VĂN HỌC CHĂM – CÔNG TRÌNH CỦA CẢ MỘT THỜI THANH XUÂN
Chúng tôi nói đây là công trình nghiên cứu của cả một thời thanh xuân vì tác giả của nó còn rất trẻ, trẻ nhưng không phải là không thâm niên trong công tác.
Inrasara, tên thật là Phú Trạm, 38 tuổi, từng công tác 5 năm ở Ban biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận, và từ 3 năm nay đang tham gia biên soạn bộ Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm ở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nan Á thuộc trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, đã dành gần 20 năm cho việc sưu tầm tư liệu và hơn 8 năm để biên soạn bộ Văn học Chăm(1) này.
Từ lâu, chúng tôi đã rất thú vị theo dõi các bước đường nghiên cứu âm thầm của Inrasara, những bài viết về văn học Chăm trong tập kỉ yếu của Viện đào tạo mở rộng Tp.Hồ Chí Minh, trên tập san Văn hóa Dân tộc hay tạp chí Văn học… cũng như hân hạnh được tác giả cho đọc bản thảo của bộ sách.
Công trình được xuất bản “là một tin vui lớn, không những trong cộng đồng người Chăm, trong các tộc người trên đất Việt Nam mà cả trong giới chuyên môn trên thế giới”(2), như Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc đã viết ở lời giới thiệu.
Quả vậy, văn học Chăm là một nền văn học có một bề dày truyền thống đáng kể rất phong phú, đa dạng, mang đậm màu sắc dân tộc nhưng rất tiếc đã bị bỏ quên lâu dài nhất và có thể nói, oan uổng nhất(3). Thực ra tác phẩm đã hoàn chỉnh và nộp bản thảo vào cuối năm 1992. Nhưng phải đợi hơn 2 năm sau nó mới được in và phát hành. Đó là một thời gian hơi lâu đối với một công trình giá trị, nhưng dẫu sao nó cũng đã ra đời.
Tác phẩm được công bố đã khẳng định một lần nữa là văn học Chăm không chỉ có thể được đóng khung trong phạm vi vài mươi trang sách nhỏ hẹp như một học giả nước ngoài đã từng đánh giá nó chưa đúng mức ở đầu thế kỉ này(4). Sự xuất hiện của nó như để xác định lại giá trị đích thực của văn học Chăm mà những ấn bản sơ sài và lệch lạc được xuất bản trước đây, nói chung chưa làm nổi(5).
Đây là một công trình khá đồ sộ, khoảng 1200 trang được in thành 3 tập (tập 2 và 3 gồm tráng ca, trường ca, truyện cổ tích sẽ xuất bản vào cuối năm nay). Như tựa sách đã nêu rõ, tác phẩm gồm 2 phần: khái luận và văn tuyển. Gần 300 trang của phần khảo luận được phân thành 2 chương: văn học dân gian và văn học viết.
Ở chương bàn về văn học dân gian, có thể người đọc trách Inrasara về việc anh (đã vô tình hoặc cố ý) bỏ quên truyện cười là một mảng văn học dân gian Chăm rất phong phú (cũng như cảm thấy tiếc về việc tác giả “tạm gác lại” phần văn bia kí ở chương văn học viết) hay khi anh đã quá sơ lược khi bàn đến truyền thuyết và truyện cổ tích Chăm. Nhưng nhìn chung, tác giả đã thành công ở khá nhiều chương mục khác, nhất là ở chương văn học viết. Có thể nói đây là phần gay go nhất của văn học Chăm nhưng lại là phần nhà nghiên cứu trẻ này viết đạt hơn cả.
Mặc dù đây là một “khai phá bước đầu” và “vượt khả năng” (lời tác giả) vào một khu vực mới lạ, nhưng lại là bước khai phá quan trọng đầy thuyết phục. Phải là một người am hiểu cổ ngữ Chăm sâu sắc như Inrasara mới làm được công việc như thế. Phải là tuổi trẻ nhiệt tâm mới có cái táo bạo đó. Và phải thật kiên trì mới dám đối mặt và theo đuổi cho đến cùng một đề tài hóc búa như vậy.
Đề tài hóc búa không những chỉ ở chỗ tư liệu về văn học Chăm chưa được công bố nhiều và đang nằm rải rác trong các plây Chăm, không những chỉ ở chỗ nó chưa được trải qua kĩ thuật in ấn như các nền văn học của các dân tộc khác nên dễ rơi vào tình trạng tam sao thất bổn, mà còn là ở ngôn ngữ cổ mà các văn bản Chăm chứa đựng.
Tóm lại, muốn đánh giá chính xác và công bằng công trình của Inrasara thì cần phải có thời gian và phải có con mắt chuyên môn. Riêng ở đây, chúng tôi chỉ muốn nêu lên những ghi nhận bước đầu của một độc giả yêu mến văn học Chăm vừa có trong tay tập đầu của bộ sách này:
– Theo chúng tôi, sưu tầm được một nguồn lớn tư liệu văn học quý giá như thế là một công lao đáng trân trọng.
– Hiểu và chuyển dịch các tác phẩm văn học cổ Chăm sang tiếng Việt được như Inrasara là một bước thành công.
– Và điều đáng trân trọng hơn cả là tác giả đã đưa dần người đọc đi vào 17 thế kỉ của nền văn học dân tộc đặc sắc và phong phú Champa, từ đó làm giàu thêm nền văn học phức hợp đa dân tộc Việt Nam.
__________________________
Chú thích:
(1) Văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển, Nxb.VHDT, H., 1994.
(2) Sđd, lời giới thiệu.
(3) Inrasara, “Ca dao, tiếng hát trữ tình của dân tộc Chăm”, Tc.Văn học, số 9.1994, tr.37.
(4) Paul Mus, Indochine, P. B. Lafont dẫn lại trong Proceedings of the Seminar on Champa, Rancho Cordova, CA 1994, p.13.
(5) Chẳng hạn như: Tục ngữ, câu đố Chăm, Nxb.VHDT, H., 1993; Truyện thơ Chàm, Nxb.Văn hóa, H., 1982; Tuyển tập văn học các dân tộc ít người ở VN, quyển III, Nxb.KHXH, H., 1992.
*
Tạp chí Thời văn, số 7.1995.