Triết lí con nhím

Cứ tạm coi đây là triết lí vụn về xã hội, để trả lời câu hỏi do thực tế xã hội đặt ra. Bởi, chỉ có thể giải quyết vấn đề nào đó, dù nhỏ bé vụn vặt tới đâu, nó cũng phải được đặt trên nền tảng nào đó. Nhiệm vụ của triết lí là đặt nền tảng cho câu hỏi.

Người Chăm hay nói: “Cam drei lihik đoàn kết”. Chú bác ta, các bậc đàn anh ta nói vậy, lâu lắm. Nay, một bạn trẻ lại nói:
“Thanh Niên Chăm ngày nay không đồng bộ và quá rời rạc. Hầu như tất cả chúng ta đều nhận thấy rất rõ sự rời rạc lỏng lẻo giữa những nhóm nhỏ với nhau. Ai cũng ước muốn cùng nhau xích lại gần hơn nhằm tạo thành một khối vững mạnh thống nhất. Tiếc thay, những điệp khúc này được lập đi lập lại từ khá lâu, nay vẫn còn vang vọng”.

1. Chớ vội phán xét nó đúng/sai. Bạn và tôi tạm chấp nhận nó là thực. Ý câu trên có thể tóm làm 4 ý nhỏ:
– Ai cũng có tinh thần “xích lại gần nhau”, nghĩa là: có tinh thần đoàn kết.
– Muốn, nhưng không thực hiện được, nên “không đồng bộ và quá rời rạc”.
– Ai quan tâm đến xã hội cũng hiểu, thấy thực trạng như vậy.
– Tình trạng kéo dài, từ rất lâu, mãi tận hôm nay và, chưa có dấu hiệu sẽ ngưng lại.
Như vậy, chỉ kẻ nào quan tâm đến cộng đồng mới có ưu tư như thế, thấy hiện trạng như thế, đau lòng như thế và, có thiện chí “muốn đoàn kết” như thế.

2. Câu hỏi đặt ra: làm thế nào Chăm xích lại gần nhau?
Trả lời: có thái độ sẵn sàng đến với nhau. Yêu cầu đầu tiên với bạn và tôi là: cần học biết từ bỏ.
– Từ bỏ ý định ban đầu của tôi. Tôi đừng đến với bạn bằng cái khuôn đúc sẵn, và đòi hỏi bạn chui qua cái khuôn ấy. Đòi hỏi người khác chấp nhận “cái có sẵn” ấy, như vậy là mình yêu ý kiến của mình, chứ không phải yêu cộng đồng. Kết quả: rất khó đối thoại.
– Từ bỏ tính ỷ lại, ỷ vào vai vế cha chú, chức vị hay học vị học hàm; từ bỏ cả vấn đề tuổi tác. Từ bỏ như vậy, không phải là khuyến khích kẻ khuyết “vai vế” ấy có thái độ “asuw kaduw di akauk rimaung / chó nhảy đầu cọp”, mà là để kích thích tinh thần dân chủ trong trao đổi. Vì, chỉ chấp nhận từ bỏ như thế, chúng ta mới dọn đường lắng nghe người đối thoại.
– Bỏ định kiến. Rằng anh này xưa đã phản đối tôi, chị nọ đã không bỏ phiếu ủng hộ tôi hay bác kia không chịu gả đứa cháu cho cô gái rượu của tôi,…Bỏ hết, chỉ biết rằng người đang đối diện với ta là một đơn vị Chăm!
– Cắt đứt thứ tinh thần kết bè, kéo nhóm. Tinh thần này chỉ làm rối rắm thêm vấn đề, chứ không giải quyết được gì cả. Anh em họ hàng “nghe theo” nhau thì càng nên cắt!
Khi đã từ bỏ hết, tôi và bạn sắn sàng bước vào cuộc với tinh thần đối thoại thực sự.

3. Bước thứ 3 là: Tinh thần đối thoại:
Yêu cầu cốt yếu của tinh thần đối thoại là: biết lắng nghe. Khi bạn không học biết lắng nghe, thì mọi thiện chí đều đi đến thất bại.
Hãy để cho đối tượng thoải mái xổ bầu tâm sự, u uất của họ ra. Hãy lắng nghe, và chỉ lắng nghe thôi. Đừng phản bác, cũng đừng cắt ngang (dĩ nhiên ngoại trừ các chuyên gia độc thoại), càng nên không đồng ý vội. Sau đó bạn ung dung trình bày ý tưởng của bạn: giản dị, ngắn gọn, rành mạch. Và, sẵn sàng lắng nghe phản hồi từ đối tượng. Thiết nghĩ, như thế là chúng ta đã thành công một nửa chặng đường rồi.

Chặng thứ hai là học sự khôn ngoan của con nhím.
Chăm chúng ta thiểu số, xã hội chúng ta chật hẹp, ai cũng biết rồi. Như hang nhím vậy. Các con nhím mùa đông rất cần đến hơi ấm, Chăm mình cũng vậy, nhưng nếu “xích lại gần nhau” quá thì lông chúng đâm vào mình nhau “Tagei dalah sibơr klah di kaik gơp / Răng với lưỡi làm sao tránh cắn phải nhau”, còn nếu giữ khoảng cách xa quá thì: lạnh! Vậy là chúng nằm với khoảng cách “vừa phải”. “Gap urang gap drei / Vừa người vừa ta.”
Đừng nói chi cao xa “tạo thành khối vững mạnh thống nhất”, chỉ yêu cầu đơn giản vậy thôi: triết lí con nhím, chúng ta đã làm được chưa nhỉ?
Không ai nắm trong tay chân lí. Chúng ta chỉ có thể tiếp cận chân lí, qua đối thoại cởi mở.

*
Trong Tagalau6.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *