THƯ CHO BẠN TRẺ.
03. Học yêu một cách thực tiễn
Sài Gòn, tháng 12.2005.
Các bạn thân mến
Nam Cao có truyện ngắn hay. Tôi không kể nó ở đây mà chỉ muốn dẫn câu kết của ông: “Khi đặt môi mình lên môi người con gái, anh hãy nghĩ đến chuyện bỏ cái gì vào mồm đó trước đã”. Đó không phải chuyện vật chất hay tinh thần có trước mà là: Yêu cũng phải thực tế!
Chuyện1. Người bạn thuở 19-20, anh có phụ tôi dạy chữ Chăm ở Phanrang. Và anh nghĩ, mình đang làm việc xã hội. Lúc đó cha anh đang chức chủ nhiệm Hợp tác xã, nghĩa là cũng “làm xã hội”. Nhưng không lúc nào cha anh không bị vài kẻ giành ghế, tố cáo đủ điều, dù ông rất tốt. Đến nỗi suýt bị tù. Vậy là anh bạn thề độc: từ nay không bao giờ nhấc một ngón tay “làm xã hội” Chăm nữa!
Và anh đã như thế thật, suốt 28 năm qua: không thèm biết, không bàn chuyện xã hội mà anh đang sống. Tôi nói với anh: bởi bạn yêu Chăm quá chung chung nên, rất mơ hồ. Trái tim bạn chưa thật sự đâm rễ sâu thẳm vào tình yêu, chưa tamuh agha!
Trong một bài viết, tôi có nói đến tinh thần hậu hiện đại: suy tư toàn cầu – hành động cục bộ. Để góp phần bảo vệ khí hậu trái đất, chúng ta không nên lo cho cả thế giới mà chỉ cần cố gắng trồng cây trong nhà ta, làng ta cũng đủ.
Chuyện2. Mới đây, anh bạn trẻ hoạt động bên một hội tại Sài Gòn. Anh viết thư cho tôi than phiền rằng công lao anh đóng góp bấy lâu nay chẳng có ai ghi nhận cả. Chán quá đi thôi! Và anh ta chán thật, rồi định chán luôn. Tôi nói với bạn trẻ ấy: Chăm ta lâu nay là vậy (có xã hội nào mà chẳng vậy chứ!), nếu bạn không tự mình vượt qua rào cản ấy, bạn rất dễ bỏ cuộc nửa chừng.
Đã không hiếm Chăm, bởi giận lẩy [rất chính đáng] vài cá nhân mà đã bỏ làng xóm ra đi, để không bao giờ quy hồi cố hương nữa!
Không ngại nói về mình. Tâm lí chung: người ta thường không ưa kẻ nào thành công. Tâm lí khác: ai nói về mình là kẻ đó thiếu khiêm tốn. Nhất là nói về việc tốt, điều hay của mình. Đây là lối nghĩ vừa ấu trĩ, vừa lạc hậu. Thế giới văn minh không suy nghĩ như thế. Câu hỏi đặt ra: kẻ thành công đó vị kỉ hay có tư tưởng làm lợi cho cộng đồng? Kẻ nói về mình đó cốt khoe khoang hay nói cho cộng đồng cùng biết để khuếch trương cái tốt, điều hay?
Dân kinh doanh quảng cáo sản phẩm [chưa chắc đã tốt] của mình, từ đó người mua mới biết đến mà tìm mua nó. Kẻ làm chính trị vừa nói tốt [quảng bá tên tuổi] mình, bên cạnh tranh thủ nói xấu, tố cáo đối thủ nữa! Cứ xem hai đảng ở Hoa Kì trước thời điểm bầu cử cũng đủ biết! Khác với hai nhà trên, người làm văn hóa biết nói về mình: cái đúng, cái hay và nhất là – nói điều cần thiết. Nhiều nhà văn hôm nay rất có khiếu tranh thủ quảng cáo tên tuổi hay tự lăng xê tác phẩm mình. Không có gì đáng phàn nàn cả! Những điều tốt trong xã hội, con người tốt trong cộng đồng cần được nói lên cho mọi người biết. Chỉ như vậy ta mới có thể khích lệ người tài năng có cống hiến thiết thực cho cộng đồng.
Chuyện3. Chị Hồng Loan dân Tuy Phong, dù là một nữ nhi thường tình, năm 1996 đã xin ở Quỹ Terre des Hommes làm hệ thống nước sạch cho hai làng: Paplom – Chăm và Phan Dũng – Raglai. Yêu cộng đồng mình thực tế và cụ thể như vậy không là chuyện rất hay, rất đáng ca tụng sao? Không biết khi làm như vậy, chị có bị trở ngại gì không, hay có bị kẻ đố kị xuyên tạc này nọ không?
Hành xử như thế khác hẳn với vài bạn đi làm ăn xa có tiền, về quê, không có một hành động thực tế nào mà chỉ biết bày tiệc thết đãi làng xóm cả trăm triệu đồng!
Chuyện4. Chuyện về Hani (Thuận Thị Trụ). Có lẽ đây là câu chuyện bị xuyên tạc nhiều hơn cả, đơn giản – vì phụ nữ này đã có khá nhiều thành tích!
Tạm kể: Sưu tầm 36 hoa văn Chăm truyền thống, từ đó cách điệu ra hơn 50 hoa văn khác. Hani là người đầu tiên chuyển hoa văn từ khung dài để dệt khung ngắn: là cuộc cải tổ đáng kể trong sản xuất thổ cẩm; người đầu tiên mở Cty thổ cẩm tại Việt Nam và, sau khi kết hợp với nhà tạo mẫu Minh Hạnh làm thời trang thổ cẩm, đã biến thổ cẩm thành hàng hóa với mức sản xuất quy mô. Bên cạnh, Hani là người đầu tiên có quầy bán thổ cẩm lớn tại Sài Gòn, Hà Nội,…sau đó khai mào cho hàng thổ cẩm dân tộc thiểu số phía Bắc đi vào thị trường.
Nhưng hành động một người luôn được đánh giá qua ý hướng và nhất là lợi ích cộng đồng. Hani năm 1999, đã xin Quỹ Sứ quán Canada làm hệ thống nước sạch cho làng Caklaing, xin quỹ tư nhân và gia đình được 120 xuất mổ đục thuỷ tinh thể cho bà con Chăm huyện Ninh Phước. Và, bằng tiền túi hoặc liên hệ xin quỹ tư nhân làm quà cho bà con Chăm các làng nhân ngày lễ, tết hay phần thưởng cho học sinh nghèo.
Dĩ nhiên thời gian qua có nhiều người đã và đang nỗ lực về chuyện văn hóa, ở đây tôi chỉ bàn về thực tế khó khăn của bà con, và hai phụ nữ Chăm đó làm được. Nếu trong quá trình này, họ bị phá đám thì đáng chán biết bao! Họ sẽ bỏ cuộc, và sẽ không ai muốn giúp bà con nghèo nữa. Công bằng mà nói, ví có Chăm nào dùng khả năng giao tế làm được cho làng mình chuyện “nước nôi” thôi cũng đã có công rất lớn với bà con rồi! Bởi, đến nay vẫn còn nhiều làng Chăm chưa có nước sạch dùng.
Chuyện5. Làm Tagalau, mỗi số tôi bù lỗ trên dưới 7triệu, vậy mà có kẻ bảo tôi nhận tiền nhà nước hay tiền nước ngoài, để làm. Ôi, ước gì họ cho tôi tiền, sướng biết bao! Ví mà tôi dại dột, tôi chán rồi bỏ cuộc, thì còn đâu Tagalau? Năm 1995, in bộ Văn học Chăm, tôi tặng bà con là chính, chứ ít khi anh em ta bỏ tiền ra mua. Có – nhưng hiếm! Mới cuối năm 2006 thôi, tôi xin được tài trợ của Toyota Foundation xuất bản Trường ca Chăm (60.000đ/cuốn), để tặng không cho bà con 800cuốn.
Yêu cũng phải thực tiễn là thế!
Kết luận. Hãy học yêu thương một cách thực tiễn. Nếu mẹ ta đang bệnh cần chữa trị cấp kì mà ta mãi bàn chuyện trên trời, thì có giúp gì sức khỏe mẹ ta? Đừng nghĩ chuyện cao xa, hãy nhìn vào thực tế cuộc sống còn nghèo khổ của bà con, tìm cách giúp bà con một cách thiết thực nhất và, hãy luyện bộ thần kinh mình cho vững, để có thể chịu đựng được mọi áp lực không đáng có.