Trinh Đường bình Đoản khúc chiêu hồn

Inrasara
ĐOẢN KHÚC CHIÊU HỒN

Người nằm bên bờ xanh – buổi chiều trận mạc
người nằm bên bờ xanh – tóc người còn xanh
da người còn tươi – môi người còn thơm
một mùi thơm của cây, của đất.

Người nằm bên bờ hoang – người không còn tên
người Thái, người Miên hay Việt Nam
người nằm phơi trần trinh thể xác
nguyên sơ như người thuở hồng hoang.

Tôi nghiêng xuống xác người chiều binh đao
tôi soi đời tôi trên vầng trán người xanh xao
tôi soi thế hệ tôi trong đôi mắt người ngây dại
soi con đường trần gian dưới bàn chân người mòn hao.

Có phải người về đây từ một nơi rất xa
nơi có người yêu chờ người qua hai bàn tay bão táp.
nơi có người cha già trầm tư trên vòm tóc bạc
dõi bước chân người đi rất xa rất xa.

Có phải người về đây từ một nước văn minh
một quốc gia chuyên dinh dưỡng bằng những trận chiến tranh
hay người bỏ về đây từ một mái tranh rách nát
để tự nuôi thân người bằng đồng lương lính mong manh.

Bình an, bình an
ngày mai tôi đưa người vào nghĩa trang
đưa một phần người tôi đi quan san
đưa nửa dòng sông căm thù nhân loại
đưa cuộc tình đi li tan li tan.

Người nằm bên bờ hoang – người không còn tên
không còn đau thương cho người lãng quên
không còn tương lai cho người hoài bão
chỉ còn người nằm đó – trinh nguyên.

*
Lời bình – Nhà thơ Trinh Đường

Bài thơ viết năm 1978, sau giải phóng miền Nam, nên rõ ràng người hy sinh không phải trong kháng chiến chống Mỹ. Nhưng truy cứu làm gì điều này khi trên quả đất đầy xô xát này còn vô số “người nằm bên bờ hoang buổi chiều trận mạc” như người này, da còn tươi, môi còn thơm và tuổi cũng còn thơm mùi của cây, của đất.
Người xấu số ấy còn lại gì đâu. Không còn được về sa vào bàn tay bão táp của người yêu, không còn biết mái tóc bạc của cha già dõi theo mình từ xa, hơn thế, không còn cả tên, cả căn cước, cả quốc tịch, nguyên sơ như từ thuở hồng hoang chưa có cả vỏ cây, da thú che thân.
Trước cái xác người một chiều binh đao ấy, tác giả lấy đời mình, lấy thế hệ mình soi vào vầng trán xanh xao ngây dại, soi cả vào bàn chân mòn hao cát bụi đường trường. Không thấy nói soi để làm gì, nhưng để làm gì, nếu không nghĩ đến số phận mình, thế hệ mình?
Còn biết làm gì nữa, làm gì khác ngoài việc đưa người chết vào nghĩa trang, và đưa theo luôn cả cuộc tình của người ấy, và một phần đời tác giả đi quan san theo người với một lời cầu chúc bình an.
Đoạn cuối, thừa thượng tiếp hạ, nhấn mạnh thêm số phận trong tương lai của người xấu số, đến đau thương cũng không, để lãng quên đi…
Toàn bài được viết với một giọng đưa linh, giọng chiêu hồn. Lầm rầm khấn vái, lâm râm nguyện cầu trong một chiều lâm thâm mưa ướt dầm trời đất. Còn nhớ thuở lên mười của tôi, những giọng hò đưa linh, giọng chiêu hồn của thầy phù thủy, thầy cúng làm sởn cả người mà sau này tôi mới biết đó là bài Văn chiêu hồn của Nguyễn Du. Đoản khúc chiêu hồn của Inrasara có hăm bốn câu nhưng ngân dài một cung trầm, một trường đoạn không lời giữa hai nhân vật: người sống là tác giả với hồn người chết.
Bài thơ này là một hiện thực, một hiện thực tâm linh. Chủ nghĩa duy vật thừa nhận phần vật chất của xác, nhưng hồn, một siêu bản thể, một quyền năng vô hình từ đâu ra, nếu không phải đã từng tồn tại từ vật chất, vẫn ngự trị trong tâm linh mỗi người?
Bài thơ gợi mở, còn giải quyết vấn đề, tác giả hình như nhường lại cho bạn đọc.
Inrasara người dân tộc Chăm mới nổi trên thi đàn Việt Nam với hai cuốn thơ. Hiện thực mà tâm linh, phong phú nhưng có phần bề bộn, anh là cây bút có nhiều triển vọng và Đoản khúc chiêu hồn là bài thơ hay của anh.

*
Trong Thơ Việt thế kỉ XX, chọn lọc và bình, Nxb.Thanh niên, H., 1999.347.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *