Phan Trung Thành, dọc đường thơ sang kí ức sông

Đọc Mang, tập thơ của Phan Trung Thành,
Nxb.Trẻ Tp.Hồ Chí Minh, 2004.

Dòng Seine và cầu Mirabeau, cuộc tình với người tình. Sông đi và cầu đứng lại, cuộc tình tan nhưng người tình thì ở lại. Mãi mãi ở lại, cùng nỗi buồn ở lại.

Con sông nào đã xa nguồn
Thì con sông đó sẽ buồn với tôi
(Thơ Hoài Khanh)
Sự dịch biến của vũ trụ và cuộc đời tạo nỗi trống rỗng tận bề sâu tâm hồn thi sĩ. Là một trong vài loài hiếm hoi cảm nhận nỗi xao xuyến kia. Mọi nơi và mọi thời. Họ biết thế, nhưng buồn cứ buồn. Trần Tử Ngang, Apollinaire, Hoài Khanh,…
Có lẽ hình ảnh con sông gợi sự cảm nhận hơn cả về lẽ biến dịch của đất trời, vô thường của cõi thế. Chảy trôi của con nước với đứng trơ trơ gỗ-đá của cây cầu, chậm-xiết-cạn kiệt của sông bên cạnh cái thường hằng chắc nịch của hai bờ. Nhưng đây là cảm nhận từ trầm tư về vĩnh cửu…

Hôm nay, hình ảnh con sông hiện ra với Phan Trung Thành đã khác, khác rất nhiều.
Ám ảnh sông không còn là một ám ảnh siêu hình mà là hiện thực đầy cực hình từ/qua xô bồ của cuộc sống đô thị hiện đại:

Cuốn theo nhịp người đi người về
trong gió bụi mờ xa chợt thức
¬đường cong với phố ba mặt

Con người phố thị thời đại mới chạy đua với thời gian trong vòng xoay làm cật lực-có nhiều-tiêu xài ngay-vui chơi thỏa thích-để chuẩn bị làm-rồi lại chơi tiếp:
bỏ cuộc vui thừa mứa những quầy bar vỏ chai nấm mồ
móng vuốt miệng lưỡi hộp đêm và khói

Đắm chim mê mải trong thiên đường giả tạo, để rồi sáng mở mắt:
nhìn mặt trời và ngắm gương mặt những đêm mất ngủ
Họ mới nhận biết đầy đột ngột rằng mình vừa đánh mất một thứ gì đó vừa xa xôi vừa gần gũi: những con sông. Khi chợt thấy giữa phố xá những dòng sông, không phải dòng sông quê hương thời ấu thơ để anh về úp mặt tìm cảm giác ấm áp thiết thân, mà là dòng sông-đường phố, u ám và ngầu đục:
Mưa đã thành sông nhiều ngày trên đường

Đó là loại “sông không dòng chảy không dòng trôi”. Nó còn tệ hơn cả sông chết: nó bóp nghẹt tất cả những gì thơ mộng còn lại trên trần đời.

Cuộc sống thiếu thiên nhiên của phố thị hiện đại đã được dự báo từ những năm đầu thế kỉ. Hối hả, xa lạ, trống rỗng, hờ hững ….là tâm trạng chung. Những khuôn mặt vô hồn trôi từ góc phố này qua góc phố khác, phờ phạc. Những đàn ông và đàn bà đi song song, chéo nhau, hay cả dẫm đạp lên nhau, vội vã – cho kịp giờ vào xưởng, vào văn phòng, tòa soạn, hotel, cao ốc,…Bạt ngàn bảng quảng cáo nhấp nháy đèn màu mời gọi, không ai kịp nhìn. Những đường phố không cây, nếu có cũng ít ai kịp biết nó có mặt.
Tất cả trở thành xa lạ. Càng xa lạ hơn với chủng loại luôn được dự báo sắp kì tuyệt chủng: thi sĩ! Gã có đó, ngày qua ngày, từ quán cóc trôi qua quán cóc. Kí ức sông cuốn:
người đàn ông đi vào quán bia khi bắt đầu trôi trong
cơn mưa khác
Và:
…kí ức sông đưa gã dọc đường
thơ

Dọc đường thơ, gã biết vẫn còn có con sông khác, những con sông khác. Thế là thơ tiếp tục đưa gã lang thang đi “tìm nguồn sông khác” mơ hồ cuối tiềm thức. Nguồn nào? Lại là một ảo tưởng mới chăng?. Để phụng sự cho phát triển của kĩ nghệ và thương mại, dòng sông bị giết chết khắp nơi. Tất cả mọi “nguồn” đều đã chết. Đây là “mùa tuyệt chủng của dòng sông”, Phan Trung Thành la lên! Sông Lu đã chết và sông Hương cũng đang nguy cơ chết.

Hơn ai hết, thi sĩ ý thức điều đó. Nhưng khi “tiếng gió quê hương mang hơi thở của dòng sâu” thổi vào hồn anh, anh tìm trở về. Quỳ gối trước con sông, anh thề thốt rằng:
Anh chưa phải xa sông ngày nào đêm nay

Đó gần như là sự tự đánh lừa, có lẽ. Sự tự đánh lừa ở đây vừa ngây thơ vừa nhuốm màu bi hài. Bởi, sự thơ ngây đã chết. Vài chục năm qua, văn chương hậu hiện đại đá văng sự ngây thơ cuối cùng vào vùng xoáy của ý thức về thực tại với con mắt mở lớn.
Là tin lành hay dữ, chúng ta không biết được. Chỉ biết rằng con người cần sống và hi vọng nên, huyền thoại cần thiết có mặt. Thi sĩ là kẻ tạo dựng huyền thoại đó. Huyền thoại làm đẹp cuộc đời, đẹp như hành xử bé nhỏ nhưng đầy thi tính và tình người với Tiếng vỗ cánh bầy sẻ ngô:
Chục sẻ ngô mươi ngàn, người mua phóng sinh
tầm mưa bắt đầu vọng
tháng Giêng hay tháng Bảy tiếng vỗ cánh bầy sẻ
bão thanh miệng lưỡi, cám nước nuôi tiếng kêu
tiếng kêu nuôi sự sống ngoài lồng
ta phóng sinh
người bán chim mời, khẽ dụi mắt sáng đường bay vỡ
những mẩu bánh mì vụn trong lồng rỗng mây trời bay qua…
bầy sẻ ngô bay cùng tiếng vỗ
phóng sinh tiếng khóc của mình.

Dù trong cuộc xô bồ không gì hơn lộ bày sự vô độ đến vô phương cứu vãn của con người hôm nay, lắm lúc con người tưởng như không cần thơ, xua đuổi, chà đạp thơ, thơ vẫn cần thiết có mặt: có mặt cho họ. Sẵn sàng thò cọng hành cứu vớt linh hồn họ ở cuối chặng của buồn chán và tuyệt vọng.
Ngày về nhìn sông ta ngồi thơ trên đá

“Ngồi thơ trên đá”, thi sĩ cúi xuống dòng sông quê hương: dòng sông tìm thấy lại. Như sông Lu tuổi thơ tôi từng dự cuộc lễ tẩy trần. Cho dù đã chục năm qua nó đã trở thành thứ mương tháo vô dụng, nhưng với tôi sông Lu là vĩnh cửu, nó nuôi sống hồn thơ tôi những tháng ngày làm tha hương:

…sông Lu ẩn mình trong
tôi khi tôi bỏ làng đi lang bạt,
lần nữa sông Lu lại ra đời với
tôi ngày trở về. Đừng ai hỏi sông
Lu ở đâu, đất Phan Thiết sông Lu
lớn dậy chảy ngang trời Sài Gòn bay
Tokyo, sông Lu tắt Baghdad
hát cùng Euphrates…
(thơ Inrasara)
Khắp mọi nơi bước chân ta lang bạt tới, ta đều bắt gặp dòng sông. Nó mang tên gì ta không cần biết, miễn nó là dòng sông cho ta “ngồi thơ”. Dẫu nó chảy ở phương trời nào, ta cứ gọi nó là sông Hương, sông Lu,…nơi ta từng xuống tắm, nhảy giỡn: con sông-kí ức tuổi thơ đầy tràn kỉ niệm ngọt, để:
từ đáy sông trôi về con chép cỏ
vẫy đuôi vàng phố giao thương

Bao năm miệt mài dọc đường thơ đi tìm, Phan Trung Thành đã rời bỏ “những ngày vắng sông” để cuối cùng bắt gặp dòng sông quê hương. Sông ấy đã thôi làm “không dòng chảy…không dòng trôi” để thi sĩ phải “hóa mùn”. Nó cứ chảy, chảy mãi….
Sàigòn, 10.05.2005.

*
Tc.Sông Hương, số197, 07.2005.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *