Trần Lê Văn, đọc Tháp nắng

Lần giở những trang thơ Tháp nắng, tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh những ngọn tháp Chàm tôi đã được gặp cách đây không lâu, trên đường thiên lí, ở chặng đường phía Nam Trung bộ. Những ngọn tháp sẫm màu thời gian, đứng lặng lẽ uy nghi, chứng tích của một nền văn hóa phồn vinh và độc đáo.
Đọc Inrasara, tôi thấy rõ anh là một nhà thơ dù gót chân đã phiêu lãng tới phương Đông, phương Tây xa xôi nhưng vẫn mang trong hồn cái tinh túy của nền văn hóa ấy.
Tập thơ Tháp nắng dày chưa tới một trăm trang in nhưng sức chứa của nó ăm ắp đầy… Là tháp, ngọn nó khá cao; là nắng, độ nhiệt nó khá mạnh.
Inrasara đến với chúng ta rất hồn nhiên, tự “bóc trần trái tim mình” – như cách nói của Baudelaire – cho chúng ta đồng cảm. Anh tự khắc họa chân dung mình sâu sắc và chân chất biết bao trong bài thơ “Đứa con của đất”:

Tôi,
đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao.

Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn
cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glơng Anak
ong nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết
plây nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu

“Đứa con” ấy sinh ra từ cái đất quê ấy.
Thoáng nghe đã thấy hơi thở của một vùng trời cao biển rộng phóng khoáng vô cùng, cũng vô cùng vất vả, gian nan.

Đất quê đã nuôi dưỡng tâm hồn “đứa con” bằng chất mầu tích lũy hàng bao nhiêu thế kỉ. Chất mầu đó là tiếng nói dân tộc, là những ngạn ngữ ca dao, những huyền thoại, truyền thuyết thấm vào hồn người từ thuở còn thơ. Chất mầu đó là những chim muông cây cỏ, là tiếng sáo diều trầm bổng, tiếng mõ trâu lóc cóc chiều quê. Tác giả gọi buôn làng mình là plây, khiến tôi nhớ tới những buôn làng ở Tây Nguyên mà nhiều nhánh dân tộc cũng có họ xa họ gần với đồng bào Chăm.
Thơ Inrasara bắt nguồn rất sâu, rất xa từ văn học dân gian quê nhà. Từ cái nguồn đó, đã thu được những ánh nắng mới, những âm thanh mới. Cho nên cái chất cổ xưa và cái chất cổ đại gặp nhau rất hòa hợp trong thơ anh.

“Đứa con của đất” lớn lên dù có lúc thở than: “…Tôi lạc mất tôi”, lạc mất những điệu múa đất mẹ, nhưng tôi rồi lại reo mừng là đã tìm lại được mình và:
Tìm thấy nắng quê hương!
Quê hương! Quê hương! Cái tiếng gọi thân thương ấy khi thì reo lên trong hữu thức, khi thì thầm lắng trong tiềm thức hay vô thức của ta. Trừ những kẻ vong bản, ai là người không có quê hương, không yêu quê hương. Có nhà thơ nào không dành những lời ngợi ca tâm huyết cho quê hương. Ở Inrasara thì sự nặng tình quê hương đã trở thành khúc hát lúc rộn rã, lúc u trầm, nghe sao mà say sưa, da diết!
Bàn chân người lữ thứ dù đi đến đâu cũng không quên “Đường trở về” vì luôn luôn văng vẳng bên tai :
Tiếng gọi vọng về từ cố quận quen thân
Hay tiếng gọi dội từ thành tim tư lự
.

Thế là tiếng gọi của cố quận (quê cũ) cũng là tiếng gọi của trái tim. Nhà thơ đã đồng nhất quê hương với trái tim mình. Đến Đôi mắt em – đôi mắt của người thương – cũng trở thành đôi mắt của quê hương mãi mãi theo dõi bước người đi.
Nghĩ đến quê mình, bao giờ Inrasara cũng thấy sừng sững trong tâm tưởng cũng như trong thực tại một biểu tượng của đất quê. Đó là Tháp nắng:

Biết mấy vạn đời rồi tháp nắng
Trên đồi hoang như dấu lặng phơi bày

Tháp đứng “phơi bày” vững vàng như thế trong thời gian mênh mang và không gian trơ trụi :
Không một bụi cây – không một cụm mây
Bao la nắng và mênh mông cát

Có lúc nhà thơ “vờ như (tháp) không có” – trong trạng thái giống như trẻ nhỏ chơi ú tim – để rồi òa vui trông thấy:
Thoáng sát na không gian bùng vỡ
Tháp hiện nguyên hình / tháp nắng / thênh thang

“Sát na” là chữ của nhà Phật, chỉ một thoáng ngắn hơn cả ánh chớp, con mắt trần gian cũng đủ thấy cái nguyên hình vĩnh cửu của Tháp nắng. Lời thơ nói rất hay về sự đối lập giữa cái chốc lát của những đời người và cái vĩnh cửu của những giá trị văn hóa do chính con người sáng tạo nên.

Một biểu tượng trong biểu tượng là “Apsara – Vũ nữ Chàm”. Người nghệ sĩ tài hoa đã “hoài thai” cái đẹp, đã mang trong mình:
Nỗi mơ nung nấu ngàn đời khôn nguôi
Và đã gửi vào đá:
Đường cong diễm ảo chơi vơi
Sát na thành thường trụ
Cho nhân gian nửa đất trời nhớ thương

Hình hài vũ nữ đã thăng hoa. Tưởng rằng cái đẹp ấy chỉ xuất hiện chốc lát rồi tan biến vào hư không, hóa ra nó lại còn mãi với thời gian. (Thường trụ lại là chữ của nhà Phật, chỉ sự tồn tại vĩnh cửu, khác với sự vô thường của mọi sự, mọi vật trên thế gian). Trái tim tư lự của Inrasara rất trầm lắng nhưng không hẹp hòi. Với tầm mắt quảng bác, anh nhìn vẻ đẹp văn hóa của một vùng quê trong vẻ đẹp văn hóa của một đất nước. Trên dọc dài đất nước, anh đã đi và đã bắt gặp sự giao lưu văn hóa cổ truyền Chàm – Việt, Việt – Chàm ở nơi này nơi khác. Từ “khóm dừa Yên Sở” (Hoài Đức, Hà Tây) đến “giọng Nam Ai xứ Huế”. Từ “những makara, garuda trên tháp đền Hà Nội” đến Yang Praung, ngôi tháp ở Tây Nguyên cho đến “màu da bánh mật” của những chàng trai Sài Gòn…
Ôi! Xúc động biết bao nhiêu khi mà thơ nhắc đến địa danh cổ: Châu Lí, Châu Ô và:

Thương Huyền Trân bước nhỏ ngập ngừng
Công chúa Huyền Trân lại cũng đã trở thành một biểu tượng. Biểu tượng của sự hôn phối giữa hai dân tộc Việt – Chăm. Hai dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam gồm nhiều dân tộc anh em.
Tập thơ Tháp nắng của Inrasara gồm ba chương phong phú. Thơ có, trường ca có, đoản khúc có. Mạch thơ tuôn chảy dồi dào. Tuy ý tứ thơ, cảm hứng thơ không thể tóm lược nhưng ấn tượng để lại cho người đọc vẫn là tình yêu sâu nặng với quê hương ca hát bằng tiếng thơ đằm thắm, cội nguồn cổ kính mà âm điệu tân kì.

*
Báo Văn nghệ, số 27, 04.07.1998.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *