Trần Đức Tiến trong nỗi mơ yên tĩnh tuyệt đối

TRẦN ĐỨC TIẾN
TRONG NỖI MƠ YÊN TĨNH TUYỆT ĐỐI
Đọc Tuyệt đối yên tĩnh của Trần Đức Tiến, Nxb. Thanh Niên, 2003.

Cư trú trên lằn ranh giữa mơ và thực, thức và ngủ, quá khứ/hiện tại… các nhân vật của Trần Đức Tiến luôn lấp lửng ở đường biên nhị trùng, thiếu hẳn rạch ròi của biện biệt. Muốn thế này lại thích thế kia, đang ở trong không gian này anh lại ngỡ ngụ cư một vùng đất mơ hồ nào khác, hiện thực đang lồ lộ thế kia ông cứ tơ tưởng đến một thế giới mới lạ u uyên tận trời trăng nào. Do đó, các nhân vật kia cũng ít khi mang rành rẽ họ tên. Họ là những P., M., nó, lão, chàng, bố…– mơ hồ và không khu biệt. Họ là họ nhưng cũng là chúng ta. Một chúng ta lõa lồ trong thực tại như thực của hôm nay.
Đó là thứ truyện ngắn trạng thái. Không phải văn xuôi phân tích tâm lí dài dòng rườm rà như ta thường thấy ở những năm đầu thế kỉ, mà là văn xuôi trạng thái, rất thích hợp với thể loại truyện ngắn. Trần Đức Tiến nắm trúng một/một vài tâm trạng của nhân vật trong một hoàn cảnh đặc thù, từ đó câu chuyện tự mở phơi.

Sự sợ hãi là có thực, đôi lúc nó mang hình hài và có địa chỉ hẳn hoi: “tôi sợ sự nhạt nhẽo của câu chuyện giữa tôi và M., nhất là điều đó lại đến với chúng tôi vào lúc đầu ngày”, hoặc cụ thể hơn: “lão sợ về hưu” (“Bão đêm”, tr.252), nhưng ngay cạnh đó là sợ hãi chuyển thành mơ hồ khó nắm bắt: “ Sợ một cái chết từ từ, chán ngắt” (tr.252), hay thứ sợ vừa quen thuộc vừa xa lạ: cái chết! “Chưa bao giờ lão sợ chết đến như vậy” (tr.250).
Sợ hãi mang nhiều hình thù, thoắt biến thoắt hiện mọi nơi mọi lúc, trơn trợt khôn lường. Nó có thể đeo khuôn mặt một tình địch mặt chuột tưởng tượng, hay một con mèo vô tội để anh phải bị ám điên cuồng bởi cái bẫy. Anh cố gắng chinh phục nó, nhưng bất khả. Nó có đó – sát sườn anh và xung quanh anh, dù anh “không biết đích xác nơi cư trú của nó trong căn phòng này” (“Tuyệt đối yên tĩnh”, tr. 98) nhưng sự có mặt của nó sẵn sàng gây cho anh “khó chịu”, cồn cào. Anh muốn giằng ra khỏi nó, vứt nó ra khỏi anh dẫu phải “bằng một tiếng chửi” (tr.255): bất lực. Có thể anh nghĩ nó là cái gì ngoài anh, nhưng thực tế nó ở trong anh, nó là chính anh: khuấy đảo và đục phá tâm hồn anh. Hằng ngày!

Cảm thức xao xuyến – angoisse, là một khám phá lớn của triết học thế kỉ XX. Các triết gia hiện sinh cho rằng: “trong sâu thẳm tâm hồn con người chúng ta có nỗi xao xuyến nền tảng, một khoảng trống nơi mà tất cả những hình thái âu lo và bất an tuôn trào (…) Nỗi xao xuyến đó thình lình đến với chúng ta khi chúng ta đang mơ màng, tách lìa thế giới; chúng ta vùng thức giấc giữa đêm tối (…) Thường chúng ta cố tránh né kinh nghiệm này vì nó gây đau đớn và chia xé (…) Phật giáo cho rằng không bao giờ chúng ta có thể sung sướng, trước khi chúng ta chiến thắng được nỗi xao xuyến nền tảng này…” (E. Conze, Tinh hoa và sự phát triển của Đạo Phật) .
Chúng ta có một hệ luận: không bao giờ anh đạt đến “tuyệt đối yên tĩnh” khi anh chưa chinh phục được sự sợ hãi kia. (Lạ! Bình yên tuyệt đối, nghỉ ngơi vĩnh cửu, hoàn toàn yên tĩnh… là hạn từ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong tập truyện ngắn này). Vâng có thể như thế lắm, nhưng ở đây Trần Đức Tiến không là một thiền sư hay triết gia. Anh là nhà văn, anh “giải quyết” vấn đề lớn này kiểu khác, kiểu của nhà văn: anh đặt các “nhân vật” của mình trong hoàn cảnh đặc thù để chuyển câu chuyện sang chiều hướng phát triển đặc thù.

Hãy thử xét nhân vật “chàng” trong “Tỉnh giấc”. Chàng bơi bồng bềnh giữa hư và thực, mơ và ngủ, trong tình yêu mới/cũ và vợ. Chàng mơ mơ hồ hồ trong một cõi rất thực, thực đến não lòng. Đến nỗi “lúc đẩy xe ra cửa, suýt nữa chàng lại vấp phải vợ” (tr.73)! Bên kia là cái đẹp u uyên của cõi mộng: “cô nhân tình kém chàng mười bảy tuổi rủ nhau ra Hòn Bà”, bên này là bà vợ suốt ngày ngồi nhặt rau, nhắc chàng “qua phường, hỏi xem cái bìa đỏ” (tr.73) là chuyện thiên nan vạn nan đối với chàng. Chúng ta bị ma sát đến không còn manh mún giữa thực và mộng, giữa lí tưởng và thực tại. Cuộc sống chỉ thế thôi ư? “…nhặt rau. Nhặt cho bữa trưa. Nhặt cho bữa chiều. Như cả nghìn năm nay người đàn bà này chỉ có việc ngồi lo xa những bữa ăn như vậy: buổi sáng đã chập chờn bóng trưa, còn buổi trưa thì hoàng hôn đã chập chờn đâu đó rồi.” (tr.73).
Phi lí quá! Thế là có những cuộc ngoại tình.

Chúng ta biết truyện ngắn “Ngoại tình” của A. Camus xuất hiện vào những năm 40, đã làm bật nổi một vấn đề lớn. Không có một chi tiết nào gọi là ngoại tình ở đây cả: người vợ không chịu nổi cảnh nhầy nhụa dưới boong tàu, đã lên sân thượng (hay ban công?) chỉ để thưởng thức không khí trong lành và cái bao la của bầu trời nhiệt đới, trong chốc lát. Thế thôi, nhưng nó đã ám ảnh người đọc kì lạ. Bởi ở thẳm sâu tâm hồn chúng ta, nó có thật. Đó là vấn đề muôn thuở của con người, chắc chắn thế! – Một thoát li cuộc sống nhố nhăng tù túng giây lát để chiếm hữu “Miền cực lạc” tạm thời. Như nhân vật P. một ngày kia chợt khám phá rằng “Lâu quá mình không bay”. Và ông thèm bay, dứt khoát phải bay: “Phải thoát ra khỏi vũng bùn hiện tại này. Phải thoát” (tr.20)! Dẫu lắm lúc nỗi thèm khát đau xé và gần như tuyệt vọng này đã phải trả một giá rất đắt: sinh mạng chúng ta. Nhưng chính nó đã làm đẹp cuộc đời, và làm đẹp văn chương, có lẽ.

Chắc sẽ có khối người muốn bắt bẻ Trần Đức Tiến về lối vào truyện “Đã nhiều năm trôi qua…. cho đến” như ở “Miền cực lạc”, đã cũ quá cũ rồi; hay vụ cho nhân vật mang tên tắt M,. P., rồi thì nhân xưng đại danh từ: chàng, nó, y, lão…; hay việc đẩy nhân vật vào cõi hư hư thực thực … đã bị trường văn học phi lí phương Tây khai thác ráo rồi; hoặc thậm chí các đoạn văn như:
“Một chuỗi những năm tháng dằng dặc đầy những nỗi vất vả và cực nhục. Cố lên, cố lên tí nữa! Văng vẳng bên tai lão lời thúc giục của ai đó. Và lão cố. Lão tiếp nhận mọi sự biến động của xã hội, tham gia các công việc, tranh đấu, giành giật… nhưng tất cả những điều đó cứ như là sự phân công của Thượng đế. Lão bị cuốn theo một cái chương trình sống đã được sắp đặt đâu vào đấy cả. Sống cuộc sống của kẻ khác.” (tr.253)… không gì khác hơn là phái sinh của văn chương hiện sinh phương Tây (lại phương Tây!).
Nhưng với tôi, khi chúng ta tạm gạt tất cả sang bên đi, tập truyện ngắn Tuyệt đối yên tĩnh của Trần Đức Tiến đã giúp chúng ta tái khám phá chiều sâu, bề ẩn của tâm hồn con người hôm nay, những khía cạnh vi tế mà lâu nay trong những bon chen xô bồ thường nhật, chúng ta đã bỏ quên; bên cạnh nhiều đoạn văn đẹp đáng để người đọc thưởng lãm lắm lắm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *