Đính chính Champaka

Vài năm qua, nhất trong thời gian gần đây, các bậc chú bác và nhiều bạn trẻ thắc mắc tại sao Inrasara mãi giữ thái độ im lặng trước bao lời xuyên tạc phi lí từ Tiến sĩ Po Dharma, suốt mấy số tạp chí Champaka do ông làm chủ? Tôi đã không trả lời, cả trong tác phẩm riêng lẫn Tuyển tập Tagalau. Đơn giản – tôi thấy hoàn toàn không cần thiết.
Về các bài viết của Dharma, sự thiếu thiện chí hiện ra quá rõ. Ông cố ý cắt vụn câu văn của tôi hay bóp méo sự thật để dễ bề xuyên tạc tôi nên, trao đổi qua lại chẳng những mất công mà còn nguy cơ kéo dài đến vô cùng.
Về vài bài khác, tôi thấy tầm nó còn quá thấp. Chúng ta chớ phí phạm thời gian ít ỏi của đời người vào các tranh cãi vụn vặt, vô ích. Thường thì khi không làm gì ra hồn người ta ưa chê bai thiên hạ, để tỏ ra ta đây cũng hiểu biết như ai. Hãy làm đi, nếu bạn có khả năng. Vậy thôi. Chấm hết! Chỉ có kẻ khờ mới nuôi ý định xây dựng sự nghiệp bằng cách kí sinh trên công trình hay tên tuổi của kẻ khác!

Dĩ nhiên để tránh vài hiểu lầm không đáng có, chiều lòng bà con anh chị em, hôm nay tôi mạn phép có đôi lời nói lại. Không phải để tự vệ, dù việc tự vệ là điều chính đáng, với một người bị xuyên tạc. Cũng không phải tự biện minh, bởi chính tác phẩm của nhà văn biện minh cho nhà văn tốt hơn cả, nhất là việc làm và hoạt động xã hội của tôi đã đủ biện minh cho tôi rồi.
Tôi cũng không gọi đây là trao đổi khoa học, vì trao đổi thì có người nói người nghe, đằng này Dharma cố tình cắt đứt mọi con đường đổi thoại. Nên, tôi chỉ xin được gọi đây là các đính chính. Đính chính này cũng không nhằm vào chuyên môn – bởi nói về chuyên môn không biết đâu là cùng – mà, về phương pháp và thái độ làm việc, từ đó ta đánh giá được hiệu quả khoa học và mục đích của ông.
Vài đính chính nhỏ, rồi thôi.

1. Đính chính về vốn tư liệu quá …còm

Năm 2002, P.Dharma nẩy ra cái ý làm tổng kết báo chí tiếng Việt trong nước liên quan đến văn hóa-xã hội Chăm. Là điều tốt, đáng vỗ tay lăm lắm. Thế là ông thu gom, suốt 27 năm ròng rã, từ 1975 đến 2002, từ báo ngày, nguyệt san, báo chuyên cho chí báo phổ thông; gồm đủ đề tài, thể loại: sáng tác, tiểu luận, giới thiệu, điểm sách, tin …Xong, ông mang trưng bày cho người thiên hạ thưởng lãm trong tập san Champaka2: được 116 bài. Rồi ông làm cái nhận định, đánh giá thông tin đó. Chuyện ông nhận định thế nào thì chưa vội bàn, riêng cái con số, mới dòm vào đã thấy ngay: quá còm! Chưa tới 7% lượng bài viết về/của Chăm.
– Ví dụ, về Inrasara mới vỏn vẹn 15 bài. Thực tế từ 1995 đến cuối năm 2002, 7 năm thôi, khoản này hơn 400 bài, gồm: 262 sáng tác, 62 nghiên cứu, 66 bài viết về tôi hay tôi trả lời phỏng vấn. Đó là chưa kể bài điểm sách, tin …90% trong số đó liên quan đến Chăm.
– 5 bài về tiểu thủ công nghiệp Chăm, khi trong tay tôi có 84 bài. Mà chắc gì tôi đã thu thập đủ! Về Đàng Năng Thọ, cái được Champaka2 bày ra mới là tin (ví như hôm nay các quan lớn đến thăm phòng tranh…) chứ không phải bài viết. Các tin này chỉ tập trung ở năm 1995. Bài viết tốt về họa sĩ này trên báo chuyên, đăng tải trong các năm sau đó hoàn toàn vắng bóng.
Ông ở xa không có điều kiện sưu tập – không sao! Ờ thì người ta cho qua, nhưng tại sao lại dũng cảm đi nhận định với phê phán kia chứ? Đó, mới thành vấn đề.
Số lượng đã thế, nguồn khai thác cũng chưa được phân định rõ: ông nhét cả sáng tác vào phần tin tức hay nghiên cứu! Thế nên ông viết đầy chủ quan rằng: “sự bùng nổ thông tin về Champa trong năm 1995 ở Việt Nam, sau năm 1996 các thông tin giảm, chỉ tồn đọng ở mức 4-5 bài một năm”. Chúa ạ! Đây là lối kiểm kê tài sản làng nước bằng cách đếm tiền ngay trong túi mình. Thực tế gấp 20 lần con số trên cơ. Nghĩa là trong năm 1996, đã có ít nhất 100 bài.
Ví dụ khác: Bài phê bình về Inrasara của các tác giả như PGs.Phạm Quang Trung, nhà thơ Trúc Thông, Ts.Nguyễn Thị Minh Thái … trên Tạp chí chuyên như Văn, Tác phẩm mới không thấy đâu cả, mà chỉ xuất hiện vài bài tạp được viết vội vã bởi các nhà báo chạy tin. Vậy mà ông cứ vô tư vin vào đó mà …phê phán!

2. Đính chính về lề lối suy luận đáng buồn …cười

Ngữ pháp tiếng Chăm của Bùi Khánh Thế được tôi đánh giá là “được viết khá sâu và nghiêm túc”. Đơn giản vậy mà ông cho tôi “tâng bốc” ông Thế, từ đó nêu nghi vấn “có chăng vì một vấn đề nào khác”(Champaka2, tr.199). Ông lặp lại nó 3 lần như thứ điệp khúc bất hủ!
Ý kiến này tôi đưa ra trong tham luận tại “Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập BBS”. Cũng trong bài trên, nhận định về một vị Chăm đã mất, tôi viết:”các bài nghiên cứu sắc sảo của khuôn mặt trí thức đáng trân trọng: Lưu Quý Tân”. Hay trong lần trả lời phỏng vấn (in lại ở CVĐ, tr.35), tôi cho tác phẩm Dân tộc Chàm lược sử của Dohamide-Dorohiêm là “rất đáng đọc”, trong khi mấy năm qua chính Dharma lớn tiếng tố cáo nó sai lầm. Xét thời điểm tác phẩm ra đời, nó không là như vậy sao? Anh em Dohamide viết nó lúc tôi còn xà lỏn nghịch đất tại làng Chăm nghèo, còn Dharma mới qua cấp trung học. Hôm nay đâu phải Chăm nào cũng được đọc nó, để hiểu [dẫu sơ lược và hạn chế] về lịch sử dân tộc mình?
Cũng trong bài ấy, tôi viết: “P.Dharma ngoài luận án Tiến sĩ về Tư liệu Hoàng gia Champa còn có tác phẩm Panduranga và nhiều bài viết giá trị”. Tác phẩm các vị mới in cũng thế, tôi đánh giá “rất công phu và nghiêm túc”(Tagalau1) và “giá trị” nữa (CVĐ, tr.141), dù nếu vạch lá tìm, sâu trong nớ lúc nhúc. Bùi Khánh Thế mới khá thôi mà ông chụp cho tôi “có vấn đề nào” rồi, còn các vị tôi cho là rất. Suy luận kiểu đó, tôi “có chăng vì một vấn đề nào khác” với quý ông? Mèng ôi! Lẽ nào người Kinh không được quyền viết về Chăm? Mà không thể viết “khá”? Muốn độc quyền chăng?

“Khá sâu và nghiêm túc”, có đúng “tâng bốc” không? Ở đây tôi thấy ông lẫn lộn các phạm trù. Sâu là nói về mức độ triển khai vấn đề; nghiêm túc là ở thái độ làm việc; còn hay, đúng và giá trị mới thuộc chất lượng công trình. Tôi chưa đánh giá chất lượng cuốn sách ông Thế bao giờ cả. Tôi bắt quả tang quý ngài thiếu căn bản luận lí học đấy nhé!

3. Đính chính về chuyện không biến thành có

Champaka2, tr.197, Dharma viết: “ban biên soạn chỉ trích kịch liệt cuốn từ điển Aymonier và Moussay, cho rằng 2 ông Tây này không biết tiếng Chăm”, không hiểu ngài tiến sĩ Dharma đào ở đâu ra cái thông tin này. Ban biên soạn Từ điển Chăm – Việt có Bùi Khánh Thế là chủ biên; cộng tác viên gồm có 4 người Chăm: tôi, Thành Phần, Phú Văn Hẳn, Lương Đức Thắng. Ai đã “chỉ trích kịch liệt” 2 vị trên “không biết tiếng Chăm”? Chỉ trích ở đâu?
Hầu hết trí thức Chăm đều biết đó là 2 nhân vật có nhiều đóng góp cho văn hóa Champa. Về Moussay, đây là nhận định của tôi ở Hội nghị tại Ninh Thuận: “Ngôn ngữ chữ viết Chăm, 20 năm nhìn lại”, in lại trong VHXH: “Trung tâm văn hóa Chàm – Phan Rang tập hợp một số trí thức Chăm xung quanh G.Moussay, đã sưu tầm và cho ấn hành một số bản chép tay cổ, biên soạn bộ Từ điển Chàm – Việt – Pháp dày dặn và công phu”.
Chuyện không, Dharma biến thành có là sao nhỉ?!

4. Đính chính về vụ nhận định thơ …liều lĩnh

Một sáng tác ra đời thì hết thuộc người viết ra nó. Về việc làm thơ – không riêng gì cho Chăm – tôi bày tỏ rõ quan điểm trong các tiểu luận văn chương. Chỉ nhắc, khi quý ông nói người Chăm cảm thấy “khô cằn, xa cách và không rung cảm” (Champaka2) với các tập thơ kia, quý ông làm như mình đang đại diện cho Chăm không bằng. Sức mấy!
Nhưng chuyện làm thơ của tôi có dính dáng tẻo teo đến ông chi mô mà làm điều? Thiết nghĩ: biết làm thơ hoặc làm khá hơn thiên hạ chả có gì là ngon lành. Hiểu hay không hiểu thơ cũng chả tăng hay bớt gờram mỡ. Còn không ở trong nghề, chưa trang bị tối thiểu hành trang sáng tạo văn chương mà cố gồng mình tỏ ra ta đây cũng hiểu thơ như ai thì quá ư là … liều lĩnh!

Sơ kết: Khi có trong tay tư liệu ít oi thế mà đã vội tổng kết với nhận định, “làm khoa học” vậy thì không nghiêm túc cho lắm. Đây là cái cơ bản nhất khiến ông tự mang mình ra làm trò cười cho thiên hạ. Ai khiến!?

5. Đính chính về lối suy diễn quy chụp

Bản tin Champaka2 xếp cuốn Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại (2003) của Inrasara vào nhóm “tác phẩm dựa trên thế lực chính trị Việt Nam … để bôi nhọ một số nhân vật” Chăm ở nước ngoài. Và như thế, Inrasara “dựa trên thế lực văn hóa và khoa học để tẩy chay một số hội đoàn” Chăm, như: IOC-Champa, Hội Muslim Champa, Liên minh người Chăm tị nạn tại Mỹ.
“IOC-Champa” là của ông (?) thì không nói; giả dụ tôi có “bôi nhọ”, tẩy chay” 2 đoàn thể của Chăm là “Hội Muslim Champa” và “Liên minh người Chăm tị nạn tại Mỹ”, sao tôi không thấy 2 đoàn thể này lên tiếng ở đâu cả? Có mỗi ngài Dharma! Họ không hiểu biết sao để phải cậy ông lên tiếng giúp họ? Ai cho phép ông phát ngôn thay họ?
Của đáng tội! Tôi không biết tí ti nào về các đoàn thể này, không nửa lần nhắc đến các tổ chức trên trong bất kì bài viết hay tác phẩm nào của tôi, thì làm gì có chuyện “tẩy chay”, hở trời phật?

Tôi nói lại điều ông viết sai về tôi, thì ông cho là tôi bị lực lượng công an mua chuộc để bôi nhọ cá nhân ông – ông còn đẩy sự vụ lên cao trào: bôi nhọ Chăm; thế khi tôi phê bình gần mươi nhà khoa học Kinh (các vị đều vai vế trong cơ quan nhà nước: Ngô Văn Doanh, Đặng Nghiêm Vạn, Tùng Lâm,…trong cùng cuốn sách kia), suy luận kiểu ngài tiến sĩ, chính quyền Việt Nam sẽ kết tôi tội gì đây?!!
Ồ, sao quý ông khoái nhắc đến chính trị thế nhỉ?!

6. Đính chính về lối xuyên tạc ngây ngô

Ở chỗ khác, chúng ta hãy nghe quý ông suy diễn. Tr.7, Bản tin Champaka2 viết: “Tác giả than phiền về người Chăm là kẻ bội bạc” vì “Inrasara được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, ít anh em Chăm biết mà chúc mừng”. Vụ này, tôi xin chép ra đây nhận xét của một giáo viên Chăm trong bức thư gửi cho tôi vào năm 2005:

“Trang 30 cuốn sách Văn hóa – Xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại, Inrasara viết nguyên văn cả đoạn như thế này:

“Chăm hôm nay chưa thực sự nhập cuộc, như còn ở ngoài lề. Inrasara được giải thưởng của Hội Nhà văn VN, ít anh em Chăm biết mà chúc mừng, thì chuyện cá nhân Sara. Đành vậy! Nhưng tại sao Trượng Ngọc Anh, Đại biểu Quốc hội khó IX, đại đa số Chăm không hay không biết? Các bài báo, cuốn sách viết sai về Chăm, đã không vị nào có bài trao đổi. Thì chuyện khả năng chuyên môn. Cũng đành! Nhưng tại sao ngân sách chi cho dân tộc thiểu số ít có phần cho Chăm, mà chúng ta chẳng có ai lên tiếng, dù không ít plây Chăm còn nghèo, còn quá nghèo?”
Một ý rất tốt, vậy mà các ông tiến sĩ hiểu thành rất xấu. Các ông viết: “Tác giả than phiền người Chăm là kẻ bội bạc”. Tôi không dám dạy đời, có thể chia đoạn văn trên làm 4 sự việc:

– Sự việc1. “Inrasara được giải thưởng của Hội Nhà văn VN, ít anh em Chăm biết mà chúc mừng”. Giải Hội Nhà văn rất cao quý, 50 nhà văn dân tộc thiểu số, suốt 45 năm chỉ có 1 nhà thơ Tày và Chăm là Inrasara đoạt được. Trong lịch sử của Giải này, chỉ có 3 nhà thơ Việt Nam đoạt 2 lần, Inrasara nằm trong số đó. Đây là niềm hãnh diện cho cả cộng đồng Chăm. Không thể nói ưu tiên dân tộc được, vì Tháp nắng được chọn trên 700 tập thơ, còn Lễ tẩy trần tháng Tư đoạt giải trên 1000 tác phẩm in trong năm.
Câu này Inrasara nói rất rõ nguyên nhân: vì “Chăm chưa thực sự nhập cuộc”, nên ít quan tâm đến sự kiện lớn như sự kiện này. Chứ anh không nói cho cá nhân mình. Và đoạn này phải được đọc liền với câu tiếp theo sau.
– Sự việc2. Chuyện trên thì bỏ qua, vì có người cho đó là chuyện cá nhân, Inrasara viết tiếp: “Nhưng tại sao Trượng Ngọc Anh, Đại biểu Quốc hội khóa IX, đại đa số Chăm không hay không biết”.
Ông Anh là đại biểu duy nhất của Chăm Ninh Thuận, có thể ông không giỏi, nhưng ông là đại biểu của chúng ta. Vậy mà lúc đương chức, ít có Chăm đến gặp ông để trao đổi hay dâng thư thỉnh nguyện của bà con lên chính phủ. Còn việc nhà nước có giải quyết hay không thì là chuyện khác. Không thể nói ông là đại biểu bù nhìn chả làm gì cho dân tộc được. Viết câu này, Inrasara muốn nói: vì Chăm cứ nghĩ mình còn ở ngoài lề, nên thờ ơ với vai trò đại biểu của dân tộc tỉnh mình. Mà đại biểu lại là người nói tiếng nói của dân nữa chớ!
– Sự việc3. “Các bài báo, cuốn sách viết sai về Chăm, đã không vị nào có bài trao đổi”. Những cái sai rất hại và nhiều bà con Chăm than phiền. Trong việc này, tôi thấy Inrasara viết hơn 10 bài,… tôi lấy làm khen ngợi Inrasara. Nhiều người Chăm tin anh, và luôn nhờ anh viết, viết để cho các nhà văn nhà báo biết sai để họ đừng làm thế nữa.
Ý Inrasara muốn nhấn mạnh: “vì Chăm chưa nhập cuộc”, nên không lên tiếng tranh đấu cho sự thật, không trao đổi với nhà báo. Inrasara chẳng những nói, anh còn dám làm. Anh viết đúng đến nỗi một vị tiến sĩ đã có bài xin lỗi bà con Chăm.
– Sự việc4. Chuyện trên thì dù không đồng ý nhưng do hạn chế về chuyên môn, nên không ai nói, nhưng tại sao chuyện ai cũng có thể nói được như: “ngân sách chi cho dân tộc thiểu số ít có phần cho Chăm, mà chúng ta chẳng có ai lên tiếng, dù không ít plây Chăm còn nghèo, còn quá nghèo”. Ý này thì rõ quá rồi: Inrasara muốn nói vì Chăm chưa nhập cuộc, nên không dám đứng lên đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho dân tộc mình. Mà khi mình không nói thì làm sao Đảng và nhà nước biết mình muốn gì để đáp ứng.

Tóm lại, ý chính của toàn bộ đoạn văn trên là: Vì Chăm chưa thật sự nhập cuộc nên rất ít quan tâm đến sự kiện đáng hãnh diện như Giải của Hội nhà văn cho nhà thơ Chăm, thờ ơ với Đại biểu của dân tộc mình; vì chưa nhập cuộc nên không nói lại với các bài viết sai lầm về văn hóa dân tộc mình, đòi sự thật cho bản sắc văn hóa cao quý của dân tộc; và nhất là không dám đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của bà con Chăm.

Theo tôi, chỉ có nhà văn thật lòng yêu dân tộc và dũng cảm mới dám viết đoạn văn đó ra, viết và Nhà nước in. Vậy mà các ông đã hiểu sai lệch thành: “Tác giả than phiền người Chăm là kẻ bội bạc”! Lẽ nào tiến sĩ lại không hiểu đoạn văn ý nghĩa rõ ràng như vậy. Nếu vậy, tôi nghi ngờ khả năng đọc của ông; còn nếu ông cố tình hiểu sai để xuyên tạc Inrasara, thì tôi nghi ngờ đạo đức của ông.”
Thái độ trích dẫn theo kiểu cắt khúc câu văn rồi phê bình theo ý của mình thì không thể gọi là tuân thủ nguyên tắc khoa học được.

7. Đính chính về một cách luận giải …cẩu thả

Tr.7, quý ông viết: “Để làm hài lòng đảng và nhà nước, Inrasara đứng lên kết tội một cách tuỳ tiện người Chăm là dân tộc cục bộ, tính khí tiêu cực, không trung dung”. Chà, sao lại mang chuyện đảng hay nhà nước vào đây!

Điểm danh các khuyết tật Chăm (dân tộc nào mà chả có), “tôi chỉ ghi nhận và phân tích” các hiện tượng mà Chăm hay than phiền với nhau. Ví dụ hầu như mọi người Chăm đều nói: Chăm mất đoàn kết, đố kị,… Tôi viết tiếp: “khi thống kê khuyết tật Chăm, nên nhớ: đừng loại trừ tôi và cả anh nữa! (VHXH, tr.117). Nghĩa là không chừa tôi (Inrasara) nằm trong khuyết tật ấy. Điều quan trọng hơn: nêu khuyết tật để làm gì? Phần hai, tôi viết: “chỉ có dân tộc khôn lớn mới có khả năng chế ngự thói tật của mình”, rồi đề xuất 10 biện pháp khắc phục. Vậy mà quý ông cho tôi “đứng lên kết tội một cách tùy tiện người Chăm”.
Trời đất, sao lại hiểu thô thiển vậy chớ!? Tôi viết: “Điểm danh các khuyết tật Chăm”. Các ông sai TO khi đồng hóa: điểm danh = kết án, kết tội!, khuyết tật = tội danh!
“Khuyết” nghĩa là thiếu, chưa đầy đủ. Chăm mình thì hay và tốt rồi, nhưng còn thiếu vài thứ này, nếu khắc phục, Chăm sẽ toàn diện. Thế thôi, làm gì có chuyện “tội danh” hay “kết án” ở đây.
Biết thêm: Từ 2 năm nay, mỗi tuần 1 kì, liên tục báo Thể thao-văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đặt tiêu đề cho các trích đoạn bài viết của các nhà văn hóa lớn của Việt Nam là: “Thói hư tật xấu của người Việt”! Trong tiểu luận của tôi, bên cạnh khuyết tật, tôi có nêu đức tính tốt Chăm, còn các nhà văn hóa người Kinh tuyệt đối chỉ đề cập: cái HƯ – XẤU. Báo này phát hành hơn vạn số/kì. Và độc giả Việt rất hoan nghênh. Cả trăm nhà văn, nhà khoa học, học giả,…từ Hoàng Đạo, Đào Duy Anh, cho đến Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Hạo ,.. Lẽ nào các nhà này lại đi “tố cáo” dân tộc mình, và đại đa số dân tộc “mình” kia lại ủng hộ họ!?
Tìm hiểu và nêu lên cái chưa hay chưa tốt của mình để sửa mình, người Việt có kém văn minh không? Một nhà văn rất nổi tiếng của Trung quốc còn viết nguyên cuốn sách 400 trang: Người Trung quốc xấu xa nữa! Ông này vô cớ kết tội dân tộc mình ư, hỡi các ngài làm khoa học?

8. Đính chính về sự chối cãi rất …ngang

Trao đổi với Dharma về Akayet Dewa Mưno (đây là bài trao đổi khoa học duy nhất của tôi với Dharma), tôi nêu 7 luận điểm trong hơn 4 trang sách (VHXH, tr.149-153), dĩ nhiên không thể kê ra hết được mà chỉ nêu những cái sai tiêu biểu. Vậy mà ông bảo tôi “không đưa ra danh sách 300 lỗi này”. Bài trao đổi đăng tạp chí Khoa học, số01.1996. (Chú ý, trong bức thư gởi cho tôi vào năm 1994, anh Abdul Karim cũng thấy tác phẩm này có “rất nhiều cái sai” – thư này tôi còn giữ). Qua góp ý của tôi, Dharma, khi tái bản Dewa Mưno vào năm 1999 đã sửa lại tất cả, và tôi đánh giá nó “rất giá trị” (quý độc giả hãy tìm đọc 2 bản DW in cách nhau gần 10 năm, đủ thấy). Dharma đã không cám ơn tôi, không nhận mình sai, không trao đổi học thuật với tôi, mà chỉ kết án “đây là văn chương chính trị cùng trường phái với thế lực công an”. Lại chính trị nữa rồi!
Ví dụ đối chiếu: năm 1998, tôi trao đổi học thuật với Ts.Ngô Văn Doanh, Tổng biên tập Tc.Đông Nam Á về Rija Nưgar (VHXH, tr.66-75), ngay sau đó vị tiến sĩ này 4 lần xin lỗi bà con Chăm, 5 lần cảm ơn tôi chỉ trong 2 trang tạp chí. Đấy mới là thái độ của một trí thức đúng nghĩa.

9. Đính chính về dẫn chứng “tư liệu” đầy tính …hư cấu

Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng! Tục ngữ Việt này áp dụng rất đúng với Dharma. Ghét tôi, thế là quý ông ghét lây sang vợ tôi. Không vấn đề gì cả.
Nhưng hãy xem quý ông ghét thế nào? Tr.7, quý ông viết: “Trong tác phẩm này (Fulro?) bà Thuận Thị Trụ kể rằng, thiếu tướng Les Kossem là “một nhà lãnh đạo Chăm vì quá ham danh vọng có thể dùng xác thịt vợ mình để đổi chát với ông vua Sihanouk”; Jaya Mrang là một “tội phạm ái tình chỉ biết tìm thú vui xác thịt với nhiều cô gái người Chăm”; linh mục G.Moussay là “một ông cha đa tình ái, vừa yêu cô ta, nhưng cũng yêu thêm một cô gái Chăm khác”. Rồi ông nêu cả Ngụy Văn Nhuận (ông anh mà cô Trụ rất kính trọng), Yang Neh (người chồng đã mất của cô Trụ), v.v….nữa! Toàn là tin đồn ở thập niên 70 của thế kỉ trước!

Cuốn tiểu thuyết Fulro? của Ngôn Vĩnh in năm 1982, sau đó tái bản thêm 3 lần. Ngay tr.3, ông ghi tên 5 người cung cấp tư liệu, trong đó có 2 người Chăm là Thiên Sanh Cảnh và Thuận Thị Trụ. Nhà văn này có đến nhà thăm và hỏi qua cô Trụ trong một buổi. Sở dĩ ông nêu 2 người Chăm này chỉ với mục đích làm cho sách mình khả tín hơn, bởi một người là trí thức Chăm hàng đầu lúc đó, một thì theo Fulro trở về. Ghi như vậy, chỗ cụ Cảnh thì tôi không biết, nhưng ông đã làm hại cô Trụ không ít. Cô Trụ nhiều lần than phiền về Ngôn Vĩnh (than phiền thôi, chứ thân phận hèn kém của một phụ nữ Chăm dám kiện ai kia chứ!)
Quý ông cố ý hiểu lệch đi để dễ bề xuyên tạc, làm như cô Trụ là đồng tác giả của tiểu thuyết trên. Quý ông viết như thể chính cô Trụ (không thấy nhắc tới cụ Cảnh) mới là tác giả đã kể mấy chuyện tày trời!
Ừ thì ông Ngôn Vĩnh có thể dựa vào tin đồn để hư cấu tiểu thuyết, đó là chuyện của ông. Biết rằng cuốn Fulro? được Giải thưởng văn chương (ban An ninh quốc phòng) của Hội Nhà văn Việt Nam, nghĩa là nó chỉ là tiểu thuyết. Tiếc là có một quý ông đã dựa vào tình tiết trong tiểu thuyết hư cấu để viết nghiên cứu … khoa học! Và quý ngài Dharma mang đăng ngay vào tập san do mình làm chủ. Nhảm nhí! Làm khoa học như thế hỏi có đồng bào nào nhịn …cười nổi không!?

10. Đính chính về lối đọc văn bản biến vai rất phụ thành vai chính

Ariya Glơng Anak là thi phẩm rất mỏng, chỉ vỏn vẹn 116 câu ariya-lục bát Chăm, nhưng có lẽ nổi tiếng nhất của Chăm. Ariya Glơng Anak được các thế hệ trước thuộc nằm lòng. Mỗi vị Chăm hiểu và giảng mỗi cách, nhưng tựu trung họ thống nhất một mối: Glơng Anak là thơ tiên đoán. Sống trong không gian văn hóa ấy, tôi chấp nhận cách tiếp nhận đó, nhưng tôi đã hiểu khác ông bà ta.
Ariya Glơng Anak được Thiên sanh Cảnh dịch ra tiếng Việt lần đầu thuở ông chủ bút Nội san Panrang; ông lấy tiêu đề là Thơ tiên đoán, như mọi người Chăm hiểu như thế. Năm 1994, Inrasara là người đầu tiên viết bài nghiên cứu về thi phẩm này, trong Văn học Chăm – khái luận. Sau đó, năm 1995, ariya được tôi dịch trọn vẹn và in trong Văn học Chăm2 – trường ca. 10 năm sau, Champaka4 (2004), trong một bài viết, Dharma quyết tìm cách chê nó. “Khám phá” cái sai của công trình khoa học 10 năm sau nó ra đời thì không gì dễ hơn. Nhưng hãy xem ông khám phá thế nào? Ông viết: Inrasara “kết luận rằng Ariya Glơng Anak cùng “mang dáng vẻ sấm kí”.
Ở đây tôi chỉ đề cập vấn đề rất cụ thể: việc đọc-hiểu của Dharma. Để tránh thái độ cắt vụn câu văn trong mạch văn phê phán theo chủ định của mình, tôi xin mạn phép trích đầy đủ cả đoạn (của tôi lẫn Dharma).

Trong Champaka4, tr.66, Dharma viết: “Nhà nghiên cứu đầu tiên là Thiên Sanh Cảnh cho rằng Ariya Glơng Anak là một bài sấm ký, tiên tri những sự kiện sẽ xảy ra ở Panduranga. Nối gót Thiên Sanh Cảnh là Inrasara. Không cần đưa ra những dữ kiện lịch sử nào để minh chứng…, Inrasara còn dựa trên một số câu có ngày tháng mà tác giả cũng không cần đặt lại vấn đề có chăng đây là ngày tháng của biến cố lịch sử thật sự hay chỉ là niên đại hư ảo, để rồi kết luận rằng Ariya Glơng Anak cùng “mang dáng vẻ sấm kí”.

Trong cuốn Văn học Chăm–khái luận (1994, tr.205 ), Inrasara viết:
Ariya Glơng Anak, là một thi phẩm xuất sắc nhất trong dòng văn học cổ điển Chăm. Dựa vào ngôn từ nhà thơ sử dụng, dựa trên thể thơ cũng như nội dung tác phẩm, người ta có thể đoán rằng Ariya Glơng Anak được sáng tác vào cuối thế kỉ XVIII. Nhưng với tựa Glơng Anak, người ta dễ lầm tưởng đây là một tập thơ “tiên đoán” mang nặng tính sấm kí, thỉnh thoảng được chêm vào trong đó một vài câu khuyên răn có tính luân lí. Từ “Glơng” ở đây không có nghĩa là “đoán” mà là “nhìn”. “Glơng anak linhaiy likuk: nhìn trước ngó sau”. Ngay sau đó, tr.206, tôi viết: “Chúng ta nhận thấy rằng, cũng như các thi phẩm thuộc dòng thơ thế sự khác, Ariya Glơng Anak cũng có những câu mang dáng vẻ sấm kí. Nhưng ở đây, tính thời sự và tính tâm lí lại lấn lướt hẳn.”

Cả đoạn văn trên nói gì?
– Tôi đính chính lại cách hiểu cũ về tiêu đề (tít) tác phẩm: “Glơng” ở đây không có nghĩa là “đoán” mà là “nhìn”.
– Đính chính lại cách hiểu cũ về nội dung tác phẩm. Ưu tiên 1. tính thời sự – ưu tiên 2. tính tâm lí lấn lướt hẳn – ưu tiên 3. mới là những câu mang dáng vẻ sấm kí. Ngay ưu tiên 3 này, cũng chỉ là mang dáng vẻ thôi. Vậy mà Dharma cho tôi “kết luận rằng Ariya Glơng Anak cùng “mang dáng vẻ sấm kí”, để dễ phê phán!
– Quan trọng hơn, ai đọc Văn học Chăm cũng thấy: tôi xếp Ariya Glơng Anak vào Chương Thơ thế sự, và đây là tác phẩm được phân tích đầu tiên trong chương này.
Thế đó, tôi viết rành mạch như thế, bằng tiếng Việt với cấu trúc ngữ pháp hôm nay, vậy mà Dharma hiểu thành ra như thế; thì làm sao ông có thể thuyết phục ai tin khả năng tiếp cận của ông về tác phẩm cổ điển có ý nghĩa cao cường như thi phẩm Glơng Anak!?

11. Đính chính về sự quy chụp biến mèo thành
chuột

Phê bình Nai mai mâng Mâkah, quý ông chê tác giả của ariya cổ điển Chăm này “có những hiểu biết sơ sài, thô thiển” (des connaissances rudimentaires), sau đó tôi mới nói lại là “vì các anh không hiểu bản chất văn học” nên đã chê tổ tiên như thế (VHXH, tr.145). Quý ông chê bai tổ tiên thì được, nhưng khi tôi phê lại thì quý ông cho là: “Inrasara dùng ngòi bút của mình để bôi nhọ và tẩy chay một cách tùy tiện … ba nhân vật” gồm Moussay, Dharma và Karim!
Bà con thấy thế nào?

12. Và mới nhất, đính chính về sự nguỵ biện …tài tình
nhưng đầy sơ hở

Chữ Chăm của Ban biên soạn sách chữ Chăm.

Rồi bất ngờ, xảy ra vụ ông tố cáo BBS “phá hủy chữ Chăm” trước dư luận thế giới. Bộ GD&ĐT có mời tôi viết tham luận giải minh sự việc, tôi đọc Báo cáo của ông.
Đọc bài Báo cáo của Dharma tại Hội thảo “Văn hóa chữ viết ở khu vực Đông Nam Á lục địa” ngày 3&4.2.2006 tại Osaka – Nhật Bản, được đăng tải trong Harak Champaka12 ông gởi cho mọi người qua hình thức thư điện tử, sau đó là tham luận của ông trong hồ sơ Hội thảo lịch sử ngôn ngữ… tại Mã Lai với lời lẽ phê phán rất nặng nề BBS, trong đó đa phần là các cụ đã [hoặc sắp] mất. Có thể nói, điều gây ấn tượng cho tôi hơn cả chính là các hình dung từ, cùng bao mệnh đề hô to khác, như:

“sai lầm mục tiêu”, “học ngôn ngữ chữ viết Chăm hoàn toàn ngoại lai với chữ viết truyền thống của họ”, “đưa di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm đi vào hố thẳm”, “biến học sinh thành người mù chữ tiếng Chăm”, “phá hủy cả một di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm”, “rạn rứt trầm trọng trong cộng đồng người Chăm” và bị “cộng đồng Chăm phản đối”, …Và cuối cùng là lời kết: “Năm 1975 là năm đánh dấu cho định mệnh tăm tối nhất của akhar thrah Chăm. Biểu tượng cho định mệnh tăm tối này là sự ra đời của Ban biên soạn tiếng Chăm ở Việt Nam”.

Hãy để quyền định giá khối ngôn từ trên cho mỗi người. Riêng tôi, tôi nghĩ: ngay cả một nhà thơ tài năng cũng khó mà tưởng tượng ra các cụm từ đó để gán cho một cơ quan đã từng tập hợp các tên tuổi ưu tú nhất của dân tộc cộng tác. Về vụ này, tôi đã phân tích và lí giải khá là chi li tại Hội nghị ngôn ngữ Chăm ở Ninh Thuận vào đầu năm 2007. Xin không nói lại ở đây, và chỉ nêu kết luận như sau:

– [Dharma] quyết rằng akhar thrah đã “rất ổn định”: rất sai! Cứ mở Từ điển E.Aymonier bất kì trang nào ra cũng đủ thấy.
– Quyết rằng BBS phạm “7 sai lầm cơ bản về cấu trúc chữ viết” là trầm trọng hóa vấn đề!
– Quyết rằng chữ Chăm cũ là “truyền thống”, chữ Chăm mới của BBS “hoàn toàn ngoại lai” là: lập lờ đánh tráo khái niệm và, tiếp tục sai!
– Lối cải biến chữ mẹ đẻ của BBS đã tiếp nhận lối cải biến của các tác giả thời kì thứ 3 (thời Từ điển G.Moussay): chọn lựa, thêm hay lược bớt nét chữ đã có từ kho truyền thống. Quyết rằng BBS “phá hủy cả một di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm” là tỏ ra chưa chín chắn và, càng sai.
– Quyết rằng BBS đã “biến học sinh thành người mù chữ tiếng Chăm”, “một thế hệ vô dụng” là nói cho có nói, và tự chứng tỏ chưa sâu sát vào thực tế cuộc sống cộng đồng.

– Cạnh đó, Dharma còn chứng tỏ là người sử dụng thủ thuật ngụy biện có nghề. Trước tiên, ông dùng thủ thuật ngụy biện biệt danh (argumentum ad verecundiam) khi tìm kiếm sự hỗ trợ cho quan điểm của mình bằng cách lôi kéo Tagalau – một tuyển tập phổ cập trong cộng đồng Chăm do Inrasara làm chủ biên – về phe mình, khi viết “Tập san Tagalau của Chăm vẫn viết theo akhar thrah truyền thống”. Tiếc cho ông: đây là cái sai dễ thấy hơn cả!
– BBS qua các giai đoạn, đã tập hợp đại đa số trí thức Chăm hàng đầu cộng tác, là cơ quan luôn gần gũi dân (trí thức, chức sắc tôn giáo, thân hào nhân sĩ, thành phần giáo viên, mấy thế hệ học sinh, và bao nhiêu người dự lớp học chữ mẹ đẻ,…), và suốt 30 năm chưa có văn bản phản đối của một “nhân dân” nào. Chỉ đến khi chưa đầy một năm qua, ông nổi hứng tố cáo BBS, mới có vài “nhân dân” tin nghe ông. Quyết rằng BBS “là công cụ chỉ phục phụ sở thích cho một vài cá nhân” là ông đang vận dụng hình thức ngụy biện áp chế (argumentation ad baculum) khi cố ý lôi “nhân dân” về phía mình nhằm cô lập đối phương chỉ có “một vài cá nhân” để dễ phê phán.
– Quyết rằng BBS làm “rạn rứt trầm trọng trong cộng đồng người Chăm” là nói vu một cách phi lí. Qua đây cho thấy ông tiếp tục sa vào hình thức ngụy biện kích động (argumentation ad populum), như thể ông đang đại diện sự đoàn kết của nhóm quần chúng nào đó và, mượn danh quần chúng đó cáo giác BBS.
– Cuối cùng, kết rằng “năm 1975 là năm đánh dấu cho định mệnh tăm tối nhất của akhar thrah …bằng sự ra đời của Ban biên soạn tiếng Chăm ở Việt Nam” là lời kết hùng hồn, to và … rỗng hơn cả!

* Kết luận:
Đến đây, một chữ TẠI SAO to tướng đặt ra trước bà con, anh chị em chúng ta.
Tại sao và nguyên nhân sâu xa hay gần gũi nào xui khiến ông hành xử như vậy?
Bởi nhìn kĩ, hầu hết các “sưu tầm”, “trích dẫn”, “nhận định” của Dharma đều như thế cả! Liệt kê cả ngày cũng không hết. Có lẽ ông muốn độc quyền [luận giải] lịch sử-văn hóa Champa chăng? Nếu thế thì buồn cho ông xiết bao! Đấy là chưa nói “tính chất dân tộc chủ nghĩa” dễ mang đến nhận định lệch lạc tai hại, như sử gia Tạ Chí Đại Trường một lần cảnh giác. Do đó, sau Champaka4, tôi không đọc gì của Dharma nữa, dù ông còn “nhận định” về tôi rất nhiều. Mất thời giờ vô ích. Vài năm qua, tôi chờ đợi ông thay đổi thái độ và phong cách làm việc. Tôi chưa mất hẳn tin tưởng vào ông.

Ném ra trăm tiếng hận thù thì dễ triệu lần hơn nói một lời yêu thương.

Từ tận bề sâu tâm khảm, tôi muốn nói lời yêu thương với ông. Rất nhiều bà con Chăm cũng muốn thế. Tôi chờ đợi, và bà con Chăm chờ đợi tinh thần nhân bản của Ariya Glơng Anak trở lại với cộng đồng Chăm, như nó vốn hiện hữu:

Jhak hadom ppataba, ginaung habơr ba ppasiam
[Chuyện có] xấu bao nhiêu thì hãy làm nhạt bớt;
[Lòng có] giận thế nào thì cũng gắng mà làm lành
.

Do đó, tôi rất mong đây sẽ là lần đính chính cuối. Chuyện “đính chính” này tôi không bao giờ muốn, và tôi nghĩ bà con cũng vậy – chẳng đặng đừng tôi phải làm thế. Có thể nói, nó chẳng mang thêm tri kiến nào cho bà con cả, nói chi tình thương và niềm vui sống. Còn nếu ông vẫn cứ giữ thái độ như thế, thôi thì đành vậy. Chúng ta chỉ còn mong trời phật cứu hộ độ trì cho ông sớm học được chữ NGỘ để bà con đỡ khổ. Chớ còn biết phải làm gì?!
Sài Gòn, 24.07.2007.
___________
Ps: “Đính chính về Champaka”, – chính danh phải gọi là “Đính chính về Po Dharma”. Cho dù có vài “đính chính” không thuộc sở hữu ông, nhưng với tư cách là chủ bút Champaka, ông không thể thoái thác trách nhiệm! Inrasara là chủ biên Tagalau, nếu tôi cũng hành động như ông – nghĩa là mang đăng các bài phê phán và lên án ông của các tác giả khác (trong tay tôi có cả khối) –, hỏi xã hội Chăm nát bấy thế nào? Nhưng Tagalau sẽ không bao giờ hạ mình làm chuyện nhỏ nhen đó.
Nên, tôi muốn có lời cuối cho ông: Nhớ rằng, Champaka không chỉ viết cho Chăm, người ngoài vẫn có thể đọc nó. Thử hỏi nếu người Việt – cả trong lẫn ngoài nước – đọc phải các “trích dẫn”, “nhận định”, “đọc-hiểu” đó của ông, rồi đem đối chiếu với nguyên văn của tôi, thì họ nghĩ thế nào về ông? Rộng hơn – về trí tuệ Chăm?
Do đó, với tư cách người đồng tộc, tôi thật lòng khuyên ông: Cần tự tri về sự hữu hạn của tri thức con người, từ đó hạn chế tối đa bàn về lãnh vực không thuộc chuyên môn mình. Nói như thế không phải một khi đã là chuyên gia thì viết cái gì cũng đúng. Người “ngoại đạo” vẫn có thể có ý kiến xuất sắc, nhưng họ khiêm tốn đặt câu hỏi hay nhận định nhẹ nhàng chứ không phán định như đinh đóng cột được. Nhất là vấn đề thực trạng xã hội Chăm hôm nay mà ông mới qua “nghe nói” còn rất mơ hồ.
Còn nếu cứ một mực “nhận định” về văn học, về tôi, về vấn đề ngoài chuyên môn ông thì đảm bảo viết tới đâu SAI tới đó, như ông đã từng phạm phải. Qua đó, vô hình trung ông gây cho người đọc nghi ngờ khả năng tiếp cận văn bản thuộc thể loại khác. Rất không hay cho uy tín ông, không phải uy tín về văn học – chuyện ông chưa hề có – mà cả uy tín về chính ngành chuyên môn của ông nữa!

___________________
Chú thích:
* Các chữ viết tắt: CVĐ: Inrasara, Các vấn đề văn hóa-xã hội Chăm (VHDT, 1999); VHXH: Inrasara, Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại (Văn học, 2003); BBS: Ban biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận.
ChampakaII, IOC-Campa, USA, 2002; ChampakaIV, IOC-Campa, USA, 2004; Po Dharma, … , Nai Mai Mâng Mâkah – EFEO, Malaysia, Kuala Lumpur, 2000; Akayet Dewa Mano, Kuala Lumpur, in lần đầu 1989; lần hai: Akayet Dowa Mano, Po Dharma, …P.N.M. et EFEO, Kuala Lumpur, 1998.
Tạ Chí Đại Trường, Tc.Văn học, Hoa Kì, Xuân 2004.

__________
Chối bỏ hay quay lưng lại với một hiện tượng xã hội thì không gì dễ hơn là đi vào lòng xã hội để tìm hiểu hiện tượng đó.
Nỗ lực làm ra tác phẩm nghệ thuật thì khó vạn lần hơn phát ngôn chê bai tác phẩm nghệ thuật.
Vạch lá tìm sâu để phê phán công trình khoa học thì không gì dễ hơn bỏ công xây dựng một công trình khoa học.
Và cuối cùng, ném ra trăm tiếng hận thù thì dễ triệu lần hơn nói một lời yêu thương
.
Inrasara.

11 thoughts on “Đính chính Champaka

  1. Bài viết này từ năm 2007 gần hai năm rồi vậy mà đến ngày hôm nay tôi mới ghé đọc. Tụt hậu wa! Đọc rồi càng thấy buồn thêm. Hèn gì lâu nay bà con cứ than phiền;” Xã hội CHĂM có mấy ai..? vậy mà các anh cứ lo nói xấu nhau, chúng tôi làm sao đây…?”
    Dưới góc nhìn của tôi. Lúc nào người trong cũng có lợi thế hơn người ngoài ” bên nội hơn bên ngoại mà..!”
    Chúng ta nên hiểu là ông Dhama đã rời quê hương ra đi hơn bốn chục năm nay. Vì ai..?
    Còn ông Inrasara hôm nay được như thế! Chúng tôi cũng tự hào lắm chứ,
    Cộng đồng người CHĂM có được mấy người như các anh..? Các anh mà còn như thế..! Chúng tôi chúng không hận vì sao CHĂM lụi tàn…??? Trân Trân.

  2. Toi rat thich doc cac tac pham viet ve lich su cham, cang thich noi teng cham khi gap cac dong huong

  3. Tôi rất thích tìm hiểu về lịch sử- văn hóa Chăm và cũng quý trọng các tác phẩm thơ ca, đề tài nghiên cứu về Chăm. Càng quý trọng hơn các chú, bác, anh chị có quan tâm về Chăm.

  4. Hình như ông Po Dharma khi bắt gặp một sự kiện, một vấn đề đều bị cái ám ảnh “chính trị” nhiều quá, nhiều vấn đề đơn thuần chỉ là văn hóa/xã hội nhưng ông cứ cố lồng thêm gia vị “chính trị” vào

    Cách nhìn của ông Po Dharma với xã hội Chăm tại quốc nội cũng có nét giống với cách nhìn của một số người Việt (Kinh) ở hải ngoại với xã hội VN tại quốc nội

  5. Rối như canh hẹ!…không biết đâu mà lường ! cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền bon chen ở chốn nơi xa đất lạ vốn dị đã cực khổ ! vậy mà khi đọc những dòng tin này….buồn quá !…thôi thì mỗi người có một lý do riêng hay cách nhìn nhận đánh giá khác nhau nhưng làm ơn …đừng chửi nhau nữa ! chán nản…mỏi mệt…không biết tin vào cái gì !…tôi không bình luận về đúng hay sai…nhưng cứ chửi nhau..hay…”đính chính” …như thế này thì còn ra gì chứ !….tôi chỉ có một ước mơ ! một ước mơ nhỏ nhoi thôi..! là khi mỗi ngày lên inrasara.com luôn luôn đọc những tin vui !..tin cộng đồng chăm mình..!..hãy làm…làm…làm…và đừng nói !

  6. Ngoc Thao làm 1 việc lạ đời!
    1/- Đây là bài đính chính. Đính chính là người trước nói có thể “sai”, người sau nói lại. Còn đúng sai thế nào thì phải có trình độ mới nhận ra được. Vậy là yêu cầu NT phải có trình độ.
    2/- Bài này viết từ năm con Cóc rồi, sao mãi bây giờ mới nói??? NT lạc hậu quá đấy.
    3/- Tại sao đọc Inrasara.com mà có thích mỗi tin vui, tin mừng, tin hiếu hỉ??? Lò hạt nhân có vui không? Tin trí thức mà đi nịnh bợ Đ có mừng không?
    Phải có nhiều thứ mới ra web chứ. Ông Inrasara lập trang này đa dạng, phong phú nên hấp dẫn đồng bào là như vậy.

  7. ….THẬT LÒNG KHÔNG BIẾT NÓI SAO BÂY GIỜ ! THẾ NÀO ĐÚNG? THẾ NÀO SAI?..ĐÓ LÀ QUAN NIỆM TỰ DO CỦA MỖI NGƯỜI..! XIN THƯA VỚI CÁC BẠN LÀ…TÔI KHÔNG TỐT ĐẸP…CHÍ LỚN…CAO CẢ…HAY…ĐẲNG CẤP “TRÍ THỨC”…SIÊU PHÀM NHƯ CÁC BẠN ĐÂU..!TÔI CŨNG KHÔNG DÁM LÀM “VIỆC LỚN”…TO TÁC NHƯ CÁC BẠN..! TÔI VỐN CHỈ LÀ MỘT NGƯỜI CHĂM BÌNH THƯỜNG,BÌNH THƯỜNG NHƯ LẶNG LẺ NHƯ SỐNG THÔI..! VÀ TÔI CHỈ BIẾT LO CHO GIA ĐÌNH,VỢ CON HAY CỘNG ĐỒNG CHĂM Ở LÀNG TÔI THÔI..! NHƯNG TẬN ĐÁY LÒNG TÔI HIỂU RẰNG MÌNH ĐANG LÀM CÁI GÌ THIẾT THỰC NHẤT CHO NGƯỜI CHĂM..! CHÚNG TÔI KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGƯỜI SỐNG VÔ HỒN…VÔ THỨC…VÔ TỔ QUỐC MÀ KHÔNG CẢM NHẬN ĐƯỢC NHỮNG GÌ XẢY RA XUNG QUANH MÌNH..! CHÚNG TÔI BIẾT,HIỂU NGHE VÀ THẤY NHIỀU LẮM ! NHƯNG LÀM ĐƯỢC GÌ NÀO???…BIỂU TÌNH NGĂN CẢN À ?… BẠO LOẠN ? HOẶC GỬI THƯ KIẾN NGHỊ CHÍNH PHỦ DỪNG CÁC DỰ ÁN VỀ ĐIỆN HẠT NHÂN??….HAY LẠI ĐẤU ” VÕ MỒM” VÔ ÍCH TRÊN CÁC TRANG WEB…! KHÔNG ! KHÔNG…!CHẲNG LÀM ĐƯỢC CÁI ” ĐÁCH ” GÌ HẾT !…VÌ ĐÓ LÀ MỆNH LỆNH,LÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ! CÒN VIỆC CHỦ TRƯƠNG NÀY ĐÚNG HAY SAI THÌ CÓ..ÔNG TRỜI MỚI BIẾT ĐƯỢC!…NHƯNG CÓ MỘT SỰ THẬT LÀ TỪ KHI NHÀ NƯỚC MỞ CỬA THÌ ĐỜI SỐNG CỦA CỘNG ĐỒNG CHĂM ĐƯỢC CẢI THIỆN RÕ RỆT..!…ĐÓ LÀ NHỮNG ĐIỀU TÔI NGHE VÀ THẤY !…
    CÒN VIỆC “ĐÍNH CHÍNH”….THẬT LÀ NỰC CƯỜI..! NẾU NÓI LÀ BÀI “ĐÍNH CHÍNH” NÀY ĐÃ CÓ LÂU RỒI THÌ….HÔM NAY CÒN ĐĂNG LÊN WEB LÀM GÌ?..Ý ĐỒ GÌ? THÌ CHỈ CÓ TÁC GIẢ MỚI BIẾT !…ÔNG INRASARA KHỎI CẦN PHẢI THANH MINH THANH NGA HAY GIẢI THÍCH GÌ THÌ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI CHĂM AI CŨNG HIỂU RÕ LÀ AI ĐÚNG AI SAI!AI MỚI LÀ NGƯỜI THỰC TÀI VÀ CÓ ÍCH CHO CỘNG ĐỒNG CHĂM !…TÔI CHỈ MUỐN NÓI RẰNG,XIN CÁC BẠN ĐỪNG MƠ MỘNG…ĐỪNG HUYỄN HOẶC VÀ CŨNG ĐỪNG CÓ” BÌNH LUẬN”…CHO NÓ ĐÃ CÁI MIỆNG,ĐÃ CÁI TÔI CỦA MÌNH…MÀ CUỐI CÙNG CHẲNG MANG LẠI LỢI ÍCH GÌ HẾT..! THẬT VÔ ÍCH !…! NÊN HÃY SỐNG CHO TỐT CHO BẠN THÂN,GIA ĐÌNH VÀ CHO XÃ HỘI NÀY CÁI ĐÃ RỒI MUỐN LÀM GÌ THÌ LÀM..!

  8. Nhà thơ Inrasara kính mến! (hôm nay tôi nổi hứng kính mến ông đó)

    Mấy còm như của Muoinamtinhcu này ông đừng OK nữa giùm tôi có được không?
    Muoinamtinhcu này viết toàn cái sai bậy, tạm nêu 3 cái bậy sau:
    – Bài viết từ năm 2007, đăng năm 2007, sao hỏi là HÔM NAY CÒN ĐĂNG LÀM GÌ?
    – Ông này viết “hãy sống tốt bạn thân, gia đình và và cho xã hội này cái đã rồi muốn làm gì thì làm”. Câu này đích thực NGU hết chịu nổi!
    – Ông này viết sai chánh tả quá trời!!!! (bạn thân, to tác,…)

    Tôi thấy ý đồ ông bạn này hiện ra rõ rệt:
    – Muốn đánh lạc hướng chuyện thời sự nóng mà bà con và độc giả đang bàn luận.
    – Muốn tất cả mọi người sống yên thân đi, đừng bàn chuyện xã hội gì cả.

  9. Sao bác INRA còn chấp thuận đăng mấy comment như cua Muoinamtinhcu hay cua Ngoc Thao nhỉ?
    Con thấy họ hơi có cái gì đó trục trặc, không hay lắm.

  10. Bài này post lên từ năm 2007, nghĩa là đã HƠN 5 NĂM, vậy mà mãi bây giờ lâu lâu vẫn có người “phản hồi” với nội dung rất sai bậy. Như vậy là lạc hậu tình hình, cho nên BBT không đăng lên. Mong hiểu cho.
    Thuk siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *