Thoong tin: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo

Tiểu luận-phê bình
Nhà xuất bản Văn Nghệ, Tp.HCM, 2006.
200 trang, khổ 20,5-14,5cm; giá bìa: 32.000đ
Sách có bán tại:
Quày Giới thiệu sách của Nhà xuất bản Văn nghệ,
179 Lý Chính Thắng, Q.3,Tp. Hồ Chí Minh
và: Inrahani Shop – 127 Bùi Viện, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh.

Vấn đề văn chương ngoại vi/trung tâm

Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, là tiểu luận về văn chương đương đại. Tiểu luận bàn về chủ đề chưa được nhà lý luận văn học Việt Nam đề cập đầy đủ; đụng chạm trực tiếp đến các tập thơ của tác giả đương đại, các xu hướng sáng tác đang xảy ra.
Cuốn sách phát hành trong Tuần Hội sách Tp.HCM lần thứ Tư (20.03 – 26.03) tại Hội trường thành phố (111 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3). Tiểu luận Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo được Nxb. chọn Giao lưu tác giả – tác phẩm vào 14 giờ ngày 22.03.2006.

TÓM TẮT:

Vấn đề ngoại vi/trung tâm chắc chắn không thuộc bản chất văn học, nhưng phiền nỗi nó là hiện tượng có thật. Kéo dài hằng mấy chục thế kỉ, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến phát triển/trì trệ của nhiều nền, dòng văn học. Một địa phương, một dân tộc hay một khu vực. Bức tường được hình thành ngay trong thứ tâm lí xã hội khá phức tạp, bị quy định bởi vị trí địa lí-lịch sử, sức mạnh kinh tế-chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, số dân, nỗi to/bé của giải thưởng,… thậm chí cả sự cao/thấp của chức vị hay địa vị chẳng dính dáng gì đến văn chương cả!
Bức tường thành tưởng đã bị đánh sập khi chế độ thực dân tàn lụi sau thế chiến thứ hai, nhất là khi văn hóa internet phát triển phồn thịnh biến thế giới thành làng toàn cầu. Nhưng không! Nó vẫn có đó, lù lù và vững chãi. Cứ như một thách thức. Nữa, những tưởng chỉ có phía mạnh [trung tâm] mới có ý đồ dựng và bảo trì bức tường mà lạ thay, ngay cả phe yếu [ngoại vi] cũng rất kiên trì tâm thế bám trụ!

Tôi đã thử phân tích tâm thế này với những biểu hiện khác nhau trong 6 bài viết:

Bài1. “Vấn đề văn chương ngoại vi/trung tâm”: đây là bài mào đầu trong toàn tập.
Văn học khu vực Đông Nam Á bị xem là vùng trũng của văn học thế giới. Trước thế kỉ XVII, văn học khu vực này luôn song hành các sáng tác song ngữ: ngôn ngữ chính lưu (Sanscrit, Pali hay Hán) bên cạnh tiếng bản địa. Chỉ sau đó sáng tác bằng ngôn ngữ bản địa mới lấn lướt. Nhưng đến thế kỉ XIX, văn học ĐNÁ lại tiếp tục bị ngôn ngữ ngoại lai chi phối: văn chương Pháp, Anh, Mỹ, Nga…
Từ đó, tâm lí hậu thuộc địa luôn có mặt trong trang viết của nhà văn Đông Nam Á. Nó biểu hiện ở mấy điểm:
– Các nhà văn Đông Nam Á không học nhau:
“Tuần lễ SEA Write Award tháng 10.2005, trong buổi giao lưu với Hội Nhà văn và sinh viên văn chương Thái Lan, tôi nêu lên câu hỏi khiến cả hội trường sững sờ: Có ai trong 9 vị SEA Write Awardees năm nay – chín khuôn mặt [được coi] là đại diện xuất sắc nhất của văn chương nước mình – quen biết nhau, đọc của nhau hay thậm chí, biết đến tên nhau? Không ai cả! Văn chương khu vực Đông Nam Á mãi đến hôm nay vẫn còn đóng cửa với nhau (đây là câu nói của Sara được trích dẫn nhiều nhất). Nhà văn Đông Nam Á không quan tâm đến nhau, không cần nhau, nếu không muốn nói – xem nhẹ nhau và, xem nhẹ chính mình”.
– Người Việt không chịu học văn chương Chăm: cho đến hôm nay, không có một người Kinh nào [thậm chí có ý định học] rành rẽ tiếng Chăm để thưởng thức văn chương Chăm. Mà nền văn học Chăm có nhỏ bé cho cam. Lạ!!!
– Chúng ta cũng không học thế giới nữa: trong chương trình các Đại học, sinh viên chúng ta không được dạy để hiểu biết các trào lưu văn chương đương đại thế giới (ít ra, từ 30 năm trở lại đây)!

2. Văn chương ngoài lề/chính thống: “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” với nhóm Mở Miệng và một vai khuôn mặt thơ khác. Đây là nhóm thơ sáng tác ngoài dòng chính lưu, họ photcopy tác phẩm mình hoặc đăng in tác phẩm lên mạng, không cần xin phép nhà nước.
* Chú ý: 2 bài trên khá dài, tiếc rằng bởi tiền đầu tư của Nhà xuất bản có hạn, nên cả hai đều được cho tạm hoãn ở lần in này.

3. Văn chương của ngôn ngữ số ít/số đông [tiếng Chăm/tiếng Việt]: “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay”. Tiểu luận chủ yếu phân tích sự yếu thế của ngôn ngữ ít người dùng: trong phạm vi một nước, khu vực hay thế giới. Từ đó, nguy cơ nó tiêu vong là thật. Ngôn ngữ Chăm cũng không tránh khỏi nguy cơ đó. Vậy chúng ta phải làm gì, hôm nay?

4. Sáng tác của người dân tộc thiểu số/đa số: “Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động”. Bài viết ghi nhận thành tựu 3 thế hệ nhà văn Dân tộcTS VN trong nền văn học Việt Nam đa dân tộc, nhấn mạnh về cái độc đáo cũng như sự mặc cảm của nhà văn dân tộc thiểu số khi viết bằng tiếng của dân tộc đa số (Chăm, Tày ở Việt Nam hay Việt kiều ở Mỹ): nếu không vượt bỏ mặc cảm tiêu cực đó, họ sẽ không bao giờ sáng tác nổi tác phẩm lớn. Ngoài ra, nó cũng cảnh báo về nguy cơ: tiếng dân tộc sẽ không còn ai sáng tác nữa!

5. Sáng tác nữ/nam giới: “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix “nữ””.
Là tiểu luận thể hiện một khía cạnh khác do toàn cảnh vấn đề văn chương ngoại vi/trung tâm đặt ra. Bài viết tập trung phân tích nỗ lực của các nhà thơ nữ trong hành trình đòi quyền bình đẳng giới trong văn học: tác phẩm của mình phải được nhìn nhận như “một tác giả thực thụ” chứ không như một tác giả “nữ”.
Trong văn học không hề tồn tại sự chiếu cố hay châm chế.

6. Và cả cái gọi là văn chương địa phương/trung ương: “Nhập cuộc và hy vọng” qua sơ bộ lập biên bản sinh hoạt văn học tỉnh Ninh Thuận với sự có mặt đầy khiêm tốn của tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận.
Điều lạ, là tâm lí chung xu hướng coi thường văn học tỉnh lẻ hay nhà văn sống ở địa phương. Tạp chí văn nghệ địa phương không ai mua hay quan tâm; người ta chỉ xem đó chỉ là nơi đăng sáng tác mang tính phong trào. Nhưng trong văn học, làm gì có vấn đề trung ương hay tỉnh lẻ! Anh ở Hà Nội chắc gì anh viết hay hơn chị ở Cà Mau; hay bà ở Mỹ chắc chi có tác phẩm ngon hơn ông Marốc!?

DƯ LUẬN

*
Tôi thấy Inrasara là một cây bút phê bình lỗi lạc. Bài anh viết về văn học của dân tộc thiểu số có thể đặt ngang hàng với bài Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh…
Hoàng Ngọc Hiến, Báo Thể thao-văn hóa, số48, 22.04.2006.

*
Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo do Inrasara đặt ra là một vấn đề rất hay. Nó không mới, nhưng xét bối cảnh văn chương tại Việt Nam, hình như nó là vấn đề cốt lõi nhất, quan trọng nhất của người viết. Vấn đề là từ trước đến nay, ít ai đề cập đến nó một cách thẳng thắn, chân thành và mạnh mẽ như Inrasara.
….Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo rất cần cho đời sống văn học Việt Nam. Vì chúng không chỉ giữ niềm lạc quan về tương lai của thơ mà còn gióng lên hồi chuông mạnh mẽ về trách nhiệm nặng nề của nhà thơ và của xã hội đối với thơ.
Thanh Vân, Evan.Vnexpress.net, 21.04.2006.
*
Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo là một nhắc nhở chân thành cho những cây bút trẻ – một quà tặng đẹp. Cuốn sách thực là một tài liệu quý, nên có, và không thể bỏ qua; nhất là với những cây bút mới, vốn rất dễ bị cám dỗ chạy theo một trường phái xu thời nào đó, có nguy cơ dẫn đến ngõ cụt trong sáng tạo.
Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo chính là một nhắn nhủ kịp thời để mỗi cây bút có dịp suy nghĩ nghiêm túc hơn về hướng đi và phong cách sáng tác độc đáo của riêng mình.
Nguyễn Thơ Sinh, Báo Tuổi trẻ, 03.05.2006.
*
Inrasara là người viết lí luận phê bình nghiêm túc, táo bạo, sắc sảo, đưa ra được những vấn đề mang tính lí luận và thực tiễn của quá trình sáng tạo nghệ thuật. Ông quan tâm nhiều tới tiếng nói và chữ viết và vấn đề bản sắc dân tộc trong văn học. …Inrasara không bao giờ hài lòng với truyền thống của cha ông; ông muốn đập phá nó ra để lọc lấy tinh chất, tìm trong đó những chất liệu, phương tiện và kinh nghiệm nghệ thuật cần thiết cho mục đích sáng tạo nghệ thuật của mình để tái tạo lại trong tác phẩm mới hiện đại hơn.
Lâm Tiến, Tham luận tại Hội nghị VHNT các DTTS, Hà Nội, 04.2006.
*
Phải nói tập tiểu luận phê bình Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo được ra mắt là cách làm hơi ‘to gan’ của Nxb.Văn nghệ Tp.Hồ Chí Minh, vì phần nhiều khái niệm nhà thơ Inrasara đưa ra cũ mà mới, quen mà lạ. ‘To gan’ hơn nữa dạng sách viết về tiểu luận phê bình rất hiếm được ‘người đọc’ để mắt tới liệu có ‘thu hoạch’ được chăng.
Giáp Nguyễn, Báo Công an Thành phố, 23.03.2006
*
Cuốn tiểu luận phê bình Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo của anh vừa ra mắt như là một chiêm nghiệm tự thân kết hợp với những quan sát đời sống văn học đương đại với nhiều ngổn ngang của nó.
Nguyễn Vĩnh Nguyên, Báo Bình Thuận chủ nhật, 06.2006.
*
Là một nhà thơ từng đoạt Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, nhưng ít ai nghĩ rằng Inrasara lại chắc tay khi đặt ngòi bút của mình vào thế giới phê bình như vậy. Qua con mắt của ba đối tượng khác nhau trong thi ca mà Inrasara đã hóa thân vào, người đọc vẫn cảm nhận được sự khao khát đi tìm cái mới và hành trình phấn đấu của một nhà thơ trong cuộc sống hiện đại.
H.Lâm, Báo Người lao động, 03.04.2006.
*
Ngòi bút phê bình Inrasara bước đầu đi vào những biến chuyển của cảm hứng và lối viết trong sáng tác trong nước đương đại, với con mắt của người trong cuộc. Ông tập trung phân tích những kỹ thuật sáng tác hậu hiện đại, xem đó như phương tiện thích hợp biểu hiện cảm quan nghệ thuật trong sắc thái mới mẻ.
Trần Vũ, Giới thiệu Chân dung cát, Nxb.Hội Nhà văn, 2006.
*
Chính vì vậy, nhà thơ Inrasara khẳng định “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần” và ông nêu ra phân tích rất xác đáng rằng thơ ca Việt Nam hôm nay đang thiếu nhiều yếu tố làm nên cuộc cách mạng văn chương như trước đây. Đó là sự thiếu vắng những “Trường thơ” của nhóm người sáng tác cùng quan điểm, phong trào thơ phát triển lẻ tẻ, chưa đủ sức thuyết phục, thiếu diễn đàn độc lập và thiếu cả độc giả để đón nhận tác phẩm.
Anh Vân, Evan.Vnexpress.net, 29.8.2006

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *