1. Những dự báo nhầm lẫn
Ngay từ những năm sau thế chiến thứ hai, thi ca là thể loại văn chương luôn bị đặt trong tình trạng dự báo tuyệt chủng. Câu nói nổi tiếng của T.W.Adorno: “Làm một bài thơ sau Auschwitz là điều dã man”, vang lên như một ám ảnh. Nhưng hơn nửa thế kỉ qua, thơ cứ sống, và sống khỏe nữa. Rồi khi văn hóa nghe-nhìn phát triển lấn át văn hóa-đọc, lần nữa các nhà tiên tri giả chộp lấy cơ hội, lại lớn tiếng tuyên bố tiếng chuông đưa tang thi ca đang được đánh tới hồi cuối.
Cũng phải thôi: có bài thơ nào trong vài chục năm qua gây chấn động dư luận bằng cái chết của công nương Diana? Chưa nói sự chênh lệch cả một hố thẳm tỉ lệ người đọc Yves Bonnefoy với các fan mê cái chân trái đầy ma thuật của Maradona! Tiếp: văn hóa Internet xuất hiện, làm thay đổi cả hệ thống thẩm mĩ văn chương, từ cách viết đến cách tiếp nhận, in ấn lẫn phát hành, liên tục đặt thi ca nói riêng và văn chương nói chung trước một thách thức mới! Năng khiếu nghệ thuật của cá thể cũng chịu sự thách thức dễ gây chán nản cho những đầu óc ngoan cố nhất: qua lập trình phức tạp, máy vi tính có thể soạn nhạc, làm được cả thơ, hơn thế – chưa hẳn là thơ tồi!
Vậy mà thơ cứ sống nhăn!
2. Số lượng thơ và sự giao động của công chúng thơ
Các nhà thơ Anh, Mĩ hay Pháp than phiền đã đành, ngay nước Việt Nam tự hào là đất nước thơ, một dân tộc yêu thơ ca, các nhà ta cũng than thơ in ra không bán được mà chỉ biếu tặng chưa chắc đã …chạy! Do cơ chế, số lượng in tập thơ mới 30 năm nay thôi lên con số vạn, nay lèo tèo dăm ba trăm mà cũng không hiệu sách nào nhận kí gởi, dẫu phải chịu tỉ lệ chiết khấu trên trời. Không nói nhà sách ở tỉnh lẻ, ngay các hiệu sách lớn tại trung tâm văn hóa như thành phố Hồ Chí Minh: Nguyễn Huệ, Xuân Thu, Nguyễn Văn Cừ,… dẫu nhiệt tình với thơ tới đâu cũng đẩy quày thơ vào một góc cực kì khiêm tốn. Tại chốn hẻo lánh này, tập thơ trưng bày chủ yếu là các tác gia cổ điển hay tác phẩm được dùng dạy trong nhà trường; thơ đương đại xuất hiện lác đác dăm ba người.
Vậy mà hàng năm, các tập thơ cứ ra lò. Năm 1996: 600 tập thơ được in, con số này cứ tăng lên đều đặn, đến năm 2002 là 1000 đầu sách! Phỏng thế.
Đó là thơ in thành tập, thơ đăng báo thì không ai làm nổi cái thống kê dù ước chừng. Độc giả văn hóa-giấy chủ yếu đọc các mục tin chính, đụng đến trang thơ đa số họ vội vã lật qua, hoặc đọc hờ hững: chỉ tò mò xem có tên nhà thơ quen biết đang có mặt ở báo này. Thế thôi, nghỉ! Coi như xong một ngày (tuần, tháng) báo.
Các tuyển tập thơ không nặng cân hơn là bao. Ai cũng có thể tuyển: nhà xuất bản tuyển đã đành, nhà giáo tuyển, hội phụ nữ tuyển, dân tộc thiểu số tuyển, câu lạc bộ thơ phường tuyển, cá nhân cũng tranh thủ tuyển. Có khi vẫn vài bài đó của tác giả đó, nhưng được tuyển cả chục lần chả ai thèm quan tâm. Người sau ung dung tuyển lại từ nhà tuyển trước. (Ví dụ bài thơ “Tháp nắng” của người viết bài này được/bị tuyển đến 12 lần!). Rất ít người chịu bỏ tiền mua tuyển, may ra những nhà nằm trong tuyển mua lại để tặng bạn bè. Lắm lúc cả các nhà này cũng không thèm mua nữa. Tội hơn cả là – rất ít người đọc!
bởi thơ đang thay đổi
thế nhưng hiếm người chịu ghi nhận (…)
các tuyển tập hầu hết như nhau
mở đọc bạn ít thấy điều chuyển lay truyền thống
thật tiện vì người ta có thể mua và
không đọc
không nghĩ
cũng không xét lại điều gì
và có lẽ các tạp chí không cần thảo luận(1)
Đó là thân phận của thơ in giấy, còn thì không ít nhà thơ thích bắn sáng tác lên mạng, nó rất thích hợp với văn hóa tiêu dùng của thời hiện đại: có và xài liền, không phải chịu kiểm duyệt hay rù rì qua các khâu in ấn. Nhanh, rẻ, nóng hôi hổi. Đọc rồi quên ngay. Người kĩ tính, thích thì tải xuống, nhập dữ liệu hay in ra cất giữ để đọc lại.
Cơn lũ thơ tạo cho công chúng nỗi vô cảm và lạnh nhạt với thi ca. Từ đó, thơ chỉ được xem như một thứ gia vị, còn hơn thế – một bộ phận thừa của tờ báo. Hãy xem Tuổi trẻ chủ nhật, xưa trân trọng thơ là thế, mấy năm qua gạt hẳn thơ không chút tiếc thương. Độc giả chẳng ai buồn để ý, đúng thôi: nó không còn là thứ cần thiết nữa. Các nhà thơ quay về đọc của nhau, loanh quanh cày xới, cãi cọ trong đám ruộng nhỏ bé của mình; đôi khi họ không đọc của nhau nữa mà chỉ đọc chính mình: từ đấy sinh ra tâm thế tự yêu rất nguy hiểm!
3. Thử nhìn sang bên ngoài
Nhưng có phải thơ đang rơi vào tình thế bi quan như thế trong phạm vi toàn cầu? Thử lượm nhặt sơ bộ vài thông tin, ngẫu hứng:
– Báo The Sunday Age số ra ngày 24.5.1998 cho biết, trong lịch sử gần 20 năm xuất bản thơ của nhà Hyland House, chỉ có duy một tập thơ mang lại lợi nhuận. Cuối cùng nhà này phải đình chỉ xuất bản thơ.
– Nhưng không phải là không có ngoại lệ: các tập thơ của nhà thơ nữ Ulla Hahn (sinh ở Rhineland, Đức) từ năm 1981 đến 1997, bán được bốn vạn bản mỗi tập(2).
– Thơ Allen Ginsberg bị chính phủ Mĩ cấm truyền qua làn sóng phát thanh quốc gia với lí do chúng dày đặc “ngôn từ khiếm nhã” mãi 1993 lệnh mới được bỏ; tuy vậy tất cả vần thơ bị cấm này được bày bán công khai tại các cửa hiệu sách, đã không ít người tìm mua.
– Năm 2003, hơn 110.000 người tham gia học các khóa viết văn tại Anh. Báo The Australian (18.02.1998) cho biết hàng năm tại Hoa Kì vẫn có khoảng 110.000 sinh viên ghi tên học ngành sáng tác, trong đó một nửa chuyên về thơ. Trong 12 năm qua, các trường đại học Anh mở khóa viết văn sau đại học (MA) đã tăng từ 8 lên tới 85 trường. Hiện trên toàn nước Anh có tổng cộng 11.000 khóa dạy viết văn, gồm các khóa dạy ngắn hạn (khoảng một học kì) và các khóa dạy ngoài giờ. Vậy mà tại Việt Nam, một đất nước thơ, có mỗi Trường viết văn Nguyễn Du mà có vị đã giơ tay ý kiến đóng cửa!(3)
– Theo điều tra của báo Figaro, 86% người Pháp sử dụng Internet cho biết họ có đọc thơ, hơn nữa phần lớn trong số họ có làm thơ(3).
– Poetry Magazine (một tạp chí thơ tại Mĩ) bất ngờ được hưởng gia tài 100 triệu đô la của bà Ruth Lilly – một nhà thơ tầm tầm – khi bà qua đời(4). Đáng nói hơn là bà này đã tặng tiền sau khi chủ bút tờ Tạp chí trả lại tất cả bài thơ bà từng gởi đăng với lời lẽ rõ ràng: không đăng.
– Trong 4 năm qua, giải thưởng Georg Buchner, giải văn học uy tín nhất nước Đức, ba lần rơi vào tay các nhà thơ(5).
– Hôm thứ sáu, hai trăm năm mươi ngàn thiếu nhi đã xướng to câu thơ nổi tiếng “I wandered lonely as a cloud…” (Tôi lang thang một mình như thể đám mây).
Những vần thơ của William Wordsworth đã vang lên trên khắp nước Anh trong một hoạt động đọc thơ tập thể kỉ niệm 200 ngày ra đời bài thơ nổi tiếng, lấy cảm hứng từ loài hoa thủy tiên vàng (daffodil)(3).
– Jean-Pierre Siméon, giám đốc nghệ thuật chương trình Mùa xuân của thi nhân (ở Pháp), cho biết trước kia mỗi buổi đọc thơ chỉ có 10 đến 20 người tham dự, nay lên tới từ 50 đến 100 người. Năm ngoái, ở Mutualité, có tới 2.000 người đến nghe thơ!(6)
Ngoài kia, bao nhiêu là tin lành, thế nhưng…
4. Tại sao thơ Việt không đến được với công chúng?
Chẳng thời nào là thời của thơ cả. Hãy dẹp tâm lí tô hồng quá khứ qua bên. Cũng chính báo Figaro cho biết: ngày xưa Alcools của Guillaume Apollinaire chỉ in nổi 241 cuốn trong năm xuất bản đầu tiên, thế mà ngày nay tổng số sách của ông bán được đã vượt con số một triệu bản. Cũng hãy quên cái huy hoàng (đâu riêng gì thơ) của thơ thời bao cấp đi. Ở đây chúng ta đi thẳng vào vấn đề của hôm nay.
“Thơ bán không chạy thì phải hỏi lại người làm thơ!”. Nguyễn Trọng Tạo khẳng định thế trong một cuộc trao đổi. Theo tôi, vừa hỏi nhà thơ đồng thời hỏi luôn nhiều thứ khác nữa. Ta thử tìm ra một số nguyên do.
– Nguyên nhân nơi bản thân nhà thơ:
Quá khích trong sáng tạo, mà quan niệm của Alain Robbe-Grillet (người sáng lập và nhà lí thuyết chính của nhóm Tiểu thuyết mới) trong cuộc Trò chuyện với phóng viên tạp chí Nga (Văn học nước ngoài) thường được dẫn ra làm ví dụ: “Các tác giả trẻ hiện nay muốn người ta đọc họ, đó là ý muốn rất nguy hiểm”. Đấy là phát biểu của nhà tiền phong trong giai đoạn văn học phân ranh dứt khoát giữa bình dân và tinh hoa, bị hiểu cách lệch lạc. Ý hướng tiền phong và thái độ bất cần công chúng khiến thi sĩ tự nhốt mình trong tháp ngà cô độc. Nhưng hôm nay đã khác rồi: trào lưu Hậu hiện đại (Post-modernism) nỗ lực xóa nhòa ranh giới ấy!
Ở Việt Nam, Bích Khê, Hàn Mặc Tử [giai đoạn sau], nhóm Xuân Thu Nhã tập, nhóm Nhân văn-Giai phẩm, nhóm Sáng tạo có thể xếp vào dòng văn chương tinh hoa; còn lại: bình dân (ở đây chúng ta không đánh giá chuyện hay/dở, cao/thấp). Sự phân ranh rõ rệt đến có người chia thơ tự do ở Việt Nam một cách sơ giản thành: thơ tự do khó hiểu và thơ tự do dễ hiểu. Phong trào Tân hình thức Việt (New Formalism) được khởi động vài năm qua tại Mĩ không gì hơn mục đích đưa thơ trở lại với ngôn ngữ đời thường, gần quần chúng hơn.
– Nguyên do từ thông tin đại chúng và người đọc:
Thông tin không chính thức, tại Mĩ mỗi năm có hàng ngàn tờ báo về thơ ra đời rồi…chết(7). Vậy mà đến mùa Thu năm 1994, Tạp chí Thơ bằng tiếng Việt mới ra mắt số đầu tiện tận … Mĩ. Để mãi tháng 4.2004 báo Thơ mới làm lễ sinh nhật đầu tại tòa soạn báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ở trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn trong nước, các lí thuyết hay trào lưu thơ đương đại không được giảng dạy, cả khi các câu lạc bộ sáng tác mời các vị uy tín nói chuyện về thơ với sinh viên, vẫn các khuôn mặt cũ đăng đàn. Thì làm sao giọng thơ cách tân hôm nay có thể đến với thế hệ bạn đọc tương lai. Chúng ta hãy nhớ: Thơ Mới [tiếp nhận trào lưu Hiện thực và Lãng mạn Pháp], dù gặp phải vài trở ngại từ phía các nhà nho bảo thủ, dễ dàng đến với công chúng, bởi họ đã được chuẩn bị đón nhận nó. Lớp độc giả tương lai thời ấy biết đến Alphonse de Lamartine, Victor Hugo, Paul Verlaine, Athur Rimbaud,.. ngay từ các lớp ở cấp trung học. Trong khi đại học chúng ta có sinh viên nào hiểu thấu đáo Thơ Tân hình thức – New Formalism, Thơ Mở rộng – Expansive Poetry, Thơ Tân truyện kể – New Narrative Poetry… nẩy nở và phát triển rầm rộ ở phương Tây mấy thập niên qua?
Hệ quả là công chúng thơ rất dị ứng với cái mới. Từ đó trang thơ của các tờ báo – cả chuyên lẫn không chuyên – từ chối các thử nghiệm. Thơ chúng ta dậm chân tại chỗ, đang lạc hậu với thế giới.
Báo giấy đã vậy, báo hình với báo tiếng cũng thôi mặn mà với thơ, không là chuyện lạ.
Thơ ra bát ngát, bao nhiêu là hệ thẩm mĩ khác nhau, thậm chí đối lập nhau ra đời qua những thử nghiệm vừa nghiêm túc vừa méo mó lập dị, nhưng nhìn tới nhìn lui không thấy bóng dáng nhà phê bình đâu cả! Bài viết về các tập thơ được đăng báo luôn bị than phiền chỉ dừng lại trình độ bài điểm sách, tán tụng nhau hay tự tán tụng. Người đọc không được chuẩn bị, cả không nhà phê bình uy tín hướng dẫn, đành phó mặc; từ đó, họ quay lưng với thơ.
Rồi cả nhà thơ-độc giả nữa! Kì thi thơ ở báo Văn nghệ Tp.Hồ Chí Minh đầu những năm 90 có tới hơn nửa chục ngàn người tham dự, nhưng Thơ Yves Bonnefoy được Huỳnh Phan Anh dịch rất công phu, in 1500 bản bán hơn gần chục năm vẫn chưa hết: người làm thơ cũng không thèm đọc thơ!
5. Lối thoát nào cho thơ hôm nay?
– Một cách tồn tại khác:
Thời thế thay đổi, thơ thay đổi đã đành; khoa học kĩ thuật thay đổi, thơ cũng phải thay đổi. Thích ứng để tồn tại, nếu không nó sẽ chết. Không thể cứ mãi in thành sách rồi nằm ngửa đọc. “Thơ đang cần cách tồn tại khác. Chính cách thức và đi tìm cách thức tồn tại khác, mới là cái thiếu thực sự của thơ hiện nay”(8). Nó có thể xuất hiện nhiều hơn trên màn hình vi tính, rất hiện đại. Cũng có thể quay trở lại theo cách nó từng có mặt ở buổi sơ khai, như nhiều nhà thơ phương Tây hiện nay đang làm:
“Thierry Renard một thi sĩ chuyên đọc thơ rong, đồng thời là một chủ xuất bản ở Lyon (Pháp), trong một cuộc trình diễn thơ, đã có mặt và trình bày về những văn bản thơ của anh ta được treo trên một cây dẻ”(9).
Có thể đọc thơ đính kèm người mẫu thời trang trình diễn model mới nhất, cũng có thể xướng thơ trên đường phố, trong quán nhậu bình dân; thơ trên sân khấu nông thôn hay thơ ở Hội trường hội thảo khoa học; thơ dán trong toilet công cộng, trên xe buýt, thơ báo tường và cả thơ giấy gói bánh mì,… Một sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Duy vài năm cuối thế kỉ là chuyện rất đáng phát huy: trong các buổi triển lãm thơ, thơ anh được viết trên bao tải, chiếu cói, rổ rá, mành tre,…gây được tiếng vang khá lớn đến nỗi Vietnam Airlines đã tài trợ cho anh cả chuyến bay ra thủ đô với những lỉnh kỉnh nồi niêu thúng mủng! Sau đó anh còn đẻ ra mục Lịch thơ nữa! Cũng thành công đáo để.
Thế nào cũng được miễn là nó phải thay đổi cách tồn tại. Để mà tồn tại.
Đây đó đã có nhiều tin lành:
Khắp nơi đều thấy các dấu hiệu hồi sinh của thơ: Chợ thơ ở Saint-Sulpice sôi động chưa từng có; các Tòa nhà Thi ca (Maison de la Poésie) được dựng lên khắp nước Pháp; các liên hoan Mùa xuân của thi nhân luôn luôn thành công; các site dành cho thơ ngày một nhiều trên Internet(6).
Và, Việt Nam cũng đã qua Ngày hội thơ lần hai.
Hãy đọc qua đoạn văn đầy lạc quan của Xavier Darcos, khi ông kết luận cuốn chuyên khảo rất thú vị của mình: “Và những con số sách bán ra không có gì khiến cho ta phải than thở. Thị trường sách ở Pháp, năm 1991, dẫu khủng hoảng, vẫn đạt gần 22 tỉ franc. ..Như thế, trong khung cảnh chung của hiện tượng quay về với sự tiêu thụ văn hóa, văn chương, một lần nữa được đọc bởi quần chúng độc giả thực sự đông đảo. Văn chương không hề bị thất sủng hay giạt ra ngoài lề như những đồ đệ của Mc Luhan tiên đoán, khi họ cho rằng thời đại của chữ in đã qua rồi và giải ngân hà Gutenberg sắp chìm vào hư không”(10).
Và…
“Theo danh sách của American Poetry Annual (Hoa Kì), có khoảng 6000 nhà thơ hoạt động khắp nước trong đó hơn 1000 người đang giảng dạy các lớp, khóa sáng tác tại những đại học. Chưa kể hơn 2000 nhà xuất bản với báo chí định kì chuyên về thơ, cộng thêm hàng trăm giải thơ thường niên từ Pulitzer, National Book Award đến đủ loại tặng thưởng từ các tổ chức văn hóa hay đại học. Còn phải kể những buổi đọc thơ trên các đài phát thanh, truyền hình, và câu lạc bộ, phòng trà,… Tóm lại, có một nền văn hóa chuyên về thơ được hỗ trợ bởi cả mạng lưới chằng chịt thể chế công cộng lẫn tư nhân, từ chính quyền các cấp đến các địa phương xa xôi. Số nhà thơ nghiệp dư hiện nay lên đến vài trăm nghìn…”(11)
Mặc cho bao nhiêu dự báo về ngày cáo chung của thơ, Thơ mãi sống!
_________________________
Chú thích
(1) Hazel Smith, “Cuộc xuất kích của thơ”.
(2) Báo Thể thao – Văn hóa, ngày 26.10.1999.
(3) Theo evan.vnexpress.net, 4.2004.
(4) Theo Tapchitho.com, 2004.
(5) Theo báo Thể thao – Văn hóa, ngày 26.10.1999.
(6) Theo Figaro, ngày 02.03.2004.
(7) Tc.Việt, số 08.2001, tr.202-203.
(8) Lý Đợi, “Tác phẩm thơ: thừa & thiếu”, tham luận tại: Gặp mặt những người viết viết văn trẻ Tp.Hồ Chí Minh lần 1, 2003.
(9) Theo báo Văn nghệ, 21.09.2002 (dịch từ L’Express).
(10) Xavier Darcos, Lịch sử văn học Pháp, Nxb.VHTT, H., 1997, tr.573.
(11) Số liệu lấy từ Christopher Beach, Poetic Culture, Northwestern UP, 1999, tr.2. Dẫn lại theo: Chân Phương, “Thơ Hoa Kì và Tân hình thức”, amvc.free.fr, tháng 08.2005.
*
Trong Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo.