Nguyễn Vĩnh Nguyên: Có một người hành hương

Tôi về Tháp Chàm tìm gặp chàng thi sĩ đang nổi tiếng Inrasara – Phú Trạm giữa dòng tín đồ hành hương. Sara (anh thường tự xưng mình như vậy) rất dễ gần, dễ gần như thơ vậy! Anh kí tặng tôi tập thơ mới nhất để làm “quà Katê” – tập Hành hương em.

Con người thi sĩ trong “chuyến hành hương” này được biểu hiện khá rõ nét. Con người ấy với sứ mệnh, thiên chức của mình. Trước hết là trách nhiệm với quê hương, dân tộc như một nỗi day dứt, ám ảnh không nguôi ngoai được. Điều đó trả lời tại sao hình ảnh ngọn tháp Chàm rêu phong, u huyền, những vũ nữ Apsara tình tứ, những xóm làng kham khổ cứ trở lại đi trở lại: âm hưởng trống baranưng bập bùng, kèn xaranai réo rắt cứ vọng vang mãi trong thơ Inrasara từ Tháp nắng cho đến Hành hương em.
Con người thi sĩ quay quắt tìm về, nâng niu những giá trị truyền thống cái gọi là bản sắc Chăm:

Tôi sinh ra
níu
trần cánh tay cha, sờn lưng áo mẹ
gầy còng
tôi níu vào bóng tháp
tháp luống tuổi
tôi níu vào cái không thể níu
lớn lên

(“Tôi chẳng có gì trầm trọng lắm”)

Phải chăng, “cái không thể níu” ấy chính là nguồn sữa dân gian và những giá trị văn hóa vượt thời gian, là thi phẩm Glơng Anak, là trường ca ariya ngọt ngào, là nhịp vỗ baranưng thổn thức mùa hội hay tiếng kèn xaranai dặt dìu – những giá trị văn hóa. Tất cả hiện hữu trong một không gian vừa thực tại vừa mông lung sương mờ huyền thoại. Anh đã no say uống bầu sữa ấy và hít thở luồng sinh khí của thời đại. Thơ anh không quá gần ariya, cũng không quá xa thơ hiện đại, cách tân. Có những dòng triết luận phảng phất hương thơ ChếLan Viên:

Dẫu thơ tôi không khuây khoả khổ đau anh
Tiếng hát tôi không vực dậy khốn khó anh
Thì có chi
Nếu chúng một lần nhúm trong anh hi vọng

(“Ngụ ngôn viết cho mình”)

Trong con người thi sĩ ấy, luôn rạo rực và trào sôi khát vọng mãnh liệt, đủ để biến nỗi đau thành tiếng hát, biến nhịp tim buồn thành thổn thức lời thơ. Anh nói về mình rất thật:

Viết sách, làm thơ, dạy học, yêu và thất tình rồi lại yêu
mang chân trần qua nẻo đường làng
hay gõ gót gày lên hẻm phố
hiểu Glơng Anak tịt mù tiếng vỗ cánh của trái tim
nỗi đau xoay tôi làm tiếng hát

(“Tôi chẳng có gì trầm trọng lắm”)

Dù thơ anh có thiên về nghiệm sinh, triết luận, nhưng tâm hồn thi sĩ vẫn thể hiện rõ hơn tư duy nhà lí luận, như cách nhận định của nhà thơ Nông Quốc Chấn.
Tập thơ có ba phần: I. “Hành hương em”, II. “Sông Lu cùng tôi thức đêm nay”, III. “Những ý tưởng không mùa”. Phần hai có nhiều bài cảm động hơn cả. Ở đây, có giọng nói bùi ngùi, đôi khi là nỗi lặng thinh khắc khoải của người con Chăm tha phương, có bịn rịn bước chân về hành hương mùa hội, có thể đó là ngọn tháp buồn như mắt người mẹ ngóng trông đàn con xa chưa trở về:

Cánh tay trần run để vuột mất đàn con
Chỏng chơ tháp đứng
Mang mang giữa vùng trăng

Có thể đó là hình bóng người cha đã đi vào thiên cổ. Tôi lấy làm lạ, tập thơ này có hai bài nói về cha. Bài nào cũng hay, cũng cảm động đến ứa nước mắt. Lâu lắm rồi, tôi chưa được đọc những vần thơ về cha lạ và hay như thế này:

Tắt sợi khói cuối cùng
Cha đi. Con chênh vênh ngưỡng chiều mở cửa
Ảm đảm tám mươi năm cha sáng một lần
Vỡ hồn con bằng sương mù kí ức

(“Dấu chân trầm”)

Còn chua xót nào hơn lần vụt sáng của người cha sau tám mươi năm ảm đạm ấy, bởi đó là lần cuối cùng người con thấy mặt cha. Đó là lần giàn hỏa thiêu phừng phực lửa đưa cha về tro bụi… để lớp sương mù kí ức ngưng đọng thành giọt lệ cứ ngấm vào đau đáu hồn con mỗi buổi chiều qua, mỗi ban mai về, chập chờn mấy nẻo chiêm bao…
Trong bài “Kí ức rừng”, người con khóc, khóc không thành tiếng, để nỗi đau được trọn vẹn hơn:

thổi bạt tàn lửa đám thiêu cha
nén kí ức tuổi thơ con
nín lặng
.
Tôi còn bắt gặp những câu thơ khá thông minh về mẹ, về em, về người tình trong tập thơ này.
Và, trên tất cả, đối với một nghệ sĩ chân chính, thời gian đã trở thành một nỗi ám ảnh, giằng xé ghê gớm. Nếu trong tập thơ Sinh nhật cây xương rồng, Sara viết được:

Câu thơ đầu đời tôi kẽ bằng que khô lên vòm cát
Cây xương rồng nói với tôi nỗi vô thường của dấu chân qua…
Nói với tôi về một thời không quên dù không gợi nhớ

(“Sinh nhật cây xương rồng”)
thì bây giờ anh đã nghiệm ra:

Rồi gió thổi tới những bước chân lãng du
Rồi gió thổi tới những bàn tay ưu tư
Miệt mãi gõ cửa những niềm bí mật đang xơ hóa
Và chịu đựng và cưu mang và khai vỡ
Để vĩnh viễn một lần
Những cái nhìn ngoái lại
Lẩn đi

(“Cái nhìn ngoái lại”)

Anh ý thức được khoảnh khắc vô cùng của một cái nhìn. Vâng, khoảnh khắc đủ để đổi lấy ngàn đời, bằng chân lí sáng tạo.
Đó cũng là cái nhìn vô hình, đầy nghiệt ngã của thời gian đối với đời người, đối với mọi giá trị.

*
Báo Văn nghệ Tp.HCM, tháng 09.2000.
Báo Lâm Đồng, 24.06.2000.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *