Bùi Khánh Thế: Tiếng Chăm trên sóng điện và các vấn đề ngôn ngữ học

1. Trong thời đại phát triển khoa học kỹ thuật và bùng nổ thông tin hiện nay, một trong những yêu cầu quan trọng của truyền thông đại chúng (mass media) là làm sao cho mọi thông tin phải được phát ra không chỉ kịp thời, mau chóng nhất mà còn phải được truyền đi xa nhất, được thu nhận chính xác, trọn vẹn nhất. Để đạt được mục tiêu ấy, các ấn phẩm trên giấy (báo, tạp chí, sách) không còn giữ được ưu thế như đã từng có trong các thời kỳ lịch sử khi phát minh ra chữ viết, vật liệu để ghi chữ viết (vỏ cây, da thú, gỗ, đá có thể khắc chữ các loại v.v…) và những giai đoạn phát triển của kỹ thuật in (khắc đá, ghi trên phiến đất dẻo và nung, khắc gỗ, in litho, in typô, máy in cơ khí, sắp xếp văn bản trên máy vi tính thay cho việc xếp chữ thủ công trước khi in v.v…). Kỹ thuật truyền thông đại chúng trên làn sóng điện ngày nay đã giải quyết những khó khăn, vượt qua các rào cản về không gian và thời gian mà kỹ thuật in ấn thời đại cơ khí không vượt qua được. Điều cần nhấn mạnh là trong mỗi bước tiến liên quan tới các hình thức truyền đạt thông tin, các tri thức cho nhau trong xã hội loài người đều có sự đóng góp, có vai trò của khoa học về ngôn ngữ từ mầm mống đầu tiên, ở trình độ thấp đến trình độ cao như ngày nay. Thực ra, đó là lẽ đương nhiên. Bởi vì nhiệm vụ khoa học về ngôn ngữ xét cho cùng là nhằm làm cho sự giao tiếp bằng ngôn ngữ dưới mọi hình thức, trong đó có truyền thông đại chúng, đạt hiệu quả tối ưu nhất. Hiệu quả ấy phụ thuộc vào chỗ những người, những tổ chức dùng công cụ giao tiếp là ngôn ngữ biết vận dụng các thành tựu của ngôn ngữ học vào mục đích giao tiếp cụ thể của mình như thế nào.

2. Là một thứ tiếng trong thành phần tập hợp các ngôn ngữ Việt Nam, tiếng Chăm cũng hành chức theo sự chi phối của các qui luật chung về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và xã hội, cũng như các qui luật ngôn ngữ học. So với các thứ tiếng khác trong tập hợp các ngôn ngữ Việt Nam, tiếng Chăm có mấy đặc điểm đáng chú ý sau đây:
2.1 Trong mối quan hệ với tiếng Việt, tiếng Chăm là một ngôn ngữ dân tộc trong tương quan với ngôn ngữ giao tiếp giữa các dân tộc – ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt
2.2 Trong tương quan với các dân tộc thiểu số khác, tiếng Chăm thuộc nhóm ngôn ngữ có hệ văn tự truyền thống của một cộng đồng nhân dân từng có một nền văn hoá cổ truyền đặc sắc – văn hoá của miền đất Chămpa cổ đại (Ancient Champa). Từ khi tích hợp với vương quốc Đại Việt tạo thành nước Việt Nam hiện đại, văn hóa Champa đã góp phần làm cho nền văn hoá này trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn do đã ghi đậm các ảnh hưởng của văn hoá cổ Ấn trong thời kỳ tiếp xúc văn hoá Ấn Độ – Champa.
2.3 Tiếng Chăm hiện nay với hệ thống văn tự cổ truyền của mình là Akhar Thrah với một số biến thể Akhar Yok, Akhar Twơr, Akhar Galimưng,… đã được dùng trong nhiều thế kỷ, ghi tạc trên văn bia, biên chép trên lá cọ, giấy bản – những hiện vật văn hoá này ngày nay trở thành di sản văn hoá quí báu không chỉ của cộng đồng dân tộc Chăm mà cũng là tài sản quí của nhân dân Việt Nam. Cùng với các đền tháp, các loại phù điêu, tượng đá điêu khắc tinh xảo, những trường ca Champa là các chứng tích của một nền văn hoá đã có một thời hưng thịnh. Không phải ngẫu nhiên mà giới khoa học Việt Nam cũng như các nhà khoa học thế giới xem việc nghiên cứu văn hoá Champa cổ đại và hiện nay – Champa studies – là một nhánh không thể thiếu mà còn cần phải được đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực khoa học nghiên cứu về Việt Nam (Vietnamese studies).
2.4 Có thể nói văn hoá Champa hiện nay, theo cách nhìn của tôi, đang ở giai đoạn phục hưng trong quá trình phục hưng các giá trị truyền thống của nền văn hoá đa nguyên toàn Việt Nam. Bằng chứng là bên cạnh hoạt động phục nguyên và tôn tạo những di sản văn hoá Chăm – đền tháp, bảo tàng – do nhà nước hoặc các tổ chức quốc tế bảo trợ, những hoạt động văn hoá – xã hội truyền thống, các lễ hội, sưu tầm, hiệu chỉnh và phổ biến sâu rộng các tác phẩm văn hoá dân gian hoặc văn học cổ truyền. Một hiện tượng văn hoá đáng khích lệ là cùng với hoạt động khởi sắc của các nghệ nhân dân gian, sự xuất hiện càng nhiều hơn các văn nghệ sĩ, nghệ nhân người Chăm thuộc thế hệ trẻ đang đem lại một luồng sinh khí mới cho văn hoá Chăm với tư cách là thành tố vi mô trong tập hợp vĩ mô của nền văn hoá Việt Nam hiện đại.

3. Trong đời sống văn hoá đầy sinh khí ấy ngôn ngữ Chăm hiện nay cũng đang chuyển mình để làm tròn chức năng là công cụ giao tiếp của cộng đồng dân tộc Chăm, văn hoá Chăm trên đất nước Việt Nam đang đổi mới và phát triển.
3.1 Theo các chứng tích được ghi lại, đó là một ngôn ngữ được dùng giao tiếp trong phạm vi cộng đồng, hoặc giao tiếp với các cộng đồng dân tộc lân cận, một ngôn ngữ và chữ viết dùng trong văn chương, ghi tạc trên bia đá, vách đền về những biến cố lịch sử, sự tích có tính sử thi, các loại kinh nghiệm và ứng xử trong đời sống …. Khoảng giữa thế kỷ XX tiếng Chăm Akhar Thrah được đưa vào chương trình giáo dục, là đối tượng nghiên cứu và miêu tả, biên soạn từ điển, sách ngữ pháp và một số bài vở, chuyên luận nghiên cứu khác.
Song song với hoạt động đó, các nhà văn hoá Chăm thuộc thế hệ mới từ mấy thập niên gần đây đã có những cố gắng làm cho tiếng nói Chăm và chữ viết Akhar Thrah thích nghi với sự phát triển của cuộc sống cộng đồng Chăm trong thời đại mới. Và sự cố gắng đó đã và đang mang lại những kết quả đáng khích lệ, tiêu biểu là thành công đã được xã hội công nhận của những nhà nghiên cứu, nhà văn hoá, những văn nghệ sĩ như: Inrasara, Thành Phần, Bá Trang Phụ, Phú Văn Hẳn, Amư Nhân, Đàng Năng Quạ, Thành Văn Sưởng, Văn Món (Sakaya) v.v.
3.2 Trong quá trình hành chức để đáp ứng các nhu cầu xã hội bản thân tiếng Chăm cũng đã có những bước phát triển về nhiều phương diện. Về mặt lý thuyết, khi nói đến sự phát triển của một ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học ngụ ý đến sự thay đổi về cấu trúc theo hướng gia tăng khả năng biểu hiện, thay đổi về tác dụng xã hội của ngôn ngữ theo hướng mở rộng phạm vi hành chức. Sự kiện tiếng Chăm trở thành một trong 20 ngôn ngữ, ngoài tiếng Việt, có tiếng nói trên làn sóng điện từ đài phát thanh trung ương, thành phố lớn Tp.HCM, đến địa phương như hiện nay rõ ràng là một bước phát triển quan trọng về tác dụng xã hội của ngôn ngữ này. Nhìn lại giai đoạn từ khi nước nhà giành lại nền độc lập cho đến nay chúng ta có thể nhận thấy tiếng Chăm trên bình diện xã hội đã có những bước tiến đáng mừng. Tạm nêu vắn tắt giai đoạn bản lề giữa 2 thế kỷ XX và XXI chúng ta cũng có thể nói đến một số thành tựu rất có ý nghĩa mà tiếng Chăm và chữ Chăm Akhar Thrah đã đạt được trong lĩnh vực giáo dục phổ thông (biên soạn và phổ biến sách giáo khoa, sách phổ biến khoa học, giảng dạy trong hệ thống giáo dục tiểu học), lĩnh vực sáng tác và xuất bản, phổ biến rộng rãi di sản văn hoá truyền thống Chăm, và hiện nay trên làn sóng phát thanh. Sự ra đời của Tagalau khởi đầu từ Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm (2000), đến nay loại hợp tuyển này đã lên đến 7 số với nội dung và thể tài ngày càng phong phú, đa dạng. Những gì đã công bố trong các hợp tuyển này cho thấy, nội dung cũng như hình thức của Tagalau không chỉ góp phần vào sự tinh luyện ngôn ngữ Chăm qua các bài viết bằng tiếng Chăm, mà cũng làm giàu thêm cho tiếng Việt qua các sáng tác hoặc bình luận được công bố dưới hình thức Việt ngữ
3.3 Cũng như mọi ngôn ngữ khác, khi tiếng Chăm vươn tới một lĩnh vực hành chức mới, những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới lại xuất hiện đòi hỏi phải bổ sung vốn từ, linh hoạt về cách diễn đạt … mà ngôn ngữ này phải đáp ứng để thoả mãn các nhu cầu giao tiếp mà trước đây chưa có. Nhiệm vụ và yêu cầu đó được qui định bởi đặc điểm của phương tiện truyền thông đại chúng: nội dung thông tin được phát ra và truyền đi bằng âm thanh với lượng thời gian được giới hạn chặt chẽ. Mặt khác lượng thông tin ấy cần làm sao để cho sự tiếp thu bằng thính giác có thể nhận được càng trọn vẹn càng tốt. Thính giả – nếu đó là phương tiện truyền thanh – hoặc thính giả kiêm khán giả – nếu đó là truyền hình – của các buổi truyền thanh, truyền hình gồm đủ các thành phần xã hội. Do vậy, ngôn ngữ của truyền thanh, truyền hình cần súc tích, chính xác, thoả mãn được yêu cầu thông tin, yêu cầu khoa học và đại chúng. Ngôn ngữ của truyền thanh, truyền lại phải đạt một yêu cầu quan trọng nữa là giúp cho người tiếp nhận đồng thời với nội dung thông tin và khoa học, còn có thể học tập về hình thức ngôn từ biểu hiện, tức là lời ăn tiếng nói dùng trong các bản tin, các phóng sự bằng lời hoặc lời nói kèm theo hình ảnh. Điều này có lẽ ít được lưu ý. Trong khi đó, trên thực tế phương tiện truyền thanh truyền hình góp phần rất quan trọng vào việc thống nhất ngôn ngữ, chuẩn hoá ngôn ngữ và làm phong phú một ngôn ngữ. Có thể nói đó là tác dụng giáo dục ngôn ngữ cho cộng đồng, bên cạnh tác dụng mở rộng tri thức, giáo dục tình cảm của hình thức truyền thông đại chúng này.
3.4 Đứng trước các yêu cầu, đòi hỏi đối với ngôn ngữ phát thanh, truyền hình cũng như các đặc điểm của ngôn ngữ phát thanh truyền hình nói chung, ngôn ngữ học có nhiệm vụ góp phần giải quyết các vấn đề sau đây :
a. Ngữ âm chuẩn (hay ít nhất cũng là cách phát âm phổ biến giữa các vùng cư dân Chăm) được dùng trong các buổi phát thanh, truyền hình (được thể hiện qua các quan điểm cụ thể xung quanh việc lựa chọn phát thanh viên và âm thanh tiếng nói các vùng Chăm).
b. Vấn đề chữ viết dùng để viết các bản tin, bài phát thanh (tiếp nhận và dung hoà, thống nhất các quan điểm về việc bảo tồn văn tự thống nhất Akhar Thrah và nhu cầu ghi tin nhanh không chỉ của phóng viên đài, mà cả của công tác viên).
c. Vấn đề bảo đảm tính truyền thống, sự phát triển và tính quần chúng của vốn từ ngữ được dùng trong các buổi phát thanh, truyền hình – vấn đề biên soạn từ điển phục vụ cho nhiệm vụ phát thanh, truyền hình. Trong việc sử dụng ngôn từ trong phát thanh truyền hình cần quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ rút từ các tác phẩm văn học truyền thống, văn hoá dân gian, và cả ngôn từ rút từ những ấn phẩm ở thời kỳ phát triển hiện nay (chú ý vai trò cần được nâng cao của Tagalau).
d. Vấn đề giáo dục ngôn ngữ cho công chúng của các buổi phát thanh, truyền hình là người Chăm và người các dân tộc khác. Cần có kế hoạch đưa việc dạy tiếng Chăm, chữ Akhar Thrah trên làn sóng điện như một trong những nội dung thiết thực của chương trình phát thanh; liên quan đến nhiệm vụ này là việc lựa chọn các sách dạy tiếng Chăm hiện có hoặc có kế hoạch biên soạn tài liệu dạy tiếng Chăm trên làn sóng điện.
 
Chắc chắn để góp phần thiết thực cho chủ trương và việc làm nhằm bảo đảm hiệu quả tốt nhất cho nhiệm vụ đưa tiếng Chăm lên làn sóng điện, ngôn ngữ học cần có đóng góp thiết thực và lâu dài. Mặt khác chính qua hoạt động này mà ngôn ngữ học tích luỹ thêm được các bài học mới, phát hiện ra những vấn đề lý thuyết mới làm phong phú thêm cho thành tựu ngôn ngữ học Việt Nam trong một lĩnh vực quan trọng của đời sống ngôn ngữ ở Việt Nam.

Tháng 08/2006

*
Trong Tagalau08

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *