Tháp nắng
Thơ & trường ca
Nxb.Thanh niên, Hà Nội, 1996.
Số lượng in: 700cuốn.
100 trang, khổ 14,5X20,5cm – giá bán: 10.000đồng.
Tập thơ gồm 22 bài thơ và 1 trường ca, chia làm 3 phần: I. “Về” – II. Trường ca “Quê hương” – III. “Con đường”.
Dư luận – trích
*
Ở Tháp nắng, một tấm lòng trân trọng quê hương và con người quê hương có mặt trong từng câu thơ, từng ý thơ…”Apsara” – như kìm nén, như bung phá…”Tháp hoang” – hoang khứ, âm u, dã sử mà bay bổng.
Lò Ngân Sủn, Tc.Văn Tp.HCM, số70, 08.1997.
*
Là nhà thơ có phong cách riêng, khá nổi trội. Thơ Inrasara biểu lộ cảm xúc trữ tình đầy chất trí tuệ.
Trúc Thông, Báo Lao động, 08.07.1997.
*
Công bằng mà nói thì Tháp nắng vẫn còn một số câu cứng, ít hàm ngôn – ấy là dư ba của tác phong khoa học. Song điều đó lại càng chứng tỏ rằng Inrasara làm thơ không phải để làm duyên.
Lương Ngọc An, Báo Giáo dục & thời đại, 31.01.1997.
*
Tháp nắng dày chưa tới 100 trang in nhưng sức chứa của nó ăm ắp đầy. Là tháp, ngọn nó khá cao; là nắng, nhiệt nó khá mạnh…. Mạch thơ tuôn chảy dồi dào. Ấn tượng để lại cho người đọc là tình yêu sâu nặng với quê hương ca hát bằng tiếng thơ đằm thắm, cội nguồn cổ kính mà âm điệu tân kỳ.
Trần Lê Văn, Báo Văn nghệ, số27, 04.07.1998
*
Với Tháp nắng, Inrasara đã góp vào văn học các dân tộc thiểu số thêm một tiếng nói, một tâm niệm, một nỗi niềm đau đáu về quê hương dân tộc.
Nỗi đau, nỗi buồn và cả niềm kiêu hãnh đó đã có từ Y Phương, qua Mã A Lềnh đến Inrasara. Nhưng đến Inrasara, thơ các dân tộc thiểu số mới có được tiếng nói đầy đủ, sâu sắc, mãnh liệt, da diết về quê hương và dân tộc. Có thể nói đó là sự vang vọng của văn học viết các dân tộc thiểu số về quê hương và dân tộc mình. Nó như là một dự báo không mấy bình lặng trong việc giữ gìn và phát huy văn học dân tộc nói riêng và trong văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung.
Lâm Tiến, Thơ của các nhà thư dân tộc thiểu số, 2003.
*
Anh như con tằm nhả tơ, cần mẫn trong nghiên cứu và cả trong sáng tác. Anh chiêm nghiệm cuộc đời để sáng tạo những vần thơ đẹp. Anh gom góp, chắt lọc, gạn đục khơi trong để hình thành Tháp nắng với một phong cách riêng, giọng thơ riêng của mình.
Trần Ngọc Trác, Báo Văn Nghệ Dân tộc và Miền núi, số03.1998.
*
Chỉ với trường ca “Quê hương”, Inrasara đã xuất hiện như một nhà thơ có tầm… Một cái nhìn sáng suốt trí thức, một trái tim nghệ sĩ dằn vặt. Đây là một trong số trường ca hay nhất của thơ Việt hiện đại. Người đọc được tác giả lôi kéo trong một cơn say mà rất tỉnh, tỉnh mà vẫn say, phát giác và phát giác.
Trúc Thông, Báo Văn nghệ, số27, 04.07.1998.
*
Inrasara có những suy nghĩ rộng xa, đôi khi u uẩn về số phận con người, về một nỗi niềm cố quận. Ý thơ anh cấu thành từ phần chìm của hồn người hơn là phần nổi của công việc. Từ Bàn Tài Đoàn đến Inrasara, thơ của các thi sĩ dân tộc ít người trên đất nước ta đã có một bước phát triển đáng ghi nhận.
Vũ Quần Phương, Báo Văn nghệ, 24.01.1998.
*
Từ năm 1996, giới văn học bắt đầu chú ý đến những bài thơ của Inrasara in trên các báo, tạp chí. Tập thơ Tháp nắng gồm 22 bài thơ và 1 trường ca đã trở thành “hiện tượng thơ ca” của Việt Nam năm 1999.
Phan Quốc Anh, Báo Văn hóa, 15.12.1999.
*
Giải thưởng năm nay, ngoài khuôn mặt quen thuộc trong làng văn là nhà thơ Vũ Quần Phương, xuất hiện một cây bút mới toanh người dân tộc Chăm – Inrasara. Miền đất Ninh Thuận, nơi tuổi thơ Inrasara trải qua, kí ức ngập tràn nắng-cát-xương rồng… Thơ anh mang nhiều nét triết lý, điều hiếm thấy ở các nhà văn dân tộc thiểu số.
Hoàng Hà, Báo Văn hóa, 14.01.1998.
*
Thơ Inrasara gây ấn tượng cho người đọc không chỉ là những cấu trúc, tứ thơ hiện đại, mà chính là hình ảnh của một con người trung thực, cô đơn và mãnh liệt trên con đường tìm kiếm chân lý sống.
Minh Tự, Báo Tuổi trẻ chủ nhật, 13.12.1998.
*
Tên tuổi của Inrasara xuất hiện và lập tức gây ấn tượng bằng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Chỉ với tập thơ Tháp nắng, Inrasara đã được dư luận đánh giá là một nhà thơ tài hoa.
Lương Định, Báo Tiền phong, 03.09.1998.
*
Dù Tháp nắng có đôi bài vượt ra khỏi sự hiểu của vài đối tượng, nhưng tất cả đều nhận được từ nó sức lôi cuốn không thể cưỡng. Một giọng thơ, một hơi thơ như cơn giông miền duyên hải cuốn hút ta.
Tc.Văn nghệ Dân tộc và Miền núi, số07.1998.