Nguyên Vi – kẻ hái lượm thơ

Giới thiệu Nỗi chiều Kinh Kha của Nguyên Vi, Nxb. Thanh Niên, 2003.

Thơ như chớp lóe – bất ngờ và bất định khôn lường. Ở đằng đông đằng tây, trước mặt hay sau lưng. Mang trong mình cái dọa nạt bí ẩn, thình lình nó xẹt tới làm ta giật nẩy mình, hãi sợ. Trong nỗi buồn chán hầu như vô tận của cuộc thường nhật, kẻ yêu thơ luôn mong được nó xẹt một/một vài lần trong đời. Chết cũng đành. Khốn thay, thường thì ta bị chớp hụt: và ta cứ sống nhăn!

Thơ như người yêu. Xinh đẹp mà cực kì đỏng đảnh. Duy lần chạm mặt, nàng khiến ta một đời nhớ mong, tơ tưởng. Ta bỏ nhà cửa, ta làm lang thang để đuổi theo nàng. Nàng mất hút. Mãi khi thân tàn ma dại, ta lê bước trở về với công việc, với vợ con – đột ngột, trong một đêm mưa mù trời đất, nàng tả tơi gõ cửa: ta kinh hoàng ôm lấy nàng. Rồi sau đêm ái ân tan cả đất trời, nàng lại ra đi, còn ta chung thân loài … thi sĩ.

Thơ như giấc mộng – cũ mà mới, càng cũ lại càng mới. Nó phi thời gian, nên đừng hỏi nó được viết vào ngày tháng nào; hay viết ở đâu, vì nó cũng phi không gian. Giấc mộng là chung của nhân loại, bất kì anh đen hay trắng, chị Á hay Phi, bác Trung cổ hay cháu Hậu hiện đại. Lầu Hoàng Hạc/cảng Brest, cầu Mirabeau/thị trấn Mai Châu không còn thuộc Trung hoa hay Pháp quốc nữa. Cả Upanishad, Glơng Anak, Une Saison en Enfer hay Leaves of Grass … Chúng là đứa con phiêu lãng của giấc mộng con người. Những lúc hiếm hoi con người bị chớp xẹt, bị quăng ném ra khỏi cuộc thường nhật mòn chán.

Ta như loài ốc nhỏ
Giữa đại dương cuộc đời
Đang tìm phương trả nợ (…)
Hái lượm thơ, nên người
.

Nguyên Vi – kẻ từng “siết tay đời”, kẻ kiên nhẫn “đãi những cánh chim tìm gió”, kẻ dám làm người tiền sử đi “hái lượm thơ”, dẫu phải “giẫm lên dấu chân đôi người đã ngã / Trước khi tìm ra chính mình”. Nguyên Vi – kẻ hơn một lần giạt trôi đường phố Đà Lạt, Kontum, Huế, Sài Gòn…, làm tình nhân lang thang các ngõ hẻm làng mạc Phan Rang: Hiếu Lễ, Từ Tâm, Phước Nhơn, Nha Tranh…, giao cảm với đứa con quê hương: Thành Văn Sưởng, Inrasara, chị Tư, Cu Nguyên hay cô gái tên Trầm xa lắc lơ nơi miền kí ức…, đã toan giẫm lên dấu chân nhà sáng tạo kì tài: Bùi Giáng, Hàn Mặc Tử, Lê Đạt, Van Gogh,… kẻ đã thử lửa lục bát, tứ tuyệt, 5-7-8 chữ, tự do, và cả thể thơ xuôi nữa.

Kẻ hái lượm thơ hết nửa đời kia đã tìm ra chính mình chưa?
Hãy bỏ lửng đấy câu hỏi buột miệng dại dột…

Riêng tôi, tôi muốn đọc thơ anh với thái độ của kẻ trèo cây hái trái. Cây ổi đầu mùa mưa của tuổi nhỏ tôi, chẳng hạn. Chúng lổn nhổn đến phát thèm. Bỏ qua mấy trái nhỏ còn xanh non, hoặc vài trái to mới “nứt mắt” lấp lóa dưới nắng mai chỉ có thể đánh lừa được đứa nhát gan đứng dưới gốc dùng móc khều, còn lại khá nhiều trái vàng mơ đáng thưởng thức. Cành nào cũng sai, nhánh nào cũng trĩu. Chả bõ công leo!

Tôi nghĩ: Nguyên Vi đã cần mẫn hái lượm trái thơ treo lên duy một cây trồng sẵn. Suốt 20 năm qua. Để dụ chúng ta. Anh có dụ được ai không chẳng biết. Nhưng với tôi, chỉ thái độ thơ của anh thôi cũng đủ cho kẻ yêu thơ trân trọng lắm rồi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *