Thục Linh thực hiện
Inrasara – nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa, trò chuyện với phóng viên Tc.Du Lịch trò chuyện về văn hóa Chăm trong sự phát triển du lịch Ninh Thuận.
*
PV: Là một nhà nghiên cứu văn hóa, anh có “chương trình” gì cho dịp Tết Katê năm nay?
Inrasara: Mặc dù là nhà thơ, nhưng tôi luôn háo hức với biến chuyển của tình hình chung. Tôi là con người của thời sự mà (cười). Tôi đã làm việc với Sở Văn hóa Thông tin và Hội Văn học-nghệ thuật Ninh Thuận để tài trợ cho giải bóng đá tứ hùng và đêm văn nghệ bán chuyên nghiệp tổ chức nhân dịp lễ Katê. Tôi cũng đề nghị tổ chức một đêm thơ với các nhà thơ mời từ Tp.Hồ Chí Minh về. Nói chung mình cũng muốn đóng chút ít công sức để dịp Katê ở Ninh Thuận vui hơn.
PV: Anh cũng là một nhà kinh doanh, anh nghĩ thế nào về việc vận dụng lễ hội và văn hóa Chăm vào việc phát triển du lịch ở Ninh Thuận?
Inrasara: Ninh Thuận chưa tận dụng được các lợi thế sẵn có, chưa khai thác được các ý tưởng. Chẳng hạn, đơn giản như việc quảng bá về Ninh Thuận thông qua giới văn nghệ sĩ, báo chí hay việc xây dựng các làng văn hóa Chăm phù hợp với du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Đối với Ninh Thuận, chỗ xem thì nhiều như tháp, biển, vịnh… nhưng chỗ chơi lại chưa được chú trọng để có thể lưu giữ du khách trong nhiều ngày.
PV: Sắp tới sẽ có những dự án đầu tư vào làng gốm Bầu Trúc và làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp thành các làng nghề văn hóa. Anh đánh giá điều ấy thế nào?
Inrasara: Điều ấy quả thật là hay. Phía Đông nam của làng Mỹ Nghiệp có nhiều đồi cát và bãi san hô cổ rất đẹp, cạnh đó có núi Chà Bang là một vùng núi rất đặc biệt có nhiều sinh, thực vật quý, rồi qua Sơn Hải, xuống Thành Tín, tất cả có thể kết hợp để hình thành các vùng du lịch văn hóa – sinh thái rất tốt. Vấn đề còn lại là tổ chức.
PV: Anh có ngại khi tổ chức các điểm du lịch ấy, sẽ có sự tiếp biến làm thay đổi văn hóa hay không?
Inrasara: Tiếp biến là chuyện tất nhiên trong quá trình phát triển văn hóa và điều đó có lợi cho sự phát triển văn hóa. Tôi ví dụ, Múa Shiva do NSND Đặng Hùng dàn dựng, mặc dù có nhiều người đả kích nhưng rõ ràng những cách điệu đã tạo một hơi thở mới cho múa Chăm. Tất nhiên là ngoài ra, chúng ta cần phải có những người biết múa Shiva theo nguyên mẫu để có thể bảo tồn và sử dụng trong những hoàn cảnh cần thiết.
PV: Trong các lễ hội của người Chăm, anh thích lễ hội nào nhất?
Inrasara: Trong các lễ hội có lễ Rija Nưgar (Lễ hội Xứ sở) là một lễ hội rất đặc biệt vì cả người Chăm Bàlamôn và Chăm Bàni (đạo Hồi dân tộc hóa) cùng tham gia vào một ngày (thứ Năm hoặc Sáu của tuần đầu tháng Giêng lịch Chăm) nên nó mang tính dân tộc và đại chúng. Ở khía cạnh nào đó, nó cũng có ý nghĩa tương tự như Tết Nguyên Đán của người Việt. Các yếu tố trình diễn như múa, nhạc, các bài tụng ca ca ngợi vua, anh hùng được thần hóa… đều mang tính nghệ thuật và khái quát văn hóa rất cao. Ngày xưa khi tôi còn bé, Rija Nưgar là một lễ hội rất lớn. Cả làng đều đi xem lễ, nào múa, nào lên các đền, nào lễ thả hình nhân. Nhưng bây giờ thì chỉ có người già mới làm. Do không được nâng cấp lên nên Rija Nưgar chỉ còn thu hẹp trong phạm vi nhỏ hẹp. Tôi nghĩ lễ hội này nên được lưu giữ và phát triển.
PV: Còn lễ hội Katê ngày trước có khác gì bây giờ không?
Inrasara: Katê ngày trước không như bây giờ vì chỉ có những người mắc nợ với các thần, tức những người đã cầu khấn một điều gì đó như làm ăn phát đạt, tai qua nạn khỏi…, mà chưa cúng tạ thần thì phải sắm lễ vật để lên tháp tạ thần hoặc mời cả sư về nhà cúng. Năm 1966 từ những lần cho học sinh Trường trung học Pô-Klong tham gia Katê, lễ mới biến thành hội. Làng Mỹ Nghiệp là vùng đầu tiên đưa Katê lên thành lễ hội quần chúng vào năm 1978. Hôm nay mọi người đều có thể lên tháp để ngắm, để chơi. Katê đã trở thành lễ hội của quần chúng đích thực. Tuy điều này đi lệch tiêu chí của Katê nhưng nó lại đúng vì một dân tộc cần có Tết và ngày hội của riêng mình.
PV: Nghe nói đám cưới của người Chăm cũng nhiều màu sắc lắm?
Inrasara: Đám cưới của người Chăm ngày nay cũng đã thay đổi, hiện đại hóa rất nhiều. Trong cộng đồng người Chăm còn có những “đám cưới lén” tức là đám cưới do gia đình không đồng ý, do ngai tốn kém nên được tổ chức chỉ với đôi vợ chồng, đại diện hai họ và vài ba người bạn thân làm chứng, hoặc trường hợp những cặp đã sống với nhau nhưng vì những lí do tế nhị nên chưa cưới được. Những đôi đó sau này phải làm lễ “thú” với gia đình xin chuộc tội và gia đình tha thứ…
PV: Cảm giác của anh mỗi lần trở về “Tháp nắng”?
Inrasara: Mỗi lần trở về với Tháp là mỗi lần tư duy tâm linh, tư duy thơ tôi thay đổi chứ: “Tháp nắng”, “Tháp lạnh”, “Tháp hoang”, “Tháp Chàm muôn mặt”… Tháp hiện diện muôn mặt buộc người ta phải suy nghĩ về định mệnh của nó!
*
Tc. Du lịch Tp.Hồ Chí Minh, số10.2002.