Phỏng vấn Nông Quốc Chấn và Bùi Khánh Thế

Nhà thơ Nông Quốc Chấn
Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam.

*
Tagalau: Thưa nhà thơ, xin nhà thơ đánh giá khái quát về tình hình sáng tác văn học – nghệ thuật các Dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Nam, nhất là của người Chăm, trong hai thập kỷ qua?
Sau ngày thành công của cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các dân tộc thiểu số ở phía Nam cùng với các dân tộc cả nước, đã có điều kiện bảo tồn, phát huy, sáng tạo mới về giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật của mình. Dẫu sự phát triển không đồng đều giữa 53 dân tộc thiểu số, chúng ta đã có thể tự tin, tự hào về giá trị truyền thống và khả năng sáng tạo mới. Một số tác phẩm mới do các nhà văn và nghệ sĩ dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ở Ninh Thuận, Bình Thuận, ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, trong đó có Tp. Hồ Chí Minh, được lần lượt xuất hiện trong những năm qua, đã góp phần đa dạng vào tính thống nhất của nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam. Ngày nay người đọc ở cả nước không chỉ được tiếp cận với các giá trị văn nghệ dân gian truyền thống, mà họ đã và đang được thưởng thức tác phẩm mới mang phong cách và sắc thái riêng của các dân tộc thiểu số. Những người đọc Tagalau1 thấy đây là một nơi hội tụ của các cây bút người Chăm. Một Inrasara – nhà văn đã hai lần nhận giải thưởng văn học: 1997, Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập Tháp nắng, và 1999 của Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam cho tập thơ Sinh nhật cây xương rồng. Inrasara không dừng ở sáng tạo, mà còn nghiên cứu, viết tiểu luận về Các vấn đề văn hóa – xã hội Chăm, bên cạnh sưu tầm và dịch, giới thiệu với thế giới bên ngoài nền văn học Chăm – cả văn học bác học lẫn bình dân – qua bộ sách ba tập Văn học Chăm của anh. Một Amư Nhân nhạc sĩ với bài ca khúc đậm đà bản sắc dân tộc Chăm; sau bài Làng Chăm ơn Bác là một loạt bài mới trong băng nhạc Điệu ru đất Tháp. Và các cây bút: Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan, Đàng Năng Quạ, Tan Tu, Phutra Noroya, Văn Món, Chế Quốc Minh, Đàng Năng Thọ, Thành Văn Sưởng… là cả một đội ngũ văn học nghệ thuật mới đang hình thành trong dân tộc Chăm. Thật đáng mừng!

Như vậy, Hội có hướng nào cụ thể để đào tạo và bồi dưỡng các lực lưỡng sáng tác trẻ trong thời gian tới không?
Có. Hội không chỉ đã có chủ trương về phương hướng chung mà đang có kế hoạch cụ thể để tiếp tục phát triển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trẻ về văn học – nghệ thuật các Dân tộc thiểu số. Trong này, có đội ngũ văn nghệ người Chăm. Đại hội đại biểu lần thứ hai ngày 20/12/1997, đã quyết nghị: “Tăng cường các hình thức bồi dưỡng, đào tạo hội viên, bằng nhiều hình thức: mở lớp, trại viết, sáng tác, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, và được thông tin nhiều hơn về đời sống xã hội, về chính sách của Đảng và Nhà nước, về kiến thức chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ mới…”

Từ sau Đại hội II, hàng năm Hội đã tổ chức đều đặn các trại sáng tác cho hội viên; xét tài trợ cho các hội viên có bản thảo gửi về Hội; xét giá trị tác phẩm đã in để trao giải thưởng; Tạp chí Văn hóa các dân tộc của Hội phát hành hàng tháng, là cơ quan hướng dẫn, giới thiệu, cổ vũ hội viên sáng tác, nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ các dân tộc.
Từ nay đến cuối năm 2002; Hội chuẩn bị mở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. Việc vận động kết nạp hội viên mới, việc sáng tác và phổ biến tác phẩm đến cuộc sống đồng bào phải được tiến hành tích cực.
Chúng tôi hy vọng vào sức sáng tạo sức mới của anh chị em văn nghệ đồng bào Chăm.

*
Ts-Phó Gs.Bùi Khánh Thế
Khoa Đông phương – Đại học KHXH và NV Tp.Hồ Chí Minh.

Tagalau: Thưa giáo sư, với tư cách là chuyên gia về ngôn ngữ và văn học Chăm, Giáo sư có nhận xét gì về tình hình nghiên cứu trong lĩnh vực này từ tháng 5 – 1975.
Sau khi cuộc kháng chiến lần thứ hai của chúng ta thắng lợi, đất nước hoàn toàn thống nhất, việc nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hoá Chăm, theo tôi có ba đặc điểm đáng chú ý. Một là số người nghiên cứu về Chăm tăng hơn trước. Số công trình nghiên cứu có chất lượng cũng nhiều hơn. Hai là phạm vi đề tài được mở rộng. Ba là trong đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu về Chăm sự góp mặt của các nhà nghiên cứu Việt Nam, trong đó nhiều người là con em dân tộc Chăm, có tác dụng mở thêm một hướng tiếp cận về lĩnh vực này.
Có một sự việc tôi muốn nhắc đến là cuộc nghiên cứu điền dã của Đoàn cán bộ khoa học hỗn hợp Việt – Xô vào năm 1979. Trên cơ sở tư liệu của cuộc nghiên cứu điền dã này đã có một số công trình khoa học ra đời như cuốn Ngữ pháp tiếng Chăm (Bùi Khánh Thế,1995), Tiếng Chăm – N.Ph. Alieva, Bùi Khánh Thế,1999 (bằng tiếng Nga, Nxb.Orientalia, St. Petersburg) và nhiều bài báo khoa học khác, được trình bày tại các Hội nghị khoa học quốc tế hơn 10 năm qua.
Một số sách đã xuất bản không chỉ nghiên cứu về từng mặt mà còn đi vào chủ đề mang tính tổng hợp giới thiệu chung diện mạo xã hội, văn hoá, ngôn ngữ Chăm hiện đại. Ở đây có thể nhắc đến hai cuốn sách do Ts.Phan Xuân Biên chủ biên là: Người Chăm ở Thuận Hải, 1989, Nxb.Sở VHTT Thuận Hải và Văn hoá Chăm, 1991, Nxb.KHXH.
Nhiều nhà khoa học trẻ người Chăm được đào tạo để bổ sung cho đội ngũ nghiên cứu về Chăm. Đề tài luận án của họ là những vấn đề của chính văn hoá xã hội dân tộc mình. Ts.Thành Phần về vấn đề nhà ở, Ts.Bá Trung Phụ vấn đề dân tộc, Phú Văn Hẳn vấn đề ngôn ngữ, Lộ Minh Tuấn vấn đề dệt của người Chăm … Cũng cần nhắc lại đây hàng loạt khóa luận tốt nghiệp đại học của Trường đại học như Tháp Chàm Po Nagar và sự giao thoa văn hoá Việt- Chăm của Trần Thị Bích Dương, Bước đầu tìm hiểu ảnh hưởng của Bàlamôn trong điêu khắc đá Champa của Nguyễn Thị Quỳnh Như, So sánh thành ngữ, tục ngữ Chăm – Việt của Ngọc Diệp… Lần đầu tiên một bộ sách về Văn học Chăm được giới thiệu có hệ thống, từ văn học dân gian đến các tác phẩm mà tác giả ẩn danh hay khuyết danh như loại akayetariya kèm theo phần dịch và chú giải của một tác giả Chăm thuộc thế hệ tác giả xuất hiện sau 1975 là Inrasara – Phú Trạm. Cũng thuộc thế hệ này Văn Món giới thiệu cho chúng ta trong năm 2001 cuốn sách Nghề gốm cổ truyền của người Chăm Bầu Trúc – Ninh thuận. Điều tôi muốn nhấn mạnh là thời kỳ sau chiến tranh các vấn đề văn hoá, xã hội Chăm chủ yếu được xem xét từ bên trong bởi chính các nhà khoa học Việt Nam, người Chăm cũng như người Việt thuộc thế hệ mới trưởng thành.

Thưa giáo sư, vậy giáo sư có thấy chỗ nào là mặt yếu của tình hình và hướng đi sắp tới nên như thế nào?
Điểm yếu đầu tiên có thể bàn đến là các kết quả nghiên cứu không được giới thiệu rộng rãi dưới hình thức này hay hình thức khác. Điều được nói đến ở đây không chỉ là các luận án và sách khảo cứu có sự đầu tư dài hơi, mà cả các khảo luận, bài báo khoa học của nghiên cứu sinh, sinh viên. Việc giới thiệu cho nhiều người biết các kết quả nghiên cứu như vậy có tác dụng kích thích và gợi ý cho các nghiên cứu tiếp theo.
Thứ đến là các vấn đề nghiên cứu bị dàn trải theo diện rộng mà không có những công trình đi vào chiều sâu. Điều này cho thấy việc nghiên cứu phụ thuộc vào cảm hứng của người nghiên cứu – mặc dù đây là điều rất cần – hơn là được định hướng bởi một cơ quan có chương trình khảo sát tập trung.
Trước tình hình như vậy việc cho ra mắt Tagalau là cần thiết. Đó là bước đầu để hướng tới một đích nghiên cứu xa hơn và sâu hơn.
Cũng cần nói thêm về mặt sáng tác. Hoạt động này trong phương hướng phát huy bản sắc dân tộc trong những năm qua đã phát triển khá đều từ nhạc đến hoạ, vũ, thơ văn, Tagalau đồng thời cũng có thể là nơi giới thiệu cả các tác phẩm sáng tác, nghĩa là có thể giữ như hình thức hiện có ở tập đầu. Tagalau nên chăng kết hợp chặt chẽ với Trung tâm nghiên cứu văn hoá Chăm ở Phan Rang.Và số kì ra hàng năm có thể nhiều hơn.
Để làm được điều này phải có “bột mới gột nên hồ”. Bột ở đây là nguồn tài chính và cũng là lực lượng nghiên cứu và sáng tác. Đó là mục đầu tiên trong chương trình nghị sự cần được bàn luận của Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, của Trung tâm văn hoá và cả các Sở văn hoá Ninh Thuận, Bình Thuận, vì nó phù hợp với đường lối xây dựng nền văn hoá Việt Nam đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc do Đảng và Nhà nước ta chủ trương.

*
Trong Tagalau2.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *