cái bình thường của người dân palei tôi lại bắt đầu.
Trời ngày càng hanh khô, nắng nóng đến cháy da thịt. Cả palei vắng hẳn. Ai ai cũng vào thành phố để tìm việc làm. Phải rồi! Được nghỉ hè mà không có việc gì làm ở palei thì phải kiếm việc chứ!? Rồi trên rẫy,không cây nào sống sót được cả, từ palei nhìn lên chỉ toàn một màu cháy xém. Đàn bò không có gì ăn được chỉ còn da bọc xương, mà mùa này dê bò chết nhiều vô kể. Lúc còn sống thì bán được năm sáu triệu đồng nhưng chết đi chỉ còn hơn trăm nghìn. Tất cả đều chờ trời mưa, giá cả thì lại tăng vọt mà palei có làm gì ra tiền đâu.
Nước cạn lu, lúa dành dụm được từ mấy mùa trước cũng đến ngày hết. Thế là cả palei được nhà nước phát “mì cứu đói”, phát nước uống. Biết bao nhiêu lo lắng, biết bao sự mong đợi của palei đều trông vào “ông trời”. Người già bảo : “Chưa có năm nào hạn như năm con Gà này. Hạn quá!!”.
Và mùa hè cũng qua đi nhưng vẫn chưa có mưa. Chưa có mưa đồng nghĩa với việc không có tiền để lo cho các con đi học của cả palei. Katê lại về!. Katê sấp đến rồi mà palei tôi chưa có chuẩn bị gì cả. Katê mà mất mùa như thế này thì lũ nhỏ buồn thật. Mọi người an ủi nhau rằng “rồi trời cũng sẽ mưa thôi”.
Cuối cùng rồi trời cũng mưa. Trời mưa như trút nước, nước ở trong hồ chứa của palei đã bắt đầu dâng lên và sẵn sàng cho tưới tiêu cho cánh đồng khô nức nẻ. Hợp tác xã cũng đã thông báo cho cả palei tranh thủ gieo trồng. Nhưng nghe mẹ tôi bảo “Gieo vào mùa này thì cũng bị lỗ thôi, vì dễ bị sâu rầy tấn công bởi trái vụ mà”. Vậy là mọi người lại chỉ trông chờ vào những mảnh rẫy trên đồi núi kia mà thôi…Buồn thật !!!…
Làm rẫy, lại phá rừng – bây giờ ai cũng biết như thế là dễ tạo ra lũ nhưng biết làm sao được bởi trước mắt phải tìm ra kế sinh nhai chứ.
Thôi, dù sao đi nữa cũng đã có nước – mọi người tự nhủ. Chỉ có năm nay mới hạn nặng đến vậy, Katê đến rồi phải cho lũ nhỏ một mùa Katê vui vầy thôi.
Palei Thon của tôi là thế đấy. Lũ lụt vừa qua, hạn hán lại về. Nhưng palei vẫn sống, vẫn hiên ngang đương đầu với cái hà khắc của thiên nhiên.
Tôi tự hào về palei tôi, về những con người nhân hậu, thân thương ngày đêm dãi nắng dầm mưa, vật vã với cái khắc nghiệt của khí hậu nhưng vẫn luôn tự hào là những người con may mắn được sinh sống dưới chân tháp Po Rome – Ngôi tháp mang tên một vị vua cuối cùng của vương quốc Champa xa xưa sừng sững qua thời gian dù cho mưa nắng và gió bụi. Ngôi tháp ấy như luôn nhắc nhở người dân palei tôi không ngừng vươn tới.
Trong Tagalau7.