KÍ ỨC QUÊ
tản văn
Trời vào Đông, cái se lạnh về đêm làm tôi bỗng nhớ lại cái thời còn bé, với biết bao là kỷ niệm. Cũng vào mùa Đông lạnh như thế này, khi các làng Kinh lân cận chuẩn bị sắm sửa Tết là làng tôi đi vào vụ gặt. Từng đống lúa chất cao ngất trong sân như bức tường thành. Dường như nhà nào cũng có một cái sân như thế ngay trên đồng ruộng, để đạp và phơi lúa. Từng nhã lúa một chất ra cho bò đạp từ từ, giê sạch rồi đưa lên xe bò hoặc xe trâu chở về nhà. Tôi rất thích ngồi trên xe trâu chở lúa. Lúa thường chở vào ban đêm cho mát và đỡ mệt trâu. Tiếng xe đi trong đêm kêu kĩu cà kĩu kịt rất vui tai. Bọn trẻ con chúng tôi nằm lọt thỏm trong cà tăng lúa, nói chuyện rôm rả cho đến ngủ khi nào không hay. Có nhà không đạp lúa ngay, đôi khi họ để lúa bó như thế cả tháng ngoài sân, chờ cho khô rơm mới tải ra đạp, lúc đó thì hạt lúa khô rang, chở về không cần phơi lại.
Vào mùa này, ai ai cũng ra đồng bởi không khí sinh hoạt ngoài đồng vui hơn ở nhà nhiều lắm. Bọn nhóc có dịp theo ông bà, cha mẹ ra đồng. Tuy không làm gì to tát, nhưng bọn trẻ con chúng tôi rất được việc. Người lớn có thể sai vặt như đạp lúa, xách nước, lượm củi… đôi khi còn chạy tới quán mua rượu, mua bánh nữa chứ. Tôi là đứa trẻ nhanh nhẹn nên các ông già rất thương, sai đâu chạy đó. Vả lại có làm siêng thì họ mới cho ở lại ngoài sân lúa. Lâu lâu “đổi gió” nên bọn nhỏ rất khoái chí, nhất là được ở lại chòi ban đêm.
Một cái thú nữa là được ăn ngon, thưởng thức các món mà ngày thường không có. Hàng ngày có tới 3, 4 người gánh hàng đến sân để đổi lúa. Họ mang đủ thứ: chả, nem, tôm hùm, ghẹ, bánh kẹo, rượu bia… tha hồ mà chọn lựa. Mùa lúa nông dân rất thoáng, vả lại cả năm lao động mệt nhọc, nên giờ bồi dưỡng vài giạ có sao đâu. Trẻ nhỏ được ưu tiên nên tha hồ mà ăn. Mùa gặt “lúa mùa” có một cái thú nữa là đi đào chuột đồng hoặc cắm cạm. Đôi khi đào trúng hang của đại gia đình nhà chuột thì tha hồ mà bắt. Thời điểm lúa chín nên thịt chuột đồng rất béo và thơm phức, ai nếm qua một lần không thể quên. Mùa này ăn cá biển không thích cho lắm, nên thịt chuột là ngon nhất đời, vì một năm chỉ có dịp ăn một lần, nên rất qúy. Cá khô chỉ mua dự trữ phòng khi “chim trời cá nước” vậy thôi. Chuột đồng sau khi thui, lột da thì được chế biến đủ món: chuột nướng, chuột ram, chuột xào bí, chuột kho nước mắm ớt hành mặn mặn, ngọt ngọt mới hấp dẫn làm sao. Tôi thích nhất là món thịt chuột nướng dầm mắm me, ớt cay. Vào buổi sáng lành lạnh, được ngồi ăn cơm nóng mùi thơm lúa mới và thịt chuột nướng thì chẳng còn “cao lương, mỹ vị” nào sánh được. Và có đi tìm khắp nhà hàng, cửa hiệu thì cũng chẳng nơi nào có.
Đêm đêm lác đác khắp cánh đồng lập lòe ánh lửa, tiếng “dị dị, hò hò” của người đạp lúa văng vẳng trong không gian yên ắng tạo một âm thanh thật khó quên. Nó vừa vui tai, vừa trầm lặng sao ấy. Tôi không biết diễn tả thế nào cho đúng nghĩa. Nó quen thuộc với tôi, ăn sâu vào ký ức tôi đến ba mươi năm sau vẫn không phai nhạt. Tôi và anh tôi thay phiên nhau dắt bò đạp lúa. Khi anh tôi mệt thì tôi vào thay. Còn ông nội tôi và ba tôi, với cây mỏ gẩy thỉnh thoảng lại xới xới cho hạt lúa rơi xuống dưới, để đạp cho mau nhuyền. Vừa canh lúa, chúng tôi vừa ngồi quây quần bên đống lửa hồng nghe ông kể chuyện. Đủ chuyện trên trời dưới biển: chuyện làm ăn, chuyện ông “phó Chơk” làng tôi vật với cọp, chuyện cọp đực trả ơn bà mụ làng bằng mấy con nai, vì đã có công đở đẻ cho cọp cái. Ông nội tôi bảo đó là chuyện có thật, được lưu truyền đến bây giờ.
Khoảng nửa đêm thì nhã lúa cũng vừa nhuyễn, chúng tôi cũng đã thấm mệt và muốn đi ngủ. Với chiếc nệm rơm, vừa êm lại vừa ấm, vừa thơm mùi rạ mới nên khi vừa nằm xuống là anh em tôi ngủ ngay. Hơi rơm rất ấm, mặc dù sương lạnh thế kia nhưng chúng tôi không cần đắp mền.
Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy bởi tiếng xua bò của ông nội. Tôi chẳng muốn dậy chút nào, trời lạnh được quấn chiếu trong chòi ấm thì còn gì bằng. Nằm trong chòi nhìn ra, ánh nắng đang gắng xua đi màn sương. Ông nội giục đuổi bò đi ăn, nên tôi mới chui ra khỏi cái tổ ấm này. Ngày ngày như thế, cho nên khi giạ lúa cuối cùng được chuyển về nhà, thì vụ mùa cũng dứt. Từng chuyến xe bò tải lúa về nhà, lúa đầy lẫm, đầy cà tăng. Người nông dân được nghỉ ngơi khoảng hai tháng rồi lại chuẩn bị tiếp tục cho vụ cày mới.
Sau này khi lớn lên, đi học xa, tôi cứ nôn nao mong cho đến kỳ nghỉ Tết, để được về quê. Mong tìm lại một chút gì đó của hương vị quê hương, nơi đã từng cho tôi nhiều kỷ niệm đến bây giờ tôi không thể nào quên, và cũng không thể tìm lại được bao giờ.
*
Trong Tagalau2.