Con đường lửa thiêng
Con đường vẫn trầm vọng gọi băng qua những tầng dày mò lịch sử dưới sóng lớp phế hưng của vạn ngàn triều đại đã qua và vạn ngàn triều đại sắp tới.
Con đường vẫn trầm vọng gọi.
dù ban trưa là ban trưa đẫm máu chiến phần
hay dù buổi chiều tù đày khu trục bước chim non
dù buổi tối lao lung những vong hồn lang thang lạc lõng
hay dù ban mai đã đánh rơi niềm thích thản tiêu dao và xô về bao nỗi lo âu thấp thỏm hằn lên từng khuôn mặt đã võ vàng.
Con đường vẫn trầm vọng gọi.
Tiếng gọi xé không gian băng sa mạc rừng rú sông hồ làng mạc hải đảo đồng bằng tiếng gọi làm tắt nghẽn tiếng động rì rầm của thành phố, âm thanh của bom đạn, của phản lực cơ rền vào vòm thời đại bao lần làm nguy cơ xô con đường vào trường say sóng.
Tiếng gọi của con đường vẫn gọi về
dù chiến cuộc đã đẩy tới vạn ngàn đám di dân đói khát lê chân rớt lại trên con đường bao thi thể ốm nhom
hay dù con người đã làm đầy ứ mặt đất với những rác rưởi của đầu óc mưu toan tổ chức địa cầu bằng hằng sa ý hệ chiến tranh.
hay dù nỗi lo âu thường nhật từng đổ về bao khuôn mặt vô hồn bôn chôn khua ồn những độn ngữ độn ngôn một thời toan làm tiếng gọi của con đường im tiếng.
Con đường vẫn trầm vọng gọi.
trên bước chân người nông dân ban mai chiếc xe trâu lịch kịch vào rừngqua tiếng chim vỗ cánh chở ráng đỏ chiều hôm đi về vùng bóng tối xa xăm
trong tiếng gà ban trưa vang qua cõi không gian lắng đọng.
trong tiếng chó tru ma từ thuở nào mãi dội vào hoài vọng đêm tăm.
Tiếng gọi vô ngôn vọng từ những dấu chân vô ngấn tích của những thánh nhân ngàn xưa đã đi biệt về phía con đường.
tiếng gọi gọi trở về cho những con người còn biết im lặng lắng nghe hân hoan đưa bàn chân đạp lên con đường trong tiếng gọi.
con người cuối cùng không còn biết chối từ mê cung lịch sử vẫn mở tâm đón nhận tiếng gọi của con đường trên bước chân đi về miền quê hương cháy lửa.
Và con đường mãi trầm vọng gọi.
Lời bình – Ts. Nguyễn Thị Minh Thái
Con đường bỗng đi vào cảm hứng mãnh liệt của thi sĩ người Chăm Inrasara, để trở thành một tứ thơ lạ biệt, của bài thơ “Con đường lửa thiêng” của tập thơ Tháp nắng.
Lấy tứ thơ từ con đường, nhưng Inrasara không nhằm đưa đến cho thơ mình một con đường hữu hình. Con đường trong bài thơ là một biểu trưng bay bổng, tượng trưng cho mảnh đất miền Trung khắc nghiệt nằm giữa một bên núi, một bên biển; mảnh đất đầy nội lực và gió bụi của Inrasara. Trong cảm hứng lãng mạn, con đường ấy đã thăng hoa thành lửa thiêng, thành tiếng vọng trầm của lịch sử, rồi trở thành sâu hút dưới lớp sóng phế hưng của vạn ngàn triều đại đã qua và vạn ngàn triều đại sắp tới…
Con đường đã xuyên qua những khoảnh khắc thời gian mang nhiều tính biểu trưng. Nhưng con đường của Inrasara không nản lòng, vẫn dâng tràn sức sống: con đường vẫn trầm vọng gọi. Từ chính khoảnh khắc này, con đường hiện hữu thành tiếng gọi. Tiếng gọi của con đường, từ đây, bắt đầu hiện hình theo mạch đi bi hùng của cảm xúc thi sĩ.
Cuối chót bài thơ, khi cảm xúc dâng cao đỉnh điểm, tiếng gọi con đường đã được đẩy lên cõi thiêng, của… vô ngôn vọng từ những dấu chân vô ngấn tích, của sự gọi trở về cho những con người còn biết im lặng lắng nghe… Hồi âm đẹp nhất của tiếng gọi của con đường chính là con người cuối cùng không còn biết chối từ mê cung lịch sử vẫn mở tâm đón nhận tiếng gọi của con đường trên bước chân đi về miền quê hương cháy lửa… Và con đường mãi trầm vọng gọi…
“Con đường lửa thiêng” không phải là một bài thơ tình ướt đẫm tình cảm yêu đương. Nó có vẻ đẹp trí tuệ của một dạng thơ triết lí – tự sự, tuân theo mạch cảm xúc bi hùng về lịch sử, quê hương, số phận dân tộc. Dạng thơ này thường khó dung hợp giữa cảm xúc dồi dào với những suy tư lịch sử thâm trầm của chủ thể thơ, vào trong một bài thơ có cấu tứ triết lí. Vậy mà nhà thơ Inrasara đã khéo phối kết quấn quyện cả hai phẩm chất trong thi phẩm Con đường lửa thiêng. Bài thơ có tứ thơ lạ, dù khởi điểm của nó chỉ là một hình ảnh thông dụng: con đường. Song, được dẫn dắt bởi cảm hứng bay bổng thăng hoa, con đường đã hoá thiêng, thành tiếng gọi trầm, vọng mãi như tiếng vọng ngàn năm từ lòng đất mẹ. Giá trị trí tuệ đáng kể nhất của bài thơ là ở chỗ đó. Và sự mạnh khoẻ về hình ảnh thơ trong bước chân ban mai của người nông dân lịch kịch chiếc xe trâu, đã thành đốm lửa ấm của bài thơ, khiến cho người đọc có thể đạt tới sự cảm khoái hoan lạc về trí tuệ.
Chính điều này đã làm nên hấp dẫn của bài thơ hay, và một phẩm chất thi sĩ riêng của Inrasara, cho dù thơ Inrasara mang giọng buồn, đơn côi, không mấy khi reo vui mừng rỡ. Không vui, nhưng không hề ảm đạm, buồn sầu, thơ Inrasara mang vẻ đơn côi bi hùng như tháp Chàm vẫn cứ sừng sững độc trọi giữa bao la trời đất muôn đời…
*
Trong Tuyển tập văn học Dân tộc & Miền núi III, Nxb.Giáo dục, H., 1999.