Lý Đợi thực hiện
Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, tiểu luận – phê bình, Nxb.Văn Nghệ, Tp.HCM; Trường ca Chăm, sưu tầm – nghiên cứu, Nxb.Văn Nghệ, Tp.HCM; Tục ngữ Ca dao – Tục ngữ – Câu đố Chăm, sưu tầm – nghiên cứu, Nxb.Văn hóa Dân tộc, HN; Chân dung cát – tiểu thuyết, Nxb.Hội Nhà văn, HN; Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, Nxb.Hội Nhà văn, HN. Tagalau7, Nxb. Văn nghệ, Tp. HCM… Đây là 6 tác phẩm mà Inrasara cho xuất bản riêng trong năm 2006, những cuốn khác thì còn “nằm chờ” giấy phép ở các Nhà xuất bản. Dưới đây là một vài tâm sự mới của nhà thơ này, như là cách để anh nhìn lại chặng đường hơn 5 năm đầu của thế kỷ 21.
Lý Đợi: Cùng một câu hỏi mà tôi đã gởi cho nhiều người: Trong khoảng 5-7 năm đầu của thế kỷ 21, trong văn học, anh cảm thấy mình đã phát hiện ra những điều gì thú vị? Những điều gì “bi đát”?
Inrasara: Nói phát hiện thì hơi quá, tôi chỉ thấy những gì có lẽ mọi người cũng đã nhìn thấy. Ví dụ như làn sóng thơ nữ trong cuộc nổi loạn cắt đuôi hậu tố “nữ”, nỗ lực tự làm mới mình của thế hệ đổi mới vẫn tiếp tục hành trình không mệt mỏi của mình. Sau đó là thế hệ tiếp nối với các tên tuổi: Phan Nhiên Hạo, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Hoàng Tranh, Phan Bá Thọ,… và nhất là sự xuất hiện của Nhóm Mở Miệng ở Sài Gòn cùng sự ra đời hàng loạt tập thơ “xuất bản” photocopy. Sự hình thành và phát triển của các Website văn học cũng là điều thú vị khác. Riêng phần mình, cái rất lạ và khá lí thú là dù học vi tính hơi muộn nhưng tôi chợt nhận ra mình không thể sáng tác bằng bút được nữa, dù là viết một bài thơ ngắn! Bi đát ư? Cũng nhiều không kém. Đó là mãi đến hôm nay, vẫn có kẻ còn mang mặc cảm dị ứng với cái mới. Trong đó một bộ phận không nhỏ những người sáng tác trẻ, hoặc do chưa hoặc đã tiếp cận các hệ mĩ học văn chương mới nhưng bởi não trạng hay cái gu, nên không thể tiếp nhận sáng tác mang tính cách tân, khác lạ với cái từng có trước đó. Đã đành! Nhưng chính ý định/toan tính loại trừ bạn đồng nghiệp khỏi diễn đàn văn học mới là điều bi đát thê thảm hơn cả.
Lý Đợi: Mối Tương quan, Tương tác giữa Tác giả – Diễn đàn – Độc giả – Nhà phân tích, phê bình… được anh nhìn nhận như thế nào?
Inrasara: Chưa có mối tương quan, tương tác nào được thiết lập giữa các đối tượng trên cả đâu. Nguyên do: chúng ta vẫn chưa có diễn đàn đúng nghĩa. Vẫn còn đó sự phân ranh tác giả ngoài luồng/chính lưu, trong nước/hải ngoại, là/chưa là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam,… Và dĩ nhiên phần thiệt luôn thuộc về phía ngoại vi. Các loại báo chuyên như: Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Tạp chí Nhà văn,… thật sự vẫn chưa nhiệt tình nghe ý kiến trái ngược với mình. Độc giả văn học chưa được nhà trường trang bị tri thức về hệ mĩ học mới; và nhất là, thông tin đại chúng các loại chẳng những ít tạo điều kiện cho họ tiếp cận với mà còn canh chừng, dị nghị cái mới, nên dù nhiệt tình và thiện chí mấy, họ cũng khó tiếp nhận được các sáng tác mang tính cách tân. Còn phê bình ư? Người ta đã than phiền về lãnh vực này nhiều rồi. Nhưng cái đáng nói hơn cả là rất ít nhà phê bình chịu đồng hành với văn học đương đại để có thể song thoại sòng phẳng với cái mới. Đa số bài điểm sách được viết qua loa như thể làm cho xong cái phận sự của đơn đặt hàng. Ở đó người đọc không nhìn ra đâu tác phẩm và bút pháp mới, mà chỉ thấy sinh hoạt riêng tư của tác giả với những giai thoại được phô bày, lê thê kể lể. Bao nhiêu là giai thoại!
Lý Đợi: Có lần anh nói, năm 2006 Inrasara chỉ dành cho phê bình – mà cụ thể là lập biên bản văn học. Thông tin này thế nào, tại sao anh lại làm thế?
Inrasara: Sau Lễ tẩy trần tháng Tư (2002), tôi tắc! Không cách nào cựa quậy được. Thế là tôi bắt đầu tìm đọc tác phẩm lí thuyết văn chương mới. Không đọc các tác gia lớn nữa, mà “nghiền ngẫm” các bạn trẻ. Từ Mở Miệng cho tới Ngựa Trời, từ Nguyễn Hoàng Nam, Lê Ðình Nhất-Lang, Lê Nghĩa Quang Tuấn cho đến tận Lynh Bacardi, Trương Quế Chi,… Tôi chấp nhận tất cả sáng tác của họ, cả cái bị cho là dị hợm, tào lao nhất. Tôi thấy cuộc văn chương (đúng hơn: thơ) hôm nay rất mực sôi động. Cần có kẻ ghi nhận chúng! Riêng tôi, tôi lập biên bản chúng là cho tôi, vì việc sáng tác của tôi. Qua đó, bên cạnh biết mình đang đứng ở đâu, đang rớt lại thế nào trong dòng chảy của thơ ca hôm nay, nó còn tác dụng kích thích tôi dấn tới nữa.
Thế là tôi nhập cuộc. Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (2006) ra đời sau học hỏi, tiếp cận và lập biên bản đó. Nó là tập hợp bài viết từ năm 2000, đã đăng trên các báo trong và ngoài nước. Nó nhất quán trong suy tư của tôi: phơi bày bức tường ngăn văn chương ngoại vi/trung tâm với bao nỗi giả tạo và bất công của nó. Thế nhưng, bởi lí do tế nhị, nhà xuất bản đã tạm gác lại vài bài trong đó không ít bài đinh. Do đó tôi thấy mình vẫn còn nợ, chưa quyết toán vấn đề. Và dĩ nhiên – tiếp tục chương trình thôi!
Phê bình của tôi không là phê bình bênh vực hoặc trù dập, khen chê, mà là lập biên bản hiện trường mọi hiện tượng thơ hôm nay, cố gắng tìm cái hay đồng thời ghi nhận sự bất cập của nó. Ví như, dù rất hào hứng với Ngựa Trời, nhưng cũng cần nêu lên vụ “thiếu một suy tư nền tảng” của Nhóm thơ này. Vi Thùy Linh nữa. Có lẽ Vi Thùy Linh là nhà thơ có mùi đậm, đậm hơn cả mọi khuôn mặt thơ nữ trẻ khác – mùi văn, bắt chước Nguyễn Hưng Quốc nói thế –, nhưng đòi hỏi thơ Linh gánh vác trọng trách như “biểu tượng giải phóng phụ nữ trong văn học” là một đòi hỏi quá tải. Cần lập biên bản và nghiêm chỉnh chỉ ra các bất cập đó. Dù chúng là sáng tác ngoài luồng hay chính thống, in báo giấy hay đăng trên mạng. Dù chúng có cùng hệ sáng tác với tôi hay không. Tồn tại của văn chương không loại trừ mà là bổ sung nhau. Cuộc cạnh tranh thơ ca hôm nay cũng thế, nó cần có môi trường lành mạnh, để các giọng thơ, các trào lưu, hệ mĩ học khác nhau cùng tồn tại và tranh đua, đẩy nền thơ ca Việt dấn tới.
Lý Đợi: Với sáng tác và nghiên cứu, giới hạn tài năng hay sự “tịt ngòi” có không? Anh thì sao?
Inrasara: Có. Chuyện tịt ngòi, tôi đã trình bày khá cặn kẽ trong tiểu luận “Bế tắc trong sáng tạo” rồi. Chỉ xin tóm tắt:
+ Bế tắc có thể do người viết nghèo ngôn ngữ hay ý tưởng, cạn đề tài; cũng có thể do tuổi tác hoặc gánh nặng xã hội với quá nhiều trách nhiệm lỉnh kỉnh đè lên thân xác hèn yếu khiến chúng ta mệt mỏi. Cạnh đó, bế tắc còn do nỗi tự thỏa mãn quá sớm.
+ Có thứ bế tắc do tác động từ bên ngoài: xã hội hay văn chương. Dạng này thường xảy đến với các nhà thơ trẻ. Đứa con tinh thần mở mắt chào đời bị dư luận chụp cho cái mũ: đồi trụy, khiêu dâm, phản động hay lai căng gì gì khác. Hãi sợ, người tuổi trẻ đầu hàng hay chạy thoát thân sang lãnh vực khác lập danh.
+ Văn hóa văn chương cũng góp công sức không nhỏ vào bế tắc chung của đại đa số kẻ sáng tạo. Thiếu tính chuyên nghiệp, dị ứng với cái mới; ý hướng sáng tác đưa văn chương ra chệch khỏi chân trời văn chương: văn dĩ tải đạo chẳng hạn hay, sử dụng thơ ca phục dịch cho mục đích nào đó, đôi khi quá ư thực dụng.
Bế tắc, ai mà tránh khỏi. Được cái, bởi làm nhiều việc khác nhau, nên tôi có lối thoát riêng. Bế tắc, tôi thay đổi công việc: viết tiểu thuyết, tiểu luận-phê bình hay cùng lắm: dịch. Văn chương Chăm thì tạm ổn rồi (Tủ sách Văn học Chăm, 10 tập gồm khoảng 5000 trang, bản thảo về cơ bản đã xong, sẽ tuần tự ra đời trong 5 năm tới, trong đó Trường ca Chăm và Tục ngữ – Ca dao – Câu đố vừa ra khỏi nhà in), nên tôi lôi hai vị mình yêu thích: M.Heidegger, R.Char ra dịch lại. Và rồi, lên máy bay, tàu lửa hay xe máy, xe đạp, lang thang và lang thang. Bao nhiêu thành phố, làng mạc, con người, nền văn hóa xa lạ vẫy mời đòi khai phá. Tứ thơ lại ùa tới… Tôi có thói quen ghi chú thơ trong các cuộc lang thang như thế. Rãnh, tôi đóng cửa và làm một hơi cho đến khi xong tập. Tôi nghĩ chính điều đó giữ nhịp điệu thống nhất cho tập thơ. Chứ tập thơ không là các bài thơ lẻ được tập hợp lại.
Lý Đợi: Điều này có khi nào xuất phát từ quan niệm?
Inrasara: Có – nhất định là như thế. Khi ta cứ quan niệm thơ ca là thực thể bất di bất dịch thì ta rất dễ rơi vào bế tắc. Lắm khi bế tắc mà không tự biết, ta cứ làm tới. Từ đó các bài/tập thơ nhàn nhạt cấp tập chào đời rồi… được cho vào “nghĩa trang chôn xác chữ”.
Lý Đợi: Nhận diện về thuộc tính của văn học Hậu hiện đại trong văn học Việt (trong nước & trên thế giới)? Cách nhìn này của anh có gặp “sự đối đầu” về quan điểm không?
Inrasara: Nói là lập biên bản, nhưng đôi lúc tôi cũng có đưa ra nhận định. Ví dụ dù cho rằng cuộc văn chương hôm nay khá sôi động, nhưng tôi tin chắc “[S]ẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần” (tên một tiểu luận của Inrasara). Bởi: “Một cuộc cách mạng văn chương cần hội đủ 4 yếu tố: Trước hết: họ là những kẻ sáng tác cùng thời, cùng quan điểm sáng tạo có khả năng dựng nên một trường thơ (như Trường Thơ loạn đất Bình Định thời Tiền chiến); thứ hai: chính họ phải lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm mình; thứ ba là nhóm thơ ấy có được diễn đàn độc lập; cuối cùng: cần có một lớp độc giả được chuẩn bị tinh thần và tri thức để sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ”. Cả 4 yếu tố đó, chúng ta đang thiếu, thiếu lớn! Nghĩa là chúng ta chưa chuẩn bị gì cả.
Nỗ lực nhìn nhận các khuynh hướng sáng tác, các tác phẩm mang ở tự thân khả tính cách mạng (Hậu hiện đại chẳng hạn) là bước đầu khơi mào cho độc giả Việt quen hơi bén tiếng với không khí thơ ca xa lạ, chưa từng biết tới trong suốt lịch sử văn học nước nhà. Loại thơ này có ý định làm thay đổi một truyền thống, góp thêm một bản sắc mới vào văn hóa Việt Nam. Đó là một việc làm dễ gây phản ứng từ phía người đọc, tôi biết. Nên tôi cố gắng chọn thế đứng không “đối đầu” mà đối thoại. Hay cần thiết: song thoại. Tập tiểu luận-phê bình sắp tới của tôi mang tên: Song thoại với cái mới. Trong các cuộc nói chuyện với sinh viên hay Hội văn học-nghệ thuật các tỉnh thành, tôi đã tạo được không khí thoải mái, trao đổi học tập và “hiểu biết lẫn nhau”. Không ít vị/em còn đòi, sao nhà thơ không dạy đại học, nữa chứ?!
Nhưng dẫu thế nào đi nữa, sự nghi kị vẫn không thể tránh. Tế nhị hoặc lộ liễu – đương nhiên!
Rất ít tiểu luận của tôi được đăng trọn vẹn trên báo, tạp chí chính lưu hay được đọc nguyên văn trong Hội thảo văn chương. Nhiều lần chúng phải qua kí sinh tại các trang báo không chuyên! Có in sách, chúng cũng thường bị biên tập trao đổi lại đầy phép lịch sự: nên thế này thế này thì lợi cho nhà thơ hơn. Nhưng trớ trêu là chính vài bạn thơ trẻ lại là kẻ quyết liệt hơn cả. Không ít bạn văn chương đòi một lần gặp cái ông Sara này để nói chuyện cho ra nhẽ. Dù sau đó, tôi luôn đặt họ vào thế chông chênh dễ đổ, nhưng họ vẫn kiên trì trong tâm thế: không thể nào phó mặc các loại thơ như thế tồn tại trong thế giới chữ nghĩa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam được!
Vậy đó: vô hình chung chúng ta đang quay trở lại với nỗi bi đát đã nói ở trên. Thì làm sao có thể có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần cơ chứ, phải không?
Lý Đợi: Mô hình ước mơ, không tưởng hay do anh tưởng tượng ra cho bối cảnh Việt Nam hiện nay và tương lai là gì? Hay hỏi cách khác, theo anh thì văn học Việt Nam cần những mô hình hay động lực nào để “dấn tới”?
Inrasara: Nói đến văn học Việt Nam không thể không nói đến văn học tiếng Việt ở hải ngoại và văn học các dân tộc thiểu số. Yếu tố không thể thiếu nữa là: diễn đàn văn nghệ cởi mở. Mô hình hiện nay [tương lai gần] hay tương lai [xa] nào cũng không thể loại bỏ hai chân kiềng đó. Mô hình – có to lắm không? Bởi muốn có cái nhìn toàn diện đòi hỏi một đề cương riêng, trả lời chuyện “đại sự” chỉ qua một câu hỏi [phỏng vấn] dễ sa vào tùy hứng và bất cập. Tôi chỉ xin đề cập một khía cạnh nhỏ của vấn đề.
Nhìn gần nhất, từ hiện trạng 4 tờ báo chính của Hội Nhà văn Việt Nam:
– Văn nghệ [chính] vừa mở trang Diễn đàn văn học Việt Nam 20 năm đổi mới (Văn nghệ, số 35, 2.9.2006 và bài mở màn đã đăng ở số 36). Đây là tín hiệu tốt lành. “Diễn đàn này không nhằm suy tôn một cá nhân nhà văn nào và cũng không nhằm cô lập hay vùi dập bất kì một ai. Diễn đàn này chỉ có một mục đích duy nhất là lí giải một cách công bằng với tính xác thực của mọi phương pháp để dựng lên chân dung đích thực của nền văn học đổi mới với những phẩm tính cơ bản của nghệ thuật: tính hiện đại, tính tư tưởng, chủ nghĩa nhân văn và vẻ đẹp của ngôn từ” (Văn nghệ, số 35, 2.9.2006, tr.10). Một tin lành! Dù 4 đức tính của nghệ thuật mà BBT nêu ra kia cũng cần phải được bàn thêm hay được định nghĩa cho rốt ráo. Quan trọng là, diễn đàn “dựng lên chân dung đích thực của nền văn học đổi mới” để hướng đến tương lai, chứ không phải làm thao tác bảo tồn.
– Văn nghệ trẻ: cần giới thiệu các khuôn mặt xuất sắc của văn chương khu vực và thế giới, nhất là các khuôn mặt mới; giới thiệu đến nơi đến chốn trào lưu, hiện tượng thơ văn trong nước lẫn hải ngoại gây xôn xao [cả thật lẫn giả] dư luận.
– Tạp chí Văn học nước ngoài: bớt đi lối làm mang tính “khảo cổ” mà dũng cảm tổ chức dịch các công trình lí thuyết, các sáng tác thuộc trào lưu văn nghệ đương đại, đang nóng.
– Tạp chí Nhà văn cũng cần có diễn đàn khác nữa.
Tất cả để tạo không khí cạnh tranh công bằng và lành mạnh.
Lý Đợi: Khi có được mô hình như anh vừa nói, thì quan niệm về vai trò và nhiệm vụ của tác giả có phải thay đổi không? Quan niệm sáng tác hiện nay của anh là gì?
Inrasara: Chưa có mô hình, nên chưa thể trả lời câu hỏi này.
Tôi chỉ xin trả lời phần sau. Sáng tác từ năm 15 tuổi, mãi năm 40 tuổi mới in tập thơ đầu tay. Tôi thích và từng thử nghiệm nhiều loại thơ khác nhau. Nhưng với loại “thơ không cần biết tới nội dung” nào cả thì tôi chịu. Tôi nghĩ mỗi tập thơ, thậm chí mỗi bài thơ nhất thiết phải mang một hình thức mới [lạ càng tốt], để thể hiện ý tưởng thích hợp. Nghĩ thì vậy, tập thơ đều bắt đầu bằng từ đầu tiên, câu đầu tiên; sau đó nhịp điệu nội tại sẽ cuốn dòng thơ theo đi, đến không thể cưỡng lại. Theo tôi, nhịp điệu nội tại và không khí tập/bài thơ là rất quan trọng. Nó chính là hơi thơ-hơi thở của kẻ sáng tạo, kẻ chối từ con đường mòn, sẵn sàng phiêu lưu khai phá vùng đất mới trong và cho tâm hồn con người.
Nhưng dẫu thế nào đi nữa, thơ ca vẫn mang ý nghĩa xã hội theo nghĩa rộng nhất của từ này. Văn chương là một thái độ sống.
Lý Đợi: Quan niệm này và quan điểm về nghiên cứu văn học, văn hoá Chăm của anh có tương thích nhau không? Hay là anh đang tìm cách để dung hoá nó?
Inrasara: Con người phiêu lưu và kẻ giữ kho trong tôi dường như nẩy ra cùng lúc, và song hành. Tôi là kẻ yêu say mê ngôn ngữ. Âm vang của lời có sức lôi cuốn tôi đặc biệt, ngay từ thuở còn nhỏ. Chính sự say mê này đẩy tôi lên đường lang thang vào các làng Chăm sưu tầm văn chương-chữ nghĩa dân tộc và bắt đầu tập tò làm thơ. Rồi sau hơn 20 năm miệt mài, bộ Văn học Chăm 3 tập ra đời. Nhưng lẽ nào sống mà mãi ngoái sau lưng, dù nghiên cứu nền văn học một dân tộc còn chìm trong vùng tối như Chăm không hẳn thuần nghiên cứu hàn lâm bàn giấy!? Kẻ sáng tạo trong tôi bắt đầu nổi loạn. Hơn một lần tôi đã cho đi những gì thu thập, ghi chép được, chỉ giữ lại vài cái nhẹ nhàng. Rồi khi bắt tay vào việc, tư liệu thiếu, tôi phải làm lại. Co kéo dằng dai, không thể giải quyết cho đến quá tam thập. Cuối cùng tôi đã phải dàn hòa chúng, “dung hóa” chúng – như bạn nói: sưu tầm – nghiên cứu là để trả nợ cha ông, và biết đâu nó còn giúp tôi xả hơi sau kì sinh nở vất vả nữa! Nhưng với Chăm, tôi đâu có mỗi nhiệm vụ ngoảnh sau lưng: nghiên cứu văn chương-ngôn ngữ? Bằng việc cho ra đời TAGALAU – Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm, tôi còn mong tạo mảnh đất cho thế hệ trẻ Chăm hội nhập và sáng tác về lâu về dài nữa. Qua 7 số Tagalau, đã xuất hiện vài khuôn mặt văn chương sáng giá: Trà Vigia, Jalau Anưk,…
Lý Đợi: Theo anh thì hiện nay có bao nhiêu loại tác giả? Và mối quan hệ của họ như thế nào? Họ có đọc nhau không; hay chỉ dòm ngó nhau thôi?
Inrasara: Cứ tạm gọi tất cả người viết văn, làm thơ là tác giả đi. Dù không rạch ròi – bởi có kẻ thuộc nhóm này nhưng vẫn xâm canh sang cánh đồng nhóm khác, hay có kẻ cùng lúc cày ải trên nhiều loại ruộng khác nhau – có thể chia họ làm 4 nhóm (tạm cho vào ngoặc nhà lí thuyết, nhà nghiên cứu, phê bình văn học):
Thứ nhất là Nhóm sáng tạo, gồm những kẻ yêu văn chương đúng nghĩa: trong đó có kẻ mở đường và những con người tiếp nhận và thể hiện (“tiếp hiện” – từ dùng của Nhất Hạnh) bằng nhiều cách khác nhau con đường đó. Sáng tác của họ thúc đẩy sự tiến bộ của văn học đất nước và thế giới. Nhưng chính họ chứ không phải ai khác luôn bị dị nghị từ dư luận độc giả, giới cầm quyền cho đến Nhóm nhai lại.
Nhóm phục vụ thuộc bộ phận thứ hai: viết nhằm phục vụ một đối tượng độc giả nhất định, như Nguyễn Nhật Ánh chẳng hạn. Dẫu không đóng góp cái mới vào phát triển văn học, nhưng tác phẩm họ vẫn có ích. Nhóm này hoạt động gần như độc lập, ít va chạm hay cãi cọ qua lại nhưng lại chiếm “thị phần” cao nhất. Hầu hết tác phẩm best-seller đều sản sinh từ nhóm tác giả này.
Nhóm nhai lại chiếm số đông trong giới viết lách: họ cày nát cái cũ nhưng vẫn ảo tưởng mình đang sáng tạo ghê gớm lắm. Đại đa số tác giả thuộc nhóm này luôn định kiến và rất siêng năng dòm ngó và tìm mọi cách đẩy Nhóm sáng tạo ra ngoài lề sinh hoạt văn chương.
Cuối cùng là Nhóm kí sinh (hiểu theo nghĩa trung tính): chủ yếu gồm các tác giả viết bài báo mang hơi hướng văn chương, tạp bút, điểm sách, phỏng vấn (như bạn đang phỏng vấn tôi ấy mà!),…Thỉnh thoảng họ cũng có viết văn, làm thơ. Nhóm này ít tham vọng và ảo tưởng hơn cả, chủ yếu họ bám cuộc sống văn chương và các giai thoại xung quanh tác giả-tác phẩm. Cách viết và thái độ văn chương cũng đung đưa qua lại giữa 3 Nhóm tác giả trên.
Lý Đợi: Trong văn học, điều gì làm anh sợ nhất?
Inrasara: Nỗi ru rú không dám phiêu lưu nhưng lại mang ý đồ cản trở kẻ thám hiểm.
Lý Đợi: Và điều gì hiện nay làm anh thấy hi vọng?
Inrasara: Là sự liều lĩnh của một số cây viết.
Lý Đợi: Anh trả lời rất nhiều bài phỏng vấn, điều gì anh muốn trả lời mà người ta lại không hỏi?
Inrasara: Đây là câu hỏi độc đáo, câu hỏi cho câu hỏi. Nhưng nó chỉ có thể hỏi và trả lời duy chỉ một lần. Lạ nữa là hỏi về sự thể không bao giờ xảy ra! Tôi rất thèm được hỏi: “Nếu không là Chăm, Sara sẽ như thế nào”? – Chắc chắn tôi giải thoát khỏi mọi vướng bận sưu tầm-dịch thuật phần lớn văn bản văn học cổ điển Chăm mà tôi thật sự không yêu thích nhưng phải làm cho “trọn bộ” (rất mất thời gian, công sức); phải gánh trách nhiệm lớn/bé với cộng đồng, quá nhiêu khê và hạn chế tự do của tôi. Tôi như thể con ma thường trực bị ma sát giữa ước mơ và hiện thực. Trong lúc tôi luôn mơ mộng trở thành một hoặc hai trong ba: thi sĩ, cầu thủ bóng đá, triết gia! Khi đó, chắc tôi sẽ vùng vẫy ghê gớm lắm, ảo tưởng vậy!
Đùa vậy thôi, dẫu sao tôi vẫn là Chăm và, vẫn cứ trách nhiệm. Và kiêu hãnh nữa. Tôi đã tìm thấy sự vui thích với những gồng gánh lỉnh kỉnh của mình. Chúng làm cho tôi khoẻ lên. Tôi mong các bạn trẻ Chăm cũng có được sự vui thích như tôi từng có.
Con không thể chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay cháu đích tôn quốc vương Brunei
con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mỹ quốc
con là Chăm ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc
(còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)
khi con cắm rễ nơi đây
hay khi con lang bạt tận cùng trời
con cứ là Chăm cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời.
(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư)
Lý Đợi: Những điều anh cần nói thêm trong bài này?
Inrasara: Văn chương là chuyện hệ trọng, với người đẻ ra nó và người yêu nó. Nhưng trước vũ trụ vô cùng, nó chẳng nghĩa lí gì cả. Hôm nay, thơ đang mất độc giả. Đó là điều thực tế. Những người làm thơ đang sống co cụm trong đám ruộng nhỏ bé của mình. Chúng ta: “Cùng một lứa bên trời lận đận” cả! Nên, tôi có một điều ước: Các người làm văn làm thơ, chớ vì lí do bé mọn nào mà để kinh nghiệm đau lòng của Bùi Thy Sỹ lặp lại: “Những tưởng đầu đường thương xó chợ / Ai ngờ xó chợ cũng chơi nhau”! Hãy trân trọng tìm tòi của nhau, hãy công bằng với nhau, nếu chúng ta còn mong không bị đối xử bất công. Và nhất là: chớ dại dột/khôn ngoan dựa vào một thế lực nào bất kì để tìm cách loại trừ nhau ra khỏi trò chơi vô tăm tích này.