Lương Định: Inrasara, Người đãi cát tìm vàng trên vùng văn hóa Chăm

Inrasara, Người đãi cát tìm vàng trên vùng văn hóa Chăm

Tên tuổi của Inrasara vừa xuất hiện và lập tức gây ấn tượng với tập thơ và trường ca Tháp nắng (1996) bằng “chứng chỉ” là giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997. Chỉ với tập đầu tay thôi, Inrasara đã được dư luận đánh giá là một nhà thơ tài hoa, và giàu bản sắc văn hóa Chăm.

Từng có dịp sống chung với anh trong một căn phòng ở Trại sáng tác Đại Lải hồi năm 1996, tôi thấu hiểu nỗi đau đáu của lòng anh, tình anh đối với dân tộc, với nền văn học Chăm còn tiềm ẩn trong dân gian, đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Cũng chính những ngày ấy, qua bộc bạch của anh, tôi mới biết khi được mời về làm công tác biên soạn từ điển Chăm ở Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á, Đại Học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM – anh Inrasara đã tự mình rong ruổi khắp nẻo đường quê để cần mẫn sưu tầm tất cả những gì thuộc về văn học Chăm, (Trường ca, dân ca, tụng ca, bi kí…). Ngày ấy, anh vừa làm ruộng vừa sưu tầm, biên soạn văn học Chăm như người đãi cát tìm vàng trên mênh mông, trong thẳm sâu vùng văn hóa Chăm đã bị cát bụi thời gian phủ đầy… Rồi như một người thợ kim hoàn cần mẫn, Inrasara đã gom tất cả những “bụi vàng” văn học Chăm lưu truyền trong dân gian để tổng hợp, đúc thành những “bông hồng vàng”. Đó là những công trình nghiên cứu, những cuốn sách không chỉ có giá trị, gây được tiếng vang trong nước mà còn cả ở nước ngoài.
Đặc biệt với cuốn: Văn học Chăm I – Khái luận, anh được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao về mặt học thuật. Chính cuốn sách này đã đem đến cho anh một vinh dự đáng tự hào, với giải thưởng CHCPI (Đại học Sorbonne – Pháp) năm 1994.
Inrasara cho biết hiện nay anh đang chuẩn bị cho xuất bản một số đầu sách mà anh rất tâm đắc sau khi bỏ nhiều công sức sưu tầm biên soạn. Chỉ việc điểm qua đầu sách thôi tôi đã cảm thấy phục về sức lao động phi thường của anh. Phải có những trái tim thật nhiệt huyết, thật có trách nhiệm với cội nguồn văn hóa Chăm như Inrasara thì mới cứu được nền văn hóa độc đáo, bản sắc ấy thoát khỏi nguy cơ thất truyền.

Theo anh Inrasara, tráng ca, trường ca trữ tình, thơ triết lí, thơ thế sự của văn học Chăm rất phong phú. Hiện anh đã sưu tầm được 42 tác phẩm (có văn bản viết). Còn văn học dân gian truyền miệng thì nhiều vô kể như: tụng ca (những bài thơ để đọc trong các lễ hội), ca dao… Inrasara trầm tư, trăn trở: “Hiện nay, dẫu đã rất nỗ lực, nhưng Sara vẫn chưa sưu tầm được phân nửa cái kho tàng văn học phong phú ấy. Mình lo lắng, nếu không sớm sưu tầm, biên soạn thì sẽ thất truyền, mai một hết, tiếc lắm…”.

*
Báo Tiền phong, 03.09.1998.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *